Friday, October 4, 2019

Bài học. Thứ Bảy ngày 5 tháng 10, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 5/10/2019 
Kinh Tất Cả Lậu Hoặc -Sàbbàsava Sutta (tiếp theo)

37. Thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ?
Không ai trong đời có thể tránh được những nghịch cảnh hay những chuyện trái ý nghịch lòng. Phản ứng thông thường là bực bội, phẫn nộ nên từ đó khiến nhiều lậu hoặc tăng trưởng. Kham nhẫn trước những điều trái ý là một bản lãnh giúp người tu tập đoạn trừ những lậu hoặc đó.

38. Những gì cần được kham nhẫn?
Kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát. 
Kham nhẫn những mạ lị phỉ báng. 
Kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. 

39. Kham nhẫn có phải là sự thúc thủ, cam chịu?
Thúc thủ, cam chịu là biểu hiện của sự yếu đuối. Kham nhẫn là một sức mạnh. Hơn thế nữa là một bản lãnh để cuộc sống không bị chao đảo trước nghịch cảnh. Không một ai dù quyền lực to lớn tới đâu có thể tránh né hay giải quyết tất cả những điều ngoài ý muốn. Khả năng chịu đựng, thích nghi là một kỹ năng quan trọng của tất cả người tu tập. 

40. Như lý giác sát để kham nhẫn là suy xét thế nào?
Có nhiều cách  như lý giác sát để kham nhẫn trước nghịch cảnh. Người tu tập có thể học theo những gì được dạy trong kinh điển và áp dụng theo kinh nghiệm cá nhân.
Một vị tăng sĩ nhẫn nại không bày tỏ phẫn uất vì tự nhắc “hình dáng ta đây khác hơn người thế tục nên không thể sân si như thường tình”
Một hành giả tu tập trong lúc thời tiết nóng bức tự nhủ: “Cái nóng nầy thật ra không hơn cái nóng của lửa trong địa ngục.”
Một người bị người khác chửi mắng nên tự nói với mình: “họ có thể đánh mình nhưng chỉ chửi mắng thôi kể ra cũng còn tốt”
Một người sống chung với người hay gây phiền phức cho mình nên thường tự tâm niệm: “người nầy tạo cho mình cơ hội tôi luyện đức nhẫn nại”
Một người sống với những khó khăn, thiếu thốn nhớ nghĩ về Đức Phật: Bậc Đạo Sư xuất thân cao quý trong cung vàng điện ngọc vậy mà Ngài từng sống trong rừng sâu, thọ dụng thức ăn khất thực, mặc y phấn tảo.. Nghĩ vậy có khả năng kham nhẫn với cuộc sống bần hàn.

41. Tại sao không kham nhẫn với những điều nên kham nhẫn sẽ làm sanh khởi các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não? 
Không kham nhẫn thì dễ phẫn nộ, khó thích nghi, khó giữ tâm an nhiên. Tất cả tạo nên điều kiện thích hợp cho lậu hoặc sanh khởi và tăng trưởng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nghịch cảnh chỉ tạo một phần khổ sở nhưng chính phản ứng không khéo khiến sự việc tệ hại hơn nhiều.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Có lập luận rằng thái độ kham nhẫn khiến xã hội chậm tiến vì dễ dàng chấp nhận những khiếm khuyết. Phật pháp có dạy sự kham nhẫn với thái độ an phận chăng?

Thảo luận 2. Những người “lì lợm” có bản lãnh nhẫn nại chăng?

Thảo luận 3. Những người “ruột để ngoài da” có nhất thiết là người chơn chất?

Thảo luận 4. Kham nhẫn là “đức tánh trời cho” hay là một khả năng có thể huân tập?

Thảo luận 5. Phải chăng một trong những tập luyện căn bản mà người xuất gia phải có là học hạnh nhẫn nại?


Thảo luận 6. Phải chăng nhìn vào tấm gương của những người chung quanh khích lệ chúng ta học hạnh kham nhẫn?



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment