Wednesday, October 2, 2019

Bài học. Thứ Tư ngày 2 tháng 10, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 2/10/2019 
Kinh Tất Cả Lậu Hoặc -Sàbbàsava Sutta (tiếp theo)

20. Thế nào là lậu hoặc phải do tri kiến đoạn trừ (āsavā dassanā pahātabbā)? 
Đó là những hoang tưởng, ngã chấp do băn khoăn về sự hiện hữu ở quá khứ, vị lai, tại. Đặc câu hỏi sai chỗ thì dẫn đến điên đảo vọng tưởng. Tri kiến có khả năng đoạn trừ những lậu hoặc nầy là hiểu biết thực tiễn khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ.

21. Câu “ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý” phải chăng chỉ cho những người theo ngoại giáo?
Sự thiếu hiểu biết không dựa trên nhãn hiệu tôn giáo. Ở đây chỉ cho người không học hỏi đạo lý chân thực, không diện kiến các bậc thánh đức, không thành thạo đạo lý, không có nội hàm cả hai phương diện học và hành giáo pháp chân thiện.

22.  Tác ý những gì không cần tác ý là suy tư những gì? 
Là suy luận về những gì vượt tầm hiểu biết của mình, từ đó, sanh ra tưởng tượng, giả thuyết, suy đoán, cả tin. Đó là những suy luận “ta đã là ai?, sẽ ra sao?, đang là gì?”
23.  Hoài nghi tam thế dẫn đến hậu quả ra sao?
Từ những suy luận vượt tầm hiểu biết dẫn đến giả thuyết, tưởng tượng, chấp kiến về bản ngã: Có bản ngã (thường kiến), không có bản ngã (đoạn kiến), bản ngã bao gồm cả linh hồn và thể xác, bản ngã chính là linh hồn, bản ngã chính là thể xác, bản ngã luân chuyển từ kiếp nầy xang kiếp khác để gieo nhân và gặt quả.
24. Những từ ngữ tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược chỉ cho những gì?
Đó là những suy diễn mơ hồ, những  lập thuyết hay giáo thuyết như thần thoại; những điều càng bàn luận càng hoang mang chỉ dẫn đến tranh cãi, trói buộc.
25. Tác ý những gì cần tác ý có nghĩa thế nào?
Là suy tư với thái độ thực tiễn: Đau khổ là gì? Nguyên nhân nào tạo nên đau khổ? Thế nào là diệt khổ? Phương cách nào để diệt khổ. Vì đau khổ là một thực tại chứ không phải là một chuyện viễn vông. Đau khổ có thể nhận biết trước mắt chứ không là điều vượt tầm hiểu biết. Có bệnh, biết mình bị bệnh, chịu chữa bệnh là thái độ thực tiễn.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Người Phật tử cũng thường nói về kiếp trước và đời sau. Suy nghĩ về quá khứ và tương lai thế nào để không rơi vào hoài nghi tam thế? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 2. Khi nói “có những lậu hoặc phải do tri kiến đoạn trừ” vậy phải chăng có những lậu hoặc cần kiến thức từ pháp học để áp chế? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Nếu một người nói rằng “đồng ý sự hiện hữu của chúng sanh là giòng sanh diệt của thể xác và nội tâm nhưng chúng ta cũng có thể gọi đó là bản ngã”. Cái nhìn đó có phù hợp với Phật pháp chăng?



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment