Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 7/10/2019
Kinh Tất Cả Lậu Hoặc -Sàbbàsava Sutta (tiếp theo)
46. Thế nào là lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn tận (āsavā vinodanā pahātabbā)?
Đó là những lậu hoặc cần áp đảo tiêu trừ ngay lúc mới sanh khởi bằng thái độ dứt khoá không chấp nhận. Những ý nghĩ bất thiện nầy nếu không xua tan lập tức thì sẽ nhanh chóng lớn mạnh hướng cuộc sống vào những hệ luỵ khó lường.
47. Những lậu hoặc cần nhanh chóng tận diệt với thái độ dứt khoát không chấp nhận đó là gì?
Đó là ba tà tư duy còn được gọi là bất thiện tầm mà trong bản dịch gọi là niệm bất thiện đối với chúng sanh.
Dục niệm hay dục tầm là ý nghĩ về chúng sanh khác bằng sự ham muốn, ái luyến.
Sân niệm hay sân tầm là ý nghĩ ghét bỏ, hiềm khích, bất mãn đối với chúng sanh.
Hại tầm là sự thù hận, oan trái đối với chúng sanh.
Những ý tưởng nầy nếu không tiêu diệt từ lúc manh nha thì một khi đã lớn mạnh rất khó đoạn diệt và chi phối tai hại toàn bộ cuộc sống.
48. Tại sao ý tưởng bất thiện có nhiều mà chỉ có ba dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy được nêu rõ là những phiền não phải dập tắt ngay lập tức?
Vì khả năng lây lan dẫn đến bộc phát to lớn nguy hại. Có thể hiểu như chỗ rò rĩ nhỏ của bờ đê bao bọc hay đốm lử nhỏ trong khu rừng có thể dẫn đến đại hoạ. Một điểm khác là những lậu hoặc nầy có điểm xuất phát từ nội tâm nên có thể tiêu diệt khi chúng còn trong giai đoạn phôi thai.
49. Những phiền não như ham muốn, bực bội ở mức độ nào được xem là tà tư duy?
Những ham muốn, khó chịu .. nhỏ nhặt trong đời sống không gọi là tà tư duy. Bất thiện tầm hay tà tư duy mang tính cánh miên man, đậm đặc hơn là chỉ là những phiền não thoáng qua. Tuy vậy nên hiểu là phiền não lớn đôi khi bắt đầu bằng những niệm bất thiện nhỏ bé.
50. Những tà tư duy có thể đoạn diệt bằng cách nào?
Trước nhất là thái độ dứt khoát không chấp nhận vì hiểu rõ những tà tư duy đó làm mầm móng của bao hệ luỵ của cuộc sống tinh thần. Thí dụ một người tu tập không chấp nhận thái độ kỳ thị ghét bỏ người khác vì lý do chủng tộc, màu da…
Sống gần bạn lành để được nhắc nhở khi “quên mình” cũng là một cách tốt.
Người tu tập chánh niệm có thể nhanh chóng nhận ra “sự bất ổn” trong đời sống tinh thần khi tà tư duy hiện khởi và tồn tại.
Đời sống tích cực như tu tập từ tâm, niệm tưởng ân lành Tam Bảo, sống với tinh thần tích cực cũng giúp xua tan những bất thiện tầm.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Oán trách sâu nặng thuộc sân tầm hay hại tầm? Thí dụ trường hợp một người “hận” cha mẹ đã bỏ rơi mình khi còn nhỏ. - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Sự thù ghét một tôn giáo hay một quốc gia nào đó không có một cá nhân làm đối tượng rõ rệt thì có xem là hại tầm? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 4. Có thể chăng để đương đầu với kẻ thù nghịch nhưng không bằng hận thù? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 5. Có người quan niệm rằng chính là tâm sân và hận thù tạo thành sức mạnh khiến chúng ta bớt sợ hãi. Quan niệm đó bất cập ở điểm nào? - TT Pháp Tân
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment