Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 23/10/2019
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)
129. Tại sao gọi là Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)?
Sở dĩ gọi là Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta) vì là pháp thoại của Đức Phật có nội dung dạy tứ niệm xứ. Trong chánh tạng Pali bài kinh mang tên mahāsatipaṭṭhānasuttaṃ dịch cho đầy đủ là Đại Kinh Niệm Xứ tuy nhiên trong Trường Bộ (Dìghanikàya) có bài kinh tương tự với một đoạn về niệm tứ đế mang nhiều chi tiết hơn có lẽ vì vậy trong Trung Bộ dịch là Kinh Niệm Xứ thay vì Đại Kinh Niệm Xứ.
130. Đại ý Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta) là gì?
Đây là bài kinh “kinh điển” dạy về bốn niệm xứ: thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ, và pháp quán niệm xứ. Lời kinh hết sức hàm xúc cô đọng. Ý nghĩa thường được giảng dạy rộng rãi mang nhiều dị biệt trên cả hai phương diện kinh viện và thực hành. Cho đến ngày nay các vị thiền sư và học giả vẫn có nhiều ý kiến tương phản hay khác biệt. Người học cần tìm hiểu với tâm rộng mở, cẩn trọng và khách quan đặc biệt là giảng giải trên phương diện ứng dụng.
131. Địa danh Kuru có gì đặc biệt?
Kuru là là quốc độ nằm tại Bắc Ấn ngày nay chồng lấn với thủ đô Dehli. Hiện vẫn còn di tích với bia đá do vua Asoka dựng lên đánh dấu nơi Đức Phật dạy Kinh Niệm Xứ. Trong xã hội loài người có hiện tượng một vùng đất nào đó nổi bật về kỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực... thời xưa người Kuru nổi tiếng về ... tu thiền tứ niệm xứ.
132. Thuật ngữ niệm Xứ - Satipatthàna được định nghĩa là gì?
Chữ sati - dịch là niệm - nguyên nghĩa là ghi nhớ. Sati được giải rộng với nhiều nghĩa tuỳ theo ngữ cảnh. Trong tứ niệm xứ có thể hiểu là: sự hướng tâm ghi nhận một cách tỉnh táo những gì vừa xẩy ra hoặc đang xẩy ra.
Từ kép satipatthàna được giải thích theo hai cách:
Sati + upaṭṭhāna. Upaṭṭhāna có nghĩa là cấu thành, nền tảng hay cơ sở (như câu “cơ sở lý luận)
Sati + paṭṭhāna. Paṭṭhāna có nghĩa là chỗ, nơi, phạm vi, phạm trù. HT Nhất Hạnh dịch là bốn lãnh vực quán niệm. Thiền sư Sìlananda dịch là Four Foundations of Mindfullness (Bốn nền tản của chánh niệm)
Tứ niệm xứ không phải là bốn cách niệm mà là bốn cảnh giới của niệm.
133. Đức Phật đã mở đầu bài Kinh Niệm Xứ thế nào?
Đây là Phật ngôn mở đầu với sự khẳng định những điểm đặc thù của tứ niệm xứ:
Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya, yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā.
Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, đọan tận khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.
124. Mệnh đề: đây là “con đường độc nhất (Ekāyano ayaṃ maggo)” hàm nghĩa thế nào?
Đây là điểm mang nhiều tranh luận. Nhiều học giả không đồng ý cách giải: Chỉ có cách tu duy nhất nầy dẫn đến giác ngộ giải thoát. Ngài Ñànamoli giải thích là “Đây là con đường để đi và đó là đường một chiều (a path that goes in one way only) ”. Sớ giải thì đưa ra nhiều giải thích: độc lộ hay lối đi duy nhất – con đường mà mỗi cá nhân phải tự đi không ai đi giùm – hành trình không có bạn lữ mà phải đi một mình – con đường chỉ có một điểm đến là niết bàn – con đường không có ngã rẽ - con đường trực tiếp không thông qua các thiền chứng (....) – con đường trực tiếp không phải đi vòng hay qua trung gian.
Trong ý nghĩa “con đường trực tiếp” các học giả Nhật Bản nêu lên quan điểm có lẽ dịch chuẩn nhất là theo cách nói “rất Đại Thừa”: Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật (cảm nhận trực tiếp, thấy rõ bản chất thì thành tựu tuệ giác)
125. Nên hiểu thế nào mệnh đề “đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh (sattānaṃ visuddhiyā)”?
Là sự tu tập dẫn để tẩy sạch cấu uế nội tâm. Sống với chánh niệm đúng nghĩa là quán sát thực tại không qua lăng kính của vô minh và ái.
126. Nên hiểu thế nào mệnh đề “vượt khỏi sầu não (sokaparidevānaṃ samatikkamāya)”?
Chánh niệm có khả năng hoá giải những sầu muộn do “bi kịch hoá” những điều trái ý nghịch lòng như câu: bậc thánh bị một mũi tên còn phàm nhân bị hai mũi tên: vừa khổ với điều nghịch ý vừa khuyếch đại đau khổ bằng phản ứng bất như lý tác ý.
127. Nên hiểu thế nào mệnh đề “đọan tận khổ ưu (dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya)” ?
Khổ ưu là đau khổ thân tâm hay năm uẩn. Không ai có thể đoạn tất cả đau khổ của cuộc sống bằng cầu nguyện, bằng say sưa, bằng tự vẫn. Chánh niệm dẫn đến giác ngộ giải thoát đó là giải pháp toàn diện.
128. Nên hiểu thế nào mệnh đề “thành tựu chánh trí (ñāyassa adhigamāya) “?
Chánh niệm giúp hành giả quán sát thực tại bằng thái độ khách quan, trung thực. Những hiểu biết về vô thường, bất lạc, vô ngã không do suy diễn mà được thắp sáng từ trãi nghiệm trực tiếp.
129. Nên hiểu thế nào mệnh đề “chứng ngộ Niết-bàn nibbānassa sacchikiriya”?
Chữ sacchikiriya nên hiểu là hiện thực (như giấc mơ được hiện thực). Đối với hành giả tu tứ niệm xứ thì sự tịch tịnh an lạc tối thượng được trở thành sự thật bằng chánh niệm.
ÌI Thảo Luận: TT Pháp Đăng điều hành
Thảo luận 1. Đoạn tận khổ ưu trong bài học nên hiểu như thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Nhiều người nói kinh Niệm Xứ chỉ giảng cho người xứ Kuru. Những Phật tử khác cần nhận biết như thế nào để loại bỏ những lời nói như vậy? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 3. Một người Phật tử khi mới tu tập thì phải hiểu như thế nào về pháp quán Tứ Niệm Xứ? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 4. TT Pháp Đăng đúc kết phần thảo luận
Thảo luận 2. Nhiều người nói kinh Niệm Xứ chỉ giảng cho người xứ Kuru. Những Phật tử khác cần nhận biết như thế nào để loại bỏ những lời nói như vậy? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 3. Một người Phật tử khi mới tu tập thì phải hiểu như thế nào về pháp quán Tứ Niệm Xứ? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 4. TT Pháp Đăng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment