Monday, October 21, 2019

Bài học. Thứ Hai ngày 21 tháng 10, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 21/10/2019 
9. Kinh Chánh Tri Kiến (Sammàditthi sutta)

120. Tại sao gọi là Kinh Chánh Tri Kiến ?
Tên kinh được gọi là Kinh Chánh Tri Kiến vì nội dung đề cập tới chánh kiến hay sự hiểu biết chơn chánh.

121. Đại ý Kinh Chánh Tri Kiến là gì?
Tại chùa Kỳ Viên, Savatthi, Tôn giả giảng pháp cho chư tỳ kheo. Ngài nêu rõ cái nhìn chân chánh của một tỳ kheo là tri kiến dựa trên phân biệt thiện và bất thiện, tứ thực hay những dưỡng tố duy trì sự hiện hữu, tứ đế, thập nhị duyên khởi, và ba lậu hoặc.

122. Chánh tri kiến ở đây được hiểu thế nào?
Tôn giả Sàriputta tự nêu lên câu hỏi: Chư Hiền, chánh tri kiến, chánh tri kiến, được gọi là như vậy. Chư Hiền, cho đến như thế nào, một Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này? Và cũng chính Ngài là người trình bày câu trả lời. Y cứ trên ngữ cảnh nầy thì thuật ngữ  chánh tri kiến – sammàditthi có thể được hiểu đó là tri kiến chân chánh về bản thân, về thế giới và về giáo pháp. 

123. Hiểu về thiện ác thế nào gọi là chánh tri kiến?
Là hiểu cả hai phương diện sở hành và gốc rễ. 
Sở hành bất thiện là: sát hại sinh vật, lấy của không cho , tà hạnh trong các dục , nói sai sự thật, nói hai lưỡi chia rẽ, ác khẩu , nói phù phiếm , tham ác, sân ác, tà kiến ác.
Gốc rễ bất thiện là: Tham, sân, si.
Sở hành hiền  thiện là: Từ bỏ sát hại sinh vật, từ bỏ lấy của không cho , từ bỏ tà hạnh trong các dục ,từ bỏ  nói sai sự thật, từ bỏ nói hai lưỡi chia rẽ, từ bỏ ác khẩu , từ bỏ nói phù phiếm , từ bỏ tham ác, từ bỏ sân ác, từ bỏ tà kiến ác
Gốc rễ  thiện là: Vô tham, vô sân, vô si.

124. Hiểu về điều kiện duy trì thế giới thế nào gọi là chánh tri kiến?
Là sự hiểu vượt ngoài thiên định, tiền định, ngẫu nhiên mà là dòng hiện hữu được duy trì bởi bốn yếu tố nuôi dưỡng gọi là tứ thực:
Đoàn thực là dinh dưỡng vật chất như thức ăn nuôi dưỡng cơ thể.
Xúc thực là sự xúc tác của căn, cảnh, thức tạo nên cảm thọ và những hiện tượng tâm lý tiếp  nối. Xúc thực được xem là điều kiện tồn tại của dòng tâm thức.
Tư niệm thực là chủ tâm tạo tác, then chốt của nghiệp, tạo nên quả báo. Tư niệm thực là yếu tố duy trì sự luân hồi trong ba cõi.
Thức thực là yếu tố tâm lý chi phối toàn bộ cuộc sống. Chính tâm thức ảnh hưởng mọi hiện tượng tâm, sinh lý và cái gọi là “cuộc sống”


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phải chăng y cứ trên Kinh Chánh Kiến thì sự hiểu biết chân chánh cần có cả hai pháp học và pháp hành? (bởi vì sự tu tập của một hành giả bình thường không đủ để hiểu về giáo lý duyên khởi) - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 2. Câu: “Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn, tuệ tri tập khởi của thức ăn, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn, và tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”. Cái gì là “vấn đề” của tứ thực? Có nên đoạn tận đoàn thực? Tuyệt thực có phải là cách để đoạn tận đoàn thực? Nên được hiểu trong phạm trù nào? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần biết pháp tu như niệm hơi thở thế nào mới cần thiết. Còn những tri kiến về duyên, nghiệp… không cần thiết. Ý nghĩ đó có vấn đề chỗ nào? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 4. Sư Trưởng có nói: một vị sư nặng tham, nặng sân không đáng ngại bằng một vị tà kiến. Cái nhìn đó nên được hiểu thế nào? - TT Tuệ Siêu 



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment