Thursday, October 3, 2019

Bài học. Thứ Sáu ngày 4 tháng 10, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng SưĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 4/10/2019 
Kinh Tất Cả Lậu Hoặc -Sàbbàsava Sutta (tiếp theo)

31. Thế nào là lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ (āsavā paṭisevanā pahātabbā)? 
Thọ dụng những nhu yếu y phục, thực phẩm, chỗ ở, thuốc trị bệnh thường tạo nên lậu hoặc ham muốn, thủ đắc. Người tu tập cần biết thọ dụng thế nào để đáp ứng nhu cầu cuộc sống nhưng không tạo thêm phiền não.

32. Tại sao nhu yếu có nhiều nhưng trong kinh chỉ nêu có bốn là y phục, thực phẩm, chỗ ở, thuốc trị bệnh?

Y phục, thực phẩm, chỗ ở, thuốc trị bệnh là bốn nhu yếu căn bản, thiết yếu của người xuất gia. Nói cách khác những nhu yếu nầy không có không được; chỉ nên có ở mức độ vừa đủ. Cũng nên nói thêm là trong “tứ pháp y” của người xuất gia thì được phép tự tìm kiếm bốn nhu yếu bằng cách lượm vải bỏ làm y (phấn tảo y), đi trì bình khất thực nếu không có người cúng dường, sống dưới cội cây và dùng trái amalaka ngâm làm thuốc trị bệnh. 
33. Ngày nay đối với những nhu cầu khác mà vị xuất gia sử dụng như máy điện toán, điện thoại… có cần được quán tưởng?
Bối cảnh của đời sống xuất gia ngày nay có phần khác với thời Đức Phật tại thế. Tuy vậy những gì được giảng dạy trong kinh điển là mẫu mực để linh động áp dụng cuộc sống hôm nay. Tinh thần căn bản là chỉ nên thọ dụng những gì thật sự cần thiết; khiêm tốn theo tinh thần của người xuất gia thanh hạnh; thường tự nhắc nhở về mục đích thực dụng của nhu yếu.

34. Nếu thọ dụng nhu yếu có thể khiến lậu hoặc sanh thì phải chăng tốt nhất là không thọ dụng?
Đức Phật dạy con đường trung đạo. Ăn uống dễ sanh tham luyến nhưng nhịn đói không phải là cách. Quá chú trọng việc ăn uống là lợi dưỡng. Nhịn đói cũng là một cực đoan khác. Chơn chánh quán tưởng trong ẩm thực là lối sống trung đạo. Trong sự ăn mặc, chỗ ở, trị bệnh cũng mang ý nghĩa tương tự.

35. Tại sao mỗi nhu yếu có cách quán tưởng riêng?

Vì mỗi nhu yếu có chi phối khác nhau. Thí dụ có người nặng về ẩm thực mà không nặng về chỗ ở hay ngược lại. Chính vì thế bốn nhu yếu được quán tưởng như sau:
Thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.
Thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".
Thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.
Thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.

36. Những pháp như lý giác sát đối với sự thọ dụng nhu yếu được áp dụng thực tế như thế nào?
Pháp quán tưởng khi thọ dụng nhu yếu đặc biệt được Đức Phật giảng dạy cho người xuất gia. Quán tưởng thanh tịnh giới là một trong bốn thanh tịnh giới. Có bốn cách quán tưởng đối với bốn nhu yếu: quán tưởng đoạn trừ ngã chấp và ngã sở chấp; quán tưởng về bất tịnh của những nhu yếu khi tiếp xúc với thân; quán tưởng trong khi thọ dụng; quán tưởng cuối ngày.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Làm thế nào để phân định “mức độ vừa phải” trong nhu cầu cuộc sống của người tu tập? (Thí dụ chuyện am thất tu tập có nên có máy điều hoà nhiệt độ?)

Thảo luận 2. Phật giáo Bắc truyền có tập “Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu” ghi những bài kệ quán tưởng trong sinh hoạt hằng ngày thí dụ khi ăn thì đọc: Nhược kiến mãn bát, /Đương nguyện chúng sinh, / Cụ túc thạnh mãn, /Nhứt thiết thiện pháp”. Dịch nghĩa: Nhìn thấy bát cơm đầy,/ Cầu  tất cả mọi loài / Có đầy đủ  phước báu, / Các thiện pháp tràn đầy. Phép quán bằng kệ tụng như vậy có trong Tam Tạng Pàli? Nếu không có thì tại sao?

Thảo luận 3. Tỳ kheo Devadatta  thỉnh cầu Đức Phật ban hành 5 điều như tỳ kheo suốt đời mặc y phấn tảo, suốt đời sống dước cội cây, suốt đời sống với thực phẩm khất thực…. Đức Phật trả lời những điều đó có thể hành trì và có thể không hành trì. Thái độ của Đức Phật mang ý nghĩa thế nào đối với nhu cầu của đời sống xuất gia?

Thảo luận 4. Pháp quán tưởng trong sự thọ dụng nhu yếu được dạy cho hàng xuất gia. Người cư sĩ có thể hành trì có kết quả tốt chăng?


Thảo luận 5. Thế giới đang báo động về sự tiêu thụ thiếu trách nhiệm của nhân loại. Người Phật tử nghĩ sao về điểm nầy?


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment