Wednesday, August 12, 2020

Trung Bộ Kinh - 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn -tiếp theo - Thứ Tư, ngày 12 tháng 8, 2020

 Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

Giảng Sư: TT  Pháp Đăng

GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  12/8/2020 

22. Kinh Ví Dụ Con Rắn

(Alagaddūpama Sutta) (tiếp theo)

Tên kinh lấy từ một ví dụ ở trong phần đầu của pháp thoại. Trong dụ ngôn nầy người học Phật pháp phải cẩn trọng và khéo léo như người bắt rắn. Sự vụng về có thể mang lại hậu quả tai hại. Trước kinh bài kinh nầy còn có tên thuần Hán Việt là Kinh Xà Dụ.

 Tỳ kheo Ariṭṭha có quan điểm là theo sự hiểu biết của mình về lời Phật dạy thì hưởng thụ dục lạc không ngăn ngại đời sống phạm hạnh.  Các vị tỳ kheo khác đã có phản ứng rằng quan niệm như vậy là không đúng với pháp của Phật. Dù vậy tỳ kheo Ariṭṭha vẫn khư khư chấp giữ quan điểm của mình. Câu chuyện được trình lên Đức Phật. Bậc Đạo Sư cho gọi tỳ kheo Ariṭṭha để huấn thị. Rồi Ngài đã dùng nhiều thí dụ về để nói về sự nhận thức giáo pháp, nhận thức về bản thân, nhận thức về thế giới,  đau , khổ và con đường thoát khổ. Bài kinh nầy mang những ý nghĩa rất căn bản về giáo lý vô ngã và nói về sự sai lầm của pháp chấp cũng như ngã chấp.

108. Định hướng đúng sai khởi sự từ cái nhìn ban đầu

 Chánh kiến hay cái nhìn chân xác là khởi điểm vô cùng quan trọng đối với người tu tập:

 (Các kiến xứ)

Này các Tỷ-kheo, có sáu kiến xứ. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đi đến yết kiến các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, xem sắc pháp: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", xem cảm thọ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", xem tưởng: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", xem các hành: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", và bất cứ kiến xứ nào đều nói rằng: "Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi", xem như vậy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".

 

Và này chư Tỷ-kheo, có vị Ða văn Thánh đệ tử đi đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục các pháp bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến yết kiến các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, xem sắc pháp: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", xem cảm thọ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", xem tưởng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", xem các hành: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", và bất cứ kiến xứ nào đều nói rằng: "Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi", xem như vậy là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Vị này do quán sát như vậy, đối với sự vật chẳng thật có nên không có lo âu, phiền muộn.

Thế giới quan bị nhận thức sai lạc

 gồm:

a.       Sắc uẩn hay thân tức những gì thuộc vật chất của chúng sanh.

b.       Thọ uẩn hay cảm giác khổ, lạc, không khổ không lạc

c.       Tưởng uẩn hay nhận thức từ kinh nghiệm, từ những từng trãi

d.       Hành uẩn hay tạo tác, chọn lựa, chủ trương của tâm ý

e.       Thức uẩn là cái biết của các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác…

f.        Đối tượng của năm uẩn gồm “những gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư” “

 Nhận thức sai lạc là  sự chấp thủ "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", và bất cứ kiến xứ nào đều nói rằng: "Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi".

 Đối với một vị đệ tử Phật hiểu nhiều về pháp, có đi đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục các pháp bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến yết kiến các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn sẽ không có những chấp thủ trên.

 Những âu lo, phiền muộn, căng thẳng do ảo giác tạo thành. Từ bỏ chấp thủ sai lạc thì đau khổ chấm dứt

 

Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

-- Có thể có cái gì không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu phiền muộn? Thế Tôn đáp:

 -- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, có người nghĩ như sau: "Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy". Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỷ-kheo, như vậy, có cái không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu, phiền muộn.

 -- Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở ngoài, có thể không gây lo âu phiền muộn? Thế Tôn đáp:

 -- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, này Tỷ-kheo, có người không nghĩ như sau:

 "Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy". Người đó không sầu muộn, than vãn, khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Như vậy, này Tỷ-kheo, có cái không thực có ở ngoài, không gây lo âu phiền muộn.

 -- Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn?

 Thế Tôn đáp:

 -- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, này Tỷ-kheo, có người có (tà) kiến như sau: "Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú không biến chuyển. Tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi". Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Người đó có thể nghĩ như sau: "Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại". Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỷ-kheo, như vậy là có cái không thực có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn.

 -- Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn?

 Thế Tôn đáp:

 -- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, có người không có (tà) kiến như sau: "Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi". Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chi mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái để đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Vị ấy không nghĩ như sau: "Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại". Vị ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc; vị ấy không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy là có cái không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn.

 Tất cả những gì thủ đắc đều vô thường

Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nắm giữ một vật sở hữu gì, và vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi không? Chư Tỷ-kheo, các Ông có thể thấy một vật sở hữu nào được nắm giữ và vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi không?

 -- Bạch Thế Tôn, không.

 -- Lành thay, này các Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một vật sở hữu được nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi.

Chấp ngã đối với những gì vô thường thì sanh ra khổ

Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

 -- Bạch Thế Tôn không.

-- Lành thay, này các Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

 Ngay cả những quan niệm dựa trên ngã chấp cũng sanh khổ.

Này các Tỷ-kheo, các Ông có kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

 -- Bạch Thế Tôn, không

 -- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy, lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

 Chấp thủ ngã và ngã sở (chấp là ta, là của ta) là cặp bài trùng

 

Chư Tỷ-kheo, nếu có ngã thời có ngã sở thuộc của tôi không?

-- Bạch Thế Tôn, có.

-- Chư Tỷ-kheo, nếu có ngã sở thuộc, thời có ngã của tôi không?

 -- Bạch Thế Tôn, có.

 -- Chư Tỷ-kheo, nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thường hằng, thì kiến xứ này: "Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thành thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi". Này các Tỷ-kheo, kiến xứ ấy là hoàn toàn, triệt để chẳng ngu si không?

 -- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể hoàn toàn, triệt để chẳng ngu si được!

 Năm uẩn là vô thường, cái gì vô thường là khổ, cái gì vô thường là khổ thì không nên chấp thủ "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"

 

-- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

 -- Bạch Thế Tôn, vô thường.

 -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

 -- Bạch Thế Tôn, khổ.

 -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

 -- Bạch Thế Tôn, không.

 -- Chư Tỷ-kheo, cảm thọ là thường hay vô thường?

 -- Bạch Thế Tôn, là vô thường.

 -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

 -- Bạch Thế Tôn, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: "Cái này là của tôi... tự ngã của tôi"?

 -- Bạch Thế Tôn, không.

 -- Chư Tỷ-kheo, tưởng là thường hay vô thường?

 -- Bạch Thế Tôn, vô thường.

-- Cái gì vô thường...?

-- Bạch Thế Tôn, không.

 -- Chư Tỷ-kheo, các hành là thường hay vô thường... chư Tỷ-kheo, thức là thường hay vô thường?

 -- Bạch Thế Tôn, vô thường.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?-- Bạch Thế Tôn, khổ.

 - Cái gì vô thường, khổ thì có hợp lý chăng, khi chánh quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

 -- Bạch Thế Tôn, không.

 Nhận thức một cách toàn diện

-- Do vậy, này các Tỷ-kheo, bất cứ các sắc pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc pháp là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là của tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", cần phải như thật quán với chánh trí tuệ. Bất cứ cảm thọ nào... Bất cứ tưởng nào... Bất cứ hành nào... Bất cứ thức nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", cần phải như thật quán với chánh trí tuệ.

 Giác ngộ là cánh cửa giải thoát

Chư Tỷ-kheo, nhờ thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yểm ly đối với sắc, yểm ly đối với thọ, yểm ly đối với tưởng, yểm ly đối với hành, yểm ly đối với thức, do yểm ly nên ly tham, do ly tham, nên được giải thoát, trong sự giải thoát có trí khởi lên, biết được đã giải thoát. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui tại đây với một đời sống khác".

Bậc A-la-hán hoàn toàn giải thoát

Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị đã vất bỏ đi các chướng ngại vật, là vị đã lấp đầy các thông hào, là vị đã nhổ lên cột trụ, là vị đã mở tung các lề khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.

Và thế nào là Tỷ-kheo đã vất bỏ đi các chướng ngại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, là đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ, làm cho như cây ta-la bị chặt đầu, khiến không thể tái sanh trong tương lai, không có khả năng sanh khởi. Chư Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã vất bỏ đi các chướng ngại.

 Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã lấp đầy các thông hào? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử, đã cắt tận gốc rễ, làm cho như cây ta-la bị chặt đầu, khiến không thể tái sanh trong tương lai, không có khả năng sanh khởi. Chư Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã lấp đầy thông hào.

 Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ khát ái, đã cắt tận gốc rễ, làm cho như cây ta-la bị chặt đầu, khiến không thể tái sanh trong tương lai, không có khả năng sanh khởi. Chư Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ.

 Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã mở tung các lề khóa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đã cắt tận gốc rễ, làm cho như cây ta-la bị chặt đầu, khiến không thể tái sanh trong tương lai, không có khả năng sanh khởi. Chư Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã mở tung các lề khóa.

 Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bậc Thánh, đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ ngã mạn, đã cắt tận gốc rễ, làm cho như cây ta- la bị chặt đầu, khiến không thể tái sanh trong tương lai, không có khả năng sanh khởi. Chư Tỷ-kheo, như vậy là vị Tỷ-kheo bậc Thánh, đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.

 Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã giải thoát như vậy, thì chư Thiên ở Ðế thích Thiên giới, Phạm thiên giới, Sanh chủ giới sẽ không tìm được dấu vết của Tỷ-kheo ấy, nếu nghĩ rằng: "Y ở đây, có thức của Như Lai". Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, Ta nói ngay ở hiện tại, một Như Lai không thể tìm thấy dấu vết".

 (còn tiếp)

 



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành


 Thảo luận 1. Tại sao hai chấp thủ ngã và ngã sở luôn đi chung với nhau?  - TT Tuệ Quyền

      Thảo luận 2. Trong nhiều bài kinh như Kinh Vô Ngã Tướng hay bài kinh hôm nay khi nói về vô thường, khổ, vô ngã Đức Phật đơn cử từng uẩn thay vì nói một lần cả năm uẩn.Phải chăng sự quán sát chân tướng của năm uẩn từng phần một có lợi ích riêng biệt? - TT Tuệ Siêu 

       Thảo luận 3. Trong bài kinh nầy Đức Phật dạy không có sự chấp ngã nào không tạo nên đau khổ nhưng đối với cái nhìn của thế gian thì tất cả hạnh phúc đều y cứ trên ngã và ngã sở. Phải chăng chính vì vậy chúng ta luôn đau khổ? - TT Tuệ Siêu

      Thảo luận 4. Nếu thấy được vô thường, khổ, vô ngã chỉ đối với một phần nào đó như quá khứ là khổ nhưng tương lai là tốt, người nghèo là khổ người giàu thì không khổ....Cái nhìn phiến diện đó ảnh hưởng thế nào đối với sự tu tập? - ĐĐ Pháp Tín
     
       Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận

 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment