Saturday, August 22, 2020

Trung Bộ Kinh - 26. Kinh Thánh Cầu - Thứ Bảy, ngày 22 tháng 8, 2020

 Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

Giảng Sư: TT  Giác Đẳng và TT Tuệ Siêu

GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  22/8/2020 

26. Kinh Thánh Cầu

(Ariyapariyesanā Sutta) 

Thánh cầu có nghĩa là hoài bảo thánh thiện hay chí hướng cao quý. Đó là nội dung mà Đức Phật dạy cho chư tỳ kheo qua dẫn chứng cụ thể về cuộc đời của Ngài.

 Lúc bấy giờ Đức Điều Ngự đang trú ở Sàvatthi. Một số chư tỳ kheo mong mỏi được diện kiến và nghe pháp từ Đức Phật. Những vị nầy gặp thị giả của Đức Phật là tôn giả Ananda để bày tỏ nguyện vọng. Qua sự thỉnh cầu của thị giả Đức Thế Tôn đã gặp chư tỳ kheo và trong lời huấn thị Ngài đã đề cập đến hai hướng đi của chúng sanh trong đời: Một là sự lẩn quẩn tự hiện trạng bị sanh, già, đau, chết chi phối lại đi tìm cái tương tự không khác hơn.  Sự tầm cầu thứ hai là hướng đi à cao quý hay thánh cầu là tìm lối thoát chân thật cho hệ luỵ đang có. Đức Phật đã kể lại hành trình của Ngài từ ý thức chỗi dậy trong lòng khi sống ở cung vàng điện ngọc rồi từ bỏ đế nghiệp ra đi. Hành trình sau đó càng lúc càng chứng minh được tánh cách vĩ đại của sự vượt thoát.

131. Cung cách và huấn thị của Đấng Pháp Vương

 Đức Thế Tôn đến thăm chư tăng khi đang có buổi thuyết pháp. Ngài im lặng chờ đợi trong sự tôn trọng pháp. Sau đó đã khích lệ chư Tăng nên làm hai điều nầy khi quần tụ hội hợp: Đàm luận đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh (Sannipatitānaṃ vo, bhikkhave, dvayaṃ karaṇīyaṃ : dhammī vā kathā, ariyo vā tuṇhībhāvo).

Như vầy tôi nghe.

 Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī, tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát Sāvatthī để khất thực. Có một số đông Tỷ-kheo đến chỗ Tôn giả Ānanda ở, sau khi đến, nói với Tôn giả Ānanda:

 -- Hiền giả, đã lâu chúng tôi chưa được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Lành thay, Hiền giả Ānanda, nếu chúng tôi được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp!

 -- Các Tôn giả hãy đến chỗ Bà-la-môn Rammaka ở, và các Tôn giả sẽ được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp.

 -- Thưa vâng, Hiền giả.

 Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda. Rồi Thế Tôn, khất thực ở Sāvatthī xong, sau buổi ăn trên con đường đi khất thực trở về, cho gọi Tôn giả Ananda:

 -- Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Pubbārāma (Ðông viên), ngôi lầu của Migāramatu (Lộc Mẫu Giảng Ðường) để nghỉ trưa.

 -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 Tôn giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với Tôn giả Ananda đi đến vườn Pubbārāma, ngôi lầu của Migāramatu để nghỉ trưa. Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi Tôn giả Ānanda:

 -- Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Pubbakotthaka để rửa tay, rửa chân.

 -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 Tôn giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với Tôn giả Ānanda đi đến Pubbakotthaka để rửa tay, rửa chân. Sau khi rửa tay, rửa chân ở Pubbalotthaka xong, Thế Tôn leo đứng trên bờ, đắp một tấm y, phơi tay chân cho khô. Rồi Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

 -- Bạch Thế Tôn, tinh thất của Bà-la-môn Rammaka không xa; bạch Thế Tôn, tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka là khả ái; bạch Thế Tôn, tinh thất của Bà-la-môn Rammaka là khả lạc; bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn vì lòng từ bi đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka!

 Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Thế Tôn đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo đang hội họp tại tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka để thuyết pháp. Thế Tôn đứng chờ ngoài cửa cho đến khi thuyết pháp xong. Thế Tôn biết cuộc thuyết pháp đã xong, liền đằng hắng và gõ vào thanh cửa. Các Tỷ-kheo ấy mở cửa cho Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bước vào tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka và ngồi lên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 -- Này các Tỷ-kheo, các Người nay hội họp bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữa các Người bị gián đoạn?

 -- Bạch Thế Tôn, câu chuyện giữa chúng con thuộc về Thế Tôn và câu chuyện ấy bị gián đoạn khi Thế Tôn đến.

-- Này các Tỷ-kheo, lành thay khi Thiện nam tử các Người, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cùng nhau hội họp để luận bàn đạo pháp. Này các Tỷ-kheo, khi các Người hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.

 132. Hai loại tầm cầu hay hai chí hướng của đời người

 Thánh cầu được giải thích: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.”

 Phi Thánh cầu được mô tả: “ Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm”.

Này các Tỷ-kheo, có hai loại tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Chư Tỷ-kheo, và thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

 Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.

 Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bi bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh.

 Và này các Tỷ-kheo, cái gì các Người nói là bị chết? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bi chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết.

 Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu, gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu.

 Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu la bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm.

 Và này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.

 Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu.

 133. Con đường Bậc Đại Giác đã đi

 Đức Phật trong sự giảng dạy về thánh cầu đã dùng hành trình của bản thân để làm thí dụ cụ thể: Ngài từ bỏ ngai vàng vì nhận ra rằng làm vua, cho dù là một đại đế, vẫn không giải quyết được hệ luỵ trầm kha của kiếp nhân sinh. Ngài từng tìm đến học đạo với hai vị đạo sĩ nổi danh thời bấy giờ rồi sau đó lại bỏ đi. Đức Bồ tát tiếp tục hành trình với trắc nghiệm khổ tu hành xác để rồi chuyển sang trung đạo. Sau khi thành đạo vô thượng Đức Phật đã từng một lần tự hỏi liệu giáo pháp thâm sâu có thể lãnh hội bởi chúng sanh trong đời. Từ cội bồ đề đến vườn Lộc giả chuyển pháp luân Đức Phật cũng kể lại nhiều sự việc mà qua đó cái nhìn của phần đông với không phù hợp với hướng đi của bậc thánh đức.

Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ- tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu"... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... (như trên)... tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.

 Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

 Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Āḷāra Kālāma ở, khi đến xong liền thưa với Āḷāra Kālāma: "Hiền giả Kālāma, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này". Này các Tỷ-kheo, được nghe nói vậy, Āḷāra Kālāma nói với Ta: "Này Tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú". Này các Tỷ-kheo, và không bao lâu Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này các Tỷ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

 Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: " Āḷāra Kālāma tuyên bố pháp này không phải chỉ vì lòng tin: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú". Chắc chắn Āḷāra Kālāma biết pháp này, thấy pháp này rồi mới an trú". Này các Tỷ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ Āḷāra Kālāma ở, sau khi đến Ta nói với Alara Kalama: "Hiền giả Kālāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố pháp này?" Này các Tỷ-kheo, được nói vậy, Āḷāra Kālāma tuyên bố về Vô sở hữu xứ.

 Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ: "Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Alara Kalama tuyên bố: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú".

 Rồi này các Tỷ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta đi đến chỗ Āḷāra Kālāma ở, sau khi đến, Ta nói với Āḷāra Kālāma: "Này Hiền giả Kālāma, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?"

  --"Vâng, Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy".

 -- "Này Hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy".

 --"Thật lợi ích thay cho chúng tôi, Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!"

 134. Không dừng cuộc hành trình khi cứu cánh chưa đạt được

 Ngài lên đường, đầu tiên tìm đến hai vị chân sư để học đạo đó là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta; hai vị nầy một chứng thiền vô sở hữu xứ, một chứng thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bồ tát nhanh chóng chứng đạt sở đắc của hai vị thầy và được mời ở lại cùng ngồi vào chiếc ghế của giáo chủ nhưng Ngài từ chối vì thấy đó không phải là cứu cánh đích thực.

Như vậy này các Tỷ-kheo, Āḷāra Kālāma là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Như vậy này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.

 Rồi này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta, khi đến xong Ta nói với Uddaka Rāmaputta: "Hiền giả, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này. Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, Uddaka Rāmaputta nói với Ta: "Này Tôn giả, hãy sống (và an trú), pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú". Này các Tỷ-kheo, Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này các Tỷ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí, và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng Tọa), và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

 Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Rāma tuyên bố pháp này không phải vì lòng tin: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú". Chắc chắn Rama thấy pháp này, biết pháp này, rồi mới an trú". Này các Tỷ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở, sau khi đến Ta nói với Uddaka Rāmaputta: "Hiền giả Rama, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?" Này các Tỷ-kheo được nghe nói vậy, Uddaka Rāmaputta tuyên bố về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

 Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ: "Không phải chỉ có Rāma mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rama mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Rāma tuyên bố: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, tự an trú".

 Rồi này các Tỷ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở, sau khi đến, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: "Này Hiền giả Rāma, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?"

 --"Vâng Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy".

 --"Này Hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy." Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi, tự tri tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, Tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!"

 Như vậy, này các Tỷ-kheo, Uddaka Rāmaputta-là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ". Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.

 Này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma kiệt đà) và đến tại tụ lạc Uruvelā (Ưu lâu tần loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: "Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn". Và này các Tỷ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: "Thật là vừa đủ để tinh tấn".

 Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và tri kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.

 135. Chánh đạo không phải là hướng đi của phần đông chúng sanh

 Chúng sanh đa phần hướng đến thủ đắc hơn là từ bỏ. Muốn đạt đến bờ kia phải từ bỏ bờ nầy. Ngay cả đối với phần lớn người tu cũng mang hội chứng sùng bái tự ngã. Đức Phật dạy một con đường hoàn toàn khác. Đó cũng là một phần lý do mà Đức Phật đã có giây phút tự hỏi không biết chúng sanh có thể lãnh hội về áo nghĩa giác ngộ giải thoát hoàn toàn ngược với khuynh hướng cố hữu.

Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccāyata Paṭiccasamuppāda (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!" Này các Tỷ-kheo, rồi những kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta:

 Sao Ta nói Chánh pháp,

Ðược chứng ngộ khó khăn?

Những ai còn tham sân,

Khó chứng ngộ pháp này.

Ði ngược dòng, thâm diệu,

Khó thấy, thật tế nhị,
Kẻ ái nhiễm vô minh,

Không thấy được pháp này.

 Rồi này các Tỷ-kheo, với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ Phạm thiên Sahampati khi biết được tâm tư của Ta; với tâm tư của mình, liền suy nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bi hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la- hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp". Rồi này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co, hay co cánh tay đang duỗi; cũng vậy, vị ấy biến mất từ thế giới Phạm thiên, và hiện ra trước mặt Ta. Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y một bên vai chắp tay hướng vái Ta và bạch với Ta: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bi nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. (Nếu được nghe), những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp". Này các Tỷ-kheo, Phạm thiện Sahampati nói như vậy. Sau khi nói vậy, lại nói thêm như sau:

 Xưa tại Magadha,

Hiện ra pháp bất tịnh,
Pháp do tâm cấu uế,
Do suy tư tác thành.
Hãy mỡ tung mở rộng,

Cánh cửa bất tử này.
Hãy để họ nghe Pháp,
Bậc Thanh tịnh Chứng Ngộ.

 Như đứng trên tảng đá,

Trên đỉnh núi (tột cao)
Có người đứng nhìn xuống,

Ðám chúng sanh quây quần.

Cũng vậy, ôi Thiện Tuệ,
Bậc Biến Nhãn cùng khắp,

Leo lên ngôi lâu đài,
Xây dựng bằng Chánh pháp

Bậc Thoát Ly sầu muộn,

Nhìn xuống đám quần sanh,

Bị sầu khổ áp bức,
Bị sanh già chi phối,

 Ðứng lên vị Anh Hùng,

Bậc Chiến Thắng chiến trường.

Vị trưởng đoàn lữ khách,
Bậc Thoát Ly nợ nần.
Hãy đi khắp thế giới,
Bậc Thế Tôn Chánh Giác!
Hãy thuyết vi diệu pháp,
Người nghe sẽ thâm hiểu!

 Này các Tỷ-kheo, sau khi biết được lời Phạm thiên yêu cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, với Phật nhãn, Ta nhìn quanh thế giới. Này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Và này các Tỷ-kheo, Ta nói lên bài kệ sau đây với Phạm thiên Sahampati:

 “Cửa bất tử rộng mở,

Cho những ai chịu nghe.

Hãy từ bỏ tín tâm,
Không chính xác của mình.

Tự nghĩ đến phiền toái,
Ta đã không muốn giảng,

Tối thượng vi diệu pháp,

Giữa chúng sanh loài Người.

(Ôi Phạm thiên!)”

 Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati tự nghĩ: "Ta đã tạo cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp", đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng (về Ta) rồi biến mất tại chỗ.

 Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: "Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?" Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: "Nay có Āḷāra Kālāma là bậc trí thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Alara Kalama, vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này". Này các Tỷ-kheo, rồi chư Thiên đến Ta và nói như sau: "Bạch Thế Tôn, Āḷāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày rồi". Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: "Āḷāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày rồi". Này các Tỷ-kheo, Ta nghĩ: "Thật là một thiệt hại lớn cho Āḷāra Kālāma: Nếu nghe pháp này, Āḷāra Kālāma sẽ mau thâm hiểu".

 Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?" Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Nay có Uddaka Rāmaputta-là bậc tri thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddaka Rāmaputta. Vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này." Rồi chư Thiên đến Ta và nói như sau: "Bạch Thế Tôn Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung ngày hôm qua". Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: "Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung hôm qua". Này các Tỷ-kheo, Ta nghĩ: "Thật là một thiệt hại lớn cho Uddaka Rāmaputta. Nếu nghe pháp này, Uddaka Rāmaputta sẽ mau thâm hiểu".

 Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: "Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?" Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại nghĩ: "Nhóm năm Tỷ-kheo này đã hầu hạ Ta khi Ta còn nỗ lực tinh cần, nhóm ấy thật giúp ích nhiều. Vậy ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho nhóm năm Tỷ-kheo!" Rồi này các Tỷ- kheo, Ta lại nghĩ: "Nay nhóm năm Tỷ-kheo ở tại đâu?" Này các Tỷ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy nhóm năm Tỷ-kheo hiện ở Baranasi (Ba la nại), tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi ở tại Uruvelā lâu cho đến khi mãn ý, Ta lên đường đi đến Baranasi.

 136. Chọn lựa giữa thần linh và bậc Đại Giác

 Upaka có duyên lành được nhìn thấy tướng hảo phi phàm của Đức Phật và nghĩ rằng đây phải là một hiện thân của thần linh hay một bậc có nhiều huyền thuật. Khi được hỏi Ngài là ai thì Đức Phật trả lời “Tự mình Chánh Ðẳng Giác - Ta an tịnh, thanh thoát”. Upaka không thấy có giá trị gì ở một người giác ngộ, không phiền não bởi vì những điều đó không quan trọng đối với người nầy.

 (Thật ra sau nầy Upaka từ bỏ đời sống của một đạo sĩ để lập gia đình có vợ con. Nhưng rồi cũng không tìm thấy ý nghĩa đáng quý của cuộc sống nên đến Vương Xá xuất gia với Đức Phật. Vị nầy cuối cùng đắc chứng đạo quả nhưng phải đi một con đường vòng thay vì trực tiếp từ ban đầu)

Này các Tỷ-kheo, một tà mạng ngoại đạo tên là Upaka, đã thấy Ta khi Ta còn đi trên con đường giữa Gayā và cây Bồ-đề. Sau khi thấy, vị ấy nói với Ta:

 "-- Các căn của Hiền giả thật sáng suốt. Da sắc của Hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này Hiền giả, vì mục đích gì, Hiền giả xuất gia? Ai là bậc Ðạo Sư của Hiền giả? Hiền giả hoan hỷ thọ trì pháp của ai?"

 Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với tà mạng đạo Upaka bài kệ như sau:

 "-- Ta, bậc Thắng tất cả,

Ta, bậc Nhất thiết Trí.
Hết thảy pháp, không nhiễm,

Hết thảy pháp, xả ly.

Ta sống chân giải thoát,

Ðoạn tận mọi khát ái.

Như vậy Ta tự giác,

Còn phải y chỉ ai?

Ta không có Ðạo Sư,
Bậc như Ta không có.
Giữa thế giới Nhơn, Thiên,

Không có ai bằng Ta.
Bậc Ứng Cúng trên đời,

Bậc Ðạo Sư vô thượng.
Tự mình Chánh Ðẳng Giác,

Ta an tịnh, thanh thoát.

Ðể chuyển bánh xe Pháp.

Ta đến thành Kàsi.

Gióng lên trống bất tử,

Trong thế giới mù lòa."

 "-- Như Hiền giả đã tự xưng, Hiền giả xứng đáng là bậc Chiến thắng Vô tận. "

 "-- Như Ta, bậc Thắng giả,

Những ai chứng lậu tận,

Ác pháp, Ta nhiếp phục,

Do vậy, Ta vô địch". (Này Upaka).

 Này các Tỷ-kheo, sau khi được nói vậy, tà mạng ngoại đạo Upaka nói với Ta:

 "-- Này Hiền giả, mong rằng sự việc là vậy".

Nói xong, Upaka lắc đầu rồi đi theo một ngã khác.

 137. Chỉ mở lòng nghe pháp khi buông vỏ định kiến

 Nhóm năm thầy Kiều Trần Như từng là những người hâm mộ và nuôi kỳ vọng ở Đức Bồ Tát khi Ngài đang tu khổ hạnh. Khi Bồ Tát quyết tâm chọn con đường trung đạo khiến năm vị nầy thất vọng bỏ đi. Khi gặp lại ban đầu họ nói với nhau sẽ không đón tiếp Đức Phật bằng thái độ kính trọng nhưng phong thái của Đức Phật có phần thay đổi sự suy nghĩ ban đầu của họ. Tuy vậy những vị nầy vẫn chưa chấp nhận Đức Phật là bậc Đạo sư vì hoài nghi sự từ bỏ khổ hạnh mà họ tin là tuyệt đối cao cả. Cho đến khi Đức Phật nhắc cho họ nhớ Ngài chưa bao giờ nói là đã giác ngộ trong thời gian trước đây. Điều nầy khiến họ tin vào lời nói của Đức Phật là chân thật ngôn. Từ đó thay đổi thái độ và nghe Thế Tôn giảng pháp để trở thành những đệ tử xuất gia đầu tiên.

 

Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tuần tự đi đến Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển, đi đến chỗ nhóm năm Tỷ- kheo ở. Này các Tỷ-kheo, nhóm năm Tỷ-kheo khi thấy Ta từ xa đi đến, đã cùng nhau thỏa thuận như sau: "Này các Hiền giả, nay Sa-môn Gotama đang đi đến; vị này sống trong sự sung túc, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất. Chúng ta chớ có đảnh lễ, chớ có đứng dậy, chớ có lấy y bát. Hãy đặt một chỗ ngồi, và nếu vị ấy muốn, vị ấy sẽ ngồi". Này các Tỷ-kheo, nhưng khi Ta đi đến gần, năm Tỷ-kheo ấy không thể giữ đúng điều đã thỏa thuận với nhau. Có người đến đón Ta và cầm lấy y bát, có người sắp đặt chỗ ngồi, có người đem nước rửa chân đến. Nhưng các vị ấy gọi Ta bằng tên với danh từ Hiền giả (Avuso). Này các Tỷ-kheo khi ta nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:

 "-- Này các Tỷ-kheo, chớ có gọi Ta bằng tên và dùng danh từ Hiền giả. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú. "

 Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, nhóm năm Tỷ-kheo nói Ta:

"-- Hiền giả Gotama, với nếp sống này, với đạo tu này, với khổ hạnh này, Hiền giả đã không chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến, thù thắng xứng đáng bậc Thánh, thì này làm sao Hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần, với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?"

 Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:

 "-- Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú."

 Này các Tỷ-kheo, lại lần thứ hai, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta:

"-- Hiền giả Gotama, với nếp sống này ... (như trên)... tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?"

 Này các Tỷ-kheo, lại lần thứ hai Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:

 "-- Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc ... (như trên)... các Ông sẽ an trú."

 Này các Tỷ-kheo, lại lần thứ ba, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta:

 "-- Hiền giả Gotama, với nếp sống này... (như trên)... tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?"

 Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:

 "-- Này các Tỷ-kheo, từ trước đến nay, các Ông có chấp nhận là Ta chưa bao giờ nói như vậy chăng?"

 "-- Bạch Thế Tôn chưa bao giờ như vậy. "

 "-- Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tư chứng, tự đạt được ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú".

 Này các Tỷ-kheo, Ta đã làm cho nhóm năm Tỷ-kheo chấp nhận. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết giảng cho hai Tỷ-kheo. Ba Tỷ-kheo kia đi khất thực. Ðồ ăn mà ba Tỷ-kheo này khất thực mang về, đủ nuôi sống cho nhóm sáu người. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết giảng cho ba Tỷ-kheo. Hai Tỷ-kheo kia đi khất thực.. Ðồ ăn mà hai Tỷ-kheo này khất thực mang về, đủ nuôi sống cho nhóm sáu người. Này các Tỷ-kheo, chúng năm Tỷ-kheo, sau khi được Ta thuyết giảng, sau khi được Ta khuyến giáo, tự mình bị sanh, sau khi biết được sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn, tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái không chết... tự mình bi sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết được sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn, và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, thoát khỏi các (khổ) ách, chứng Niết-bàn. Tri và kiến khởi lên nơi họ: "Sự giải thoát của chúng ta không bị dao động, đây thức gì được hiện khởi như vậy đều quy là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa".

 138. Hành trình đích thực của bậc thánh

 Đó là hành trình tu chứng bao gồm chỉ và quán. Mỗi sự thành tựu đề là giai đoạn cần vượt qua chứ không phải để chấp thủ cho đến khi đạt cứu cánh viên mãn của cả hai tâm giải thoát và tuệ giải thoát: “Sau khi thấy bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Vị ấy đã vượt khỏi mọi triền phược ở đời. An tâm vị ấy đi, an tâm vị ấy đứng, an tâm vị ấy ngồi, an tâm vị ấy nằm. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì vị ấy vượt khỏi tầm tay của Ác ma.” 

 

Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... (như trên)... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, là năm dục trưởng dưỡng.

 Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại của chúng, không biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, mà thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: "Các Người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn". Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: "Nó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như ý muốn. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc... (như trên)... đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn.

 Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: "Các Người không rơi vào bất hạnh, không rơi vào tai họa, không bi Ác ma sử dụng như ý muốn". Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng, không bị sập bẫy phải nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: "Nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai họa, nó không bị người thợ săn sử dụng như ý muốn". Khi người thợ săn đến, con nai có thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc... không bị Ác ma sử dụng như ý muốn.

 Chư Tỷ-kheo, ví như con nai sống trong rừng, đi qua đi lại trong rừng, an tâm nó đi, an tâm nó đứng, an tâm nó ngồi, an tâm nó nằm. Tại sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nó vượt khỏi tầm tay của người thợ săn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là: một vị đã làm Ác Ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các vị Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tướng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức Vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là... đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ- kheo ấy được gọi là...đã vượt khỏi tầm mắt của Ác ma.

 Này các Tỷ-kheo, lại nữa Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định). Sau khi thấy bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Vị ấy đã vượt khỏi mọi triền phược ở đời. An tâm vị ấy đi, an tâm vị ấy đứng, an tâm vị ấy ngồi, an tâm vị ấy nằm. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì vị ấy vượt khỏi tầm tay của Ác ma.

 Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Phân đoạn & chú thích: Tỳ Kheo Giác Đẳng

 

-ooOoo-

Kinh số 26 [tóm tắt]

Kinh Thánh Cầu

(Ariyapariyesanā Sutta)

(M.i, 160)

 

Đức Phật giảng có hai loại tầm cầu: Phi thánh cầu và Thánh cầu. Phi thánh cầu là bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, ô nhiễm lại đi tìm cầu cái bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, ô nhiễm, như các chúng sanh tầm cầu vợ con, danh vọng, tài sản, v.v. Còn Thánh cầu là mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, đi cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách Niết-bàn.

 

Rồi đức Phật kể lại Thánh cầu của mình, từ khi còn là Thái tử xuất gia, học đạo với Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputto, và từ bỏ hai vị này vì thấy hai vị này chưa chứng được Thánh quả. Rồi Ngài đến Uruvelā lựa một địa điểm khả ái ngồi xuống tu tập, và cuối cùng Ngài trở thành giác ngộ. Bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, đức Phật chứng được cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Sau khi giác ngộ, Ngài ban đầu không muốn thuyết pháp, sau có Phạm thiên yêu cầu, Ngài mới quyết định thuyết pháp, chuyển pháp luân. Rồi Ngài đi đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm vị Tỷ-kheo trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài và cuối cùng năm vị này chứng được quả A-la-hán.

 

Rồi đức Phật đề cập đến năm dục tăng trưởng, những Sa-môn, Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị say mê bởi năm dục tăng trưởng này, không thấy sự nguy hại, sự xuất ly của chúng mà thọ dụng chúng thời các vị này sẽ gặp ách nạn, rơi vào tầm tay của Ác ma. Còn những Sa-môn, Bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị say mê bởi năm dục tăng trưởng này, thấy sự nguy hại, sự xuất ly của chúng mà thọ dụng chúng, thời khỏi gặp các ách nạn, khỏi rơi vào tầm tay của Ác ma.

 

Lại nữa, ví như con nai sống trong rừng, an tâm đi lại trong rừng, và vượt khỏi tầm tay của người thợ săn. Cũng vậy, vị Tỷ-kheo chứng được các cảnh giới thiền, bốn thiền, bốn không, diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Như vậy là làm Ác ma mù mắt, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

 

-ooOoo-

 

Kinh số 26 [dàn ý]

Kinh Thánh Cầu

(Ariyapariyesanā Sutta)

(M.i, 160)

 

A. Duyên khởi:

 

Các Tỷ-kheo tụ họp tại nhà Bà-la-môn Rāmmaka và Thế Tôn đến đấy để thuyết pháp.

 

B. Chánh kinh:

 

I. Định nghĩa phi thánh cầu và thánh cầu.

 

II. Kinh nghiệm thánh cầu của Đức Phật trước khi thành đạo

 

1. Cầu đạo, học đạo:

 

a. Thánh cầu của Thái tử.

 

b. Học đạo với Āḷāra Kālāma.

 

c. Học đạo với Uddaka Rāmaputta.

 

2. Sa-môn Gotama thành đạo.

 

3. Đức Phật thuyết pháp:

 

a. Do dự.

 

b. Phạm thiên thỉnh Đức Phật thuyết pháp.

 

c. Đức Phật quyết định thuyết pháp.

 

d. Đức Phật thuyết pháp cho 5 vị Tỷ-kheo.

 

e. Trên đường đi đến Ba-la-nại. Sự gặp gỡ với Upaka.

 

4. Đức Phật thuyết pháp cho 5 vị Tỷ-kheo.

 

III. Bài thuyết pháp về 5 dục trưởng dưỡng

 

1. Định nghĩa.

 

2. Nguy hiểm.

 

3. Giải thoát.

 

C. Kết luận:

 

Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

 

-ooOoo-

 

Kinh số 26 [toát yếu]

Kinh Thánh Cầu

(Ariyapariyesanā Sutta)

(M.i, 160)

 

I. TOÁT YẾU

 

Ariyapariyesana Sutta - the noble search.

 

The Buddha gives the Bhikkhus a long account of his own quest for enlightenment from the time of his life in the palace up to his transmission of the Dhamma to his first five disciples.

 

Sự tầm cầu cao thượng.

 

Phật kể cho chúng tỳ kheo về sự tầm cầu giác ngộ trong đời Ngài, từ khi còn ở trong cung điện cho đến khi truyền Pháp cho năm đệ tử đầu tiên.

 

II. TÓM TẮT

 

Một số đông tỳ kheo đang hội họp ở tịnh thất của bà-la- môn Rāmmaka khi Phật đến. Ngài hỏi họđang bàn chuyện gì, họ trả lời đang luận bàn về đức Thế Tôn. Phật khen và dạy, khi tỳ kheo tụ hội chỉ có hai việc nên làm: hoặc bàn luận về Pháp, hoặc giữ sự im lặng của bậc thánh. Và Ngài giảng giải về hai sự tầm cầu. Một là trong khi mình đang bị sinh già bệnh chết, khổ sầu, ô nhiễm, lại đi tìm cầu những thứ cũng bị sinh già bệnh chết, khổ sầu, ô nhiễm; đó là vợ con, tôi tớ, vàng bạc, của cải.... Hai là khi thấy mình bị già chết, khổ sầu, ô nhiễm, bèn đi tìm những thứ vượt ngoài già chết, khổ sầu, ô nhiễm.... đạt đến Niết- bàn, thoát khỏi mọi khổ ách.

 

Phật kể lại, trong lúc tuổi trẻ, tóc còn đen nhánh, do thấy mình bị sinh, già chết, khổ sầu, ô nhiễm, nên Ngài đã ra đi tìm cái không già chết, khổ sầu, ô nhiễm. Lúc đầu, Ngài theo học đạo sĩ Āḷāra Kālāma. Chỗ chứng đắc cao nhất của vị này là Vô sở hữu xứ. Sau một thời gian, Ngài cũng chứng được Vô sở hữu xứ, được thầy xem ngang hàng, mời ở lại cùng lãnh đạo đồ chúng, nhưng Ngài đã bỏ đi vì thấy Vô sở hữu xứ chưa phải Niết-bàn. Vị thầy thứ hai là Uddaka Rāmaputta, cho rằng chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ là tối cao. Ngài cũng nhanh chóng đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, được Uddaka khen ngợi, mời ở lại cùng lãnh đạo, nhưng Ngài đã từ chối vì biết Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chưa phải là Niết-bàn. Ngài ra đi đến tụ lạc Uruvela xứ Ma-kiệt-đà, vào khu rừng khả ái ở bên sông để tinh tấn thiền định. Ngài đã chứng được cái không sinh, già, bệnh, chết, khổ sầu, cái không ô nhiễm; đạt đến Niết-bàn, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

 

Ngài suy nghĩ, Pháp Ngài chứng được thật sâu kín, siêu lý luận, chỉ bậc trí thấu hiểu; đối với quần chúng đam mê khoái lạc, rất khó thấy pháp Duyên khởi này, rất khó hiểu thấu sự tịnh chỉ tất cả hành, từ bỏ sinh y, đạt đến ái diệt, ly tham, Niết-bàn. Nếu thuyết pháp mà quần chúng không hiểu thì chỉ thêm phiền não. Do vậy tâm Ngài do dự không muốn thuyết pháp. Khi ấy Phạm thiên xuất hiện, cầu thỉnh Ngài vì chúng sinh mà mở cửa Pháp cam lồ vi diệu. Phật lại quán thấy có ba hạng chúng sinh, như ba hạng hoa sen: Có hạng còn chìm nghỉm; có hạng vươn lên ngang mặt nước; nhưng cũng có hạng đã vượt khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Chúng sinh cũng vậy, có hạng nhiều nhiễm bụi đời, có hạng ít nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, có hạng độn căn. Khi ấy Ngài quyết định ra thuyết pháp. Và hai người đầu tiên Ngài nghĩ đến là hai vị thầy của Ngài trước kia; nhưng chư thiên cho Ngài biết Alara Kalama đã từ trần cách đó bảy ngày, còn Uddaka Rāmaputta vừa mới tạ thế. Khi ấy Ngài đi đến vườn Lộc uyển ở Ba-la-nại tìm năm anh em Kiều Trần Như để hóa độ. Trên đường đi, Ngài gặp ngoại đạo Upaka. Vị này trông thấy sắc diện thanh khiết của Phật, khen ngợi và hỏi Ngài thờ ai làm thầy. Khi nghe Phật trả lời Ngài không có thầy, Ngài đã tự chứng thành bậc Chánh đẳng giác trên đời không ai bằng, ngoại đạo Upaka lắc đầu bỏ đi. Khi đến vườn Lộc uyển, Ngài tìm gặp năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp cho họ.

 

Ngài giảng về năm dục trưởng dưỡng là sắc thanh hương vị xúc. Những sa môn bà-la-môn nào bị chúng trói buộc thì phải rơi vào cạm bẫy Ác ma, như nai bị sập bẫy thợ săn vì tham ăn. Những sa môn bà-la-môn nào biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm dục thì không bị chúng trói buộc, không rơi vào cạm bẫy Ác ma, như nai không sập bẫy. Vị ấy có thể tu chứng bốn thiền, bốn không và Diệt thọ tưởng định, vượt khỏi tầm mắt của Ác ma, như nai không bị sập bẫy, vượt khỏi tầm tay thợ săn, có thể tung tăng trong rừng.

 

III. CHÚ GIẢI

 

Sự im lặng của bậc Thánh: Theo Luận giải kinh Trung bộ, "im lặng như thánh" là nhị thiền (không còn tầm tứ) và đề mục thiền căn bản của hành giả - ví dụ quán tứ niệm xứ.

 

Người nào chưa đắc nhị thiền thì nên giữ sự "im lặng của bậc thánh" bằng cách bám sát đề mục thiền căn bản của mình.

 

Sinh y - upadhi: Nghĩa gốc là nền tảng, cơ sở. Luận kể ra nhiều loại sinh y là năm uẩn, các đối tượng của dục lạc, các ô nhiễm, và nghiệp. Đại đức Bodhi diễn dịch sinh y là "đối tượng chấp thủ" hoặc chính sự chấp thủ. Niết-bàn là sự từ mọi sinh y với cả hai nghĩa ấy.

 

Vàng bạc là thứ không bị sinh già bệnh chết sầu bi khổ... nhưng theo Luận, nó vẫn bị ô nhiễm vì có thể pha lẫn với kim loại kém giá trị hơn nó.

 

Vô sở hữu xứ - base of nothingness: Định thứ ba trong bốn định vô sắc -immaterial attainments, thuộc thiền chỉ - serenity meditation. Mặc dù là những chứng đắc cao siêu, bốn thiền bốn định vẫn còn thuộc thế gian, không đưa đến Niết-bàn. Tuổi thọ ở Vô sở hữu xứ - chỗ tái sinh của thiền giả chứng Vô sở hữu - là sáu mươi ngàn kiếp, sau đó vẫn phải rơi xuống các cõi thấp và chịu luân hồi sinh tử, chưa thoát khỏi lưới bẫy của Ác ma.

 

Pháp, theo Luận giải, chính là Bốn chân lý cao cả. Pháp này gồm haiđiểm cốt yếu là Duyên khởi và Niết- bàn. Duyên khởi bao gồm Khổ và Tập trong bốn chân lý, Niết-bàn là Diệt và Đạo.

 

Không muốn thuyết pháp: Luận nêu lên câu hỏi ở đây là, tại sao Bồ-tát đã từ lâu phát nguyện tìm đạo để cứu chúng sinh, mà bây giờ tâm Ngài lại do dự. Lý do là, chỉ sau khi đắc đạo, Ngài mới thấy rõ sức mạnh của vô minh phiền não trong tâm chúng sinh, và sự sâu xa vi diệu của Pháp. Hơn nữa, Ngài chờ Phạm thiên cầu thỉnh mới ra nói Pháp, là cốt cho những người thờ Phạm thiên thấy được giá trị của Pháp và mong mỏi lắng nghe.

 

Ngoại đạo Upaka: Luận nói ông này sau khi gặp Phật rồi bỏ đi, đã yêu một cô gái con thợ săn và cưới nàng. Chỉ sau khi bị đau khổ vì tình, Upaka mới trở lại tìm Phật. Ông đã gia nhập tăng đoàn, chứng quả thứ ba - Bất hoàn - và sinh vào cõi trời Avìha, nơi ông đắc quả A-la-hán.

 

Sa môn bà-la-môn ... Đoạn này đề cập trở lại sự tầm cầu bất đáng nói ở đầu Kinh là tầm cầu năm dục, cốt để hiển là "tầm cầu cao thượng" hay thánh cầu, mà trong đời sống xuất gia vẫn có thể có những tầm cầu bất đáng, những tầm cầu đưa đến sinh già bệnh chết sầu khổ ô nhiễm.

 

 

 

IV. PHÁP SỐ

 

Bốn thiền, Bốn không, Năm dục trưởng dưỡng, Chín định thứ đệ.

 

V. KỆ TỤNG

 

Tịnh thất Ra-ma-ka
Chúng tỳ kheo tụ tập
Đang bàn luận về Phật
Thì Thế Tôn đến liền.
Khi biết chuyện, Phật khen:

Tỳ kheo lúc nhóm họp

Chỉ nên bàn luận Pháp

Hoặc như thánh mặc nhiên.

 

Có hai sự tầm cầu:
Thánh cầu và phi thánh.

Sinh, già, bệnh, chết, sầu,
Ô nhiễm là phi thánh.
Tìm năm dục trưởng dưỡng

Gọi là phi thánh cầu

Trong khi mình đã khổ

Lại rước thêm khổ đau.

 

Thế nào là thánh cầu?

Xưa kia khi hành đạo

Xét nguy hiểm của "sinh"

Ta đi tìm vô sinh.

Xét nguy hiểm của già

Ta tìm cái không già

Xét nguy hiểm của bệnh

 

Ta tìm cái không bệnh

Xét nguy hiểm của chết

Ta tìm cái bất tử
Tự mình bị khổ sầu

Ta tìm cái không sầu

Tự mình bị ô nhiễm
Ta tìm cái không nhiễm

Đạt Niết-bàn vô thượng

An ổn thoát khổ ách.

 

Ta cạo bỏ râu tóc
Trong độ tuổi thanh xuân

Và từ bỏ gia đình
Đi tìm cái chí thiện.
Thầy đầu tiên ta gặp

Chứng Vô sở hữu xứ
Cho thế là tối cao.
Tín tấn niệm định tuệ

Trong ta lại thiếu sao?
Ta nỗ lực tinh cần
Chứng Vô sở hữu xứ.

Thầy vô cùng khen ngợi

Xem ta người ngang hàng

Mời trông coi đệ tử

Nhưng ta lại ra đi

Vì thấy rõ pháp ấy

Không hướng đến yểm ly

Không đưa đến Niết-bàn

Chỉ đến Vô sở hữu.  

 

Kế tiếp ta đã gặp
Út đa Ra-ma tử
Vị này chỉ tuyên bố
Phi tưởng phi phi tưởng.

Ta cũng đắc pháp ấy

Biết chưa phải tối thượng

Nên ta lại ra đi

Tìm vô thượng Niết-bàn.

 

Tại xứ Ma-kiệt-đà
Trong khu rừng ven sông

Ta tinh cần tinh tấn
Đạt giải thoát bất động

Đây đời sống cuối cùng.

Ta chứng cái không sinh

Không già, bệnh, chết, sầu

Chứng cái không ô nhiễm:

Niết-bàn khỏi khổ ách.

 

Rồi ta lại suy nghĩ

"Sao ta nói chính pháp

Được chứng ngộ khó khăn?

Những ai còn tham sân
Khó chứng ngộ pháp này
Đi ngược dòng, thâm diệu

Kẻ ái nhiễm vô minh
Không thấy được pháp này."

Bấy giờ vị Phạm thiên

Hiện xuống trước mặt ta

Chắp tay mà cầu thỉnh:

"Tại xứ Ma-kiệt-đà
Hiện ra pháp bất tịnh


Do suy tư tác thành.
Hãy mở cửa bất tử
Cho chúng được nghe pháp

Mà bậc thánh vô uế
Đã chân chính giác ngộ.

Như đứng trên tảng đá
Tại chót đỉnh núi cao

Đưa mắt nhìn chúng sinh

Quần chúng dưới chân mình.

Cũng vậy đấng Thiện thệ

Biến nhãn không sầu muộn

Lên lầu cao Chánh pháp

Nhìn xuống đám quần sinh

Bị sinh già áp bức
Bị ưu tư sầu khổ
Anh hùng, hãy đứng lên
Bậc Chiến thắng chiến trường

Vị trưởng đoàn lữ khách

Đấng thoát ly nợ nần
Hãy thuyết vi diệu pháp
Sẽ có người nhờ nghe

Mà thâm hiểu diệu nghĩa."

 

Tại khu vườn Lộc uyển

Gặp nhóm năm tỳ kheo

Ta giảng về năm dục
Vị ngọt cùng nguy hiểm

Và xuất ly khỏi chúng

Ai bị dục trói buộc

Không thoát khỏi ác ma.

Tỳ kheo lìa ác dục

Chứng trú tám giải thoát  

Cho đến diệt tận định

Ác ma không thấy được.

Như nai được tự do

Thoát tầm thợ săn bẫy.

 

(Lời thỉnh của Phạm thiên viết theo một bài giảng của Hòa

thượng Thiện Siêu)

 

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Tóm tắt & chú giải: Thích Nữ Trí Hải

 

-ooOoo-

 

26. Pāsarāsisuttaṃ [Mūla]

 

272. Evaṃ    me sutaṃ : ekaṃ samayaṃ Bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikassa ārāme. Atha kho Bhagavā pubbaṇhasamayaṃ nivāsetvā pattacīvaramādāya sāvatthiṃ piṇḍāya pāvisi. Atha kho sambahulā bhikkhū yenāyasmā ānando tenupasaṅkamiṃsu upasaṅkamitvā āyasmantaṃ ānandaṃ etadavocuṃ : ''cirassutā no, āvuso ānanda, bhagavato sammukhā dhammī kathā. Sādhu mayaṃ, āvuso ānanda, labheyyāma bhagavato sammukhā dhammiṃ kathaṃ savanāyāti. ''Tena hāyasmanto yena rammakassa brāhmaṇassa assamo tenupasaṅkamatha appeva nāma labheyyātha bhagavato sammukhā dhammiṃ kathaṃ savanāyāti. ''Evamāvusoti kho te bhikkhū āyasmato ānandassa paccassosuṃ. Atha kho Bhagavā sāvatthiyaṃ piṇḍāya caritvā pacchābhattaṃ piṇḍapātapaṭikkanto āyasmantaṃ ānandaṃ āmantesi : ''āyāmānanda, yena pubbārāmo migāramātupāsādo tenupasaṅkamissāma divāvihārāyāti. ''Evaṃ, bhanteti kho āyasmā ānando bhagavato paccassosi. Atha  kho Bhagavā āyasmatā ānandena saddhiṃ yena pubbārāmo migāramātupāsādo tenupasaṅkami divāvihārāya. Atha kho Bhagavā sāyanhasamayaṃ paṭisallānā vuṭṭhito āyasmantaṃ ānandaṃ āmantesi : ''āyāmānanda, yena  pubbakoṭṭhako tenupasaṅkamissāma gattāni parisiñcitunti. ''Evaṃ, bhanteti kho āyasmā ānando bhagavato paccassosi.

 

273. Atha kho Bhagavā āyasmatā ānandena saddhiṃ yena pubbakoṭṭhako tenupasaṅkami gattāni parisiñcituṃ. Pubbakoṭṭhake gattāni parisiñcitvā paccuttaritvā ekacīvaro aṭṭhāsi gattāni pubbāpayamāno. Atha kho āyasmā ānando bhagavantaṃ etadavoca : ''ayaṃ, bhante, rammakassa brāhmaṇassa assamo avidūre. Ramaṇīyo, bhante, rammakassa brāhmaṇassa assamo pāsādiko, bhante, rammakassa brāhmaṇassa assamo. Sādhu, bhante, Bhagavā yena rammakassa brāhmaṇassa assamo tenupasaṅkamatu anukampaṃ upādāyāti. Adhivāsesi Bhagavā tuṇhībhāvena. Atha   kho Bhagavā yena rammakassa brāhmaṇassa assamo tenupasaṅkami. Tena kho pana samayena sambahulā bhikkhū rammakassa brāhmaṇassa assame dhammiyā kathāya sannisinnā honti. Atha kho Bhagavā bahidvārakoṭṭhake aṭṭhāsi kathāpariyosānaṃ āgamayamāno. Atha kho Bhagavā kathāpariyosānaṃ viditvā ukkāsitvā aggaḷaṃ ākoṭesi. Vivariṃsu kho te bhikkhū bhagavato dvāraṃ. Atha kho Bhagavā rammakassa brāhmaṇassa assamaṃ pavisitvā paññatte āsane nisīdi. Nisajja kho Bhagavā bhikkhū āmantesi : ''kāyanuttha, bhikkhave, etarahi kathāya sannisinnā? kā ca pana vo antarākathā vippakatāti ? ''bhagavantameva kho no, bhante, ārabbha dhammī kathā vippakatā, atha Bhagavā anuppattoti. ''Sādhu, bhikkhave! etaṃ kho, bhikkhave, tumhākaṃ patirūpaṃ kulaputtānaṃ saddhā agārasmā anagāriyaṃ pabbajitānaṃ yaṃ tumhe dhammiyā kathāya sannisīdeyyātha. Sannipatitānaṃ vo, bhikkhave, dvayaṃ karaṇīyaṃ : dhammī vā kathā, ariyo vā tuṇhībhāvo.

 

274. ''Dvemā, bhikkhave, pariyesanā : ariyā ca pariyesanā, anariyā ca pariyesanā. ''Katamā ca, bhikkhave, anariyā pariyesanā? idha, bhikkhave, ekacco attanā jātidhammo samāno jātidhammaṃyeva pariyesati, attanā jarādhammo samāno jarādhammaṃyeva  pariyesati, attanā byādhidhammo samāno byādhidhammaṃyeva pariyesati, attanā maraṇadhammo samāno maraṇadhammaṃyeva pariyesati, attanā sokadhammo samāno sokadhammaṃyeva pariyesati, attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhammaṃyeva pariyesati. ''Kiñca, bhikkhave, jātidhammaṃ vadetha? puttabhariyaṃ, bhikkhave, jātidhammaṃ, dāsidāsaṃ jātidhammaṃ, ajeḷakaṃ jātidhammaṃ, kukkuṭasūkaraṃ jātidhammaṃ, hatthigavāssavaḷavaṃ jātidhammaṃ, jātarūparajataṃ jātidhammaṃ. Jātidhammā hete, bhikkhave, upadhayo. Etthāyaṃ gathito [gadhīto (syā. ka.)] mucchito ajjhāpanno attanā jātidhammo samāno jātidhammaṃyeva pariyesati. ''Kiñca, bhikkhave, jarādhammaṃ vadetha? puttabhariyaṃ, bhikkhave, jarādhammaṃ, dāsidāsaṃ jarādhammaṃ, ajeḷakaṃ jarādhammaṃ, kukkuṭasūkaraṃ  jarādhammaṃ, hatthigavāssavaḷavaṃ jarādhammaṃ , jātarūparajataṃ  jarādhammaṃ. Jarādhammā hete, bhikkhave, upadhayo. Etthāyaṃ gathito mucchito ajjhāpanno attanā jarādhammo samāno jarādhammaṃyeva pariyesati. ''Kiñca, bhikkhave, byādhidhammaṃ vadetha? puttabhariyaṃ, bhikkhave, byādhidhammaṃ, dāsidāsaṃ byādhidhammaṃ, ajeḷakaṃ byādhidhammaṃ, kukkuṭasūkaraṃ byādhidhammaṃ, hatthigavāssavaḷavaṃ byādhidhammaṃ. Byādhidhammā hete, bhikkhave, upadhayo. Etthāyaṃ gathito mucchito ajjhāpanno attanā byādhidhammo samāno byādhidhammaṃyeva pariyesati. ''Kiñca, bhikkhave, maraṇadhammaṃ vadetha? puttabhariyaṃ, bhikkhave, maraṇadhammaṃ, dāsidāsaṃ maraṇadhammaṃ, ajeḷakaṃ maraṇadhammaṃ, kukkuṭasūkaraṃ maraṇadhammaṃ, hatthigavāssavaḷavaṃ maraṇadhammaṃ. Maraṇadhammā hete, bhikkhave, upadhayo. Etthāyaṃ gathito mucchito ajjhāpanno attanā maraṇadhammo samāno maraṇadhammaṃyeva pariyesati. ''Kiñca, bhikkhave, sokadhammaṃ vadetha? puttabhariyaṃ, bhikkhave, sokadhammaṃ, dāsidāsaṃ sokadhammaṃ, ajeḷakaṃ sokadhammaṃ, kukkuṭasūkaraṃ sokadhammaṃ, hatthigavāssavaḷavaṃ sokadhammaṃ. Sokadhammā hete, bhikkhave, upadhayo. Etthāyaṃ gathito mucchito ajjhāpanno attanā sokadhammo samāno sokadhammaṃyeva pariyesati. ''Kiñca, bhikkhave, saṃkilesadhammaṃ vadetha? puttabhariyaṃ, bhikkhave, saṃkilesadhammaṃ, dāsidāsaṃ saṃkilesadhammaṃ, ajeḷakaṃ saṃkilesadhammaṃ , kukkuṭasūkaraṃ saṃkilesadhammaṃ, hatthigavāssavaḷavaṃ saṃkilesadhammaṃ, jātarūparajataṃ saṃkilesadhammaṃ. Saṃkilesadhammā hete, bhikkhave, upadhayo. Etthāyaṃ gathito mucchito ajjhāpanno attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhammaṃyeva pariyesati. Ayaṃ, bhikkhave, anariyā pariyesanā.

 

275. ''Katamā ca, bhikkhave, ariyā pariyesanā? idha, bhikkhave, ekacco attanā jātidhammo samāno jātidhamme ādīnavaṃ viditvā  ajātaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati, attanā jarādhammo samāno jarādhamme ādīnavaṃ viditvā ajaraṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati, attanā byādhidhammo samāno byādhidhamme ādīnavaṃ viditvā abyādhiṃ anuttaraṃ  yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati, attanā maraṇadhammo samāno maraṇadhamme  ādīnavaṃ viditvā amataṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati, attanā sokadhammo samāno sokadhamme ādīnavaṃ viditvā asokaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati, attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhamme ādīnavaṃ viditvā asaṃkiliṭṭhaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati. Ayaṃ, bhikkhave, ariyā pariyesanā.

 

276. ''Ahampi sudaṃ, bhikkhave, pubbeva sambodhā anabhisambuddho bodhisattova samāno attanā jātidhammo samāno jātidhammaṃyeva pariyesāmi, attanā jarādhammo samāno jarādhammaṃyeva pariyesāmi, attanā  byādhidhammo samāno byādhidhammaṃyeva pariyesāmi, attanā maraṇadhammo samāno maraṇadhammaṃyeva pariyesāmi, attanā sokadhammo samāno sokadhammaṃyeva pariyesāmi, attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhammaṃyeva pariyesāmi. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'kiṃ nu kho ahaṃ attanā jātidhammo samāno jātidhammaṃyeva pariyesāmi, attanā jarādhammo samāno - pe - byādhidhammo samāno... maraṇadhammo samāno... sokadhammo samāno... attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhammaṃyeva pariyesāmi? yaṃnūnāhaṃ attanā jātidhammo samāno jātidhamme ādīnavaṃ viditvā ajātaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyeseyyaṃ, attanā jarādhammo samāno jarādhamme ādīnavaṃ viditvā ajaraṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyeseyyaṃ, attanā byādhidhammo samāno byādhidhamme ādīnavaṃ viditvā abyādhiṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyeseyyaṃ, attanā maraṇadhammo samāno maraṇadhamme ādīnavaṃ viditvā amataṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyeseyyaṃ, attanā sokadhammo samāno sokadhamme ādīnavaṃ viditvā asokaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyeseyyaṃ, attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhamme ādīnavaṃ viditvā asaṃkiliṭṭhaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyeseyyanti.

 

277. ''So kho ahaṃ, bhikkhave, aparena samayena daharova samāno susukāḷakeso , bhadrena yobbanena samannāgato paṭhamena vayasā akāmakānaṃ mātāpitūnaṃ assumukhānaṃ rudantānaṃ kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni  vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajiṃ. So evaṃ pabbajito samāno kiṃ kusalagavesī [kiṃkusalaṃgavesī (ka.)] anuttaraṃ santivarapadaṃ pariyesamāno yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṃ. Upasaṅkamitvā āḷāraṃ kālāmaṃ etadavocaṃ : 'icchāmahaṃ, āvuso kālāma, imasmiṃ dhammavinaye  brahmacariyaṃ caritunti. Evaṃ vutte, bhikkhave, āḷāro kālāmo maṃ etadavoca : 'viharatāyasmā tādiso ayaṃ dhammo yattha viññū puriso  nacirasseva sakaṃ ācariyakaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyāti. So kho ahaṃ, bhikkhave, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ pariyāpuṇiṃ. So kho ahaṃ, bhikkhave, tāvatakeneva oṭṭhapahatamattena lapitalāpanamattena ñāṇavādañca vadāmi theravādañca, 'jānāmi passāmīti ca paṭijānāmi ahañceva aññe ca. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'na kho āḷāro kālāmo imaṃ dhammaṃ kevalaṃ saddhāmattakena sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti addhā āḷāro kālāmo imaṃ dhammaṃ jānaṃ passaṃ viharatīti.

 

''Atha khvāhaṃ, bhikkhave, yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā āḷāraṃ kālāmaṃ etadavocaṃ : 'kittāvatā no, āvuso kālāma, imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesīti [upasampajja pavedesīti (sī. syā. pī.)]? evaṃ vutte, bhikkhave, āḷāro kālāmo ākiñcaññāyatanaṃ  pavedesi. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'na kho āḷārasseva kālāmassa atthi saddhā, mayhaṃpatthi saddhā na kho āḷārasseva kālāmassa atthi vīriyaṃ, mayhaṃpatthi vīriyaṃ na kho āḷārasseva kālāmassa atthi sati, mayhaṃpatthi sati na kho āḷārasseva kālāmassa atthi samādhi, mayhaṃpatthi samādhi na kho āḷārasseva kālāmassa atthi paññā, mayhaṃpatthi paññā. Yaṃnūnāhaṃ yaṃ dhammaṃ āḷāro kālāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti, tassa dhammassa sacchikiriyāya padaheyyanti. So kho ahaṃ, bhikkhave, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsiṃ. ''Atha khvāhaṃ, bhikkhave, yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā āḷāraṃ kālāmaṃ etadavocaṃ : 'ettāvatā no, āvuso kālāma, imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesīti? 'ettāvatā  kho ahaṃ, āvuso, imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemīti. 'Ahampi  kho, āvuso, ettāvatā imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti.

 

'Lābhā no, āvuso, suladdhaṃ no, āvuso, ye mayaṃ āyasmantaṃ tādisaṃ sabrahmacāriṃ passāma. Iti yāhaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemi taṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi. Yaṃ tvaṃ  dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi tamahaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā  sacchikatvā upasampajja pavedemi. Iti yāhaṃ dhammaṃ jānāmi taṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi, yaṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi tamahaṃ dhammaṃ jānāmi. Iti yādiso ahaṃ tādiso tuvaṃ, yādiso tuvaṃ tādiso ahaṃ. Ehi dāni, āvuso, ubhova santā imaṃ gaṇaṃ pariharāmāti. Iti kho, bhikkhave, āḷāro kālāmo ācariyo me samāno (attano) [( ) natthi (sī. syā. pī.)] antevāsiṃ maṃ samānaṃ attanā [attano (sī. pī.)] samasamaṃ ṭhapesi, uḷārāya ca maṃ pūjāya pūjesi. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'nāyaṃ dhammo nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṃvattati, yāvadeva ākiñcaññāyatanūpapattiyāti. So kho ahaṃ, bhikkhave, taṃ dhammaṃ analaṅkaritvā tasmā dhammā nibbijja apakkamiṃ.

  

278. ''So kho ahaṃ, bhikkhave, kiṃ kusalagavesī anuttaraṃ santivarapadaṃ pariyesamāno yena udako [uddako (sī. syā. pī.)] rāmaputto tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā udakaṃ rāmaputtaṃ etadavocaṃ : 'icchāmahaṃ, āvuso [āvuso rāma (sī. syā. ka.) mahāsatto rāmaputtameva avoca, na rāmaṃ, rāmo hi tattha gaṇācariyo bhaveyya, tadā ca kālaṅkato asanto. Tenevettha rāmāyattāni kriyapadāni atītakālavasena āgatāni, udako ca rāmaputto mahāsattassa sabrahmacārītveva vutto, na ācariyoti. Ṭīkāyaṃ ca ''pāḷiyaṃ rāmasseva samāpattilābhitā āgatā na udakassāti ādi pacchābhāge pakāsitā], imasmiṃ dhammavinaye brahmacariyaṃ caritunti. Evaṃ vutte, bhikkhave, udako rāmaputto maṃ etadavoca : 'viharatāyasmā tādiso ayaṃ dhammo yattha viññū puriso nacirasseva sakaṃ ācariyakaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyāti. So kho ahaṃ, bhikkhave, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ pariyāpuṇiṃ. So kho  ahaṃ, bhikkhave, tāvatakeneva oṭṭhapahatamattena lapitalāpanamattena ñāṇavādañca vadāmi  theravādañca, 'jānāmi passāmīti ca paṭijānāmi ahañceva aññe ca. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'na kho rāmo imaṃ dhammaṃ kevalaṃ saddhāmattakena sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesi addhā rāmo imaṃ dhammaṃ jānaṃ passaṃ vihāsīti. ''Atha khvāhaṃ, bhikkhave, yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā udakaṃ rāmaputtaṃ etadavocaṃ : 'kittāvatā no, āvuso, rāmo imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja  viharāmīti pavedesīti? evaṃ vutte, bhikkhave, udako rāmaputto nevasaññānāsaññāyatanaṃ pavedesi. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'na kho rāmasseva ahosi saddhā, mayhaṃpatthi saddhā na kho rāmasseva ahosi vīriyaṃ , mayhaṃpatthi vīriyaṃ na kho rāmasseva ahosi sati, mayhaṃpatthi sati na kho rāmasseva ahosi samādhi, mayhaṃpatthi samādhi, na kho rāmasseva ahosi paññā, mayhaṃpatthi paññā. Yaṃnūnāhaṃ yaṃ dhammaṃ rāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesi, tassa dhammassa sacchikiriyāya padaheyyanti. So kho ahaṃ, bhikkhave, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsiṃ. ''Atha khvāhaṃ, bhikkhave, yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā udakaṃ rāmaputtaṃ etadavocaṃ : 'ettāvatā no, āvuso, rāmo imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesīti? 'ettāvatā kho, āvuso, rāmo imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesīti. 'Ahampi kho, āvuso, ettāvatā imaṃ  dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti. 'Lābhā no, āvuso, suladdhaṃ no, āvuso, ye mayaṃ āyasmantaṃ tādisaṃ sabrahmacāriṃ passāma. Iti yaṃ dhammaṃ rāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesi, taṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi. Yaṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi, taṃ dhammaṃ rāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesi. Iti yaṃ dhammaṃ rāmo abhiññāsi taṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi, yaṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi, taṃ dhammaṃ rāmo abhiññāsi. Iti yādiso rāmo ahosi tādiso tuvaṃ, yādiso tuvaṃ tādiso rāmo ahosi. Ehi dāni, āvuso, tuvaṃ imaṃ gaṇaṃ pariharāti . Iti kho, bhikkhave , udako rāmaputto sabrahmacārī me samāno ācariyaṭṭhāne maṃ ṭhapesi, uḷārāya ca maṃ pūjāya pūjesi. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'nāyaṃ dhammo nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṃvattati, yāvadeva nevasaññānāsaññāyatanūpapattiyāti. So kho ahaṃ, bhikkhave, taṃ dhammaṃ analaṅkaritvā tasmā dhammā nibbijja apakkamiṃ.

 

279. ''So kho ahaṃ, bhikkhave, kiṃ kusalagavesī anuttaraṃ santivarapadaṃ pariyesamāno magadhesu anupubbena cārikaṃ caramāno yena uruvelā senānigamo tadavasariṃ. Tatthaddasaṃ  ramaṇīyaṃ bhūmibhāgaṃ, pāsādikañca vanasaṇḍaṃ, nadiñca sandantiṃ setakaṃ supatitthaṃ ramaṇīyaṃ, samantā [sāmantā (?)] ca gocaragāmaṃ . Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'ramaṇīyo vata, bho, bhūmibhāgo, pāsādiko ca vanasaṇḍo, nadī ca sandati setakā supatitthā ramaṇīyā, samantā ca gocaragāmo. Alaṃ vatidaṃ kulaputtassa padhānatthikassa padhānāyāti. So kho ahaṃ, bhikkhave, tattheva nisīdiṃ : alamidaṃ padhānāyāti.

 

280. ''So kho ahaṃ, bhikkhave, attanā jātidhammo samāno jātidhamme ādīnavaṃ viditvā ajātaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno ajātaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃ, attanā jarādhammo samāno jarādhamme ādīnavaṃ viditvā ajaraṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno ajaraṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃ, attanā byādhidhammo samāno byādhidhamme ādīnavaṃ viditvā abyādhiṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno abyādhiṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃ, attanā maraṇadhammo samāno maraṇadhamme ādīnavaṃ viditvā amataṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃ, attanā sokadhammo samāno sokadhamme ādīnavaṃ viditvā asokaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃ, attanā saṃkilesadhammo samāno saṃkilesadhamme ādīnavaṃ viditvā asaṃkiliṭṭhaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno asaṃkiliṭṭhaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃ. ñĀṇañca pana me dassanaṃ udapādi : 'akuppā me vimutti, ayamantimā jāti, natthi dāni punabbhavoti.

 

281. ''Tassa  mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'adhigato kho myāyaṃ dhammo gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. Ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā. Ālayarāmā kho panāyaṃ  pajā ālayaratāya ālayasammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ : idappaccayatā paṭiccasamuppādo. Idampi kho ṭhānaṃ duddasaṃ yadidaṃ : sabbasaṅkhārasamatho sabbūpadhipaṭinissaggo taṇhākkhayo  virāgo nirodho nibbānaṃ. Ahañceva  kho pana dhammaṃ deseyyaṃ, pare ca me na ājāneyyuṃ, so mamassa kilamatho, sā mamassa vihesāti. Apissu maṃ, bhikkhave, imā anacchariyā gāthāyo paṭibhaṃsu pubbe assutapubbā :

'Kicchena me adhigataṃ, halaṃ dāni pakāsituṃ.

Rāgadosaparetehi, nāyaṃ dhammo susambudho..

'Paṭisotagāmiṃ nipuṇaṃ, gambhīraṃ duddasaṃ aṇuṃ.

Rāgarattā na dakkhanti, tamokhandhena āvuṭāti [āvaṭāti (sī.), āvutā (syā.)]..

 

282. ''Itiha me, bhikkhave, paṭisañcikkhato appossukkatāya cittaṃ namati, no dhammadesanāya. Atha kho, bhikkhave, brahmuno sahampatissa mama cetasā cetoparivitakkamaññāya etadahosi : 'nassati vata bho loko, vinassati vata bho loko, yatra hi nāma tathāgatassa arahato sammāsambuddhassa appossukkatāya cittaṃ namati [namissati (?)], no dhammadesanāyāti. Atha kho, bhikkhave, brahmā sahampati : seyyathāpi nāma balavā puriso samiñjitaṃ vā bāhaṃ pasāreyya, pasāritaṃ vā bāhaṃ samiñjeyya, evameva : brahmaloke antarahito mama purato pāturahosi. Atha kho, bhikkhave, brahmā sahampati ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā yenāhaṃ tenañjaliṃ paṇāmetvā maṃ etadavoca : 'desetu, bhante, Bhagavā dhammaṃ, desetu  sugato dhammaṃ. Santi sattā apparajakkhajātikā, assavanatā dhammassa parihāyanti. Bhavissanti dhammassa aññātāroti. Idamavoca, bhikkhave, brahmā sahampati. Idaṃ vatvā athāparaṃ etadavoca :

'Pāturahosi  magadhesu pubbe,

Dhammo asuddho samalehi cintito.

Apāpuretaṃ [avāpuretaṃ (sī.)] amatassa dvāraṃ,

Suṇantu dhammaṃ vimalenānubuddhaṃ..

'Sele  yathā pabbatamuddhaniṭṭhito,

Yathāpi passe janataṃ samantato.

Tathūpamaṃ dhammamayaṃ sumedha,

Pāsādamāruyha samantacakkhu.

Sokāvatiṇṇaṃ [sokāvakiṇṇaṃ (syā.)] janatamapetasoko,

Avekkhassu jātijarābhibhūtaṃ..

'Uṭṭhehi  vīra vijitasaṅgāma,

Satthavāha aṇaṇa vicara loke.

Desassu [desetu (syā. ka.)] Bhagavā dhammaṃ,

Aññātāro bhavissantīti..

 

283. ''Atha kho ahaṃ, bhikkhave, brahmuno ca ajjhesanaṃ viditvā sattesu ca kāruññataṃ paṭicca buddhacakkhunā lokaṃ volokesiṃ. Addasaṃ kho ahaṃ, bhikkhave, buddhacakkhunā lokaṃ volokento satte apparajakkhe  mahārajakkhe, tikkhindriye mudindriye, svākāre dvākāre, suviññāpaye duviññāpaye, appekacce paralokavajjabhayadassāvine [dassāvino (syā. kaṃ. ka.)] viharante, appekacce na paralokavajjabhayadassāvine [dassāvino (syā. kaṃ. ka.)] viharante. Seyyathāpi nāma uppaliniyaṃ vā paduminiyaṃ vā puṇḍarīkiniyaṃ vā appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṃvaḍḍhāni udakānuggatāni antonimuggaposīni, appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṃvaḍḍhāni udakānuggatāni samodakaṃ ṭhitāni, appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṃvaḍḍhāni udakaṃ accuggamma ṭhitāni [tiṭṭhanti (sī. syā. pī.)] anupalittāni udakena evameva kho ahaṃ, bhikkhave, buddhacakkhunā  lokaṃ volokento addasaṃ satte apparajakkhe mahārajakkhe, tikkhindriye mudindriye, svākāre dvākāre, suviññāpaye duviññāpaye, appekacce paralokavajjabhayadassāvine viharante, appekacce na paralokavajjabhayadassāvine viharante. Atha khvāhaṃ, bhikkhave, brahmānaṃ sahampatiṃ gāthāya paccabhāsiṃ :

'Apārutā  tesaṃ amatassa dvārā,

Ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ.

Vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ,

Dhammaṃ paṇītaṃ manujesu brahmeti.. ''Atha kho, bhikkhave, brahmā sahampati 'katāvakāso khomhi bhagavatā dhammadesanāyāti maṃ abhivādetvā padakkhiṇaṃ katvā tatthevantaradhāyi.

 

284. ''Tassa  mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'kassa nu kho ahaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyaṃ ko imaṃ dhammaṃ khippameva ājānissatīti? tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'ayaṃ kho āḷāro kālāmo paṇḍito viyatto medhāvī dīgharattaṃ apparajakkhajātiko. Yaṃnūnāhaṃ āḷārassa kālāmassa  paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyaṃ. So imaṃ dhammaṃ khippameva ājānissatīti. Atha kho maṃ, bhikkhave, devatā upasaṅkamitvā etadavoca : 'sattāhakālaṅkato, bhante, āḷāro kālāmoti. ñĀṇañca pana me dassanaṃ udapādi : 'sattāhakālaṅkato āḷāro kālāmoti. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'mahājāniyo kho āḷāro kālāmo. Sace hi so imaṃ dhammaṃ suṇeyya, khippameva ājāneyyāti. ''Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'kassa nu kho ahaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyaṃ ko imaṃ dhammaṃ khippameva ājānissatīti? tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'ayaṃ kho udako rāmaputto paṇḍito viyatto medhāvī dīgharattaṃ apparajakkhajātiko. Yaṃnūnāhaṃ udakassa rāmaputtassa paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyaṃ. So imaṃ dhammaṃ khippameva ājānissatīti. Atha kho maṃ, bhikkhave, devatā upasaṅkamitvā etadavoca : 'abhidosakālaṅkato, bhante, udako rāmaputtoti. ñĀṇañca pana me dassanaṃ udapādi : 'abhidosakālaṅkato udako rāmaputtoti. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'mahājāniyo kho udako rāmaputto. Sace hi so imaṃ dhammaṃ suṇeyya , khippameva ājāneyyāti.

''Tassa mayhaṃ , bhikkhave, etadahosi : 'kassa nu kho ahaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyaṃ ko imaṃ dhammaṃ khippameva ājānissatīti? tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'bahukārā  kho me pañcavaggiyā bhikkhū, ye maṃ padhānapahitattaṃ upaṭṭhahiṃsu. Yaṃnūnāhaṃ pañcavaggiyānaṃ bhikkhūnaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyanti. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi : 'kahaṃ nu kho etarahi pañcavaggiyā bhikkhū viharantīti? addasaṃ kho ahaṃ, bhikkhave, dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena pañcavaggiye bhikkhū bārāṇasiyaṃ viharante isipatane migadāye. Atha khvāhaṃ, bhikkhave, uruvelāyaṃ yathābhirantaṃ viharitvā yena bārāṇasī tena cārikaṃ pakkamiṃ [pakkāmiṃ (syā. pī. ka.)].

 

285. ''Addasā kho maṃ, bhikkhave, upako ājīvako antarā [ājīviko (sī. pī. ka.)] ca gayaṃ antarā ca bodhiṃ addhānamaggappaṭipannaṃ. Disvāna maṃ etadavoca : 'vippasannāni kho te, āvuso, indriyāni, parisuddho chavivaṇṇo pariyodāto! kaṃsi tvaṃ, āvuso, uddissa pabbajito, ko vā te satthā, kassa vā tvaṃ dhammaṃ rocesīti ? evaṃ vutte, ahaṃ, bhikkhave, upakaṃ ājīvakaṃ gāthāhi ajjhabhāsiṃ :

'Sabbābhibhū sabbavidūhamasmi, sabbesu dhammesu anūpalitto.

Sabbañjaho taṇhākkhaye vimutto, sayaṃ abhiññāya kamuddiseyyaṃ..

'Na  me ācariyo atthi, sadiso me na vijjati.

Sadevakasmiṃ lokasmiṃ, natthi me paṭipuggalo..

'Ahañhi arahā loke, ahaṃ satthā anuttaro.

Ekomhi sammāsambuddho, sītibhūtosmi nibbuto..

'Dhammacakkaṃ pavattetuṃ, gacchāmi kāsinaṃ puraṃ.

Andhībhūtasmiṃ [andhabhūtasmiṃ (sī. syā. pī.)] lokasmiṃ, āhañchaṃ amatadundubhinti.. 'Yathā kho tvaṃ, āvuso, paṭijānāsi, arahasi anantajinoti!

'Mādisā  ve jinā honti, ye pattā āsavakkhayaṃ.

Jitā me pāpakā dhammā, tasmāhamupaka jinoti.. ''Evaṃ  vutte, bhikkhave, upako ājīvako 'hupeyyapāvusoti [huveyyapāvuso (sī. pī.), huveyyāvuso (syā.)] vatvā sīsaṃ okampetvā ummaggaṃ gahetvā pakkāmi.

 

286. ''Atha khvāhaṃ, bhikkhave, anupubbena cārikaṃ caramāno yena bārāṇasī isipatanaṃ migadāyo yena pañcavaggiyā bhikkhū tenupasaṅkamiṃ. Addasaṃsu kho maṃ, bhikkhave, pañcavaggiyā bhikkhū dūrato āgacchantaṃ. Disvāna aññamaññaṃ saṇṭhapesuṃ [aññamaññaṃ katikaṃ saṇṭhapesuṃ (vinayapiṭake mahāvagge)] : 'ayaṃ kho, āvuso, samaṇo gotamo āgacchati bāhulliko [bāhuliko (sī. pī.) sāratthadīpanīṭīkāya sameti] padhānavibbhanto āvatto bāhullāya. So neva abhivādetabbo, na paccuṭṭhātabbo nāssa pattacīvaraṃ paṭiggahetabbaṃ. Api ca kho āsanaṃ ṭhapetabbaṃ, sace ākaṅkhissati nisīdissatīti. Yathā yathā kho ahaṃ, bhikkhave, upasaṅkamiṃ tathā  tathā pañcavaggiyā bhikkhū nāsakkhiṃsu sakāya katikāya saṇṭhātuṃ. Appekacce maṃ paccuggantvā pattacīvaraṃ paṭiggahesuṃ, appekacce āsanaṃ paññapesuṃ, appekacce pādodakaṃ upaṭṭhapesuṃ. Api ca kho maṃ nāmena ca āvusovādena ca samudācaranti. ''Evaṃ vutte, ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṃ : 'mā, bhikkhave, tathāgataṃ nāmena ca āvusovādena ca samudācaratha [samudācarittha (sī. syā. pī.)]. Arahaṃ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho . oDahatha, bhikkhave, sotaṃ, amatamadhigataṃ, ahamanusāsāmi, ahaṃ dhammaṃ desemi. Yathānusiṭṭhaṃ tathā paṭipajjamānā nacirasseva : yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṃ pabbajanti tadanuttaraṃ : brahmacariyapariyosānaṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathāti. Evaṃ vutte, bhikkhave, pañcavaggiyā bhikkhū maṃ etadavocuṃ : 'tāyapi kho tvaṃ, āvuso gotama, iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttarimanussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṃ, kiṃ pana tvaṃ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttarimanussadhammā alamariyañāṇadassanavisesanti? evaṃ vutte, ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṃ : 'na, bhikkhave, tathāgato bāhulliko, na padhānavibbhanto, na āvatto bāhullāya  . Arahaṃ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho. oDahatha, bhikkhave, sotaṃ, amatamadhigataṃ, ahamanusāsāmi, ahaṃ dhammaṃ desemi. Yathānusiṭṭhaṃ tathā paṭipajjamānā nacirasseva : yassatthāya kulaputtā  sammadeva agārasmā anagāriyaṃ pabbajanti tadanuttaraṃ : brahmacariyapariyosānaṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathāti. Dutiyampi kho, bhikkhave, pañcavaggiyā bhikkhū maṃ etadavocuṃ : 'tāyapi kho tvaṃ, āvuso gotama, iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttarimanussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṃ, kiṃ pana tvaṃ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttarimanussadhammā alamariyañāṇadassanavisesanti? dutiyampi kho ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṃ : 'na, bhikkhave, tathāgato bāhulliko - pe - upasampajja viharissathāti. Tatiyampi kho, bhikkhave, pañcavaggiyā bhikkhū maṃ etadavocuṃ : 'tāyapi kho tvaṃ, āvuso gotama, iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttarimanussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṃ, kiṃ pana tvaṃ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttarimanussadhammā alamariyañāṇadassanavisesanti? ''evaṃ vutte, ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṃ : 'abhijānātha me no tumhe, bhikkhave, ito pubbe evarūpaṃ pabhāvitametanti [bhāsitametanti (sī. syā. vinayepi)]? 'no hetaṃ, bhante. 'Arahaṃ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho. oDahatha, bhikkhave, sotaṃ, amatamadhigataṃ, ahamanusāsāmi, ahaṃ dhammaṃ desemi. Yathānusiṭṭhaṃ tathā paṭipajjamānā nacirasseva  : yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṃ pabbajanti tadanuttaraṃ : brahmacariyapariyosānaṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā  upasampajja viharissathāti. ''Asakkhiṃ kho ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū saññāpetuṃ. Dvepi sudaṃ, bhikkhave, bhikkhū ovadāmi, tayo bhikkhū piṇḍāya caranti. Yaṃ tayo bhikkhū piṇḍāya caritvā āharanti tena chabbaggiyā [chabbaggā (sī. syā.)] yāpema. Tayopi sudaṃ, bhikkhave, bhikkhū ovadāmi, dve bhikkhū piṇḍāya caranti. Yaṃ dve bhikkhū piṇḍāya caritvā āharanti tena chabbaggiyā yāpema. Atha kho, bhikkhave, pañcavaggiyā  bhikkhū mayā evaṃ ovadiyamānā evaṃ anusāsiyamānā attanā jātidhammā samānā jātidhamme ādīnavaṃ viditvā ajātaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamānā ajātaṃ anuttaraṃ  yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃsu, attanā jarādhammā samānā jarādhamme ādīnavaṃ viditvā ajaraṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamānā ajaraṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃsu, attanā byādhidhammā samānā - pe - attanā maraṇadhammā samānā... attanā sokadhammā samānā... attanā saṃkilesadhammā samānā saṃkilesadhamme ādīnavaṃ viditvā asaṃkiliṭṭhaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamānā asaṃkiliṭṭhaṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃsu. ñĀṇañca pana nesaṃ dassanaṃ udapādi : 'akuppā no  vimutti [akuppā nesaṃ vimutti (ka.)], ayamantimā jāti, natthi dāni punabbhavoti.

 

287. ''Pañcime, bhikkhave, kāmaguṇā. Katame pañca? cakkhuviññeyyā rūpā iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasaṃhitā rajanīyā, sotaviññeyyā saddā - pe - ghānaviññeyyā gandhā... jivhāviññeyyā rasā... kāyaviññeyyā phoṭṭhabbā iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasaṃhitā rajanīyā. Ime kho, bhikkhave, pañca kāmaguṇā. Ye hi keci, bhikkhave, samaṇā vā brāhmaṇā vā ime pañca kāmaguṇe gathitā mucchitā ajjhopannā anādīnavadassāvino anissaraṇapaññā paribhuñjanti, te evamassu veditabbā : 'anayamāpannā byasanamāpannā yathākāmakaraṇīyā pāpimato [pāpimatoti (?)]. 'Seyyathāpi, bhikkhave, āraññako mago baddho pāsarāsiṃ adhisayeyya. So evamassa veditabbo : anayamāpanno byasanamāpanno yathākāmakaraṇīyo luddassa. Āgacchante ca pana ludde yena kāmaṃ na pakkamissatīti. Evameva kho, bhikkhave, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā ime pañca kāmaguṇe gathitā mucchitā ajjhopannā anādīnavadassāvino anissaraṇapaññā paribhuñjanti, te evamassu veditabbā : 'anayamāpannā byasanamāpannā yathākāmakaraṇīyā pāpimato. Ye ca kho keci, bhikkhave, samaṇā vā brāhmaṇā vā ime pañca kāmaguṇe agathitā amucchitā anajjhopannā ādīnavadassāvino nissaraṇapaññā  paribhuñjanti, te evamassu veditabbā : 'na anayamāpannā na byasanamāpannā na  yathākāmakaraṇīyā pāpimato. ''Seyyathāpi , bhikkhave, āraññako mago abaddho pāsarāsiṃ adhisayeyya. So evamassa veditabbo : 'na anayamāpanno na byasanamāpanno na yathākāmakaraṇīyo luddassa. Āgacchante ca pana ludde yena kāmaṃ pakkamissatīti. Evameva kho, bhikkhave, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā ime pañca kāmaguṇe agathitā amucchitā anajjhopannā ādīnavadassāvino nissaraṇapaññā paribhuñjanti, te evamassu veditabbā : 'na anayamāpannā na byasanamāpannā na  yathākāmakaraṇīyā pāpimato. ''Seyyathāpi, bhikkhave, āraññako mago araññe pavane caramāno vissattho gacchati, vissattho tiṭṭhati, vissattho nisīdati, vissattho seyyaṃ kappeti. Taṃ kissa hetu? anāpāthagato, bhikkhave, luddassa. Evameva kho, bhikkhave, bhikkhu vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu andhamakāsi māraṃ apadaṃ, vadhitvā māracakkhuṃ adassanaṃ gato pāpimato. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu pītiyā ca virāgā upekkhako ca viharati, sato ca sampajāno, sukhañca kāyena paṭisaṃvedeti yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti 'upekkhako satimā sukhavihārīti tatiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubbeva somanassadomanassānaṃ atthaṅgamā adukkhamasukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sabbaso rūpasaññānaṃ samatikkamā paṭighasaññānaṃ atthaṅgamā  nānattasaññānaṃ amanasikārā 'ananto ākāsoti ākāsānañcāyatanaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato. ''Puna   caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sabbaso ākāsānañcāyatanaṃ samatikkamma 'anantaṃ viññāṇanti viññāṇañcāyatanaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato.

''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sabbaso viññāṇañcāyatanaṃ samatikkamma 'natthi kiñcīti ākiñcaññāyatanaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sabbaso ākiñcaññāyatanaṃ samatikkamma  nevasaññānāsaññāyatanaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati, bhikkhave - pe - pāpimato.

''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sabbaso nevasaññānāsaññāyatanaṃ samatikkamma saññāvedayitanirodhaṃ upasampajja viharati, paññāya cassa disvā āsavā parikkhīṇā honti. Ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu andhamakāsi māraṃ apadaṃ, vadhitvā māracakkhuṃ adassanaṃ gato pāpimato. Tiṇṇo loke visattikaṃ vissattho gacchati, vissattho tiṭṭhati, vissattho nisīdati, vissattho seyyaṃ kappeti. Taṃ kissa hetu? anāpāthagato, bhikkhave, pāpimatoti. Idamavoca Bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃ abhinandunti.

Pāsarāsisuttaṃ niṭṭhitaṃ chaṭṭhaṃ.

 

-ooOoo-

 

26. Pāsarāsisuttavaṇṇanā [Atthakathā]

 

272. Evaṃ me sutanti pāsarāsisuttaṃ. Tattha sādhu mayaṃ, āvusoti āyācantā bhaṇanti. Ete kira pañcasatā bhikkhū janapadavāsino ‘‘dasabalaṃ passissāmā’’ti sāvatthiṃ anuppattā. Satthudassanaṃ pana etehi laddhaṃ, dhammiṃ kathaṃ na tāva suṇanti. Te satthugāravena ‘‘amhākaṃ, bhante, dhammakathaṃ kathethā’’ti vattuṃ na sakkonti. Buddhā hi garū honti, ekacāriko sīho migarājā viya, pabhinnakuñjaro viya, phaṇakataāsīviso viya, mahāaggikkhandho viya ca durāsadā vuttampi cetaṃ –

‘‘Āsīviso yathā ghoro, migarājāva kesarī;

Nāgova kuñjaro dantī, evaṃ buddhā durāsadā’’ti.

Evaṃ durāsadaṃ satthāraṃ te bhikkhū sayaṃ yācituṃ asakkontā āyasmantaṃ ānandaṃ yācamānā ‘‘sādhu mayaṃ, āvuso’’ti āhaṃsu.

 

Appeva nāmāti api nāma labheyyātha. Kasmā pana thero te bhikkhū ‘‘rammakassa brāhmaṇassa assamaṃ upasaṅkameyyāthā’’ti āha? Pākaṭakiriyatāya. Dasabalassa hi kiriyā therassa pākaṭā hoti; jānāti thero, ‘‘ajja satthā jetavane vasitvā pubbārāme divāvihāraṃ karissati; ajja pubbārāme vasitvā jetavane divāvihāraṃ karissati; ajja ekakova piṇḍāya pavisissati; ajja bhikkhusaṅghaparivuto imasmiṃ kāle janapadacārikaṃ nikkhamissatī’’ti. Kiṃ panassa evaṃ jānanatthaṃ cetopariyañāṇaṃ atthīti? Natthi. Anumānabuddhiyā pana katakiriyāya nayaggāhena jānāti. Yañhi divasaṃ bhagavā jetavane vasitvā pubbārāme divāvihāraṃ kātukāmo hoti, tadā senāsanaparikkhārabhaṇḍānaṃ paṭisāmanākāraṃ dasseti, thero sammajjanisaṅkārachaḍḍanakādīni paṭisāmeti. Pubbārāme vasitvā jetavanaṃ divāvihārāya āgamanakālepi eseva nayo.

 

Yadā pana ekako piṇḍāya pavisitukāmo hoti, tadā pātova sarīrapaṭijagganaṃ katvā gandhakuṭiṃ pavisitvā dvāraṃ pidhāya phalasamāpattiṃ appetvā nisīdati. Thero ‘‘ajja bhagavā bodhaneyyabandhavaṃ disvā nisinno’’ti tāya saññāya ñatvā ‘‘ajja, āvuso, bhagavā ekako pavisitukāmo, tumhe bhikkhācārasajjā hothā’’ti bhikkhūnaṃ saññaṃ deti. Yadā pana bhikkhusaṅghaparivāro pavisitukāmo hoti, tadā gandhakuṭidvāraṃ upaḍḍhapidahitaṃ katvā phalasamāpattiṃ appetvā nisīdati, thero tāya saññāya ñatvā pattacīvaraggahaṇatthāya bhikkhūnaṃ saññaṃ deti. Yadā janapadacārikaṃ nikkhamitukāmo hoti, tadā ekaṃ dve ālope atirekaṃ bhuñjati, sabbakālaṃ caṅkamanañcāruyha aparāparaṃ caṅkamati, thero tāya saññāya ñatvā ‘‘bhagavā, āvuso, janapadacārikaṃ caritukāmo, tumhākaṃ kattabbaṃ karothā’’ti bhikkhūnaṃ saññaṃ deti.

 

Bhagavā paṭhamabodhiyaṃ vīsati vassāni anibaddhavāso ahosi, pacchā pañcavīsati vassāni abbokiṇṇaṃ sāvatthiṃyeva upanissāya vasanto ekadivase dve ṭhānāni paribhuñjati. Jetavane rattiṃ vasitvā punadivase bhikkhusaṅghaparivuto dakkhiṇadvārena sāvatthiṃ piṇḍāya pavisitvā pācīnadvārena nikkhamitvā pubbārāme divāvihāraṃ karoti. Pubbārāme rattiṃ vasitvā punadivase pācīnadvārena sāvatthiṃ piṇḍāya pavisitvā dakkhiṇadvārena nikkhamitvā jetavane divāvihāraṃ karoti. Kasmā? Dvinnaṃ kulānaṃ anukampāya. Manussattabhāve ṭhitena hi anāthapiṇḍikena viya aññena kenaci, mātugāmattabhāve ṭhitāya ca visākhāya viya aññāya itthiyā tathāgataṃ uddissa dhanapariccāgo kato nāma natthi, tasmā bhagavā tesaṃ anukampāya ekadivase imāni dve ṭhānāni paribhuñjati. Tasmiṃ pana divase jetavane vasi, tasmā thero – ‘‘ajja bhagavā sāvatthiyaṃ piṇḍāya caritvā sāyanhakāle gattāni parisiñcanatthāya pubbakoṭṭhakaṃ gamissati; athāhaṃ gattāni parisiñcitvā ṭhitaṃ bhagavantaṃ yācitvā rammakassa brāhmaṇassa assamaṃ gahetvā gamissāmi. Evamime bhikkhū bhagavato sammukhā labhissanti dhammakathaṃ savanāyā’’ti cintetvā te bhikkhū evamāha.

 

Migāramātupāsādoti visākhāya pāsādo. Sā hi migārena seṭṭhinā mātuṭṭhāne ṭhapitattā migāramātāti vuccati. Paṭisallānā vuṭṭhitoti tasmiṃ kira pāsāde dvinnaṃ mahāsāvakānaṃ sirigabbhānaṃ majjhe bhagavato sirigabbho ahosi. Thero dvāraṃ vivaritvā antogabbhaṃ sammajjitvā mālākacavaraṃ nīharitvā mañcapīṭhaṃ paññapetvā satthu saññaṃ adāsi. Satthā sirigabbhaṃ pavisitvā dakkhiṇena passena sato sampajāno sīhaseyyaṃ upagamma darathaṃ paṭippassambhetvā uṭṭhāya phalasamāpattiṃ appetvā nisīditvā sāyanhasamaye tato vuṭṭhāsi. Taṃ sandhāya vuttaṃ ‘‘paṭisallānā vuṭṭhito’’ti.

 

Parisiñcitunti yo hi cuṇṇamattikādīhi gattāni ubbaṭṭento mallakamuṭṭhādīhi vā ghaṃsanto nhāyati, so nhāyatīti vuccati. Yo tathā akatvā pakatiyāva nhāyati, so parisiñcatīti vuccati. Bhagavatopi sarīre tathā haritabbaṃ rajojallaṃ nāma na upalimpati, utuggahaṇatthaṃ pana bhagavā kevalaṃ udakaṃ otarati. Tenāha – ‘‘gattāni parisiñcitu’’nti. Pubbakoṭṭhakoti pācīnakoṭṭhako.

 

Sāvatthiyaṃ kira vihāro kadāci mahā hoti kadāci khuddako. Tathā hi so vipassissa bhagavato kāle yojaniko ahosi, sikhissa tigāvuto, vessabhussa aḍḍhayojaniko, kakusandhassa gāvutappamāṇo, koṇāgamanassa aḍḍhagāvutappamāṇo, kassapassa vīsatiusabhappamāṇo, amhākaṃ bhagavato kāle aṭṭhakarīsappamāṇo jāto. Tampi nagaraṃ tassa vihārassa kadāci pācīnato hoti, kadāci dakkhiṇato, kadāci pacchimato, kadāci uttarato. Jetavane gandhakuṭiyaṃ pana catunnaṃ mañcapādānaṃ patiṭṭhitaṭṭhānaṃ acalameva.

 

Cattāri hi acalacetiyaṭṭhānāni nāma mahābodhipallaṅkaṭṭhānaṃ isipatane dhammacakkappavattanaṭṭhānaṃ saṅkassanagaradvāre devorohaṇakāle sopānassa patiṭṭhaṭṭhānaṃ mañcapādaṭṭhānanti. Ayaṃ pana pubbakoṭṭhako kassapadasabalassa vīsatiusabhavihārakāle pācīnadvāre koṭṭhako ahosi. So idānipi pubbakoṭṭhakotveva paññāyati. Kassapadasabalassa kāle aciravatī nagaraṃ parikkhipitvā sandamānā pubbakoṭṭhakaṃ patvā udakena bhinditvā mahantaṃ udakarahadaṃ māpesi samatitthaṃ anupubbagambhīraṃ. Tattha ekaṃ rañño nhānatitthaṃ, ekaṃ nāgarānaṃ, ekaṃ bhikkhusaṅghassa, ekaṃ buddhānanti evaṃ pāṭiyekkāni nhānatitthāni honti ramaṇīyāni vippakiṇṇarajatapaṭṭasadisavālikāni. Iti bhagavā āyasmatā ānandena saddhiṃ yena ayaṃ evarūpo pubbakoṭṭhako tenupasaṅkami gattāni parisiñcituṃ. Athāyasmā ānando udakasāṭikaṃ upanesi. Bhagavā rattadupaṭṭaṃ apanetvā udakasāṭikaṃ nivāsesi. Thero dupaṭṭena saddhiṃ mahācīvaraṃ attano hatthagatamakāsi. Bhagavā udakaṃ otari. Sahotaraṇenevassa udake macchakacchapā sabbe suvaṇṇavaṇṇā ahesuṃ. Yantanālikāhi suvaṇṇarasadhārānisiñcamānakālo viya suvaṇṇapaṭapasāraṇakālo viya ca ahosi. Atha bhagavato nhānavattaṃ dassetvā nhatvā paccuttiṇṇassa thero rattadupaṭṭaṃ upanesi. Bhagavā taṃ nivāsetvā vijjulatāsadisaṃ kāyabandhanaṃ bandhitvā mahācīvaraṃ antantena saṃharitvā padumagabbhasadisaṃ katvā upanītaṃ dvīsu kaṇṇesu gahetvā aṭṭhāsi. Tena vuttaṃ – ‘‘pubbakoṭṭhake gattāni parisiñcitvā paccuttaritvā ekacīvaro aṭṭhāsī’’ti.

 

Evaṃ ṭhitassa pana bhagavato sarīraṃ vikasitakamaluppalasaraṃ sabbapāliphullaṃ pāricchattakaṃ tārāmarīcivikasitaṃ ca gaganatalaṃ siriyā avahasamānaṃ viya virocittha. Byāmappabhāparikkhepavilāsinī cassa dvattiṃsavaralakkhaṇamālā ganthetvā ṭhapitā dvattiṃsacandamālā viya, dvattiṃsasūriyamālā viya, paṭipāṭiyā ṭhapitā dvattiṃsacakkavatti dvattiṃsadevarājā dvattiṃsamahābrahmāno viya ca ativiya virocittha, vaṇṇabhūmināmesā. Evarūpesu ṭhānesu buddhānaṃ sarīravaṇṇaṃ vā guṇavaṇṇaṃ vā cuṇṇiyapadehi vā gāthāhi vā atthañca upamāyo ca kāraṇāni ca āharitvā paṭibalena dhammakathikena pūretvā kathetuṃ vaṭṭatīti evarūpesu ṭhānesu dhammakathikassa thāmo veditabbo.

 

273. Gattāni pubbāpayamānoti pakatibhāvaṃ gamayamāno nirudakāni kurumāno, sukkhāpayamānoti attho. Sodakena gattena cīvaraṃ pārupantassa hi cīvare kaṇṇikā uṭṭhahanti, parikkhārabhaṇḍaṃ dussati. Buddhānaṃ pana sarīre rajojallaṃ na upalimpati; padumapatte pakkhittaudakabindu viya udakaṃ vinivattetvā gacchati, evaṃ santepi sikkhāgāravatāya bhagavā, ‘‘pabbajitavattaṃ nāmeta’’nti mahācīvaraṃ ubhosu kaṇṇesu gahetvā purato kāyaṃ paṭicchādetvā aṭṭhāsi. Tasmiṃ khaṇe thero cintesi – ‘‘bhagavā mahācīvaraṃ pārupitvā migāramātupāsādaṃ ārabbha gamanābhihārato paṭṭhāya dunnivattiyo bhavissati; buddhānañhi adhippāyakopanaṃ nāma ekacārikasīhassa gahaṇatthaṃ hatthappasāraṇaṃ viya; pabhinnavaravāraṇassa soṇḍāya parāmasanaṃ viya; uggatejassa āsīvisassa gīvāya gahaṇaṃ viya ca bhāriyaṃ hoti. Idheva rammakassa brāhmaṇassa assamassa vaṇṇaṃ kathetvā tattha gamanatthāya bhagavantaṃ yācissāmī’’ti. So tathā akāsi. Tena vuttaṃ – ‘‘atha kho āyasmā ānando…pe… anukampaṃ upādāyā’’ti.

 

Tattha anukampaṃ upādāyāti bhagavato sammukhā dhammiṃ kathaṃ sossāmāti taṃ assamaṃ gatānaṃ pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ anukampaṃ paṭicca, tesu kāruññaṃ katvāti attho. Dhammiyā kathāyāti dasasu pāramitāsu aññatarāya pāramiyā ceva mahābhinikkhamanassa ca vaṇṇaṃ kathayamānā sannisinnā honti. Āgamayamānoti olokayamāno. Ahaṃ buddhoti sahasā appavisitvā yāva sā kathā niṭṭhāti, tāva aṭṭhāsīti attho. Aggaḷaṃ ākoṭesīti agganakhena kavāṭe saññaṃ adāsi. Vivariṃsūti sotaṃ odahitvāva nisinnattā taṅkhaṇaṃyeva āgantvā vivariṃsu.

 

Paññatte āsaneti buddhakāle kira yattha yattha ekopi bhikkhu viharati, sabbattha buddhāsanaṃ paññattameva hoti. Kasmā? Bhagavā kira attano santike kammaṭṭhānaṃ gahetvā phāsukaṭṭhāne viharante manasi karoti ‘‘asuko mayhaṃ santike kammaṭṭhānaṃ gahetvā gato, sakkhissati nu kho visesaṃ nibbattetuṃ no vā’’ti. Atha naṃ passati kammaṭṭhānaṃ vissajjetvā akusalavitakke vitakkayamānaṃ, tato ‘‘kathañhi nāma mādisassa satthu santike kammaṭṭhānaṃ gahetvā viharantaṃ imaṃ kulaputtaṃ akusalavitakkā abhibhavitvā anamatagge vaṭṭadukkhe saṃsāressantī’’ti tassa anuggahatthaṃ tattheva attānaṃ dassetvā taṃ kulaputtaṃ ovaditvā ākāsaṃ uppatitvā puna attano vasanaṭṭhānameva gacchati. Athevaṃ ovadiyamānā te bhikkhū cintayiṃsu – ‘‘satthā amhākaṃ manaṃ jānitvā āgantvā amhākaṃ samīpe ṭhitaṃyeva attānaṃ dasseti; tasmiṃ khaṇe, ‘bhante, idha nisīdatha, idha nisīdathā’ti āsanapariyesanaṃ nāma bhāro’’ti. Te āsanaṃ paññapetvāva viharanti. Yassa pīṭhaṃ atthi, so taṃ paññapeti. Yassa natthi, so mañcaṃ vā phalakaṃ vā kaṭṭhaṃ vā pāsāṇaṃ vā vālikapuñjaṃ vā paññapeti. Taṃ alabhamānā purāṇapaṇṇānipi saṅkaḍḍhitvā tattha paṃsukūlaṃ pattharitvā ṭhapenti. Idha pana pakatipaññattameva āsanaṃ ahosi, taṃ sandhāya vuttaṃ – ‘‘paññatte āsane nisīdī’’ti.

 

Kāya nutthāti katamāya nu kathāya sannisinnā bhavathāti attho. ‘‘Kāya netthā’’tipi pāḷi, tassā katamāya nu etthāti attho. ‘‘Kāya notthā’’tipi pāḷi, tassāpi purimoyeva attho. Antarā kathāti kammaṭṭhānamanasikārauddesaparipucchādīnaṃ antarā aññā ekā kathā. Vippakatāti mama āgamanapaccayā apariniṭṭhitā sikhaṃ appattā. Atha bhagavā anuppattoti atha etasmiṃ kāle bhagavā āgato. Dhammī vā kathāti dasakathāvatthunissitā vā dhammī kathā. Ariyo vā tuṇhībhāvoti ettha pana dutiyajjhānampi ariyo tuṇhībhāvo mūlakammaṭṭhānampi. Tasmā taṃ jhānaṃ appetvā nisinnopi, mūlakammaṭṭhānaṃ gahetvā nisinnopi bhikkhu ariyena tuṇhībhāvena nisinnoti veditabbo.

 

274. Dvemā, bhikkhave, pariyesanāti ko anusandhi? Te bhikkhū sammukhā dhammiṃ kathaṃ sossāmāti therassa bhāraṃ akaṃsu, thero tesaṃ assamagamanamakāsi. Te tattha nisīditvā atiracchānakathikā hutvā dhammiyā kathāya nisīdiṃsu. Atha bhagavā ‘‘ayaṃ tumhākaṃ pariyesanā ariyapariyesanā nāmā’’ti dassetuṃ imaṃ desanaṃ ārabhi. Tattha katamā ca, bhikkhave, anariyapariyesanāti ettha yathā maggakusalo puriso paṭhamaṃ vajjetabbaṃ apāyamaggaṃ dassento ‘‘vāmaṃ muñcitvā dakkhiṇaṃ gaṇhā’’ti vadati. Evaṃ bhagavā desanākusalatāya paṭhamaṃ vajjetabbaṃ anariyapariyesanaṃ ācikkhitvā pacchā itaraṃ ācikkhissāmīti uddesānukkamaṃ bhinditvā evamāha. Jātidhammoti jāyanasabhāvo. Jarādhammoti jīraṇasabhāvo. Byādhidhammoti byādhisabhāvo. Maraṇadhammoti maraṇasabhāvo. Sokadhammoti socanakasabhāvo. Saṃkilesadhammoti saṃkilissanasabhāvo.

 

Puttabhariyanti puttā ca bhariyā ca. Esa nayo sabbattha. Jātarūparajatanti ettha pana jātarūpanti suvaṇṇaṃ. Rajatanti yaṃkiñci vohārūpagaṃ lohamāsakādi. Jātidhammā hete, bhikkhave, upadhayoti ete pañcakāmaguṇūpadhayo nāma honti, te sabbepi jātidhammāti dasseti. Byādhidhammavārādīsu jātarūparajataṃ na gahitaṃ, na hetassa sīsarogādayo byādhayo nāma honti, na sattānaṃ viya cutisaṅkhātaṃ maraṇaṃ, na soko uppajjati. Ayādīhi pana saṃkilesehi saṃkilissatīti saṃkilesadhammavāre gahitaṃ. Tathā utusamuṭṭhānattā jātidhammavāre. Malaṃ gahetvā jīraṇato jarādhammavāre ca.

 

275. Ayaṃ , bhikkhave, ariyā pariyesanāti, bhikkhave, ayaṃ niddosatāyapi ariyehi pariyesitabbatāyapi ariyapariyesanāti veditabbā.

 

276. Ahampi sudaṃ, bhikkhaveti kasmā ārabhi? Mūlato paṭṭhāya mahābhinikkhamanaṃ dassetuṃ. Evaṃ kirassa ahosi – ‘‘bhikkhave, ahampi pubbe anariyapariyesanaṃ pariyesiṃ. Svāhaṃ taṃ pahāya ariyapariyesanaṃ pariyesitvā sabbaññutaṃ patto. Pañcavaggiyāpi anariyapariyesanaṃ pariyesiṃsu. Te taṃ pahāya ariyapariyesanaṃ pariyesitvā khīṇāsavabhūmiṃ pattā. Tumhepi mama ceva pañcavaggiyānañca maggaṃ āruḷhā. Ariyapariyesanā tumhākaṃ pariyesanā’’ti mūlato paṭṭhāya attano mahābhinikkhamanaṃ dassetuṃ imaṃ desanaṃ ārabhi.

 

277. Tattha daharova samānoti taruṇova samāno. Susukāḷakesoti suṭṭhu kāḷakeso, añjanavaṇṇakesova hutvāti attho. Bhadrenāti bhaddakena. Paṭhamena vayasāti tiṇṇaṃ vayānaṃ paṭhamavayena. Akāmakānanti anicchamānānaṃ, anādaratthe sāmivacanaṃ. Assūni mukhe etesanti assumukhā; tesaṃ assumukhānaṃ, assukilinnamukhānanti attho. Rudantānanti kanditvā rodamānānaṃ. Kiṃ kusalagavesīti kiṃ kusalanti gavesamāno. Anuttaraṃ santivarapadanti uttamaṃ santisaṅkhātaṃ varapadaṃ, nibbānaṃ pariyesamānoti attho. Yena āḷāro kālāmoti ettha āḷāroti tassa nāmaṃ, dīghapiṅgalo kireso. Tenassa āḷāroti nāmaṃ ahosi. Kālāmoti gottaṃ. Viharatāyasmāti viharatu āyasmā. Yattha viññū purisoti yasmiṃ dhamme paṇḍito puriso. Sakaṃ ācariyakanti attano ācariyasamayaṃ. Upasampajja vihareyyāti paṭilabhitvā vihareyya. Ettāvatā tena okāso kato hoti. Taṃ dhammanti taṃ tesaṃ samayaṃ tantiṃ. Pariyāpuṇinti sutvāva uggaṇhiṃ.

 

Oṭṭhapahatamattenāti tena vuttassa paṭiggahaṇatthaṃ oṭṭhapaharaṇamattena; aparāparaṃ katvā oṭṭhasañcaraṇamattakenāti attho. Lapitalāpanamattenāti tena lapitassa paṭilāpanamattakena. Ñāṇavādanti jānāmīti vādaṃ. Theravādanti thirabhāvavādaṃ, thero ahametthāti etaṃ vacanaṃ. Ahañceva aññe cāti na kevalaṃ ahaṃ, aññepi bahū evaṃ vadanti. Kevalaṃ saddhāmattakenāti paññāya asacchikatvā suddhena saddhāmattakeneva. Bodhisatto kira vācāya dhammaṃ uggaṇhantoyeva, ‘‘na kālāmassa vācāya pariyattimattameva asmiṃ dhamme, addhā esa sattannaṃ samāpattīnaṃ lābhī’’ti aññāsi, tenassa etadahosi.

 

Ākiñcaññāyatanaṃ pavedesīti ākiñcaññāyatanapariyosānā satta samāpattiyo maṃ jānāpesi. Saddhāti imāsaṃ sattannaṃ samāpattīnaṃ nibbattanatthāya saddhā. Vīriyādīsupi eseva nayo. Padaheyyanti payogaṃ kareyyaṃ. Nacirasseva taṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsinti bodhisatto kira vīriyaṃ paggahetvā katipāhaññeva satta suvaṇṇanisseṇiyo pasārento viya satta samāpattiyo nibbattesi; tasmā evamāha.

Lābhā no, āvusoti anusūyako kiresa kālāmo. Tasmā ‘‘ayaṃ adhunāgato, kinti katvā imaṃ dhammaṃ nibbattesī’’ti usūyaṃ akatvā pasanno pasādaṃ pavedento evamāha. Ubhova santā imaṃ gaṇaṃ pariharāmāti ‘‘mahā ayaṃ gaṇo, dvepi janā pariharāmā’’ti vatvā gaṇassa saññaṃ adāsi, ‘‘ahampi sattannaṃ samāpattīnaṃ lābhī, mahāpurisopi sattannameva, ettakā janā mahāpurisassa santike parikammaṃ uggaṇhatha, ettakā mayha’’nti majjhe bhinditvā adāsi. Uḷārāyāti uttamāya. Pūjāyāti kālāmassa kira upaṭṭhākā itthiyopi purisāpi gandhamālādīni gahetvā āgacchanti. Kālāmo – ‘‘gacchatha, mahāpurisaṃ pūjethā’’ti vadati. Te taṃ pūjetvā yaṃ avasiṭṭhaṃ hoti, tena kālāmaṃ pūjenti. Mahagghāni mañcapīṭhāni āharanti; tānipi mahāpurisassa dāpetvā yadi avasiṭṭhaṃ hoti, attanā gaṇhāti. Gatagataṭṭhāne varasenāsanaṃ bodhisattassa jaggāpetvā sesakaṃ attanā gaṇhāti. Evaṃ uḷārāya pūjāya pūjesi. Nāyaṃ dhammo nibbidāyātiādīsu ayaṃ sattasamāpattidhammo neva vaṭṭe nibbindanatthāya, na virajjanatthāya, na rāgādinirodhatthāya, na upasamatthāya, na abhiññeyyadhammaṃ abhijānanatthāya, na catumaggasambodhāya, na nibbānasacchikiriyāya saṃvattatīti attho.

 

Yāvadeva ākiñcaññāyatanūpapattiyāti yāva saṭṭhikappasahassāyuparimāṇe ākiñcaññāyatanabhave upapatti, tāvadeva saṃvattati, na tato uddhaṃ. Evamayaṃ punarāvattanadhammoyeva; yañca ṭhānaṃ pāpeti, taṃ jātijarāmaraṇehi aparimuttameva maccupāsaparikkhittamevāti. Tato paṭṭhāya ca pana mahāsatto yathā nāma chātajjhattapuriso manuññabhojanaṃ labhitvā sampiyāyamānopi bhuñjitvā pittavasena vā semhavasena vā makkhikāvasena vā chaḍḍetvā puna ekaṃ piṇḍampi bhuñjissāmīti manaṃ na uppādeti; evameva imā satta samāpattiyo mahantena ussāhena nibbattetvāpi, tāsu imaṃ punarāvattikādibhedaṃ ādīnavaṃ disvā, puna imaṃ dhammaṃ āvajjissāmi vā samāpajjissāmi vā adhiṭṭhahissāmi vā vuṭṭhahissāmi vā paccavekkhissāmi vāti cittameva na uppādesi. Analaṅkaritvāti alaṃ iminā, alaṃ imināti punappunaṃ alaṅkaritvā. Nibbijjāti nibbinditvā. Apakkaminti agamāsiṃ.

 

278. Na kho rāmo imaṃ dhammanti idhāpi bodhisatto taṃ dhammaṃ uggaṇhantoyeva aññāsi – ‘‘nāyaṃ aṭṭhasamāpattidhammo udakassa vācāya uggahitamattova, addhā panesa aṭṭhasamāpattilābhī’’ti. Tenassa etadahosi – ‘‘na kho rāmo…pe… jānaṃ passaṃ vihāsī’’ti. Sesamettha purimavāre vuttanayeneva veditabbaṃ.

 

279. Yena uruvelā senānigamoti ettha uruvelāti mahāvelā, mahāvālikarāsīti attho. Atha vā urūti vālikā vuccati; velāti mariyādā, velātikkamanahetu āhaṭā uru uruvelāti evamettha attho daṭṭhabbo. Atīte kira anuppanne buddhe dasasahassā kulaputtā tāpasapabbajjaṃ pabbajitvā tasmiṃ padese viharantā ekadivasaṃ sannipatitvā katikavattaṃ akaṃsu – ‘‘kāyakammavacīkammāni nāma paresampi pākaṭāni honti, manokammaṃ pana apākaṭaṃ. Tasmā yo kāmavitakkaṃ vā byāpādavitakkaṃ vā vihiṃsāvitakkaṃ vā vitakketi, tassa añño codako nāma natthi; so attanāva attānaṃ codetvā pattapuṭena vālikaṃ āharitvā imasmiṃ ṭhāne ākiratu, idamassa daṇḍakamma’’nti. Tato paṭṭhāya yo tādisaṃ vitakkaṃ vitakketi, so tattha pattapuṭena vālikaṃ ākirati, evaṃ tattha anukkamena mahāvālikarāsi jāto. Tato taṃ pacchimā janatā parikkhipitvā cetiyaṭṭhānamakāsi; taṃ sandhāya vuttaṃ – ‘‘uruvelāti mahāvelā, mahāvālikarāsīti attho’’ti. Tameva sandhāya vuttaṃ – ‘‘atha vā urūti vālikā vuccati, velāti mariyādā. Velātikkamanahetu āhaṭā uru uruvelāti evamettha attho daṭṭhabbo’’ti.

 

Senānigamoti senāya nigamo. Paṭhamakappikānaṃ kira tasmiṃ ṭhāne senāniveso ahosi; tasmā so padeso senānigamoti vuccati. ‘‘Senāni-gāmo’’tipi pāṭho. Senānī nāma sujātāya pitā, tassa gāmoti attho. Tadavasarinti tattha osariṃ. Ramaṇīyaṃ bhūmibhāganti supupphitanānappakārajalajathalajapupphavicittaṃ manorammaṃ bhūmibhāgaṃ. Pāsādikañca vanasaṇḍanti morapiñchakalāpasadisaṃ pasādajananavanasaṇḍañca addasaṃ. Nadiñca sandantinti sandamānañca maṇikkhandhasadisaṃ vimalanīlasītalasalilaṃ nerañjaraṃ nadiṃ addasaṃ. Setakanti parisuddhaṃ nikkaddamaṃ. Supatitthanti anupubbagambhīrehi sundarehi titthehi upetaṃ. Ramaṇīyanti rajatapaṭṭasadisaṃ vippakiṇṇavālikaṃ pahūtamacchakacchapaṃ abhirāmadassanaṃ. Samantā ca gocaragāmanti tassa padesassa samantā avidūre gamanāgamanasampannaṃ sampattapabbajitānaṃ sulabhapiṇḍaṃ gocaragāmañca addasaṃ. Alaṃ vatāti samatthaṃ vata. Tattheva nisīdinti bodhipallaṅke nisajjaṃ sandhāyāha. Uparisuttasmiñhi tatthevāti dukkarakārikaṭṭhānaṃ adhippetaṃ, idha pana bodhipallaṅko. Tenāha – ‘‘tattheva nisīdi’’nti. Alamidaṃ padhānāyāti idaṃ ṭhānaṃ padhānatthāya samatthanti evaṃ cintetvā nisīdinti attho.

 

280. Ajjhagamanti adhigacchiṃ paṭilabhiṃ. Ñāṇañca pana me dassananti sabbadhammadassanasamatthañca me sabbaññutaññāṇaṃ udapādi. Akuppā me vimuttīti mayhaṃ arahattaphalavimutti akuppatāya ca akuppārammaṇatāya ca akuppā, sā hi rāgādīhi na kuppatīti akuppatāyapi akuppā, akuppaṃ nibbānamassārammaṇantipi akuppā. Ayamantimā jātīti ayaṃ sabbapacchimā jāti. Natthi dāni punabbhavoti idāni me puna paṭisandhi nāma natthīti evaṃ paccavekkhaṇañāṇampi me uppannanti dasseti.

 

281. Adhigatoti paṭividdho. Dhammoti catusaccadhammo. Gambhīroti uttānabhāvapaṭikkhepavacanametaṃ. Duddasoti gambhīrattāva duddaso dukkhena daṭṭhabbo, na sakkā sukhena daṭṭhuṃ. Duddasattāva duranubodho, dukkhena avabujjhitabbo, na sakkā sukhena avabujjhituṃ. Santoti nibbuto. Paṇītoti atappako. Idaṃ dvayaṃ lokuttarameva sandhāya vuttaṃ. Atakkāvacaroti takkena avacaritabbo ogāhitabbo na hoti, ñāṇeneva avacaritabbo. Nipuṇoti saṇho. Paṇḍitavedanīyoti sammāpaṭipadaṃ paṭipannehi paṇḍitehi veditabbo. Ālayarāmāti sattā pañcasu kāmaguṇesu allīyanti. Tasmā te ālayāti vuccanti. Aṭṭhasatataṇhāvicaritāni ālayanti, tasmā ālayāti vuccanti. Tehi ālayehi ramantīti ālayarāmā. Ālayesu ratāti ālayaratā. Ālayesu suṭṭhu muditāti ālayasammuditā. Yatheva hi susajjitaṃ pupphaphalabharitarukkhādisampannaṃ uyyānaṃ paviṭṭho rājā tāya tāya sampattiyā ramati, sammudito āmoditapamodito hoti, na ukkaṇṭhati, sāyampi nikkhamituṃ na icchati; evamimehipi kāmālayataṇhālayehi sattā ramanti, saṃsāravaṭṭe sammuditā anukkaṇṭhitā vasanti. Tena nesaṃ bhagavā duvidhampi ālayaṃ uyyānabhūmiṃ viya dassento ‘‘ālayarāmā’’tiādimāha.

 

Yadidanti nipāto, tassa ṭhānaṃ sandhāya ‘‘yaṃ ida’’nti, paṭiccasamuppādaṃ sandhāya ‘‘yo aya’’nti evamattho daṭṭhabbo. Idappaccayatāpaṭiccasamuppādoti imesaṃ paccayā idappaccayā; idappaccayā eva idappaccayatā; idappaccayatā ca sā paṭiccasamuppādo cāti idappaccayatāpaṭiccasamuppādo. Saṅkhārādipaccayānametaṃ adhivacanaṃ. Sabbasaṅkhārasamathotiādi sabbaṃ nibbānameva. Yasmā hi taṃ āgamma sabbasaṅkhāravipphanditāni sammanti vūpasammanti, tasmā sabbasaṅkhārasamathoti vuccati. Yasmā ca taṃ āgamma sabbe upadhayo paṭinissaṭṭhā honti, sabbā taṇhā khīyanti, sabbe kilesarāgā virajjanti, sabbaṃ dukkhaṃ nirujjhati; tasmā sabbūpadhipaṭinissaggo taṇhākkhayo virāgo nirodhoti vuccati. Sā panesā taṇhā bhavena bhavaṃ, phalena vā saddhiṃ kammaṃ vinati saṃsibbatīti katvā vānanti vuccati, tato nikkhantaṃ vānatoti nibbānaṃ. So mamassa kilamathoti yā ajānantānaṃ desanā nāma, so mama kilamatho assa, sā mama vihesā assāti attho. Kāyakilamatho ceva kāyavihesā ca assāti vuttaṃ hoti. Citte pana ubhayampetaṃ buddhānaṃ natthi. Apissūti anubrūhanatthe nipāto, so ‘‘na kevalaṃ etadahosi, imāpi gāthā paṭibhaṃsū’’ti dīpeti. Manti mama. Anacchariyāti anuacchariyā. Paṭibhaṃsūti paṭibhānasaṅkhātassa ñāṇassa gocarā ahesuṃ; parivitakkayitabbataṃ pāpuṇiṃsu.

 

Kicchenāti dukkhena, na dukkhāya paṭipadāya. Buddhānañhi cattāropi maggā sukhappaṭipadāva honti. Pāramīpūraṇakāle pana sarāgasadosasamohasseva sato āgatāgatānaṃ yācakānaṃ, alaṅkatappaṭiyattaṃ sīsaṃ kantitvā, galalohitaṃ nīharitvā, suañjitāni akkhīni uppāṭetvā, kulavaṃsappadīpaṃ puttaṃ manāpacāriniṃ bhariyanti evamādīni dentassa, aññāni ca khantivādisadisesu attabhāvesu chejjabhejjādīni pāpuṇantassa āgamaniyapaṭipadaṃ sandhāyetaṃ vuttaṃ. Halanti ettha ha-kāro nipātamatto, alanti attho. Pakāsitunti desituṃ, evaṃ kicchena adhigatassa dhammassa alaṃ desituṃ, pariyattaṃ desituṃ, ko attho desitenāti vuttaṃ hoti. Rāgadosaparetehīti rāgadosapariphuṭṭhehi rāgadosānugatehi vā.

 

Paṭisotagāminti niccādīnaṃ paṭisotaṃ aniccaṃ dukkhamanattā asubhanti evaṃ gataṃ catusaccadhammaṃ. Rāgarattāti kāmarāgena bhavarāgena diṭṭhirāgena ca rattā. Na dakkhantīti aniccaṃ dukkhamanattā asubhanti iminā sabhāvena na passissanti, te apassante ko sakkhissati evaṃ gāhāpetuṃ. Tamokhandhena āvuṭāti avijjārāsinā ajjhotthatā.

 

282. Appossukkatāyāti nirussukkabhāvena, adesetukāmatāyāti attho. Kasmā panassa evaṃ cittaṃ nami, nanu esa mutto mocessāmi, tiṇṇo tāressāmi.

‘‘Kiṃ me aññātavesena, dhammaṃ sacchikatenidha;

Sabbaññutaṃ pāpuṇitvā, tārayissaṃ sadevaka’’nti. (bu. vaṃ. 2.56) –

Patthanaṃ katvā pāramiyo pūretvā sabbaññutaṃ pattoti. Saccametaṃ, tadevaṃ paccavekkhaṇānubhāvena panassa evaṃ cittaṃ nami. Tassa hi sabbaññutaṃ patvā sattānaṃ kilesagahanataṃ, dhammassa ca gambhīrataṃ paccavekkhantassa sattānaṃ kilesagahanatā ca dhammagambhīratā ca sabbākārena pākaṭā jātā. Athassa ‘‘ime sattā kañjikapuṇṇā lābu viya, takkabharitā cāṭi viya, vasātelapītapilotikā viya, añjanamakkhitahattho viya ca kilesabharitā atisaṃkiliṭṭhā rāgarattā dosaduṭṭhā mohamūḷhā, te kiṃ nāma paṭivijjhissantī’’ti cintayato kilesagahanapaccavekkhaṇānubhāvenāpi evaṃ cittaṃ nami.

 

‘‘Ayañca dhammo pathavīsandhārakaudakakkhandho viya gambhīro, pabbatena paṭicchādetvā ṭhapito sāsapo viya duddaso, satadhā bhinnassa vālassa koṭiyā koṭipaṭipādanaṃ viya duranubodho. Nanu mayā hi imaṃ dhammaṃ paṭivijjhituṃ vāyamantena adinnaṃ dānaṃ nāma natthi, arakkhitaṃ sīlaṃ nāma natthi, aparipūritā kāci pāramī nāma natthi? Tassa me nirussāhaṃ viya mārabalaṃ vidhamantassāpi pathavī na kampittha, paṭhamayāme pubbenivāsaṃ anussarantassāpi na kampittha, majjhimayāme dibbacakkhuṃ sodhentassāpi na kampittha, pacchimayāme pana paṭiccasamuppādaṃ paṭivijjhantasseva me dasasahassilokadhātu kampittha. Iti mādisenāpi tikkhañāṇena kicchenevāyaṃ dhammo paṭividdho, taṃ lokiyamahājanā kathaṃ paṭivijjhissantī’’ti dhammagambhīratāpaccavekkhaṇānubhāvenāpi evaṃ cittaṃ namīti veditabbaṃ.

 

Apica brahmunā yācite desetukāmatāyapissa evaṃ cittaṃ nami. Jānāti hi bhagavā – ‘‘mama appossukkatāya citte namamāne maṃ mahābrahmā dhammadesanaṃ yācissati, ime ca sattā brahmagarukā, te ‘satthā kira dhammaṃ na desetukāmo ahosi, atha naṃ mahābrahmā yācitvā desāpesi, santo vata, bho, dhammo paṇīto vata, bho, dhammo’ti maññamānā sussūsissantī’’ti. Idampissa kāraṇaṃ paṭicca appossukkatāya cittaṃ nami, no dhammadesanāyāti veditabbaṃ.

 

Sahampatissāti so kira kassapassa bhagavato sāsane sahako nāma thero paṭhamajjhānaṃ nibbattetvā paṭhamajjhānabhūmiyaṃ kappāyukabrahmā hutvā nibbatto. Tatra naṃ sahampatibrahmāti paṭisañjānanti, taṃ sandhāyāha – ‘‘brahmuno sahampatissā’’ti. Nassati vata, bhoti so kira imaṃ saddaṃ tathā nicchāresi, yathā dasasahassilokadhātubrahmāno sutvā sabbe sannipatiṃsu. Yatra hi nāmāti yasmiṃ nāma loke. Purato pāturahosīti tehi dasahi brahmasahassehi saddhiṃ pāturahosi. Apparajakkhajātikāti paññāmaye akkhimhi appaṃ parittaṃ rāgadosamoharajaṃ etesaṃ, evaṃsabhāvāti apparajakkhajātikā. Assavanatāti assavanatāya. Bhavissantīti purimabuddhesu dasapuññakiriyavasena katādhikārā paripākagatapadumāni viya sūriyarasmisamphassaṃ, dhammadesanaṃyeva ākaṅkhamānā catuppadikagāthāvasāne ariyabhūmiṃ okkamanārahā na eko, na dve, anekasatasahassā dhammassa aññātāro bhavissantīti dasseti.

 

Pāturahosīti pātubhavi. Samalehi cintitoti samalehi chahi satthārehi cintito. Te hi puretaraṃ uppajjitvā sakalajambudīpe kaṇṭake pattharamānā viya, visaṃ siñcamānā viya ca samalaṃ micchādiṭṭhidhammaṃ desayiṃsu. Apāpuretanti vivara etaṃ. Amatassa dvāranti amatassa nibbānassa dvārabhūtaṃ ariyamaggaṃ. Suṇantu dhammaṃ vimalenānubuddhanti ime sattā rāgādimalānaṃ abhāvato vimalena sammāsambuddhena anubuddhaṃ catusaccadhammaṃ suṇantu tāva bhagavāti yācati.

 

Sele yathā pabbatamuddhaniṭṭhitoti selamaye ekagghane pabbatamuddhani yathā ṭhitova. Na hi tassa ṭhitassa dassanatthaṃ gīvukkhipanapasāraṇādikiccaṃ atthi. Tathūpamanti tappaṭibhāgaṃ selapabbatūpamaṃ. Ayaṃ panettha saṅkhepattho – yathā selapabbatamuddhani ṭhitova cakkhumā puriso samantato janataṃ passeyya, tathā tvampi, sumedha, sundarapañña-sabbaññutaññāṇena samantacakkhu bhagavā dhammamayaṃ pāsādamāruyha sayaṃ apetasoko sokāvatiṇṇaṃ jātijarābhibhūtaṃ janataṃ avekkhassu upadhāraya upaparikkha. Ayaṃ panettha adhippāyo – yathā hi pabbatapāde samantā mahantaṃ khettaṃ katvā tattha kedārapāḷīsu kuṭikāyo katvā rattiṃ aggiṃ jāleyyuṃ. Caturaṅgasamannāgatañca andhakāraṃ assa, atha tassa pabbatassa matthake ṭhatvā cakkhumato purisassa bhūmiṃ olokayato neva khettaṃ, na kedārapāḷiyo, na kuṭiyo, na tattha sayitamanussā paññāyeyyuṃ. Kuṭikāsu pana aggijālāmattakameva paññāyeyya. Evaṃ dhammapāsādaṃ āruyha sattanikāyaṃ olokayato tathāgatassa, ye te akatakalyāṇā sattā, te ekavihāre dakkhiṇajāṇupasse nisinnāpi buddhacakkhussa āpāthaṃ nāgacchanti, rattiṃ khittā sarā viya honti. Ye pana katakalyāṇā veneyyapuggalā, te evassa dūrepi ṭhitā āpāthaṃ āgacchanti, so aggi viya himavantapabbato viya ca. Vuttampi cetaṃ –

‘‘Dūre santo pakāsenti, himavantova pabbato;

Asantettha na dissanti, rattiṃ khittā yathā sarā’’ti. (dha. pa. 304);

Uṭṭhehīti bhagavato dhammadesanatthaṃ cārikacaraṇaṃ yācanto bhaṇati. Vīrātiādīsu bhagavā vīriyavantatāya vīro. Devaputtamaccukilesamārānaṃ vijitattā vijitasaṅgāmo. Jātikantārādinittharaṇatthāya veneyyasatthavāhanasamatthatāya satthavāho. Kāmacchandaiṇassa abhāvato aṇaṇoti veditabbo.

 

283. Ajjhesananti yācanaṃ. Buddhacakkhunāti indriyaparopariyattañāṇena ca āsayānusayañāṇena ca. Imesañhi dvinnaṃ ñāṇānaṃ buddhacakkhūti nāmaṃ, sabbaññutaññāṇassa samantacakkhūti, tiṇṇaṃ maggañāṇānaṃ dhammacakkhūti. Apparajakkhetiādīsu yesaṃ vuttanayeneva paññācakkhumhi rāgādirajaṃ appaṃ, te apparajakkhā. Yesaṃ taṃ mahantaṃ, te mahārajakkhā. Yesaṃ saddhādīni indriyāni tikkhāni, te tikkhindriyā. Yesaṃ tāni mudūni, te mudindriyā. Yesaṃ teyeva saddhādayo ākārā sundarā, te svākārā. Ye kathitakāraṇaṃ sallakkhenti, sukhena sakkā honti viññāpetuṃ, te suviññāpayā. Ye paralokañceva vajjañca bhayato passanti, te paralokavajjabhayadassāvino nāma.

 

Ayaṃ panettha pāḷi – ‘‘saddho puggalo apparajakkho, assaddho puggalo mahārajakkho. Āraddhavīriyo…, kusito…, upaṭṭhitassati…, muṭṭhassati…, samāhito…, asamāhito…, paññavā…, duppañño puggalo mahārajakkho. Tathā saddho puggalo tikkhindriyo…pe… paññavā puggalo paralokavajjabhayadassāvī, duppañño puggalo na paralokavajjabhayadassāvī. Lokoti khandhaloko, āyatanaloko, dhātuloko, sampattibhavaloko, sampattisambhavaloko, vipattibhavaloko, vipattisambhavaloko, eko loko sabbe sattā āhāraṭṭhitikā. Dve lokā – nāmañca rūpañca. Tayo lokā – tisso vedanā. Cattāro lokā – cattāro āhārā. Pañca lokā – pañcupādānakkhandhā. Cha lokā – cha ajjhattikāni āyatanāni. Satta lokā – satta viññāṇaṭṭhitiyo. Aṭṭha lokā – aṭṭha lokadhammā. Nava lokā – nava sattāvāsā. Dasa lokā – dasāyatanāni. Dvādasa lokā – dvādasāyatanāni. Aṭṭhārasa lokā – aṭṭhārassa dhātuyo. Vajjanti sabbe kilesā vajjā, sabbe duccaritā vajjā, sabbe abhisaṅkhārā vajjā, sabbe bhavagāmikammā vajjā. Iti imasmiñca loke imasmiñca vajje tibbā bhayasaññā paccupaṭṭhitā hoti, seyyathāpi ukkhittāsike vadhake. Imehi paññāsāya ākārehi imāni pañcindriyāni jānāti passati aññāsi paṭivijjhi. Idaṃ tathāgatassa indriyaparopariyatte ñāṇa’’nti (paṭi. ma. 1.112).

 

Uppaliniyanti uppalavane. Itaresupi eseva nayo. Antonimuggaposīnīti yāni anto nimuggāneva posiyanti. Udakaṃ accuggamma ṭhitānīti udakaṃ atikkamitvā ṭhitāni. Tattha yāni accuggamma ṭhitāni, tāni sūriyarasmisamphassaṃ āgamayamānāni ṭhitāni ajja pupphanakāni. Yāni samodakaṃ ṭhitāni, tāni sve pupphanakāni. Yāni udakānuggatāni antonimuggaposīni, tāni tatiyadivase pupphanakāni. Udakā pana anuggatāni aññānipi sarogauppalādīni nāma atthi, yāni neva pupphissanti, macchakacchapabhakkhāneva bhavissanti. Tāni pāḷiṃ nāruḷhāni. Āharitvā pana dīpetabbānīti dīpitāni.

 

Yatheva hi tāni catubbidhāni pupphāni, evameva ugghaṭitaññū vipañcitaññū neyyo padaparamoti cattāro puggalā. Tattha ‘‘yassa puggalassa saha udāhaṭavelāya dhammābhisamayo hoti, ayaṃ vuccati puggalo ugghaṭitaññū. Yassa puggalassa saṃkhittena bhāsitassa vitthārena atthe vibhajiyamāne dhammābhisamayo hoti, ayaṃ vuccati puggalo vipañcitaññū. Yassa puggalassa uddesato paripucchato yoniso manasikaroto kalyāṇamitte sevato bhajato payirupāsato anupubbena dhammābhisamayo hoti, ayaṃ vuccati puggalo neyyo. Yassa puggalassa bahumpi suṇato bahumpi bhaṇato bahumpi dhārayato bahumpi vācayato na tāya jātiyā dhammābhisamayo hoti, ayaṃ vuccati puggalo padaparamo’’ (pu. pa. 151). Tattha bhagavā uppalavanādisadisaṃ dasasahassilokadhātuṃ olokento ‘‘ajja pupphanakāni viya ugghaṭitaññū, sve pupphanakāni viya vipañcitaññū, tatiyadivase pupphanakāni viya neyyo, macchakacchapabhakkhāni pupphāni viya padaparamo’’ti addasa. Passanto ca ‘‘ettakā apparajakkhā, ettakā mahārajakkhā, tatrāpi ettakā ugghaṭitaññū’’ti evaṃ sabbākāratova addasa.

 

Tattha tiṇṇaṃ puggalānaṃ imasmiṃyeva attabhāve bhagavato dhammadesanā atthaṃ sādheti. Padaparamānaṃ anāgate vāsanatthāya hoti. Atha bhagavā imesaṃ catunnaṃ puggalānaṃ atthāvahaṃ dhammadesanaṃ viditvā desetukamyataṃ uppādetvā puna sabbepi tīsu bhavesu satte bhabbābhabbavasena dve koṭṭhāse akāsi. Ye sandhāya vuttaṃ – ‘‘katame te sattā abhabbā, ye te sattā kammāvaraṇena samannāgatā kilesāvaraṇena samannāgatā vipākāvaraṇena samannāgatā assaddhā acchandikā duppaññā abhabbā niyāmaṃ okkamituṃ kusalesu dhammesu sammattaṃ, ime te sattā abhabbā. Katame te sattā bhabbā? Ye te sattā na kammāvaraṇena…pe… ime te sattā bhabbā’’ti (vibha. 827; paṭi. ma. 1.115). Tattha sabbepi abhabbapuggale pahāya bhabbapuggaleyeva ñāṇena pariggahetvā ‘‘ettakā rāgacaritā, ettakā dosamohacaritā vitakkasaddhābuddhicaritā’’ti cha koṭṭhāse akāsi; evaṃ katvā dhammaṃ desissāmīti cintesi.

 

Paccabhāsinti patiabhāsiṃ. Apārutāti vivaṭā. Amatassa dvārāti ariyamaggo. So hi amatasaṅkhātassa nibbānassa dvāraṃ, so mayā vivaritvā ṭhapitoti dasseti. Pamuñcantu saddhanti sabbe attano saddhaṃ pamuñcantu, vissajjentu. Pacchimapadadvaye ayamattho, ahañhi attano paguṇaṃ suppavattitampi imaṃ paṇītaṃ uttamaṃ dhammaṃ kāyavācākilamathasaññī hutvā na bhāsiṃ. Idāni pana sabbo jano saddhābhājanaṃ upanetu, pūressāmi nesaṃ saṅkappanti.

 

284. Tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosīti etaṃ ahosi – kassa nu kho ahaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyanti ayaṃ dhammadesanāpaṭisaṃyutto vitakko udapādīti attho. Kadā panesa udapādīti? Buddhabhūtassa aṭṭhame sattāhe.

 

Tatrāyaṃ anupubbikathā – bodhisatto kira mahābhinikkhamanadivase vivaṭaṃ itthāgāraṃ disvā saṃviggahadayo, ‘‘kaṇḍakaṃ āharā’’ti channaṃ āmantetvā channasahāyo assarājapiṭṭhigato nagarato nikkhamitvā kaṇḍakanivattanacetiyaṭṭhānaṃ nāma dassetvā tīṇi rajjāni atikkamma anomānadītīre pabbajitvā anupubbena cārikaṃ caramāno rājagahe piṇḍāya caritvā paṇḍavapabbate nisinno magadhissarena raññā nāmagottaṃ pucchitvā, ‘‘imaṃ rajjaṃ sampaṭicchāhī’’ti vutto, ‘‘alaṃ mahārāja, na mayhaṃ rajjena attho, ahaṃ rajjaṃ pahāya lokahitatthāya padhānaṃ anuyuñjitvā loke vivaṭacchado bhavissāmīti nikkhanto’’ti vatvā, ‘‘tena hi buddho hutvā paṭhamaṃ mayhaṃ vijitaṃ osareyyāsī’’ti paṭiññaṃ gahito kālāmañca udakañca upasaṅkamitvā tesaṃ dhammadesanāya sāraṃ avindanto tato pakkamitvā uruveḷāya chabbassāni dukkarakārikaṃ karontopi amataṃ paṭivijjhituṃ asakkonto oḷārikāhārapaṭisevanena kāyaṃ santappesi.

 

Tadā ca uruvelagāme sujātā nāma kuṭumbiyadhītā ekasmiṃ nigrodharukkhe patthanamakāsi – ‘‘sacāhaṃ samānajātikaṃ kulagharaṃ gantvā paṭhamagabbhe puttaṃ labhissāmi, balikammaṃ karissāmī’’ti. Tassā sā patthanā samijjhi. Sā visākhapuṇṇamadivase pātova balikammaṃ karissāmīti rattiyā paccūsasamaye eva pāyasaṃ paṭiyādesi. Tasmiṃ pāyase paccamāne mahantamahantā pupphuḷā uṭṭhahitvā dakkhiṇāvaṭṭā hutvā sañcaranti. Ekaphusitampi bahi na gacchati. Mahābrahmā chattaṃ dhāresi. Cattāro lokapālā khaggahatthā ārakkhaṃ gaṇhiṃsu. Sakko alātāni samānento aggiṃ jālesi. Devatā catūsu dīpesu ojaṃ saṃharitvā tattha pakkhipiṃsu. Bodhisatto bhikkhācārakālaṃ āgamayamāno pātova gantvā rukkhamūle nisīdi. Rukkhamūle sodhanatthāya gatā dhātī āgantvā sujātāya ārocesi – ‘‘devatā rukkhamūle nisinnā’’ti. Sujātā, sabbaṃ pasādhanaṃ pasādhetvā satasahassagghanike suvaṇṇathāle pāyasaṃ vaḍḍhetvā aparāya suvaṇṇapātiyā pidahitvā ukkhipitvā gatā mahāpurisaṃ disvā saheva pātiyā hatthe ṭhapetvā vanditvā ‘‘yathā mayhaṃ manoratho nipphanno, evaṃ tumhākampi nipphajjatū’’ti vatvā pakkāmi.

 

Bodhisatto nerañjarāya tīraṃ gantvā suvaṇṇathālaṃ tīre ṭhapetvā nhatvā paccuttaritvā ekūnapaṇṇāsapiṇḍe karonto pāyasaṃ paribhuñjitvā ‘‘sacāhaṃ ajja buddho bhavāmi, thālaṃ paṭisotaṃ gacchatū’’ti khipi. Thālaṃ paṭisotaṃ gantvā thokaṃ ṭhatvā kālanāgarājassa bhavanaṃ pavisitvā tiṇṇaṃ buddhānaṃ thālāni ukkhipitvā aṭṭhāsi.

 

Mahāsatto vanasaṇḍe divāvihāraṃ katvā sāyanhasamaye sottiyena dinnā aṭṭha tiṇamuṭṭhiyo gahetvā bodhimaṇḍaṃ āruyha dakkhiṇadisābhāge aṭṭhāsi. So padeso paduminipatte udakabindu viya akampittha. Mahāsatto, ‘‘ayaṃ mama guṇaṃ dhāretuṃ na sakkotī’’ti pacchimadisābhāgaṃ agamāsi, sopi tatheva akampittha. Uttaradisābhāgaṃ agamāsi, sopi tatheva akampittha. Puratthimadisābhāgaṃ agamāsi, tattha pallaṅkappamāṇaṃ ṭhānaṃ sunikhātaindakhilo viya niccalamahosi. Mahāsatto ‘‘idaṃ ṭhānaṃ sabbabuddhānaṃ kilesabhañjanaviddhaṃsanaṭṭhāna’’nti tāni tiṇāni agge gahetvā cālesi. Tāni cittakārena tūlikaggena paricchinnāni viya ahesuṃ. Bodhisatto, ‘‘bodhiṃ appatvā imaṃ pallaṅkaṃ na bhindissāmī’’ti caturaṅgavīriyaṃ adhiṭṭhahitvā pallaṅkaṃ ābhujitvā nisīdi.

 

Taṅkhaṇaññeva māro bāhusahassaṃ māpetvā diyaḍḍhayojanasatikaṃ girimekhalaṃ nāma hatthiṃ āruyha navayojanaṃ mārabalaṃ gahetvā addhakkhikena olokayamāno pabbato viya ajjhottharanto upasaṅkami. Mahāsatto, ‘‘mayhaṃ dasa pāramiyo pūrentassa añño samaṇo vā brāhmaṇo vā devo vā māro vā brahmā vā sakkhi natthi, vessantarattabhāve pana mayhaṃ sattasu vāresu mahāpathavī sakkhi ahosi; idānipi me ayameva acetanā kaṭṭhakaliṅgarūpamā mahāpathavī sakkhī’’ti hatthaṃ pasāreti. Mahāpathavī tāvadeva ayadaṇḍena pahataṃ kaṃsathālaṃ viya ravasataṃ ravasahassaṃ muñcamānā viravitvā parivattamānā mārabalaṃ cakkavāḷamukhavaṭṭiyaṃ muñcanamakāsi. Mahāsatto sūriye dharamāneyeva mārabalaṃ vidhamitvā paṭhamayāme pubbenivāsañāṇaṃ, majjhimayāme dibbacakkhuṃ visodhetvā pacchimayāme paṭiccasamuppāde ñāṇaṃ otāretvā vaṭṭavivaṭṭaṃ sammasitvā aruṇodaye buddho hutvā, ‘‘mayā anekakappakoṭisatasahassaṃ addhānaṃ imassa pallaṅkassa atthāya vāyāmo kato’’ti sattāhaṃ ekapallaṅkena nisīdi. Athekaccānaṃ devatānaṃ, ‘‘kiṃ nu kho aññepi buddhattakarā dhammā atthī’’ti kaṅkhā udapādi.

 

Atha bhagavā aṭṭhame divase samāpattito vuṭṭhāya devatānaṃ kaṅkhaṃ ñatvā kaṅkhāvidhamanatthaṃ ākāse uppatitvā yamakapāṭihāriyaṃ dassetvā tāsaṃ kaṅkhaṃ vidhamitvā pallaṅkato īsakaṃ pācīnanissite uttaradisābhāge ṭhatvā cattāri asaṅkhyeyyāni kappasatasahassañca pūritānaṃ pāramīnaṃ phalādhigamaṭṭhānaṃ pallaṅkañceva bodhirukkhañca animisehi akkhīhi olokayamāno sattāhaṃ vītināmesi, taṃ ṭhānaṃ animisacetiyaṃ nāma jātaṃ.

 

Atha pallaṅkassa ca ṭhitaṭṭhānassa ca antarā puratthimapacchimato āyate ratanacaṅkame caṅkamanto sattāhaṃ vītināmesi, taṃ ṭhānaṃ ratanacaṅkamacetiyaṃ nāma jātaṃ. Tato pacchimadisābhāge devatā ratanagharaṃ māpayiṃsu, tattha pallaṅkena nisīditvā abhidhammapiṭakaṃ visesato cettha anantanayasamantapaṭṭhānaṃ vicinanto sattāhaṃ vītināmesi, taṃ ṭhānaṃ ratanagharacetiyaṃ nāma jātaṃ. Evaṃ bodhisamīpeyeva cattāri sattāhāni vītināmetvā pañcame sattāhe bodhirukkhamūlā yena ajapālanigrodho tenupasaṅkami, tatrāpi dhammaṃ vicinantoyeva vimuttisukhañca paṭisaṃvedento nisīdi, dhammaṃ vicinanto cettha evaṃ abhidhamme nayamaggaṃ sammasi – paṭhamaṃ dhammasaṅgaṇīpakaraṇaṃ nāma, tato vibhaṅgapakaraṇaṃ, dhātukathāpakaraṇaṃ, puggalapaññattipakaraṇaṃ, kathāvatthu nāma pakaraṇaṃ, yamakaṃ nāma pakaraṇaṃ, tato mahāpakaraṇaṃ paṭṭhānaṃ nāmāti.

 

Tatthassa saṇhasukhumapaṭṭhānamhi citte otiṇṇe pīti uppajji; pītiyā uppannāya lohitaṃ pasīdi, lohite pasanne chavi pasīdi. Chaviyā pasannāya puratthimakāyato kūṭāgārādippamāṇā rasmiyo uṭṭhahitvā ākāse pakkhandachaddantanāgakulaṃ viya pācīnadisāya anantāni cakkavāḷāni pakkhandā, pacchimakāyato uṭṭhahitvā pacchimadisāya, dakkhiṇaṃsakūṭato uṭṭhahitvā dakkhiṇadisāya, vāmaṃsakūṭato uṭṭhahitvā uttaradisāya anantāni cakkavāḷāni pakkhandā, pādatalehi pavāḷaṅkuravaṇṇā rasmiyo nikkhamitvā mahāpathaviṃ vinivijjhitvā udakaṃ dvidhā bhinditvā vātakkhandhaṃ padāletvā ajaṭākāsaṃ pakkhandā, sīsato samparivattiyamānaṃ maṇidāmaṃ viya nīlavaṇṇā rasmivaṭṭi uṭṭhahitvā cha devaloke vinivijjhitvā nava brahmaloke vehapphale pañca suddhāvāse ca vinivijjhitvā cattāro āruppe atikkamma ajaṭākāsaṃ pakkhandā. Tasmiṃ divase aparimāṇesu cakkavāḷesu aparimāṇā sattā sabbe suvaṇṇavaṇṇāva ahesuṃ. Taṃ divasañca pana bhagavato sarīrā nikkhantā yāvajjadivasāpi tā rasmiyo anantā lokadhātuyo gacchantiyeva.

 

Evaṃ bhagavā ajapālanigrodhe sattāhaṃ vītināmetvā tato aparaṃ sattāhaṃ mucalinde nisīdi, nisinnamattasseva cassa sakalaṃ cakkavāḷagabbhaṃ pūrento mahāakālamegho udapādi. Evarūpo kira mahāmegho dvīsuyeva kālesu vassati cakkavattimhi vā uppanne buddhe vā. Idha buddhakāle udapādi. Tasmiṃ pana uppanne mucalindo nāgarājā cintesi – ‘‘ayaṃ megho satthari mayhaṃ bhavanaṃ paviṭṭhamatteva uppanno, vāsāgāramassa laddhuṃ vaṭṭatī’’ti. So sattaratanamayaṃ pāsādaṃ nimminituṃ sakkontopi evaṃ kate mayhaṃ mahapphalaṃ na bhavissati, dasabalassa kāyaveyyāvaccaṃ karissāmīti mahantaṃ attabhāvaṃ katvā satthāraṃ sattakkhattuṃ bhogehi parikkhipitvā upari phaṇaṃ dhāresi. Parikkhepassa anto okāso heṭṭhā lohapāsādappamāṇo ahosi. Icchiticchitena iriyāpathena satthā viharissatīti nāgarājassa ajjhāsayo ahosi. Tasmā evaṃ mahantaṃ okāsaṃ parikkhipi. Majjhe ratanapallaṅko paññatto hoti, upari suvaṇṇatārakavicittaṃ samosaritagandhadāmakusumadāmacelavitānaṃ ahosi. Catūsu koṇesu gandhatelena dīpā jalitā, catūsu disāsu vivaritvā candanakaraṇḍakā ṭhapitā. Evaṃ bhagavā taṃ sattāhaṃ tattha vītināmetvā tato aparaṃ sattāhaṃ rājāyatane nisīdi.

 

Aṭṭhame sattāhe sakkena devānamindena ābhataṃ dantakaṭṭhañca osadhaharītakañca khāditvā mukhaṃ dhovitvā catūhi lokapālehi upanīte paccagghe selamaye patte tapussabhallikānaṃ piṇḍapātaṃ paribhuñjitvā puna paccāgantvā ajapālanigrodhe nisinnassa sabbabuddhānaṃ āciṇṇo ayaṃ vitakko udapādi.

 

Tattha paṇḍitoti paṇḍiccena samannāgato. Viyattoti veyyattiyena samannāgato. Medhāvīti ṭhānuppattiyā paññāya samannāgato. Apparajakkhajātikoti samāpattiyā vikkhambhitattā nikkilesajātiko visuddhasatto. Ājānissatīti sallakkhessati paṭivijjhissati. Ñāṇañca pana meti mayhampi sabbaññutaññāṇaṃ uppajji. Bhagavā kira devatāya kathiteneva niṭṭhaṃ agantvā sayampi sabbaññutaññāṇena olokento ito sattamadivasamatthake kālaṃ katvā ākiñcaññāyatane nibbattoti addasa. Taṃ sandhāyāha – ‘‘ñāṇañca pana me dassanaṃ udapādī’’ti. Mahājāniyoti sattadivasabbhantare pattabbamaggaphalato parihīnattā mahatī jāni assāti mahājāniyo. Akkhaṇe nibbattattā gantvā desiyamānaṃ dhammampissa sotuṃ sotappasādo natthi, idha dhammadesanaṭṭhānaṃ āgamanapādāpi natthi, evaṃ mahājāniyo jātoti dasseti. Abhidosakālaṅkatoti aḍḍharatte kālaṅkato. Ñāṇañca pana meti mayhampi sabbaññutaññāṇaṃ udapādi. Idhāpi kira bhagavā devatāya vacanena sanniṭṭhānaṃ akatvā sabbaññutaññāṇena olokento ‘‘hiyyo aḍḍharatte kālaṅkatvā udako rāmaputto nevasaññānāsaññāyatane nibbatto’’ti addasa. Tasmā evamāha. Sesaṃ purimanayasadisameva. Bahukārāti bahūpakārā. Padhānapahitattaṃ upaṭṭhahiṃsūti padhānatthāya pesitattabhāvaṃ vasanaṭṭhāne pariveṇasammajjanena pattacīvaraṃ gahetvā anubandhanena mukhodakadantakaṭṭhadānādinā ca upaṭṭhahiṃsu. Ke pana te pañcavaggiyā nāma? Yete –

Rāmo dhajo lakkhaṇo jotimanti,

Yañño subhojo suyāmo sudatto;

Ete tadā aṭṭha ahesuṃ brāhmaṇā,

Chaḷaṅgavā mantaṃ viyākariṃsūti.

 

Bodhisattassa jātakāle supinapaṭiggāhakā ceva lakkhaṇapaṭiggāhakā ca aṭṭha brāhmaṇā. Tesu tayo dvedhā byākariṃsu – ‘‘imehi lakkhaṇehi samannāgato agāraṃ ajjhāvasamāno rājā hoti cakkavattī, pabbajamāno buddho’’ti. Pañca brāhmaṇā ekaṃsabyākaraṇā ahesuṃ – ‘‘imehi lakkhaṇehi samannāgato agāre na tiṭṭhati, buddhova hotī’’ti. Tesu purimā tayo yathāmantapadaṃ gatā, ime pana pañca mantapadaṃ atikkantā. Te attanā laddhaṃ puṇṇapattaṃ ñātakānaṃ vissajjetvā ‘‘ayaṃ mahāpuriso agāraṃ na ajjhāvasissati, ekantena buddho bhavissatī’’ti nibbitakkā bodhisattaṃ uddissa samaṇapabbajjaṃ pabbajitā. Tesaṃ puttātipi vadanti. Taṃ aṭṭhakathāya paṭikkhittaṃ.

 

Ete kira daharakāleyeva bahū mante jāniṃsu, tasmā te brāhmaṇā ācariyaṭṭhāne ṭhapayiṃsu. Te pacchā amhehi puttadārajaṭaṃ chaḍḍetvā na sakkā bhavissati pabbajitunti daharakāleyeva pabbajitvā ramaṇīyāni senāsanāni paribhuñjantā vicariṃsu. Kālena kālaṃ pana ‘‘kiṃ, bho, mahāpuriso mahābhinikkhamanaṃ nikkhanto’’ti pucchanti. Manussā, ‘‘kuhiṃ tumhe mahāpurisaṃ passissatha, tīsu pāsādesu tividhanāṭakamajjhe devo viya sampattiṃ anubhotī’’ti vadanti. Te sutvā, ‘‘na tāva mahāpurisassa ñāṇaṃ paripākaṃ gacchatī’’ti appossukkā vihariṃsuyeva. Kasmā panettha bhagavā, ‘‘bahukārā kho ime pañcavaggiyā’’ti āha? Kiṃ upakārakānaṃyeva esa dhammaṃ deseti, anupakārakānaṃ na desetīti? No na deseti. Paricayavasena hesa āḷārañceva kālāmaṃ udakañca rāmaputtaṃ olokesi. Etasmiṃ pana buddhakkhette ṭhapetvā aññāsikoṇḍaññaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ sacchikātuṃ samattho nāma natthi. Kasmā? Tathāvidhaupanissayattā.

 

Pubbe kira puññakaraṇakāle dve bhātaro ahesuṃ. Te ekatova sassaṃ akaṃsu. Tattha jeṭṭhakassa ‘‘ekasmiṃ sasse navavāre aggasassadānaṃ mayā dātabba’’nti ahosi. So vappakāle bījaggaṃ nāma datvā gabbhakāle kaniṭṭhena saddhiṃ mantesi – ‘‘gabbhakāle gabbhaṃ phāletvā dassāmā’’ti. Kaniṭṭho ‘‘taruṇasassaṃ nāsetukāmosī’’ti āha. Jeṭṭho kaniṭṭhassa ananuvattanabhāvaṃ ñatvā khettaṃ vibhajitvā attano koṭṭhāsato gabbhaṃ phāletvā khīraṃ nīharitvā sappiphāṇitehi yojetvā adāsi, puthukakāle puthukaṃ kāretvā adāsi, lāyane lāyanaggaṃ veṇikaraṇe veṇaggaṃ kalāpādīsu kalāpaggaṃ khaḷaggaṃ bhaṇḍaggaṃ koṭṭhagganti evaṃ ekasasse navavāre aggadānaṃ adāsi. Kaniṭṭho panassa uddharitvā adāsi, tesu jeṭṭho aññāsikoṇḍaññatthero jāto, kaniṭṭho subhaddaparibbājako. Iti ekasmiṃ sasse navannaṃ aggadānānaṃ dinnattā ṭhapetvā theraṃ añño paṭhamaṃ dhammaṃ sacchikātuṃ samattho nāma natthi. ‘‘Bahukārā kho ime pañcavaggiyā’’ti idaṃ pana upakārānussaraṇamattakeneva vuttaṃ.

 

Isipatane migadāyeti tasmiṃ kira padese anuppanne buddhe paccekasambuddhā gandhamādanapabbate sattāhaṃ nirodhasamāpattiyā vītināmetvā nirodhā vuṭṭhāya nāgalatādantakaṭṭhaṃ khāditvā anotattadahe mukhaṃ dhovitvā pattacīvaramādāya ākāsena āgantvā nipatanti. Tattha cīvaraṃ pārupitvā nagare piṇḍāya caritvā katabhattakiccā gamanakālepi tatoyeva uppatitvā gacchanti. Iti isayo ettha nipatanti uppatanti cāti taṃ ṭhānaṃ isipatananti saṅkhaṃ gataṃ. Migānaṃ pana abhayatthāya dinnattā migadāyoti vuccati. Tena vuttaṃ ‘‘isipatane migadāye’’ti.

 

285. Antarā ca gayaṃ antarā ca bodhinti gayāya ca bodhissa ca vivare tigāvutantare ṭhāne. Bodhimaṇḍato hi gayā tīṇi gāvutāni. Bārāṇasī aṭṭhārasa yojanāni. Upako bodhimaṇḍassa ca gayāya ca antare bhagavantaṃ addasa. Antarāsaddena pana yuttattā upayogavacanaṃ kataṃ. Īdisesu ca ṭhānesu akkharacintakā ‘‘antarā gāmañca nadiñca yātī’’ti evaṃ ekameva antarāsaddaṃ payujjanti. So dutiyapadenapi yojetabbo hoti. Ayojiyamāne upayogavacanaṃ na pāpuṇāti. Idha pana yojetvā eva vuttoti. Addhānamaggapaṭipannanti addhānasaṅkhātaṃ maggaṃ paṭipannaṃ, dīghamaggapaṭipannanti attho. Addhānamaggagamanasamayassa hi vibhaṅge ‘‘addhayojanaṃ gacchissāmīti bhuñjitabba’’ntiādivacanato (pāci. 218) addhayojanampi addhānamaggo hoti. Bodhimaṇḍato pana gayā tigāvutaṃ.

 

Sabbābhibhūti sabbaṃ tebhūmakadhammaṃ abhibhavitvā ṭhito. Sabbavidūti sabbaṃ catubhūmakadhammaṃ avediṃ aññāsiṃ. Sabbesu dhammesu anupalittoti sabbesu tebhūmakadhammesu kilesalepanena anupalitto. Sabbaṃ jahoti sabbaṃ tebhūmakadhammaṃ jahitvā ṭhito. Taṇhākkhaye vimuttoti taṇhākkhaye nibbāne ārammaṇato vimutto. Sayaṃ abhiññāyāti sabbaṃ catubhūmakadhammaṃ attanāva jānitvā. Kamuddiseyyanti kaṃ aññaṃ ‘‘ayaṃ me ācariyo’’ti uddiseyyaṃ.

 

Na me ācariyo atthīti lokuttaradhamme mayhaṃ ācariyo nāma natthi. Natthi me paṭipuggaloti mayhaṃ paṭibhāgapuggalo nāma natthi. Sammāsambuddhoti sahetunā nayena cattāri saccāni sayaṃ buddho. Sītibhūtoti sabbakilesagginibbāpanena sītibhūto. Kilesānaṃyeva nibbutattā nibbuto. Kāsinaṃ puranti kāsiraṭṭhe nagaraṃ. Āhañchaṃ amatadundubhinti dhammacakkapaṭilābhāya amatabheriṃ paharissāmīti gacchāmi. Arahasi anantajinoti anantajinoti bhavituṃ yutto. Hupeyya pāvusoti, āvuso, evampi nāma bhaveyya. Pakkāmīti vaṅkahārajanapadaṃ nāma agamāsi.

Tatthekaṃ migaluddakagāmakaṃ nissāya vāsaṃ kappesi. Jeṭṭhakaluddako taṃ upaṭṭhāsi. Tasmiñca janapade caṇḍā makkhikā honti. Atha naṃ ekāya cāṭiyā vasāpesuṃ, migaluddako dūre migavaṃ gacchanto ‘‘amhākaṃ arahante mā pamajjī’’ti chāvaṃ nāma dhītaraṃ āṇāpetvā agamāsi saddhiṃ puttabhātukehi. Sā cassa dhītā dassanīyā hoti koṭṭhāsasampannā. Dutiyadivase upako gharaṃ āgato taṃ dārikaṃ sabbaṃ upacāraṃ katvā parivisituṃ upagataṃ disvā rāgena abhibhūto bhuñjitumpi asakkonto bhājanena bhattaṃ ādāya vasanaṭṭhānaṃ gantvā bhattaṃ ekamante nikkhipitvā sace chāvaṃ labhāmi, jīvāmi, no ce, marāmīti nirāhāro sayi. Sattame divase māgaviko āgantvā dhītaraṃ upakassa pavattiṃ pucchi. Sā ‘‘ekadivasameva āgantvā puna nāgatapubbo’’ti āha. Māgaviko āgataveseneva naṃ upasaṅkamitvā pucchissāmīti taṃkhaṇaṃyeva gantvā ‘‘kiṃ, bhante, apphāsuka’’nti pāde parāmasanto pucchi. Upako nitthunanto parivattatiyeva. So ‘‘vadatha bhante, yaṃ mayā sakkā kātuṃ, taṃ sabbaṃ karissāmī’’ti āha. Upako, ‘‘sace chāvaṃ labhāmi, jīvāmi, no ce, idheva maraṇaṃ seyyo’’ti āha. Jānāsi pana, bhante, kiñci sippanti. Na jānāmīti. Na, bhante, kiñci sippaṃ ajānantena sakkā gharāvāsaṃ adhiṭṭhātunti.

 

So āha – ‘‘nāhaṃ kiñci sippaṃ jānāmi, apica tumhākaṃ maṃsahārako bhavissāmi, maṃsañca vikkīṇissāmī’’ti. Māgaviko, ‘‘amhākampi etadeva ruccatī’’ti uttarasāṭakaṃ datvā gharaṃ ānetvā dhītaraṃ adāsi. Tesaṃ saṃvāsamanvāya putto vijāyi. Subhaddotissa nāmaṃ akaṃsu. Chāvā tassa rodanakāle ‘‘maṃsahārakassa putta, migaluddakassa putta mā rodī’’tiādīni vadamānā puttatosanagītena upakaṃ uppaṇḍesi. Bhadde tvaṃ maṃ anāthoti maññasi. Atthi me anantajino nāma sahāyo. Tassāhaṃ santike gamissāmīti āha. Chāvā evamayaṃ aṭṭīyatīti ñatvā punappunaṃ katheti. So ekadivasaṃ anārocetvāva majjhimadesābhimukho pakkāmi.

 

Bhagavā ca tena samayena sāvatthiyaṃ viharati jetavane mahāvihāre. Atha kho bhagavā paṭikacceva bhikkhū āṇāpesi – ‘‘yo, bhikkhave, ‘anantajino’ti pucchamāno āgacchati, tassa maṃ dasseyyāthā’’ti. Upakopi kho ‘‘kuhiṃ anantajino vasatī’’ti pucchanto anupubbena sāvatthiṃ āgantvā vihāramajjhe ṭhatvā kuhiṃ anantajinoti pucchi. Taṃ bhikkhū bhagavato santikaṃ nayiṃsu. So bhagavantaṃ disvā – ‘‘sañjānātha maṃ bhagavā’’ti āha. Āma, upaka, sañjānāmi, kuhiṃ pana tvaṃ vasitthāti. Vaṅkahārajanapade, bhanteti. Upaka, mahallakosi jāto pabbajituṃ sakkhissasīti. Pabbajissāmi, bhanteti. Bhagavā pabbājetvā tassa kammaṭṭhānaṃ adāsi. So kammaṭṭhāne kammaṃ karonto anāgāmiphale patiṭṭhāya kālaṃ katvā avihesu nibbatto. Nibbattakkhaṇeyeva arahattaṃ pāpuṇīti. Avihesu nibbattamattā hi satta janā arahattaṃ pāpuṇiṃsu, tesaṃ so aññataro.

Vuttañhetaṃ –

‘‘Avihaṃ upapannāse, vimuttā satta bhikkhavo;

Rāgadosaparikkhīṇā, tiṇṇā loke visattikaṃ.

Upako palagaṇḍo ca, pukkusāti ca te tayo;

Bhaddiyo khaṇḍadevo ca, bahuraggi ca saṅgiyo;

Te hitvā mānusaṃ dehaṃ, dibbayogaṃ upajjhagu’’nti. (saṃ. ni. 1.105);

 

286. Saṇṭhapesunti katikaṃ akaṃsu. Bāhullikoti cīvarabāhullādīnaṃ atthāya paṭipanno. Padhānavibbhantoti padhānato vibbhanto bhaṭṭho parihīno. Āvatto bāhullāyāti cīvarādīnaṃ bahulabhāvatthāya āvatto. Apica kho āsanaṃ ṭhapetabbanti apica kho panassa uccakule nibbattassa āsanamattaṃ ṭhapetabbanti vadiṃsu. Nāsakkhiṃsūti buddhānubhāvena buddhatejasā abhibhūtā attano katikāya ṭhātuṃ nāsakkhiṃsu. Nāmena ca āvusovādena ca samudācarantīti gotamāti, āvusoti ca vadanti. Āvuso gotama, mayaṃ uruvelāyaṃ padhānakāle tuyhaṃ pattacīvaraṃ gahetvā vicarimhā, mukhodakaṃ dantakaṭṭhaṃ adamhā, vutthapariveṇaṃ sammajjimhā, pacchā ko te vattappaṭipattimakāsi, kacci amhesu pakkantesu na cintayitthāti evarūpiṃ kathaṃ kathentīti attho. Iriyāyāti dukkarairiyāya. Paṭipadāyāti dukkarapaṭipattiyā. Dukkarakārikāyāti pasatapasata-muggayūsādiāharakaraṇādinā dukkarakaraṇena. Abhijānātha me noti abhijānātha nu mama. Evarūpaṃ pabhāvitametanti etaṃ evarūpaṃ vākyabhedanti attho. Api nu ahaṃ uruvelāya padhāne tumhākaṃ saṅgaṇhanatthaṃ anukkaṇṭhanatthaṃ rattiṃ vā divā vā āgantvā, – ‘‘āvuso, mā vitakkayittha, mayhaṃ obhāso vā nimittaṃ vā paññāyatī’’ti evarūpaṃ kañci vacanabhedaṃ akāsinti adhippāyo. Te ekapadeneva satiṃ labhitvā uppannagāravā, ‘‘handa addhā esa buddho jāto’’ti saddahitvā no hetaṃ, bhanteti āhaṃsu. Asakkhiṃ kho ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū saññāpetunti ahaṃ, bhikkhave, pañcavaggiye bhikkhū buddho ahanti jānāpetuṃ asakkhiṃ. Tadā pana bhagavā uposathadivaseyeva āgacchi. Attano buddhabhāvaṃ jānāpetvā koṇḍaññattheraṃ kāyasakkhiṃ katvā dhammacakkappavattanasuttaṃ kathesi. Suttapariyosāne thero aṭṭhārasahi brahmakoṭīhi saddhiṃ sotāpattiphale patiṭṭhāsi. Sūriye dharamāneyeva desanā niṭṭhāsi. Bhagavā tattheva vassaṃ upagacchi.

 

Dvepi sudaṃ, bhikkhave, bhikkhū ovadāmītiādi pāṭipadadivasato paṭṭhāya piṇḍapātatthāyapi gāmaṃ appavisanadīpanatthaṃ vuttaṃ. Tesañhi bhikkhūnaṃ kammaṭṭhānesu uppannamalavisodhanatthaṃ bhagavā antovihāreyeva ahosi. Uppanne uppanne kammaṭṭhānamale tepi bhikkhū bhagavato santikaṃ gantvā pucchanti. Bhagavāpi tesaṃ nisinnaṭṭhānaṃ gantvā malaṃ vinodeti. Atha nesaṃ bhagavatā evaṃ nīhaṭabhattena ovadiyamānānaṃ vappatthero pāṭipadadivase sotāpanno ahosi. Bhaddiyatthero dutiyāyaṃ, mahānāmatthero tatiyāyaṃ, assajitthero catutthiyaṃ. Pakkhassa pana pañcamiyaṃ sabbeva te ekato sannipātetvā anattalakkhaṇasuttaṃ kathesi, suttapariyosāne sabbepi arahattaphale patiṭṭhahiṃsu. Tenāha – ‘‘atha kho, bhikkhave, pañcavaggiyā bhikkhū mayā evaṃ ovadiyamānā…pe… anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ ajjhagamaṃsu…pe… natthi dāni punabbhavo’’ti. Ettakaṃ kathāmaggaṃ bhagavā yaṃ pubbe avaca – ‘‘tumhepi mamañceva pañcavaggiyānañca maggaṃ āruḷhā, ariyapariyesanā tumhākaṃ pariyesanā’’ti imaṃ ekameva anusandhiṃ dassento āhari.

 

287. Idāni yasmā na agāriyānaṃyeva pañcakāmaguṇapariyesanā hoti, anagāriyānampi cattāro paccaye appaccavekkhitvā paribhuñjantānaṃ pañcakāmaguṇavasena anariyapariyesanā hoti, tasmā taṃ dassetuṃ pañcime, bhikkhave, kāmaguṇātiādimāha. Tattha navarattesu pattacīvarādīsu cakkhuviññeyyā rūpātiādayo cattāro kāmaguṇā labbhanti. Raso panettha paribhogaraso hoti. Manuññe piṇḍapāte bhesajje ca pañcapi labbhanti. Senāsanamhi cīvare viya cattāro. Raso pana etthāpi paribhogarasova. Ye hi keci, bhikkhaveti kasmā ārabhi? Evaṃ pañca kāmaguṇe dassetvā idāni ye evaṃ vadeyyuṃ, ‘‘pabbajitakālato paṭṭhāya anariyapariyesanā nāma kuto, ariyapariyesanāva pabbajitāna’’nti, tesaṃ paṭisedhanatthāya ‘‘pabbajitānampi catūsu paccayesu appaccavekkhaṇaparibhogo anariyapariyesanā evā’’ti dassetuṃ imaṃ desanaṃ ārabhi. Tattha gadhitāti taṇhāgedhena gadhitā. Mucchitāti taṇhāmucchāya mucchitā. Ajjhopannāti taṇhāya ajjhogāḷhā. Anādīnavadassāvinoti ādīnavaṃ apassantā. Anissaraṇapaññāti nissaraṇaṃ vuccati paccavekkhaṇañāṇaṃ. Te tena virahitā.

 

Idāni tassatthassa sādhakaṃ upamaṃ dassento seyyathāpi, bhikkhavetiādimāha. Tatrevaṃ opammasaṃsandanaṃ veditabbaṃ – āraññakamago viya hi samaṇabrāhmaṇā, luddakena araññe ṭhapitapāso viya cattāro paccayā, tassa luddassa pāsarāsiṃ ajjhottharitvā sayanakālo viya tesaṃ cattāro paccaye appaccavekkhitvā paribhogakālo. Luddake āgacchante magassa yena kāmaṃ agamanakālo viya samaṇabrāhmaṇānaṃ mārassa yathākāmakaraṇīyakālo, māravasaṃ upagatabhāvoti attho. Magassa pana abaddhassa pāsarāsiṃ adhisayitakālo viya samaṇabrāhmaṇānaṃ catūsu paccayesu paccavekkhaṇaparibhogo, luddake āgacchante magassa yena kāmaṃ gamanaṃ viya samaṇabrāhmaṇānaṃ māravasaṃ anupagamanaṃ veditabbaṃ. Vissatthoti nibbhayo nirāsaṅko. Sesaṃ sabbattha uttānatthamevāti.

 

Papañcasūdaniyā majjhimanikāyaṭṭhakathāya

 

Pāsarāsisuttavaṇṇanā niṭṭhitā.

 

Ariyapariyesanātipi etasseva nāmaṃ. 



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment