Friday, August 14, 2020

Trung Bộ Kinh - 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn - tiếp theo - Thứ Sáu, ngày 14 tháng 8, 2020

 Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

Giảng Sư: ĐĐ  Pháp Tím

GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  14/8/2020 

22. Kinh Ví Dụ Con Rắn

(Alagaddūpama Sutta) (tiếp theo)

Tên kinh lấy từ một ví dụ ở trong phần đầu của pháp thoại. Trong dụ ngôn nầy người học Phật pháp phải cẩn trọng và khéo léo như người bắt rắn. Sự vụng về có thể mang lại hậu quả tai hại. Trước kinh bài kinh nầy còn có tên thuần Hán Việt là Kinh Xà Dụ.

 Tỳ kheo Ariṭṭha có quan điểm là theo sự hiểu biết của mình về lời Phật dạy thì hưởng thụ dục lạc không ngăn ngại đời sống phạm hạnh.  Các vị tỳ kheo khác đã có phản ứng rằng quan niệm như vậy là không đúng với pháp của Phật. Dù vậy tỳ kheo Ariṭṭha vẫn khư khư chấp giữ quan điểm của mình. Câu chuyện được trình lên Đức Phật. Bậc Đạo Sư cho gọi tỳ kheo Ariṭṭha để huấn thị. Rồi Ngài đã dùng nhiều thí dụ về để nói về sự nhận thức giáo pháp, nhận thức về bản thân, nhận thức về thế giới,  đau , khổ và con đường thoát khổ. Bài kinh nầy mang những ý nghĩa rất căn bản về giáo lý vô ngã và nói về sự sai lầm của pháp chấp cũng như ngã chấp.

109. Niết bàn không phải là hư vô, không phải là sự huỷ diệt

Đức Phật dạy về khổ của năm uẩn, của trầm luân sanh tử. Ngài cũng dạy con đường giải thoát là chấm dứt trầm luân sanh tử. Chính điểm nầy mà ngoại đạo, và ngay cả qua lý giải của một số Phật tử, thì Đức Phật dạy con đường dẫn đến “chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt, sự tiêu diệt các hữu tình”. Nói cách khác là sau khi thành tựu quả vị hoàn toàn giải thoát thì KHÔNG CÒN GÌ CẢ:

Chư Tỷ-kheo, Ta nói như vậy, thuyết như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn xuyên tạc Ta một cách phi chơn, hồ đồ, hư vọng, không thực: "Sa-môn Gotama chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt, sự tiêu diệt các hữu tình". Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không là như vậy, Ta không nói như vậy, Ta không như các Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã xuyên tạc một cách phi chơn, hồ đồ, hư vọng, không thật: "Sa- môn Gotama chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt, sự tiêu diệt các hữu tình".

 Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Chư Tỷ-kheo, nếu ở đây những người khác nhiếc mắng, phỉ báng, làm cho Như Lai tức giận, thì này các Tỷ-kheo, ở đây, Như Lai không có sân hận, không có bất mãn, tâm không phẫn nộ. Chư Tỷ-kheo, nếu ở đây, những người khác cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì này các Tỷ-kheo, ở đây Như Lai không có hoan hỷ, sung sướng, Tâm không thích thú. Chư Tỷ-kheo, nếu những người khác cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì này các Tỷ-kheo, ở đây Như Lai suy nghĩ: "Ðây là điều xưa kia đã từng biết rõ: ở đây là trách nhiệm Ta phải làm".

 Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác nhiếc mắng, phỉ báng, làm cho các Ông tức giận, ở đây các Ông chớ có sân hận, bất mãn, tâm chớ khởi phẫn nộ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác cung kính, tôn trọng, lễ bái cúng dường các Ông, thì ở đây, các Ông chớ có hoan hỷ, sung sướng, tâm sanh thích thú. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác cung kính, tôn trọng, lễ bái cúng dường các Ông, thì ở đây, các Ông hãy suy nghĩ: "Ðây là điều xưa kia đã từng biết rõ, đây là những trách nhiệm ta phải làm".

Đức Phật không dạy khi một chúng sanh chứng đắc Niết Bàn thì sau đó CÒN HAY KHÔNG CÒN hoặc CÒN THẾ NÀO VÀ KHÔNG CÒN THẾ NÀO.

Về điểm nầy nên hiểu Đức Phật giảng dạy theo thái độ thực tiễn:

“Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”.

Như một thầy thuốc đối với bệnh nhân thì điểm cần nói và cần làm là căn bệnh và cách trị bệnh. SAU KHI HẾT BỆNH SẼ THẾ NÀO không phải là điều cần thiết.

Tất cả chúng sanh quan niệm sự hiện hữu luôn luôn y cứ trên sự hiện hữu của năm uẩn (pháp giả hợp do duyên). Không thể đo đạt như lai (chỉ chung chư vị A la hán) bằng chiều kích của sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Do vậy Đức Phật CHƯA BAO GIỜ trả lời câu “Như lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết”. Đây là điểm rất tế nhị mà người học Phật cần lưu tâm.

 110. Đừng sợ hãi với sự buông xả. Không chấp thủ tất an lạc

 Nói đến khổ công làm cái gì đó người ta nghĩ đến quả là thành tựu cái gì. Người ta cũng rất sợ mất đi cái gì đó kể cả năm uẩn bởi vì nghĩ rằng dù năm uẩn bất toàn nhưng cũng “còn cái gì đó để gọi là” nếu không còn năm uẩn thì sẽ “trắng tay”. Đức Phật khuyến khích sự can đảm:

 Do vậy, này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, các Ông hãy từ bỏ. Các Ông từ bỏ, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông? Chư Tỷ-kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ bỏ sắc. Các Ông từ bỏ sắc sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, thọ không phải của các Ông, hãy từ bỏ thọ. Các Ông từ bỏ thọ sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, tưởng không phải của các Ông, hãy từ bỏ tưởng. Các Ông từ bỏ tưởng sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, các hành không phải của các Ông, hãy từ bỏ các hành. Các Ông từ bỏ các hành sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ thức. Các Ông từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông.

 Chư Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Trong rừng Jetavana này, nếu có người thâu lượm cỏ, cây, nhành, lá rồi đốt hay làm với chúng tùy theo ý muốn, các Ông có nghĩ chăng? Người ấy thâu lượm chúng ta, đốt chúng ta hay làm với chúng ta tùy theo ý muốn?

 -- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì nó không phải tự ngã hay không phải sở thuộc của ngã.

 -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, các Ông hãy từ bỏ. Các Ông từ bỏ sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, và cái gì không phải của các Ông? Chư Tỷ- kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ bỏ sắc. Các Ông từ bỏ sắc sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, thọ... (như trên)... Chư Tỷ-kheo tưởng... (như trên)... Chư Tỷ-kheo, hành... Chư Tỷ-kheo, thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ thức. Các Ông từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông.

 111. Nên hiểu giá trị của chánh pháp

 Giá trị quan trọng của chánh pháp là được khéo thuyết (Svàkhato bhagavato dhammo). Nhờ khéo thuyết mới giúp chúng sanh tháo gỡ được cách suy nghĩ cố hữu. Chúng sanh thường chấp có hoặc chấp không; chấp thường hoặc chấp đoạn; chấp ngã hoặc chấp pháp. Để loại bỏ những định kiến đó không dễ dàng. Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng dạy để cho thấy còn bám víu bất cứ điều gì với cái nhìn “đây là của ta (ái chấp), đây là ta (mạn chấp), đây là tự ngã của ta (kiến chấp)” thì đều còn phiền não còn đau khổ như đoạn cuối của bài kinh:

 Chư Tỷ-kheo, như vậy, pháp được Ta khéo giảng, làm cho tỏ lộ, làm cho khai thông, làm cho khai thị, được loại trừ các vải quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được Ta khéo giảng, làm tỏ lộ, làm cho khai thông, làm cho khai thị, được loại trừ các vải quấn cũ, nên những vị Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, lý tưởng đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được giải thoát nhờ chánh trí, vòng luân chuyển (sanh tử) của những vị này không thể chỉ bày.

 Chư Tỷ-kheo, như vậy, pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ các vải quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được Ta khéo giảng, được loại trừ các vải quấn cũ, nên những Tỷ-kheo nào đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, thì những vị này thành các vị hóa sanh, nhập diệt tại đây, không còn phải trở lui vào đời này nữa.

 Chư Tỷ-kheo, như vậy, pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ các vãi quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ các vải quấn cũ, nên những Tỷ-kheo nào đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham sân si, thì tất cả những vị ấy thành bậc Nhất lai, chỉ đến đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.

Chư Tỷ-kheo, như vậy, pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ các vãi quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ các vải quấn cũ, nên những Tỷ-kheo nào đoạn trừ ba kiết sử, thì tất cả những vị ấy trở thành bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc ác thú, quyết định hướng đến chánh giác.

 Chư Tỷ-kheo, như vậy, pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ các vải quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được ta khéo giảng... được loại trừ các vải quấn cũ, nên những Tỷ-kheo nào là những vị tùy pháp hành, tùy tín hành, thì tất cả những vị này sẽ hướng về chánh giác.

 Chư Tỷ-kheo, như vậy pháp được Ta khéo giảng... được loại trừ khỏi các vải quấn cũ. Chư Tỷ-kheo, vì pháp được Ta khéo giảng, làm cho tỏ lộ, làm cho khai thông, làm cho khai thị, được loại trừ các vải quấn cũ, nên những vị nào chỉ đủ lòng tin nơi Ta, chỉ đủ lòng thương mến đối với Ta, thì tất cả những vị ấy được hướng về chư Thiên.

 Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Những Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Phân đoạn & chú thích: Tỳ Kheo Giác Đẳng

 

-ooOoo-

 


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành


     Thảo luận 1. Câu Phật ngôn "xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ" mang ý nghĩa gì đối với người con Phật? - TT Pháp Đăng 

       Thảo luận 1 B. Tại sao đối với xuyên tạc của ngoại đạo là Đức Phật dạy về hư vô, dạy về sự diệt tận thì Đức Phật nhấn mạnh: "xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ"? - TT Tuệ  Quyền
 
       Thảo luận 2. Nếu Níp Bàn đơn giản là sự diệt tận tất cả pháp hữu vi thì có thể kể là một trong bốn pháp chân đế? - TT Pháp Tân

        Thảo luận 3. Tât cả chúng ta đều sợ hãi đối với sự buông bỏ tất cả. Cái gì có thể giúp vượt qua nỗi sợ hãi đó? - ĐĐ Nguyên Thông
     
        Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận


 III Trắc Nghiệm

 


No comments:

Post a Comment