Friday, January 31, 2020

Bài học. Thứ Sáu, ngày 31 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  31/1/2020 
46. Ðại kinh Pháp hành

(Mahàdhammasamàdàna sutta)

532. Tại sao gọi Ðại kinh Pháp hành?
Ý nghĩa tên kinh vẫn giống như bài kinh trước: pháp hành – dhammasamādāna - chỉ cho sự hành trì có chủ tâm hay quyết tâm. Tên được đặt theo nội dung của pháp thoại Đức Phật giảng cho chư tỳ kheo. Bài kinh nầy nội dung dài hơn nên gọi là đại kinh.
         
533. Đại ý Ðại kinh Pháp hành là gì?
1.    Hiện tại lạc, vị lai khổ.
3.    Hiện tại khổ, vị lai lạc;
4.    Hiện tại lạc, vị lai cũng an lạc.
Mặc dù bốn chi pháp trên cũng giống như kinh trước nhưng ý nghĩa ở đây đề cập chung cho tất cả chúng sanh hơn là chỉ nói riêng cho các tu sĩ.
534. Nghịch lý trong cuộc sống được Đức Phật dạy thế nào?
Hầu hết chúng sanh đều mong mỏi hạnh phúc nhưng lại tạo nhiều đau khổ cho bản thân vì không có trí tuệ hiểu rõ nhân quả:

Này các Tỷ-kheo, phần lớn các loài hữu tình có dục như thế này, có ước vọng như thế này, có nguyện vọng như thế này: "Ôi, mong rằng các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý được tiêu diệt! Mong rằng các pháp khả ái, khả lạc, khả ý được tăng trưởng!" Này các Tỷ-kheo, dầu cho các loài hữu tình ấy có dục như vậy, có ước vọng như vậy, có nguyện vọng như vậy, nhưng các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý được tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý bị tiêu diệt.

Nói một cách cụ thể hơn người vô trí không rõ nhân quả, không hiểu pháp của bậc thánh thì không biết pháp nào nên tu tập, nên thân cận, Người có trí tuệ, có học hiểu thì ngược lại biết pháp nên thân cận, nên học hiểu.

Pháp nên tránh là thập ác:
Sát sanh,  lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói lời vọng ngữ, nói lời hai lưỡi, nói lời ác ngữ, nói lời phù phiếm, có tâm tham ác, có tâm sân ác, có tà kiến ác.
Pháp nên tu tập là thập thiện:
Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho,từ bỏ các tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói lời vọng ngữ, từ bỏ nói lời hai lưỡi, từ bỏ ác ngữ, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham ác, từ bỏ sân ác, từ bỏ ác kiến.


536 . Thế nào là làm ác với tâm sầu khổ để rồi sanh vào cõi khổ?
Đó là hạng người sống với ác tâm, ác hạnh tự thân phiền khổ, gây khổ cho chúng sanh khác và kiếp lai sanh gặt hái quả khổ. Đề cập hạng người nầy Đức Phật ví dụ  như sau:
Này các Tỷ-kheo, ví như trái bí đắng có tẩm thuốc độc. Rồi một người đến muốn sống, muốn không chết, ưa lạc, hiềm ghét khổ, và có người nói với người ấy như sau: "Này bạn, trái bí đắng này có tẩm thuốc độc, nếu bạn muốn, hãy ăn. Trong khi ăn, bạn không được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi ăn, bạn có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết". Người ấy có thể ăn không có suy nghĩ, không có từ bỏ. Trong khi ăn, người ấy không được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi ăn, người ấy bị chết, hay bị đau khổ gần như chết. Này các Tỷ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ.

537. Thế nào là vui trong ác hạnh để rồi đời sau khổ ?
Đó là hạng người làm ác với tâm vui sướng nhưng sự hỉ hả đó chỉ là thức cảm giác hỷ lạc nhất thời. Người nầy vui trong sự đau khổ của chúng sanh khác và sau khi chết sanh vào khổ cảnh. Nói về hạng người nầy Đức Thế Tôn dùng thí dụ:
Này các Tỷ-kheo, ví như một bình đồng đựng nước uống, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Rồi một người đến, muốn sống, muốn không chết, muốn ưa lạc, hiềm ghét khổ. Và có người nói với người ấy như sau: "Này bạn, bình đồng đựng nước uống này, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, bạn có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết". Người kia có thể uống, không suy nghĩ, không từ bỏ. Trong khi uống, người ấy được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, người ấy có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết. Này các Tỷ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ.
538. Thế nào phấn đấu khổ sở để sống hiền thiện nhờ vậy đời sau được an lạc?
Không phải tất cả người sống hiền thiện đều hạnh phúc. Có những người làm điều lành trong sự phấn đấu khổ sở như cũng làm ra tiền mà có người vất vả mà cũng có người ít vất vả. Đức Phật dùng thí dụ:
Này các Tỷ-kheo, ví như nước đái quỷ được trộn nhiều loại thuốc. Rồi có người đi đến, bị bệnh hoàng đản, và có người nói với người đó như sau: "Này bạn, nước đái quỷ này được trộn với nhiều loại thuốc. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, bạn không được thích thú về sắc, về hương, về vị. Nhưng sau khi uống, bạn sẽ được an lạc". Người ấy có thể uống, sau khi suy nghĩ, không có từ bỏ. Trong khi uống, người ấy không được thích thú về sắc, về hương, về vị. Nhưng sau khi uống, người ấy được an lạc. Này các Tỷ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại khổ, tương lai quả báo lạc.

539. Thế nào là sống an lạc với thiện pháp đời nầy và được hạnh phúc với quả lành đời sau?
Đây là hạng người “nay vui, đời sau vui” vì tìm thấy được hạnh phúc trong nếp sống hiền thiện và nhờ thiện nghiệp mà đời sau hưởng được quả lành. Nói về hạng người nầy Đức Thế Tôn dùng thí dụ sau:


Này các Tỷ-kheo, ví như lạc, mật, thục tô và đường trộn lẫn với nhau. Rồi có người đi đến bị bệnh kiết lỵ. Và có người nói với người ấy như sau: "Này bạn, đây là lạc, mật, thục tô và đường trộn lẫn với nhau. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, bạn sẽ được an lạc". Người kia có thể uống, sau khi suy nghĩ, không có từ bỏ. Trong khi uống, người kia được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, người kia được an lạc. Này các Tỷ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc.

540. Đức Phật đã kết luận pháp thoại thế nào?
Đấng Thiên Nhân Sư trong sự tuyên thuyết giáo pháp đặc biệt chú trọng những gì khiến người hành trì an lạc ngay trong hiện tại và kiếp sau cũng an lạc:

Này các Tỷ-kheo, ví như trong tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, mùa gặt hái, khí bầu trời quang đãng, không có mây, và mặt trời mọc lên giữa bầu trời, phá sạch hắc ám khắp cả hư không, và chói sáng, hực sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc này, sau khi phá sạch các dị thuyết của các Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường, chói sáng, hực sáng và rực sáng.




II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao cũng thời học hỏi nhưng có những người học một cách khổ sở, có người học một cách thích thú? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 2. Chúng ta thường nói nhân nào quả nấy nhưng trong bài kinh nầy có đề cập đến hạng người sống theo ác hạnh hiện tại lạc tương lai khổ vậy ác nghiệp có thể tạo hiện báo nghiệp vui không? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Tại sao trong A Tỳ Đàm khi nói về tâm quả bất thiện thì có rất ít so với tâm quả thiện; ngay cả tâm quả bất thiện đa số thì thọ xả nhưng nhìn chung thì đau khổ giữa trần gian nầy thì quá lớn, quá nhiều. Tại sao có sự chênh lệch dường như mâu thuẩn như vậy? Tại sao không có tâm quả thọ ưu mà chỉ có tâm quả thọ khổ? Phải chăng sự đau khổ của tâm không được kể là quả của nghiệp theo A tỳ đàm? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Câu kết của pháp thoại: Này các Tỷ-kheo, ví như trong tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, mùa gặt hái, khí bầu trời quang đãng, không có mây, và mặt trời mọc lên giữa bầu trời, phá sạch hắc ám khắp cả hư không, và chói sáng, hực sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc này, sau khi phá sạch các dị thuyết của các Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường, chói sáng, hực sáng và rực sáng. Như vậy phải chăng trọng tâm của giáo pháp là dạy sống thế nào mà an lạc đời nầy mà cũng an lạc đời sau? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

Thursday, January 30, 2020

Bài học. Thứ Năm, ngày 30 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  30/1/2020 
45. Tiểu kinh Pháp hành
(Cùladhammasamàdàna sutta)

525. Tại sao gọi Tiểu kinh Pháp hành?
Pháp hành – dhammasamādāna - chỉ so sự hành trì có chủ tâm hay quyết tâm. Tên được đặt theo nội dung của pháp thoại Đức Phật giảng cho chư tỳ kheo. Có bài kinh cùng tên sau bài kinh nầy nội dung dài hơn nên bài nầy gọi là tiểu kinh.
         
526. Đại ý Tiểu kinh Pháp hành là gì?
1.    Hiện tại lạc, vị lai khổ.
3.    Hiện tại khổ, vị lai lạc;
4.    Hiện tại lạc, vị lai cũng an lạc.


527. Thế nào là sự hành trì hiện tại lạc, vị lai khổ?

Là sự hành trì của những sa môn bà la môn có cái nhìn là hưởng thụ dục lạc không có nguy hại gì. Do quan niệm và lối sống nầy đưa vị vào khổ cảnh của kiếp sau:
Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn thuyết như sau, có sở kiến như sau: "Không có lỗi trong các dục". Sau khi đắm mình trong các dục, khi thân hoại mạng chung, các vị ấy phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, họ cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt.

Đức Phật cũng nêu thêm một thí dụ giải thích tại sao hưởng thụ dục lạc đưa đến đoạ lạc là vì là nguyên nhân tạo nên giãi đãi:
Này các Tỷ-kheo, ví như vào cuối tháng mùa nóng, một bẹ hột giống cây leo nứt ra và này các Tỷ-kheo, một hột giống cây leo rơi dưới gốc một cây sala. Này các Tỷ-kheo, các vị thần ở trên cây sala ấy lo sợ, run sợ, và hoảng sợ. Bạn bè thân hữu, bà con huyết thống các vị thần trên cây sala ấy, thần vườn, thần rừng, thần cây, thần các dược thảo, cỏ, rừng hội họp lại, an ủi như sau: "Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Vì hạt giống ấy, con khổng tước có thể nuốt, con nai có thể ăn, lửa rừng có thể đốt, người làm rừng có thể nhặt đi, các loài mối có thể ăn, hay hạt giống có thể không nẩy mầm". Nhưng này các Tỷ-kheo, hạt giống ấy, con khổng tước không nuốt, con nai không ăn, lửa rừng không đốt, người làm rừng không nhặt đi, các loài mối không ăn, và hạt giống có thể nẩy mầm. Ðược mưa lớn nhờ các làn mây đúng mùa, hạt giống ấy được lớn lên, và một dây leo trẻ, mềm mại, có lông, chậm chậm mọc lên và bám dính cây sala ấy. Này các Tỷ-kheo, các vị thần trên cây sala ấy suy nghĩ như sau: "Không hiểu vì sao các Tôn giả bạn bè thân hữu, bà con huyết thống ấy, các thần vườn, thần rừng, thần cây, các vị thần trên các dược thảo, cỏ, rừng, thấy sự sợ hãi tương lai trong hột giống, hội họp lại, an ủi như sau: "Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Này Tôn giả chớ có sợ hãi! Vì hột giống ấy, con khổng tước có thể nuốt, con nai có thể ăn, lửa rừng có thể đốt, những người làm rừng có thể nhặt đi, các loài mối có thể ăn, hay hạt giống có thể không nẩy mầm". Khoái lạc thay sự xúc chạm của cây leo trẻ trung mềm mại, có lông đang bám vào!" Cây leo ấy có thể bao trùm cây sala ấy, sau khi bao trùm, liền làm thành một tàn che trên cây ấy, và ở dưới khởi lên cả một lùm cây rậm rạp. Khi ở dưới khởi lên cả một lùm cây rậm rạp, các cành lớn của cây sala ấy có thể bị bóp nghẹt. Rồi này các Tỷ-kheo, các thần trú trên cây sa la ấy suy như sau: "Chính vì thấy sự sợ hãi tương lai này, trong hột giống cây leo ấy mà những Tôn giả, bạn bè thân hữu, bà con huyết thống ấy, các thần vườn, thần rừng, thần cây, các vị thần ở trên các dược thảo, cỏ, rừng, đã hội họp lại và an ủi như sau: "Này Tôn giả chớ có sợ hãi! Này Tôn giả, chớ sợ hãi! Vì hạt giống ấy, con khổng tước có thể nuốt, con nai có thể ăn, lửa rừng có thể đốt, những người làm rừng có thể nhặt đi, các loài mối có thể ăn, hay hạt giống có thể không nẩy mầm". Và nay ta, vì nguyên nhân hạt giống cây leo, cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt".

528. Thế nào là sự hành trì hiện tại khổ, vị lai cũng khổ ?
Là sự hành trì của những tu sĩ thiên nặng chấp thủ về khổ hạnh và giới cấm thủ. Những vị nầy tự mình làm khổ bản thân trong đời nầy và do tà kiến sanh vào cõi khổ kiếp sau:
Này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sống lõa thể, sống phóng túng, không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng lại, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn đặt tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men, cháo cám. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn cám, uống nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tikitaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng không dùng chỗ ngồi, là người ngồi chò hỏ, sống theo hạnh ngồi chò hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che dấu thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, theo hạnh ăn các uế vật, sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy, vị ấy sống theo hạnh hành hạ xác thân dưới nhiều hình thức như vậy. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ.

529. Thế nào là sự hành trì hiện tại khổ, vị lai lạc?
Là sự hành trì phạm hạnh chân chính của người sanh ra vốn nặng phiền não do tập khí đời trước nhưng kiếp nầy phấn đấu với bản thân do vậy sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi an lạc.  Đoạn nầy cho thấy đa số người tu chân chánh thường chịu khổ với những thói quen phiền não ở bản thân:
Này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp hành hiện tại khổ, tương lai quả báo lạc? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự tánh sanh ra quá nặng về tham ái, luôn luôn cảm thọ những cảm giác khổ ưu do tham ái sanh; có người tự tánh sanh ra quá nặng về sân hận, luôn luôn cảm thọ những cảm giác khổ ưu do sân hận sanh; có người tự tánh sanh ra quá nặng về si mê, luôn luôn cảm thọ những cảm giác khổ ưu do si mê sanh. Với khổ và với ưu, với mặt đầy nước mắt và khóc than, vị ấy sống theo phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là pháp hành hiện tại khổ, tương lai quả báo lạc.

530. Thế nào là sự hành trì hiện tại khổ, vị lai lạc?
Đây là sự hành trì phạm hạnh chân chánh của người vốn kiếp trước khéo tu nên đời nầy ít phiền não chi phối. Vị nầy do thuận duyên dốc lòng tu tập nên đờ sau được an lạc (Số người nầy tương đối ít):

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự tánh sanh ra không quá nặng về tham ái, không luôn luôn cảm thọ những cảm giác khổ ưu do tham ái sanh; có người tự tánh sanh ra không quá nặng về sân hận, không luôn luôn cảm thọ những cảm giác khổ ưu do sân hận sanh; có người tự tánh sanh ra không quá nặng về si mê, không luôn luôn cảm thọ những cảm giác khổ ưu do si mê sanh. Vị ấy ly dục, ly các pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ; diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm; ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba; xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là pháp hành hiện tại lạc và tương lai quả báo cũng lạc. Này các Tỷ-kheo, như vậy là bốn loại pháp hành.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao trong bài kinh nầy nói về hạng tu sĩ tu hành chân chánh nhưng hiện tại phải chịu khổ do bản tánh phiền não hơn là khổ do những chướng duyên bên ngoài? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Tại sao khi nói về hạng tu sĩ mà lối sống hành trì hiện tại khổ, vị lai cũng khổ là những người chấp trì khổ hạnh, mà qua sự đề cập của Đức Phật, có nhiều điều giống với sự hành trì của hàng xuất gia đệ tử Phật như: Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, không uống rượu nấu, rượu men.. vậy thì có gì khác biệt trong cách hành trì những điều nầy giữa Phật giáo và ngoại đạo? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Tại đối với hạng tu sĩ thứ tư với sự hành trì hiện tại lạc, tương lai cũng lạc Đức Phật dẫn chứng về những tu sĩ tu tập và chứng đắc bốn thiền chứng điều mà ngày nay ít tông phái Phật giáo nào chú trọng? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

Wednesday, January 29, 2020

Bài học. Thứ Tư, ngày 29 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  29/1/2020 
44. Tiểu kinh Phương Quảng 

(Cùlavedalla sutta) (Tiếp theo)

520. Trạng thái diệt thọ tưởng định được mô tả thế nào?

Những vấn đáp sau đây tương đối là một mô tả khúc chiết về diệt thọ tưởng định:
-- Thưa Ni sư, như thế nào là chứng nhập Diệt thọ tưởng định?
-- Hiền giả Visakha, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, vị ấy không nghĩ rằng: "Tôi sẽ chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định" hay "Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định". Vì rằng, tâm của vị này trước đã được tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.
Theo A Tỳ Đàm và Sớ giải thì diệt thọ tưởng định là trình độ thiền cao nhất chỉ có thể nhập được bởi vị thánh tam quả (A na hàm) hay tứ quả (A la hán) với sự thuần thục cả tám tầng thiền sắc giới và vô sắc giới. Sau khi nhập xuất mỗi tầng thiền vị ấy chú tâm vào không tánh bằng sự quán chiếu về chân tướng vô thường, trống rỗng, vô ngã. Ngay sau đó vị ấy tác ý không khởi sanh tâm trong một thời gian nhất định rồi nhập vào thiền phi tưởng phi phi tưởng trong khoảnh khắc ngắn sau đó toàn bộ bốn danh uẩn ngưng sanh diệt. Chính do sanh khởi theo trình tự mà không có ý tưởng về một chủ thể (chỉ có thể nhập chứ không có người thể nhập) nên ni sư Dhammadinnà mô tả là: , vị ấy không nghĩ rằng: "Tôi sẽ chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định" hay "Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định". Vì rằng, tâm của vị này trước đã được tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy. Như trường hợp một nghệ nhân làm nên một tuyệt tác trong lúc ấy chỉ nghĩ đến nghệ thuật mà không bận tâm sự khen chê, thành bại..


-- Thưa Ni sư, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, những pháp gì diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay tâm hành?
-- Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, khẩu hành diệt trước, rồi đến thân hành, rồi đến tâm hành.

Khẩu hành (tầm, tứ) diệt ở nhị thiền (hay tam thiền theo A Tỳ Đàm); thân hành (hơi thở) không còn ở trạng thái tứ thiền (hay ngũ thiền theo A Tỳ Đàm); tâm hành (tho, tưởng) ngưng ở diệt thọ tưởng định.

-- Thưa Ni sư, làm thế nào xuất khởi Diệt thọ tưởng định?
-- Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, không có nghĩ rằng: “Tôi sẽ xuất khởi Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đang xuất khởi Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đã xuất khởi Diệt thọ tưởng định”. Vì rằng tâm của vị này trước đã tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.

-- Thưa Ni sư, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, những pháp nào khởi lên trước, thân hành, hay khẩu hành hay tâm hành?
-- Hiền giả Visakha, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm hành khởi lên trước nhất, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành.
-- Thưa Ni sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, vị ấy cảm giác những xúc nào?
-- Hiền giả Visakha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, vị ấy cảm giác ba loại xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.

Theo Sớ giải thì trạng thái tâm đầu tiên sanh khởi sau khi xuất khỏi diệt thọ tưởng định là tâm quả siêu thế: tâm tam quả trong trường hợp vị thánh A na hàm và tâm tứ quả trong trường hợp vị thánh A la hán. Cảnh của tâm quả là Niết Bàn. Ba trạng thái Không, Vô Tướng, Vô Nguyện đều là nói về Niết Bàn.
-- Thưa Ni sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về gì, hướng về gì, khuynh hướng về gì?
-- Hiền giả Visakha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về độc cư, hướng về độc cư, khuynh hướng về độc cư.
Chữ viveka ở đây chuyển ngữ trong bản dịch là độc cư có thể hiểu lầm muốn sống một mình kỳ thật ở đây mang ý nghĩa tịch tịnh đối với các hành, một cách nói khác chỉ cho niết bàn

521. Cảm thọ được đề cập ở đây như thế nào?

Câu hỏi của thiện nam Visàkha mới nghe như “lạ tai”: đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Nhưng kỳ thật là một câu hỏi đào sâu về cảm thọ: Dù khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ đều có mặt tích cực, mặt tiêu cực; có cái được cái không được. Như một người lớn lên trong gia đình nghèo khó có cái khổ là thiếu thốn nhưng cũng có cái hay là chịu khó phấn đấu. Chính cái nhìn nầy tạo nên sự khác biệt giữa người có tu và không tu đối với các cảm thọ.

-- Thưa Ni sư, có bao nhiêu thọ?
-- Hiền giả Visakha, có ba thọ này, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
-- Thưa Ni sư, thế nào là lạc thọ, thế nào là khổ thọ, thế nào là bất khổ bất lạc thọ?
-- Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm, một cách khoái lạc, khoái cảm, như vậy là lạc thọ. Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm, một cách đau khổ, không khoái cảm, như vậy là khổ thọ. Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm không khoái cảm, không khoái cảm như vậy là bất khổ bất lạc thọ.
-- Thưa Ni sư, đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?
-- Hiền giả Visakha, đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là khổ. Ðối với khổ thọ, cái gì trú là khổ, cái gì biến hoại là lạc. Ðối với bất khổ bất lạc thọ, có trí là lạc, vô trí là khổ.
Đối với lạc thọ thì sự đổi thay là khổ trong khi đối với khổ thọ thì đổi thay là hạnh phúc. Cảm thọ bất thọ bất lạc thường tạo nên tâm muội lược (vô trí)

522. Cảm thọ liên hệ tới phiền não thế nào?

Chữ tùy miên ở đây có nghĩa là khả năng khiến sanh khởi. Đối với hành giả tu tập thì lạc thọ có thể tạo nên tham tuỳ miên, khổ thọ có thể tạo nên sân tùy miên, bất khổ bất lạc thọ có thể tạo nên vô minh tuỳ miên. Gọi là có thể có nghĩa là không nhất thiết luôn là vậy.
-- Thưa Ni sư, trong lạc thọ, có tùy miên gì tồn tại; trong khổ thọ, có tùy miên gì tồn tại; trong bất khổ bất lạc thọ, có tùy miên gì tồn tại?
-- Hiền giả Visakha, trong lạc thọ, tham tùy miên tồn tại; trong khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại.
-- Thưa Ni sư, có phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên tồn tại; trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại?
-- Hiền giả Visakha, không phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên tồn tại; không phải trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; không phải trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại.
-- Thưa Ni sư, trong lạc thọ, cái gì phải từ bỏ. Trong khổ thọ, cái gì phải từ bỏ. Trong bất khổ bất lạc thọ, cái gì phải từ bỏ?
-- Hiền giả Visakha, trong lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ. Trong khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ. Trong bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ.
-- Thưa Ni sư, có phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ. Trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ. Trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ?
-- Hiền giả Visakha, không phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ; trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ.

Tham, sân và si đối với các cảm thọ được trừ diệt bởi hành giả tu thiền ở đây được mô tả khác với cách nói thông thường vì y cứ trên pháp hành chỉ, quán.  Tham được diệt bởi sự chứng đạt sơ thiền một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Sân được trừ diệt bởi hướng tâm đến sự giải thoát hoàn toàn giống như một người làm công bị la rầy nặng nề nhưng giữ được sự điềm đạm thanh thản với ý nghĩ chỉ cần kiên nhẫn khi có đủ tiền sẽ không còn bị cảnh nầy nữa. (chữ tadàyatana - xứ ấy- theo sớ giải chỉ cho quả vị viên giác A la hán). Vô minh được đoạn ở tứ thiền với “xả niệm thanh tịnh” không còn lạc thọ. Sớ giải cũng nói thêm là trạng thái xã niệm thanh tịnh được dùng làm đối tượng quán chiếu để ly tham, xả ly, giải thoát để thành tựu quả vị A la hán (chứ không có nghĩa là chỉ có chứng đạt tứ thiền là đoạn tận vô minh)

 Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ. Do vậy tham đã được từ bỏ, không còn tham tùy miên tồn tại ở đây.
Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo suy tư như sau: "Chắc chắn ta sẽ chứng và an trú trong trú xứ mà nay các vị Thánh đang an trú". Vì muốn phát nguyện hướng đến các cảnh giải thoát vô thượng, do ước nguyện ấy, khởi lên ưu tư. Do vậy, sân được từ bỏ, không còn sân tùy miên tồn tại ở đây.
Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Do vậy vô minh đã được từ bỏ, không còn vô minh tùy miên tồn tại ở đây.

523. Đối đãi và bất nhị được nói tới thế nào?
Tất cả nhận thức các pháp hữu vi đều mang tánh đối đãi (paṭibhāga) thí dụ hiểu được vui là do thấy được khổ, thấy bất thiện nên hiểu cái thiện. Niết bàn vượt ngoài đối đãi nên được gọi là bất nhị nên không thể hiểu bằng cách dựa trên tương phản.  Đây là điểm rất tế nhị trong Phật pháp khi nói về Niết Bàn.
-- Thưa Ni sư, lạc thọ lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, lạc thọ lấy khổ thọ làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, khổ thọ lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, khổ thọ lấy lạc thọ làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, bất khổ bất lạc thọ lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, bất khổ bất lạc thọ lấy vô minh làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, vô minh lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, vô minh lấy minh làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, minh lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, minh lấy giải thoát làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, giải thoát lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, giải thoát lấy Niết-bàn làm tương đương?
-- Thưa Ni sư, Niết-bàn lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, câu hỏi đi quá xa, vượt ra ngoài giới hạn câu trả lời. Hiền giả Visakha, phạm hạnh là để thể nhập vào Niết-bàn, để vượt qua đến Niết-bàn, để đạt cứu cánh Niết-bàn. Hiền giả Visakha, nếu Hiền giả muốn, hãy đến chỗ Thế Tôn ở, và hỏi ý nghĩa này. Và Thế Tôn trả lời cho Hiền giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

524. Cuộc vấn đáp về giáo pháp được thuật lại cho Đức Phật nghe. Bậc Đạo Sư có thái độ thế nào?
Đức Phật xác nhận hai điểm: Thánh ni Dhammadinnà là bậc đại tuệ và những gì đã trả lời hoàn toàn chính xác, nếu hỏi Đức Phật thì Ngài cũng trả lời không khác. Đây là lời khen cao nhất của Bậc Đại Giác đối với một thanh văn thánh đệ tử.

Rồi nam cư sĩ Visakha hoan hỷ, tín thọ lời Tỷ-kheo-ni Dhammadinna giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo ni Dhammadinna, thân bên phải hướng về phía Tỷ-kheo-ni rồi từ biệt, đi đến chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, nam cư sĩ Visakha thuật lại cho Thế Tôn tất cả câu chuyện đàm đạo với Tỷ-kheo-ni Dhammadinna. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với nam cư sĩ Visakha:
-- Này Visakha, Tỷ-kheo-ni Dhammadinna là bậc Hiền trí! Này Visakha, Tỷ-kheo-ni Dhammadinna là bậc Ðại tuệ. Này Visakha, nếu Ông hỏi Ta ý nghĩa ấy, Ta cũng trả lời như Tỷ-kheo-ni Dhammadinna đã trả lời. Ông đối với nghĩa này, hãy như vậy thọ trì. 



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Xin chia sẻ vài cảm nhận về nội dung bài học hôm nay - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2.  Xin chia sẻ cảm nhận về hình ảnh hai người một nam, một nữ trước kia là vợ chồng bây giờ là một bậc xuất gia, một cư sĩ; một vấn một đáp; cả hai đều là bậc thánh đàm luận về trạng thái nhập thiền cao nhất? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 3. Xin chia sẻ cảm nhận về câu hỏi: "đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?" và câu trả lời "đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là khổ. Ðối với khổ thọ, cái gì trú là khổ, cái gì biến hoại là lạc. Ðối với bất khổ bất lạc thọ, có trí là lạc, vô trí là khổ." - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Xin chia sẻ cảm nhận về câu hỏi: “Niết-bàn lấy gì làm pháp đối đãi” và câu trả lời: “câu hỏi đi quá xa, vượt ra ngoài giới hạn câu trả lời”. - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

Tuesday, January 28, 2020

Bài học. Thứ Ba, ngày 28 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  28/1/2020 
44. Tiểu kinh Phương Quảng 

(Cùlavedalla sutta) (Tiếp theo)

517. Hai câu hỏi về bát chánh đạo được vấn đáp thế nào?

Bát chánh đạo hay con đường giải thoát có tám chi phần là làm được tác thành do duyên (hữu vi) nhưng dẫn đến niết bàn (vô vi):

-- Thưa Ni sư, thế nào là Thánh đạo Tám ngành?
-- Hiền giả Visakha, đây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
-- Thưa Ni sư, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi hay vô vi?
-- Hiền giả Visakha, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi.

Tam học tăng thượng gồm giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn bao gồm bát chánh đạo nhưng bát chánh đạo không bao gồm tất cả những gì thuộc về tam học. Ở đây không có sự đồng đẳng giữa quy nạp và chiết trung. Thí dụ câu nói hiến pháp là cơ sở căn bản của nền pháp trị nhưng nền pháp trị không phải chỉ có hiến pháp:
-- Thưa Ni sư, ba uẩn được Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp hay Thánh đạo Tám ngành được ba uẩn thâu nhiếp?
-- Hiền giả Visakha, ba uẩn không bị Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp; Hiền giả Visakha, Thánh đạo Tám ngành bị ba uẩn thâu nhiếp. Hiền giả Visakha, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, những pháp này được thâu nhiếp trong giới uẩn. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, những pháp này được thâu nhiếp trong định uẩn. Chánh tri kiến và chánh tư duy, những pháp này được thâu nhiếp trong tuệ uẩn

518. Tương quan giữa chánh niệm, chánh tinh tấn và chánh định được giải thích thế nào?

Đây là một vấn đề tương đối chuyên biệt về pháp hành. Định là hiểu là nhất tâm hay tập chú vào một điểm (bền bĩ với đề mục tu tập). Bốn niệm xứ là định tướng hay cơ sở của định. Theo sớ giải thì chữ samādhinimitta có nghĩa là nền tãng của định chứ không phải là biểu hiện (tướng) của định. Chánh tinh tấn là tư cụ của định vì chính pháp nầy phân biệt và sàng lọc thiện, bất thiện. Riêng sự lập đi lập lại gọi là tu tập định giải thích tại sao trong quán có chỉ (chánh niệm là quán, lập đi lập lại tạo thành lực của chỉ):

-- Thưa Ni sư thế nào là định, thế nào là định tướng, thế nào là định tư cụ, thế nào là định tu tập?
-- Hiền giả Visakha, nhất tâm là định, Bốn Niệm Xứ là định tướng, Bốn Tinh cần là định tư cụ, sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy.

519. Sự hiện hữu của thân tâm trong cái nhìn của thiền giả được đề cập thế nào?

Sự hiện hữu hay sự sống được “bắt mạch” qua ba hành: thân hành, khẩu hành, ý hành. Ba hành nầy được nhận diện ở mức độ tế nhị của đời sống qua cái nhìn của thiền giả: hơi thở là thân hành; tầm và tứ (hướng tâm và gắn kết) thuộc khẩu hành; thọ và tưởng (cảm giác và nhận thức) là ý hành
-- Thưa Ni sư, có bao nhiêu hành?
-- Hiền giả, có ba loại hành này: thân hành, khẩu hành, và tâm hành.
-- Thưa Ni sư, thế nào là thân hành, thế nào là khẩu hành, thế nào là tâm hành?
-- Thở vô, thở ra, Hiền giả Visakha, là thân hành, tầm tứ là khẩu hành, tưởng và thọ là tâm hành.
-- Thưa Ni sư, vì sao thở vô thở ra là thân hành, vì sao tầm tứ là khẩu hành, vì sao tưởng và thọ là tâm hành?
-- Thở vô, thở ra, Hiền giả Visakha, thuộc về thân, những pháp này lệ thuộc với thân, nên thở vô thở ra thuộc về thân hành. Hiền giả Visakha, trước phải tầm và tứ rồi sau mới phát lời nói, nên tầm tứ thuộc về khẩu hành. Tưởng và thọ và tâm sở, các pháp này lệ thuộc với tâm, nên tưởng và thọ thuộc về tâm hành.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Trong bài kinh nầy đề cập đến sự tương quan giữa tam học và bát chánh đạo vốn không hoàn toàn đồng đẳng. Nên hiểu sao về điểm nầy? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 2. Câu hỏi:" Thánh đạo tám ngành này là hữu vi hay vô vi" mang ý nghĩa gì? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 3. Có chăng trường hợp chánh niệm tu tập riêng lẻ không đi với chánh tinh tấn, chánh định? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 4. Phải chăng vì thọ, tưởng được gọi là tâm hành nên nhập vào trạng thái thiền không tâm gọi là “diệt thọ tưởng định”? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 5. Tại sao tầm, tứ là khẩu hành? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 6. Phải chăng bài kinh nầy và Đại Kinh Phương Quảng cho thấy vị trí của A Tỳ Đàm trong Phật Pháp? -TT Tuệ Siêu  




 III Trắc Nghiệm

Monday, January 27, 2020

Bài học. Thứ Hai, ngày 27 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  27/1/2020 
44. Tiểu kinh Phương Quảng 

(Cùlavedalla sutta)

512. Tại sao gọi Tiểu kinh Phương Quảng (Cùlavedalla sutta)?
Cũng như bài kinh trước Phương Quảng (Vedalla) ở đây chỉ cho sự trình bày giáo nghĩa qua hình thức vấn đáp. Kinh nầy ngắn hơn bài kinh trước nên gọi là tiểu kinh.
         
513. Đại ý Tiểu kinh Phương Quảng (Cùlavedalla sutta)là gì?



Ni sư Dhammadinnā là một bậc thánh ni được Đức Thế Tôn tuyên bố là đệ nhất về thuyết pháp trong số các đại đệ tử bên Ni giới. Nam cư sĩ Visākha là một phú thương có tiếng tại Vương Xá. Là chồng cũ của Ni sư Dhammadinnā khi chưa xuất gia. Vị nam cư sĩ nầy cũng là một bậc thánh a na hàm.
515. Cuộc đàm luận mở đầu với câu hỏi về nhận thức tự thân được hỏi đáp thế nào?
Tự thân, hay sự hiện hữu của mỗi chúng sanh, là sự cấu thành của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Năm uẩn tập khởi từ ái (dục ái, hữu ái và phi hữu ái). Chấm dứt khát ái là tên gọi của Niết bàn. Bát thánh đạo là hành trình dẫn đến giải thoát:

-- Thưa Ni sư, tự thân, tự thân, (Sakkaya), được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, Thế Tôn gọi năm thủ uẩn là tự thân, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. Hiền giả Visakha, năm thủ uẩn này, Thế Tôn gọi là tự thân.
-- Lành thay, thưa Ni sư.
Nam cư sĩ Visakha hoan hỷ, tín thọ lời Tỷ-kheo-ni Dhammadinna nói, rồi hỏi Tỷ-kheo-ni Dhammadinna thêm một câu hỏi nữa:
-- Tự thân tập khởi, tự thân tập khởi, thưa Ni sư, được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân tập khởi (Sakkaya samudaya) là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, khát ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Hiền giả Visakha, khát ái này, Thế Tôn gọi là tự thân tập khởi.
-- Tự thân diệt, tự thân diệt, thưa Ni sư, được gọi là như vậy. Thế Tôn gọi tự thân diệt là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt, không tham đắm, không có dư tàn của khát ái ấy, sự xả ly, sự vất bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp. Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt.
-- Thưa Ni sư, tự thân diệt đạo, tự thân diệt đạo, được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân diệt đạo là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, Con đường Thánh tám ngành này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt đạo, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
-- Thưa Ni sư, thủ này tức là năm thủ uẩn kia hay thủ này khác với năm thủ uẩn?
-- Không phải, Hiền giả Visakha. Thủ này tức là năm thủ uẩn kia, thủ này không khác với năm thủ uẩn kia, Hiền giả Visakha, phàm có dục tham đối với năm thủ uẩn, tức là (chấp) thủ đối với chúng ở đây vậy.

516. Nhận thức sai lạc về tự thân, hay thân kiến, được đề cập thế nào?
Thân kiến không đơn thuần là một quan niệm mang tánh lý luận suông mà đó là sự chấp thú sai lầm tạo nên bao hệ lụy. Đo là một kiết sử  sợi dây trói buộc. Ngay cả một người hiểu được Phật Pháp nhưng chưa chứng thánh quả vẫn chấp thủ thân kiến. Đó là một kiếp chấp vốn sâu đậm trong tâm khảm của mỗi chúng sanh:

-- Thưa Ni sư, thế nào là thân kiến?
-- Ở đây, Hiền giả Visakha, kẻ vô văn phàm phu không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc là tự ngã hay xem tự ngã là có sắc, hay xem sắc là trong tự ngã hay xem tự ngã là trong sắc; xem thọ là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thọ; xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng, hay xem tưởng là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng; xem hành là tự ngã, xem tự ngã là có hành, hay xem hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành; xem thức là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay xem thức là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là thân kiến.
-- Thưa Ni sư, thế nào là không phải thân kiến?
-- Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Ða văn Thánh đệ tử đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không xem sắc là tự ngã, không xem tự ngã là có sắc, không xem sắc là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong sắc; không xem thọ là tự ngã, không xem tự ngã là có thọ, không xem thọ là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thọ; không xem tưởng là tự ngã, không xem tự ngã là có tưởng, không xem tưởng là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong tưởng; không xem các hành là tự ngã, không xem tự ngã là có các hành, không xem các hành là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong các hành; không xem thức là tự ngã, không xem tự ngã là có thức, không xem thức là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là không có thân kiến.

Sớ giải chú thích về  4 thân kiến đối với 5 uẩn bằng thí dụ:
chấp thủ các uẩn là bản ngã như nói ánh sáng chính là ngọn đèn; chấp thủ bản ngã chính là các uẩn như thấy cái cây chính là bóng cây; chấp thủ  các uẩn trong bản ngã như chấp mùi hương là hoa; chấp có bản ngã trong các uẩn như là viên ngọc trong hộp đựng châu báu.

[còn tiếp]


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phải chăng trong sự chấp ngã có một thứ chấp thủ do kiến thức và một thứ khác do “bản năng”? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 2. Thân kiến liên hệ thế nào với khổ đau? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 3. Tu tập thế nào để giảm thiểu ngã chấp? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. TT  Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm