Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 26/1/2020
43. Ðại kinh Phương Quảng (Mahàvedalla sutta)(tiếp theo)
506. Sự có mặt của chúng sanh trong đời nầy được hiểu thế
nào?
Đó là sự là pha trộn của nghiệp hữu (tạo tác) và sanh hữu (sự
hiện hữu do nghiệp quá khứ) trong vòng sinh hoá:
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu hữu (Bhava)?
-- Này Hiền giả có ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.
-- Này Hiền giả, như thế nào sự tái sanh trong tương lai được
xảy ra?
-- Này Hiền giả, bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc,
các loài hữu tình thích thú chỗ này chỗ kia, như vậy, sự tái sinh trong tương
lai được xảy ra.
-- Này Hiền giả, như thế nào sự tái sanh trong tương lai
không xảy ra?
-- Này Hiền giả, vô minh được xả ly, minh khởi, tham ái được
đoạn diệt, như vậy sự tái sanh trong tương lai không xảy ra.
507. Sự chuyển hoá sanh hữu có thể xẩy ra thế nào?
Tôn giả Mahàkotthita hỏi một câu mới nghe dường như lạc đề nhưng
kỳ thật đây là điểm cho thấy sanh hữu không phải không chuyển hoá được. Câu hỏi
sau lấy một điểm chúng sanh trong cõi dục giới đi vào cảnh giới của thiền sắc
giới như thế nào:
-- Này Hiền giả, thế nào là Thiền thứ nhất?
-- Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện
pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm,
có tứ. Như vậy, này Hiền giả, gọi là Thiền thứ nhất.
-- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có bao nhiêu chi phần?
-- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần. Ở đây, này
Hiền giả, Tỷ-kheo thành tựu Thiền thứ nhất, có tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.
Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần như vậy.
-- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ bao nhiêu chi phần và
thành tựu bao nhiêu chi phần?
- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần và thành tựu
năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo thành tựu Thiền thứ nhất từ bỏ
tham dục, từ bỏ sân, từ bỏ hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo hối, từ bỏ nghi,
thành tựu tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, như vậy Thiền thứ nhất từ
bỏ năm chi phần, và thành tựu năm chi phần.
508. Ngoại giới được nhận thức thế nào đối với thiền giả?
Năm giác quan nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân biết năm cảnh thường
được phàm nhân xem là toàn bộ sự sống. Kỳ thật thì mỗi giác quan có vai trò biệt
lập và một khi tu tập hạn chế sự hoạt động của các giác quan không nên xem là sự
sống chấm dứt:
-- Này Hiền giả, năm căn này, có cảnh giới khác nhau, có
hành giới khác nhau, không có lẫn lộn cảnh giới, hành giới với nhau. Tức là mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân. Này Hiền giả, giữa năm căn này, có cảnh giới sai khác, có
hành giới sai khác, không có thọ lãnh cảnh giới, hành giới lẫn nhau, cái gì làm
sở y cho chúng, cái gì lãnh thọ cảnh giới, hành giới của chúng?
-- Nầy Hiền giả, năm căn này, có cảnh giới sai khác, có hành
giới sai khác, không có lãnh thọ cảnh giới, hành giới lẫn nhau, tức là mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân. Này Hiền giả, giữa năm căn này, có cảnh giới sai khác, có
hành giới sai khác, không có lẫn lộn cảnh giới, hành giới với nhau, ý làm sở y
cho chúng, và ý lãnh thọ cảnh giới và hành giới của chúng.
-- Này Hiền giả, năm căn này là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Này Hiền giả, năm căn này, do duyên gì mà chúng an trú?
-- Này Hiền giả, năm căn này là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Này Hiền giả, năm căn này, do duyên tuổi thọ (Ayu) mà chúng an trú.
-- Này Hiền giả, tuổi thọ do duyên gì mà an trú?
-- Tuổi thọ do duyên hơi nóng mà an trú.
-- Này Hiền giả, hơi nóng do duyên gì mà an trú?
-- Hơi nóng do duyên tuổi thọ mà an trú.
-- Này Hiền giả, nay chúng tôi được biết từ lời nói của Tôn
giả Sariputta là tuổi thọ do duyên hơi nóng mà an trú. Nay chúng tôi lại được
biết từ lời nói của Tôn giả Sariputta là hơi nóng do duyên tuổi thọ mà an trú.
Này Hiền giả, như thế nào, cần phải hiểu ý nghĩa lời nói này?
-- Này Hiền giả, tôi sẽ cho một ví dụ. Nhờ ví dụ, ở đây, một
số người có trí sẽ hiểu ý nghĩa lời nói. Này Hiền giả, ví như khi một cây đèn dầu
được thắp sáng, duyên ngọn lửa, ánh sáng được hiện ra, do duyên ánh sáng, tim
đèn được thấy. Cũng vậy này Hiền giả, tuổi thọ do duyên hơi nóng mà an trú, và
hơi nóng do duyên tuổi thọ mà an trú.
509. Cảm thọ không còn thì có đồng nghĩa với cái chết?
Sự sống thường được quan niệm là xác thân có tri giác. Thật
ra hai điều nầy khác nhau đơn cử thí dụ là một vị nhập diệt thọ tưởng định sự sống
vẫn còn. Sự hoạt động của sự sống, ở đây theo Phật học, gồm có thân hành (hơi
thở), khẩu hành (tầm, tứ), ý hành (thọ, tưởng) là những định nghĩa ở cấp độ
tinh xác nhất đối với hành giả tu tập tam muội định. Cho dù cả ba thân hành, khẩu
hành, ý hành không còn nữa (do năng lực thiền định) thì sự sống vẫn còn:
-- Này Hiền giả, những pháp thọ hành (Ayusankhara) này là những
pháp được cảm thọ (Vedaniya) này, hay những pháp thọ hành này khác với những
pháp được cảm thọ này?
-- Này Hiền giả, những pháp thọ hành này không phải là những
pháp được cảm thọ này. Này Hiền giả, nếu những pháp thọ hành này là những pháp
được cảm thọ này thì không thể nêu rõ sự xuất khởi của vị Tỷ-kheo đã thành tựu
Diệt thọ tưởng định. Này Hiền giả, vì rằng những pháp thọ hành khác, những pháp
được cảm thọ khác nên có thể nêu rõ sự xuất khởi của vị Tỷ-kheo đã thành tựu Diệt
thọ tưởng định.
-- Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào có bao nhiêu pháp
được từ bỏ, thì thân này được nằm xuống, quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô
tri?
-- Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào ba pháp được từ bỏ:
Tuổi thọ, hơi nóng và thức, thì thân này nằm xuống, được quăng đi, vất bỏ, như
một khúc gỗ vô tri.
-- Này Hiền giả, có sự sai khác gì giữa vật chết, mạng chung
này với vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định?
-- Này Hiền giả, vật chết, mạng chung này, thân hành của nó
chấm dứt, dừng lại, khẩu hành chấm dứt, dừng lại, tâm hành chấm dứt, dừng lại,
tuổi thọ diệt tận, hơi nóng tiêu diệt, các căn bị bại hoại. Còn vị Tỷ-kheo
thành tựu Diệt thọ tưởng định, thì thân hành của vị này được chấm dứt, được dừng
lại, khẩu hành được chấm dứt, được dừng lại, tâm hành được chấm dứt, được dừng
lại, nhưng tuổi thọ không diệt tận, hơi nóng không tiêu diệt, các căn được sáng
suốt. Này Hiền giả, như vậy là sự sai khác giữa vật chết, mạng chung này với vị
Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định.
510. Có bao nhiêu cảnh giới giải thoát đối với thiền giả?
Sự giải thoát có nghĩa là vượt khỏi những hạn cuộc. Bốn giải
thoát ở đây là những đề tài lớn cả hai phương diện pháp học và pháp hành: vô lượng, không, vô tướng, vô sở hữu. Ngay cả đối
với các trạng thái tâm giải thoát đều có đặc tính “xuất nhập tự tại”:
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập tâm giải
thoát bất khổ bất lạc?
-- Này Hiền giả, có bốn duyên để chứng nhập tâm giải thoát bất
khổ bất lạc. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm
thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này Hiền giả, do bốn duyên này mà chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc.
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập vô tướng
tâm giải thoát?
-- Này Hiền giả, có hai duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải
thoát: không có tác ý nhất thiết tướng và tác ý vô tướng giới. Này Hiền giả, do
hai duyên này mà chứng nhập vô tướng tâm giải thoát.
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để an trú vô tướng tâm
giải thoát?
-- Này Hiền giả, có ba duyên để an trú vô tướng tâm giải
thoát: không tác ý nhất thiết tướng, tác ý vô tướng giới, và một sự sửa soạn
trước. Này Hiền giả, do ba duyên này mà an trú vô tướng tâm giải thoát.
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để xuất khởi vô tướng
tâm giải thoát?
-- Này Hiền giả, có hai duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải
thoát: tác ý nhất thiết tướng và không tác ý vô tướng giới. Này Hiền giả, do
hai duyên này mà xuất khởi vô tướng tâm giải thoát.
-- Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát này, vô sở hữu tâm
giải thoát này, không tâm giải thoát này và vô tướng tâm giải thoát này, những
pháp này nghĩa sai biệt và danh sai biệt, hay nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.
-- Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải
thoát, không tâm giải thoát và vô tướng tâm giải thoát này, có một pháp môn,
này Hiền giả, do pháp môn này, các pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt. Và
này Hiền giả, lại có một pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng
nhất và danh sai biệt. Này Hiền giả, thế nào là có pháp môn, do pháp môn này
các pháp ấy có nghĩa sai khác và có danh sai khác?
[vô lượng tâm giải thoát]
-Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương
với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy
phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy
phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ,
quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu
hữu với hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy
phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng
khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới,
vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận,
không sân. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô lượng tâm giải thoát.
[vô sở hữu tâm giải thoát]
Và này Hiền giả, thế nào là vô sở hữu tâm giải thoát? Ở đây,
này Hiền giả, vị Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không
có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy, này Hiền giả, gọi là Vô sở
hữu tâm giải thoát.
[không tâm giải thoát]
Và này Hiền giả, thế nào là không tâm
giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc
cây, hay đi đến chỗ nhà trống và suy nghĩ như sau: "Ðây trống không, không
có tự ngã hay không có ngã sở". Như vậy, này Hiền giả, gọi là không tâm giải
thoát.
[vô tướng tâm giải thoát]
Và này Hiền giả, thế nào là vô tướng tâm giải thoát? Ở đây,
này Hiền giả, vị Tỷ-kheo không tác ý với nhất thiết tướng, đạt và an trú vô tướng
tâm định. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô tướng tâm giải thoát. Như vậy là có
pháp môn và do pháp môn này những pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt.
511. Cái gì là những hạn cuộc đối lập với tâm giải thoát?
Phiền não hay tham, sân, si đích thực là những pháp khiến tâm
bị đóng khung, do vậy, không thể tự tại giải thoát:
Và này Hiền giả, thế nào là có pháp môn và do pháp môn này
các pháp ấy có nghĩa đồng nhất nhưng danh sai biệt. Tham, này Hiền giả, là
nguyên nhân của hạn lượng; sân là nguyên nhân của hạn lượng; si là nguyên nhân
của hạn lượng. Ðối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc và tham, sân, si này
đã được chặt tận gốc như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể
tái sanh trong tương lai. Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô lượng,
thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy,
và bất động tâm giải thoát không có tham, không có sân, không có si.
Tham, này Hiền giả, là một vật gì (chướng ngại), sân là một
vật gì (chướng ngại), si là một vật gì (chướng ngại). Ðối với vị Tỷ-kheo đã đoạn
trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này đã được chặt tận gốc, như thân cây tala
được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai. Này Hiền giả,
khi nào các tâm giải thoát là vô sở hữu, thì bất động tâm giải thoát được gọi
là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát ấy
không có tham, không có sân, không có si.
Tham, này Hiền giả, là nhân tạo ra tướng, sân là nhân tạo ra
tướng, si là nhân tạo ra tướng. Ðối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc,
thì tham, sân, si này được chặt tận gốc, như thân cây tala được chặt tận gốc,
khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai. Này Hiền giả, khi nào các tâm
giải thoát là vô tướng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối
với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát này không có tham, không
có sân, không có si. Như vậy, này Hiền giả, là pháp môn này, những pháp ấy là đồng
nghĩa nhưng danh sai biệt.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment