Friday, January 17, 2020

Bài học. Thứ Sáu ngày 17 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  17/1/2020 
39. Ðại kinh Mã Thôn (Mahà’assapura sutta) 


474. Tại sao gọi Ðại kinh Mã Thôn (Mahà’assapura sutta)?

Tên bài kinh được đặt theo địa danh có tên là Assapura (Mã Thôn). Đây là nơi Đức Phật giảng kinh nầy.  Có một bài kinh với tên tương tự tiếp theo ngắn hơn nên bài nầy gọi là đại kinh.

Tên kinh lấy theo bản tiếng Việt trước đây thay vì gọi là “Đại kinh Xóm Ngựa” như bản san định.

475. Đại ý Ðại kinh Mã Thôn (Mahà’assapura sutta)gì?

Trong một pháp thoại hằng ngày cho chư tỳ kheo Đức Phật dạy thế nào là một tu sĩ thực sự. Không phải ở danh xưng hay chiếc áo mà chính ở lối sống và sự tu chứng.

476. Thuật ngữ sa môn (samana) có hoàn toàn giống với chữ tu sĩ?

Trong văn hoá Ấn Độ có hai loại tu sĩ: bà la môn (brahmana) và sa môn (samana).

Tu sĩ Bà la môn là những vị xuất thân từ giòng dõi bà la môn, một trong bốn giai cấp của xã hội. Những vị nầy học hỏi và thọ trì kinh Veda (Phệ đà). Thường được kỳ vọng là am hiểu nghi lễ tôn giáo. Đôi khi có rành rẽ về chiêm tinh và bói toán. Những giáo sĩ Bà la môn phần đThầy có gia đình và thủ đắc tài sản. Trong cách dùng từ vựng nguyên thuỷ một vị bà la môn đúng nghĩa là bậc thanh tịnh hay sống để thanh tịnh hoá thân tâm chữ Hán âm là phạm chí. Ý nghĩa nầy cũng được Đức Phật dùng để với ý nghĩa khác hơn cái nhìn thường tình.

Những sa môn là những tu sĩ từ bỏ gia đình sống không gia đình. Thanh đạm trong nhu cầu vật chất. Những vị nầy chú trọng về thiền định và tậm trung vào nỗ lực thúc liễm thân tâm. Đức Phật và các đệ tử xuất gia thường được xem là những sa môn.

477. Đức Phật đã mở đầu pháp thoại thế nào?

Bậc Đạo sư kêu gọi mỗi thành viên của Tăng chúng ý thức mình là ai và sống đúng với tên gọi của mình:

-- Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỷ-kheo, dân chúng biết các Thầy là vậy. Và nếu các Thầy được hỏi: "Các Thầy là ai!" Các Thầy phải tự nhận: "Chúng tôi là Sa-môn". Này các Tỷ-kheo, các Thầy đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này, các Tỷ-kheo, các Thầy phải tự tu tập như sau: "Chúng ta sẽ thọ trì và thực hành những pháp tác thành Sa-môn, những pháp tác thành Bà-la-môn. Như vậy, danh xưng này của chúng ta mới chân chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những đồ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích".

478. Như thế nào là xứng đáng với danh gọi sa môn?

Sa môn là người có đời sống chánh hạnh với  năm điều:

1.   Sống chánh hạnh

2.   Nhiếp hộ các căn

3.   Tiết độ trong ăn uống

4.   Sống trong tỉnh thức

5.   Nuôi dưỡng chánh niệm minh sát

Xa hơn nữa là thành tựu những trình độ cao trong tu tập nội tại:

1.   Từ bỏ năm triền cái

2.   Đạt được các thiền chứng

3.   Chứng ngộ tam minh

479. Sống chánh hạnh được dạy thế nào?

Là cuộc sống có năm pháp:

1.   Biết ghê sợ và hỗ thẹn đối với tội lỗi

2.   Thân hành hiền thiện

3.   Khẩu hành hiền thiện

4.   Ý hành hiện thiện

5.   Nuôi mạng bằng cách chân chánh

Khi đề cập đến mỗi pháp kể trên Đức Phật đều nhấn mạnh tinh thần cầu tiến, tránh sự tự mãn:

“Khi đã thành tựu sự thanh tịnh ấy các Thầy không lấy đó để khen mình, chê người". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các thầy  cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các ngươi có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các thầy có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các thầy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Thầy: Khi các thầy hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn cThầy việc đáng phải làm hơn nữa.

 480. Thế nào là hộ trì các căn?

 Đời sống có phòng hộ, tự chế khi các căn tiếp xúc với các cảnh:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các Thầy còn việc đáng phải làm hơn nữa? "Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, và các căn đã được hộ trì, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Thầy có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Thầy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Thầy: Khi các Thầy hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn việc đáng phải làm hơn nữa.

(còn tiếp)



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment