Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 16/1/2020
469. Tại sao chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ những
vấn đề trong nhận thức về bản ngã?
Quan niệm về một bản ngã hằng hữu thường dựa trên những lập
thuyết về kiếp quá khứ (như mỗi chúng sanh là một tự thể tách rời từ đại ngã) và
kiếp tương lai (như chúng sanh sẽ trở về lại với tự tánh ban đầu hay chân diện
mục). Theo Phật pháp thì một chúng sanh có thể được năm uẩn bằng sự quán sát
ngay trong kiếp hiện tại. Hiểu được những hiện tượng sanh diệt của danh sắc
trong kiếp hiện hiện tại thì không cần suy diễn kiếp trước hay đời sau. Đây cũng
là ý nghĩa của giáo pháp với đặc tính: Được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn, thiết
thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng,
được người trí tự thân lãnh hội:
Này các Tỷ-kheo, các Ông nên biết như vậy, thấy như vậy, có
còn chạy theo thời quá khứ, và suy nghĩ: "Ta có mặt trong thời quá khứ hay
không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta
có mặt trong thời quá khứ, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta có mặt
như thế nào trong thời quá khứ"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, có
còn chạy theo thời vị lai, và suy nghĩ: "Ta sẽ có mặt trong thời vị lai
hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế
nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia là gì và
ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các
Ông có nghi ngờ gì về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có
mặt. Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt, hình vóc như thế nào? Hữu tình này từ
đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các
Ông có nói như sau: "Bậc Ðạo Sư được
chúng ta tôn trọng. Chúng ta nói vì chúng ta tôn trọng bậc Ðạo Sư"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các
Ông có nói như sau: "Một Sa-môn nói với chúng tôi như vậy, các Sa-môn khác
cũng nói như vậy, và còn chúng tôi không có nói như vậy"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các
Ông có tìm một vị Ðạo Sư khác không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các
Ông có trở lui lại các giới cấm, tế tự đàn tràng của các tục tử Sa-môn,
Bà-la-môn và nghĩ rằng chúng là căn bản không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, có phải các Ông chỉ nói những gì các Ông
tự biết, tự thấy, tự ý thức được?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này các
Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được Ta giới thiệu Chánh Pháp, Pháp này
thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân
giác hiểu. Này các Tỷ-kheo, Pháp này thiết thực, hiện tại, không có thời gian,
đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Tất
cả những gì đã nói là do duyên này mà nói.
470. Tại sao chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ bản chất
hằng chuyển trong một kiếp sống?
Đây là một kiếp người với đầy đủ những hiện tượng luôn dịch
chuyển, bất toàn và vô ngã vì cấu thành do nhiều nhân nhiều duyên:
Rồi này các Tỷ-kheo, người mẹ trong chín hay mười tháng mang
bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các Tỷ-kheo, sau
chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy.
Khi đã sinh, người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong
luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu.
Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ấy, sau khi lớn lên, sau khi các
căn đã thuần thục, chơi với những trò chơi dành cho các đứa trẻ, như với cái
cày nhỏ, chơi khăn, chơi nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ đong bằng
lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ.
Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ sau khi lớn lên, sau khi các căn do
mắt nhận thức, được thuần thục, thọ hưởng đầy đủ năm món dục lạc; các sắc do mắt
nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn;
các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận
thức... Các xúc do thân cảm xúc; các xúc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý,
kích thích lòng dục.
471. Tại sao chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ sự
tương tác giữa hai thế giới chủ quan và khách quan?
Cuộc sống luôn là thể hiện của cả hai phía khách quan và chủ
quan. Phần khách quan là sự hiện khởi của các cảnh. Phần chủ quan là dục hỷ, buồn
phiền đối với thuận nghịch. Người cho rằng sống là phải xuôi theo định mệnh là
phủ nhận khả năng can thiệp của ý chí. Ngược lại người quá tự tin là với ý chí
mạnh mẽ có thể khiến tất tả theo ý muốn của mình là không biết về mãnh lực của
nghiệp quá khứ và yếu tố khách quan mà mình không làm chủ được:
Khi thấy sắc bằng mắt, người đó tham ái đối với sắc đẹp, người
đó ghét bỏ đối với sắc xấu, người đó sống niệm không an trú trên thân, với một
tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát,
chính do vậy mà các ác bất thiện pháp của người đó không được trừ diệt. Như vậy,
đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ,
hay bất khổ bất lạc thọ, người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước thọ ấy. Vì
tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy, nên dục sanh hỷ, có tâm dục hỷ đối
với những cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức
là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do
duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh. Như vậy là sự tập khởi của
toàn bộ khổ uẩn này.
Khi người đó nghe tiếng
với tai... khi người đó ngửi hương với mũi... khi người đó nếm vị với lưỡi... khi người đó cảm xúc với thân... khi người đó
nhận thức pháp với ý, người đó tham ái đối với pháp tốt, ghét bỏ đối với pháp xấu.
Người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không
như thật tuệ tri đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác,
bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không còn dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch), có cảm
thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Người đó tùy hỷ,
hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy. Vì người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước
cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp
thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh
nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ
khổ uẩn này.
472. Tại sao chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ con đường
tháo gỡ ngã chấp?
Những lập thuyết về bản ngã trường cữu thoạt nghe như là một
tín lý tôn giáo nhưng đó chính là một luận điểm chống lại sự tu tập thay đổi bản
thân. Người tu phải tin rằng dòng tâm thức có thể thay đổi do đó sự tu tập có
giá trị:
Ở đời, này các Tỷ-kheo,
Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế
Tôn. Như Lai sau khi tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này với Thiên giới,
Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại
tuyên thuyết điều Như Lai đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp, sơ thiện, trung
thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa. Như Lai truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy
đủ, thanh tịnh.
Người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở
giai cấp (hạ tiện) nào nghe Pháp ấy. Sau khi nghe Pháp, người ấy sanh lòng kính
ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng, vị ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình
đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng
khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống
theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy
ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".
Sau một thời gian, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến
thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình.
Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống thành tựu học pháp chánh
hạnh, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có
lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy
từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, sống
thanh tịnh, không có trộm cắp, từ bỏ tà hạnh, sống theo phạm hạnh, sống hạnh viễn
ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ.
Từ bỏ nói láo, nói những
lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt,
không phản lại đối với đời, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều
gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều
gì ở chỗ kia, không đến nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người
kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp,
hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những
lời đưa đến hòa hợp, từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời
nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều
người, từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói
những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh Pháp, nói
những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời,
thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.
Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hột giống và các loại cây cỏ,
dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời, từ bỏ đi xem múa,
hát, nhạc, trình diễn, từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thơm và
các thời trang, từ bỏ dùng giường cao và giường lớn, từ bỏ nhận vàng bạc, từ bỏ
nhận các hạt sống, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, con gái, từ bỏ nhận
nô tỳ, gái và trai, từ bỏ nhận cừu và dê, từ bỏ nhận gia cầm và heo, từ bỏ nhận
voi, bò, ngựa và ngựa cái, từ bỏ nhận ruộng nương và đất đai, từ bỏ nhận người
môi giới hoặc tự mình làm môi giới, từ bỏ buôn bán, từ bỏ các sự gian lận bằng
cân, tiền bạc, đo lường, từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo, từ bỏ
làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.
Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm
giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến
tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy,
hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi
hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp; vị ấy không nắm
giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn
không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy
chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy nhờ sự hộ
trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm.
Vị ấy với sự thành tựu Thành giới uẩn này, với sự thành tựu
Thánh hộ trì căn này, và với Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh
vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây,
ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già,
lưng thẳng, tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham
ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận,
vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình,
gột rửa, tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm
thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết
hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm
lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi
nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
Sau khi từ bỏ năm triền cái làm ô nhiễm tâm, làm cho yếu ớt
trí tuệ, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt
tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh,
không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ
trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm giác sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả
niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ
không lạc, xả niệm thanh tịnh.
473. Đoạn tận ái và trạng thái giải thoát được Đức Phật dạy
thế nào?
Đoạn tận ái là chặt đứt mắt xích cấu thành vòng luân hồi. Ái
giống như gót chân A xin (achilles heel) là nhược điểm của ma vương mà hành giả
có thể tấn công được:
Khi vị ấy thấy sắc bằng mắt, vị ấy không tham ái đối với sắc
đẹp, không ghét bỏ đối với sắc xấu, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm
vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ
chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy
từ bỏ (thuận nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất
lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy
không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối
với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt.
Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết,
sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Khi vị ấy nghe tiếng
bằng tai... khi vị ngửi hương bằng mũi... Khi vị ấy nếm vị bằng lưỡi... Khi vị ấy
cảm xúc bằng thân... Khi vị ấy nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không tham ái đối với
pháp tốt, không ghét bỏ đối với pháp xấu. Vị ấy sống an trú niệm trên thân, với
tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ
chúng mà các ác, bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy,
vị ấy đoạn trừ (thuận nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc
thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy
không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối
với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt.
Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết,
sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy thọ trì ái tận giải thoát này,
được Ta nói một cách tóm tắt, nhưng (phải nhớ là) Tỷ-kheo Sati, con của người
đánh cá, đã bị mắc trong cái lưới lớn của ái, trong sự rối loạn của ái.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment