Wednesday, January 15, 2020

Bài học. Thứ Tư ngày 15 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  15/1/2020 
467. Tại sao chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ định lý tác động và bị tác động?
Các pháp hữu vi luôn có hai vai trò bị tạo và trợ tạo. Tất cả đều có nhân duyên và tác độc sanh khởi pháp khác. Vòng luân chuyển của phiền não > nghiệp > quả > phiền não > nghiệp > quả là một xoay vần không có cái ban đầu không do duyên trợ tạo (như quan niệm con người phải do thượng đế tạo nhưng thượng đế không không có ai tạo):
Và này các Tỷ-kheo bốn món ăn này, lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Bốn món ăn này lấy ái làm nhân duyên, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm sanh chủng, lấy ái làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, ái này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Ái lấy thọ làm nhân duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm sanh chủng, lấy thọ làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, thọ này lấy gì làm nguyên nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thọ lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm tập khởi, lấy xúc làm sanh chủng, lấy xúc làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, xúc này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Xúc lấy sáu nhập làm nhân duyên, lấy sáu nhập làm tập khởi, lấy sáu nhập làm sanh chủng, lấy sáu nhập làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, sáu nhập này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Sáu nhập lấy danh sắc làm nhân duyên, lấy danh sắc làm tập khởi, lấy danh sắc làm sanh chủng, lấy danh sắc 
làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, danh sắc này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Danh sắc lấy thức làm nhân duyên, lấy thức là tập khởi, lấy thức làm sanh chủng, lấy thức làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, thức này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thức lấy hành làm nhân duyên, lấy hành làm tập khởi, lấy hành làm sanh chủng, lấy hành làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, các hành này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Các hành lấy vô minh làm nhân duyên, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm sanh chủng, lấy vô minh làm nguyên nhân”.

Do định luật của pháp hữu vi là bị tạo và trợ tạo nên không có gì đứng yên hay hằng cữu.

468. Tại sao chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ định lý về y tương sinh?
Đó là nguyên lý của hữu vi pháp: cái nầy có thì cái kia có, cái nầy không có thì cái kia không có. Như vậy sẽ không có sự hiện hữu đơn thuần mà luôn có lực tác động.
Có hai cách lý giải về giáo lý duyên khởi:
Cách giải thích thứ nhất, phổ thông thường tìm thấy ở Kinh Tạng, là thập nhị duyên khởi giảng theo “tam sinh” hay ba kiếp: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Đây là cách trình bày theo hình thức quy mô (marcro)/

Cách giải thích thứ hai, tìm thấy trong A Tỳ Đàm, là thập nhị duyên khởi xẩy ra trong kiếp hiện hiện tại. Đây là hình thức trình bày theo vĩ mô (micro)
(Tương tự như cách giảng về tứ đại có khi tách rời đất, nước, lửa, gió có khi giảng bốn đại là sắc bất ly)

Như lai nói như vậy: "Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh", như vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não cùng sanh khởi. Như vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

"Cái này không có nên cái kia không có, cái này diệt nên cái kia diệt", như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, sáu nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Vô minh duyên hành có nghĩa là do không biết nên hành động tạo tác. Thí dụ: như một người tất bật làm nhiều công việc để kiếm tiền bởi vì không biết cách làm ra tiền nhẹ nhàng hơn. Người đó nghĩ mình làm nhiều việc vì mình biết nhiều thứ kỳ thật là làm nhiều việc do không biết cái nên làm.
Hành duyên thức là từ hành vi thiện ác tạo nên chủng thức tái sanh tương ứng. Thí dụ như trồng cây thì ra trái trong trái có hạt giống để tạo ra cây. 

Thức duyên danh sắc là thức tái sanh tạo nên sanh loại. Thức tái sanh có năng lực quyết định phần lớn bản sắc của đời sống mới giống như một hạt cải tuy rất nhỏ nhưng chứa đựng đầy đủ hình tướng, mùi vị của cây cải sau nầy.

Danh sắc duyên lục nhập là sanh loại tạo nên đặc tính của các căn hay giác quan. Cũng là mắt, tai, mũi, lưỡi… nhưng mỗi loài một khác. Con mắt của loài vật không giống loài người.

Lục nhập duyên xúc là có các căn thì có tiếp xúc với các cảnh. Như một quốc gia với nội các chính phủ có nhiều bộ được thành lập. Nếu có các bộ thì tự nhiên phải có những công việc liên đới xẩy ra.
Xúc duyên thọ là do tiếp xúc với cảnh nên sanh ra cảm giác. Chính ở đây là mấu chốt chiêu cảm quả nghiệp tốt, xấu qua khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ.
Thọ duyên ái là từ cảm giác khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ sanh ưa thích thí dụ như một người không biết uống trà thì đối với tất cả trà đều dửng dưng nhưng khi đã có phân biệt tinh tế vị trà thì sanh có sự trân quý đối với những thứ trà ngon.

Ái duyên thủ là có ưa thích thì có bám víu. Như một người không biết phân giá trị cây, hoa trong vườn thì không nghĩ đến còn mất nhưng một khi có ưa thích hay hiểu được giá trị một loại hoa hay cây ăn trái trong vườn thì bận tâm chăm sóc nhiều.
Thủ duyên hữu có nghĩa là do sự bám víu nên thể hiện qua hành động tạo tác. Như một người ưa chuộng cái gì đó nên cố gắng đi làm tạo ra tiền để có được cái mình muốn có.
Hữu duyên sanh có nghĩa là từ nghiệp tạo tác tạo sanh quả ở tương lai. Như một người do lý do nầy lý do khác dời đổi chỗ ở thì dọn đến nơi khác là sự bắt đầu một giai đoạn mới.
Sanh duyên lão tử có nghĩa là trong sự sanh đã có yếu tố quyết định thọ mạng. Dù chủng loại nào thì cũng có hiện tự lão hoá và chấm dứt bằng cái chết. Đó là bản chất tự nhiên.

Nên lưu ý vài điểm về giáo lý duyên khởi:
-       -  Trình bày thì có đầu có đuôi nhưng thực tế là một xoay vần không mối ban đầu. Trong bài kinh nầy tứ thực, ái và vô minh đều được đề cập khiến người nghe có thể nghĩ là một trong ba thứ đó là điểm tiên khởi nhưng kỳ thật không nên hiểu như vậy.
-      -  Nên chỉ nhìn vào hai khía cạnh bị tạo và trợ tạo không nằm trong khung thời gian: có thể từ kiếp nầy sanh kiếp khác như hành duyên thức, hữu duyên sanh; có thể từ đầu đến cuối kiếp sống như sanh duyên lão tử; có thể không nằm trong ý niệm thời gian như danh sắc duyên lục nhập.
-      -   Chữ “diệt-nirodha” như trong câu “vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt…” nên được hiểu là “cái nầy không có thì cái kia không có” chứ không phải diệt là cái đang có bị đoạn tận.

Bản kinh tụng sau đây có thể dùng là một tóm tắt cho giáo lý duyên khởi:

Bởi không tường diệu đế
Hữu tình tạo nghiệp duyên
Chính vô minh nguồn cội
Là nhân tạo nên hành

Từ hành vi thiện ác
Gieo chủng thức tái sanh
Như vậy chính do hành
Kiết sanh thức tập khởi

Thức chủng tử đầu đời
Tạo hiện hữu thân tâm
Bởi do ý nghĩa nầy
Gọi thức duyên danh sắc

Vật chất và tâm thức
Biến hiện sáu giác quan
Như vậy do danh sắc
Lục nhập được hiện thành

Sáu giác quan năng động
Tiếp xúc sáu cảnh trần
Như vậy do lục nhập
Hiện tượng xúc khởi sanh

Sáu căn gặp sáu cảnh
Khổ lạc xả phát sanh
Như vậy do duyên xúc
Cảm thọ được tạo thành

Khổ lạc ưu hỷ xả
Nhân sanh mọi chấp trước
Phật dạy chính cảm thọ
Duyên tạo nên ái dục

Tham muốn nên dính mắc
Dục lạc cột mê tâm
Nên gọi nhân ái dục
Là duyên sanh chấp thủ

Khi tâm trần hệ lụy
Biến hiện muôn sở hành
Như vậy do duyên thủ
Tác động hữu khởi sanh

Có tạo tác có quả
Có chủng tử luân hồi
Như vậy do duyên hữu
Sanh quả được hiện thành

Có thân hẳn phải già
Có sanh ắt có diệt
Chính do ý nghĩa nầy
Gọi sanh duyên lão tử

Cũng chính do duyên sanh
Sầu bi khổ ưu não
Toàn bộ khổ uẩn nầy
Ðược hiện thành tập khởi

Không vô minh không hành
Không hành thời không thức
Không thức không danh sắc
Không danh sắc không lục nhập
Không lục nhập không xúc
Không xúc không cảm thọ
Không cảm thọ không ái
Không ái dục không thủ
Không chấp thủ không hữu
Không hữu thời không sanh
Không sanh không lão tử
Sầu bi khổ ưu não
Toàn bộ khổ uẩn nầy
Không hình thành tập khởi

(còn tiếp)




II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Có pháp hữu vi nào bị tạo nhưng không trợ tạo? Hay ngược lại có pháp hữu vi nào trợ tạo nhưng không bị tạo? - TT Pháp Tân 


Thảo luận 2. Có pháp hữu vi nào hằng hữu, có sanh mà không có diệt? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 3. Dòng luân hồi có thể chấm dứt do đoạn tận vô minh và ái nhưng Phật pháp có dạy khởi thuỷ của dòng luân hồi là gi chăng? - ĐĐ Nguyên Thông


Thảo luận 4. Phải chăng hiểu biết giáo lý duyên khởi cho chúng ta có cái nhìn căn bản về sự dịch chuyển (vô thường), bất lạc (khổ), không nằm theo bất cứ quyền điều khiển nào (vô ngã)?



 III Trắc Nghiệm


No comments:

Post a Comment