Tuesday, January 7, 2020

Bài học. Thứ Ba ngày 7 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  7/1/2020 
31. Tiểu kinh Rừng sừng bò (Cùlagosinga sutta)


399. Tại sao gọi Tiểu kinh Rừng sừng bò (Cùlagosinga sutta)?
Tên bài kinh nầy được đặt do liên hệ tới địa danh. Gosinga (Sừng Bò) là tên một công viên có nhiều cây sao hay cây sàla (gosiṅgasālavana).
Chữ vana trong Phạn ngữ có nghĩa là rừng, vườn, hay công viên (nên Veluvana được dịch là Trúc Lâm hay Trúc Viên). 
Sàla là tên một loại cây tìm thấy nhiều nơi ở chân núi Hi Mã Lạp Sơn. Cây nầy là một loại cây sao (Shorea robusta). Ngày nay có một nhầm lẫn lớn tại nhiều quốc gia - kể cả Tích Lan - gọi ngọc kỳ lân hay cây hàm rồng là cây Sàla. Kỳ thật thì hai loại nầy hoàn toàn khác nhau. Bản dịch tiếng Việt thường gọi là cây ta la trong lúc trong dân gian thì gọi là cây tha la (nhưng cũng chỉ là cây pháo thụ hay cây hàm rồng). Một trong những điểm để phân biệt hai loại cây nầy là cây sàla trong kinh là loại cây có nhỏ từng chùm chỉ nở theo mùa còn cây sa la mà người ta nhầm lẫn thì hoa lớn nở bốn mùa.
Bài kinh số 32 cũng ghi lại chuyện xẩy ra tại rừng  gosiṅgasālavana nhưng dài hơn nên bài kinh số 31 được gọi là Tiểu kinh Rừng sừng bò .
Trước kia trong bản Việt ngữ bài kinh còn có tên là Ngưu Giác Lâm Tiểu Kinh.


400. Đại ý Tiểu kinh Rừng sừng bò (Cùlagosinga sutta) là gì? 
Nội dung kinh ghi lại nếp sống hài hoà của ba bậc cao đệ của Đức Phật là các tôn giả Anuruddha, Nandiya, Kimbila. Cả ba cùng sống trong tinh thần lục hoà ở cấp độ cao nhất của các bận thánh hoàn toàn thanh tịnh. Đức Phật nêu lên những câu thăm hỏi để những vị nầy trình bày về nếp sống theo sáu pháp thân hiền thiện, khẩu hiền thiện, ý hiền thiện, lợi hoà, giới hoà và kiến hoà. 

401. Các tôn giả Anuruddha, Nandiya, Kimbila là những nhân vật thế nào?
Cả ba vị nguyên là những hoàng tử trẻ thuộc dòng Thích Ca đi xuất gia trong lần đầu tiên Đức Thế Tôn trở về thăm cố hương Kapilavatthu. Ba vị trước khi xuất gia đã là những người bạn chí thân. Sau nầy khi sống đời phạm hạnh đều chứng quả ứng cúng la hán và cũng là những pháp lữ sống trong pháp hoà kính ở biểu hiện cao nhất.
Riêng tôn giả Anuruddha (A Nậu Đà La) là một trong những đại đệ tử của Đức Phật được biết với khả năng đệ nhất thiên nhãn. Nhiều bài kinh ghi trong tam tạng liên hệ đến vị nầy.

402. Nếp sống hài hoà của ba vị thánh đệ tử được biết thế nào?

Đó là sự chung sống với những hoà thuận và đồng cảm trong nhiều lãnh vực:
a. Sống với sự cảm kích "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy". 
b. Cư xử với thân nghiệp hiền thiện, khẩu nghiệp hiền thiện, ý nghiệp hiền thiện dù trước mặt và sau lưng
c. Luôn tâm niệm  “Ta hãy từ bỏ ý muốn cá nhân và sống thuận theo ý muốn của những Tôn giả này". (Bản dịch: “từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy”. Điều nầy tạo nên nếp sống “thân tuy khác nhưnggiống như một”. 
d. Tự biết bổn phận không cần nhắc bảo: “ai đi làng khất thực về trước, thì người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi làng khất thực về sau, thì người ấy, còn đồ ăn thừa nếu muốn thì ăn, nếu không muốn thì bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng và người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không thì người ấy sẽ lo liệu (nước)”. 
e. Cần phụ giúp chỉ ra dấu nhẹ nhàng là người kia sẳn sàng chung tay: “Nếu ai làm không nổi với sức bàn tay của mình, thì người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: "Chúng ta hãy lo liệu (nước)". Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vây mà gây ra tiếng động”. 
 f. Có ngày trong tuần cùng ngồi lại đàm đạo: “Và đến ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả đêm, chúng con ngồi đàm luận về giáo pháp.
g. Đồng thành tựu các thiền chứng (ba tôn giả nầy đều thuần thục cả hai thiền sắc giới và thiền vô sắc giới)
h. Cùng đạt đến cứu cánh giải thoát (đồng có khả năng nhập diệt thọ tưởng định)


403. Tại sao Đức Thế Tôn vốn biết quá rõ về ba vị nầy nhưng vẫn đưa ra nhiều câu hỏi về đời sống của các vị?
Các bậc Chánh Đẳng Giác thường hỏi thăm về sinh hoạt của chư tỳ kheo như thể hiện tâm từ mẫn.
Có trường hợp các chư Phật nêu lên câu hỏi không phải vì không biết sự việc mà muốn các đương sự chính mình nói lên để làm gương sáng cho đời sau.

404. Đọan kết bài kinh nầy có gì đáng lưu ý?
Dạ xoa Digha Parajana đã tán thán hết lời đối với ba tôn giả. Nhân đó Đức Phật dạy rằng bất cứ ai nghĩ đến ba vị ấy bằng tâm niệm hoan hỷ sẽ được nhiều lợi lạc:

Sự việc là như vậy, này Digha, sự việc là như vậy, này Digha, này Digha, nếu gia đình nào, ba Thiện nam tử này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ đến ba Thiện nam tử này với tâm niệm hoan hỷ, thì gia đình ấy sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài. Này Digha, nếu bà con quyến thuộc của gia đình mà ba Thiện nam tử này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ đến ba Thiện nam tử này với tâm niệm hoan hỷ, thì bà con quyến thuộc của gia đình mà ba Thiện nam tử này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ đến ba Thiện nam tử này với tâm niệm hoan hỷ, thì bà con quyến thuộc của gia đình ấy sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài. Này Digha, nếu làng nào... nếu xã ấp nào... nếu thành phố nào... nếu quốc độ nào... nếu tất cả Sát đế lị... nếu tất cả Bà-la-môn... nếu tất cả Phệ xá (Vessa)... nếu tất cả Thủ đà (Sudda)... Này Digha, nếu thế giới với chư Thiên, với Ác ma, với Phạm thiên, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người nhớ đến ba Tôn giả này với tâm niệm hoan hỷ, thì thế giới ấy với chư Thiên, với Ác ma, với Phạm thiên, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài. Này Digha, hãy xem ba Thiện nam tử này sống như thế nào? --Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. 



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Chúng ta thường nói nhiều về niệm Phật. Ít khi nói về niệm pháp, niệm tăng. Trong bài kinh nầy Đức Phật dạy: Nếu thế giới với chư Thiên, với Ác ma, với Phạm thiên, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người nhớ đến ba Tôn giả này với tâm niệm hoan hỷ, thì thế giới sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài.” Đây có phải là hình thức niệm Tăng? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Tại sao các bậc thánh đệ tử Phật sống trong pháp hoà kính vì tâm bi mẫn với chúng sanh? (Như lời Phật dạy: Thiện nam tử này sống như thế nào? -Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người). - TT Pháp Tân 

Thảo luận 3. Phải chăng một trong yếu tố để sống hài hoà là cảm kích sự có mặt của nhau? (như lời ghi trong kinh: "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy") - ĐĐ Pháp Tín


Thảo luận 4. Điều được ghi nhận: Cư xử với thân nghiệp hiền thiện, khẩu nghiệp hiền thiện, ý nghiệp hiền thiện dù trước mặt hay sau lưng. Xin giải thích rõ thế nào là ý nghĩa của cụm từ “dù trước mặt hay sau lưng” - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết bài học



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment