Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/1/2020
44. Tiểu kinh Phương Quảng
(Cùlavedalla sutta) (Tiếp theo)
517. Hai câu hỏi về bát chánh đạo được vấn đáp thế nào?
Bát chánh đạo hay con đường giải thoát có tám chi phần là làm
được tác thành do duyên (hữu vi) nhưng dẫn đến niết bàn (vô vi):
-- Thưa Ni sư, thế nào là Thánh đạo Tám ngành?
-- Hiền giả Visakha, đây là Thánh đạo Tám ngành, tức là
chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,
chánh niệm, chánh định.
-- Thưa Ni sư, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi hay vô vi?
-- Hiền giả Visakha, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi.
Tam học tăng thượng gồm giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn bao gồm
bát chánh đạo nhưng bát chánh đạo không bao gồm tất cả những gì thuộc về tam học.
Ở đây không có sự đồng đẳng giữa quy nạp và chiết trung. Thí dụ câu nói hiến pháp
là cơ sở căn bản của nền pháp trị nhưng nền pháp trị không phải chỉ có hiến pháp:
-- Thưa Ni sư, ba uẩn được Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp
hay Thánh đạo Tám ngành được ba uẩn thâu nhiếp?
-- Hiền giả Visakha, ba uẩn không bị Thánh đạo Tám ngành
thâu nhiếp; Hiền giả Visakha, Thánh đạo Tám ngành bị ba uẩn thâu nhiếp. Hiền giả
Visakha, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, những pháp này được thâu nhiếp
trong giới uẩn. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, những pháp này được
thâu nhiếp trong định uẩn. Chánh tri kiến và chánh tư duy, những pháp này được
thâu nhiếp trong tuệ uẩn
518. Tương quan giữa chánh niệm, chánh tinh tấn và chánh
định được giải thích thế nào?
Đây là một vấn đề tương đối chuyên biệt về pháp hành. Định là
hiểu là nhất tâm hay tập chú vào một điểm (bền bĩ với đề mục tu tập). Bốn niệm
xứ là định tướng hay cơ sở của định. Theo sớ giải thì chữ samādhinimitta có nghĩa
là nền tãng của định chứ không phải là biểu hiện (tướng) của định. Chánh tinh tấn
là tư cụ của định vì chính pháp nầy phân biệt và sàng lọc thiện, bất thiện. Riêng
sự lập đi lập lại gọi là tu tập định giải thích tại sao trong quán có chỉ (chánh
niệm là quán, lập đi lập lại tạo thành lực của chỉ):
-- Thưa Ni sư thế nào là định, thế nào là định tướng, thế
nào là định tư cụ, thế nào là định tu tập?
-- Hiền giả Visakha, nhất tâm là định, Bốn Niệm Xứ là định
tướng, Bốn Tinh cần là định tư cụ, sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của
những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy.
519. Sự hiện hữu của thân tâm trong cái nhìn của thiền giả
được đề cập thế nào?
Sự hiện hữu hay sự sống được “bắt mạch” qua ba hành: thân hành,
khẩu hành, ý hành. Ba hành nầy được nhận diện ở mức độ tế nhị của đời sống qua
cái nhìn của thiền giả: hơi thở là thân hành; tầm và tứ (hướng tâm và gắn kết)
thuộc khẩu hành; thọ và tưởng (cảm giác và nhận thức) là ý hành
-- Thưa Ni sư, có bao nhiêu hành?
-- Hiền giả, có ba loại hành này: thân hành, khẩu hành, và
tâm hành.
-- Thưa Ni sư, thế nào là thân hành, thế nào là khẩu hành,
thế nào là tâm hành?
-- Thở vô, thở ra, Hiền giả Visakha, là thân hành, tầm tứ là
khẩu hành, tưởng và thọ là tâm hành.
-- Thưa Ni sư, vì sao thở vô thở ra là thân hành, vì sao tầm
tứ là khẩu hành, vì sao tưởng và thọ là tâm hành?
-- Thở vô, thở ra, Hiền giả Visakha, thuộc về thân, những
pháp này lệ thuộc với thân, nên thở vô thở ra thuộc về thân hành. Hiền giả
Visakha, trước phải tầm và tứ rồi sau mới phát lời nói, nên tầm tứ thuộc về khẩu
hành. Tưởng và thọ và tâm sở, các pháp này lệ thuộc với tâm, nên tưởng và thọ
thuộc về tâm hành.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Câu hỏi:" Thánh đạo tám ngành này là hữu vi hay vô vi" mang ý nghĩa gì? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Có chăng trường hợp chánh niệm tu tập riêng lẻ không đi với chánh tinh tấn, chánh định? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Phải chăng vì thọ, tưởng được gọi là tâm hành nên nhập vào trạng thái thiền không tâm gọi là “diệt thọ tưởng định”? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 5. Tại sao tầm, tứ là khẩu hành? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 6. Phải chăng bài kinh nầy và Đại Kinh Phương Quảng cho thấy vị trí của A Tỳ Đàm trong Phật Pháp? -TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment