Wednesday, January 22, 2020

Bài học. Thứ Tư ngày 22 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  22/1/2020 
43. Ðại kinh Phương Quảng (Mahàvedalla sutta)

499. Tại sao gọi Ðại kinh Phương Quảng (Mahàvedalla sutta)?
Chữ Vedalla trong Phạn ngữ có nghĩa đen là cái gì thuộc kinh điển, nghĩa bóng là cái gì được giảng rộng nhờ phân tích. Trong cổ văn chữ Hán phương là vuông vức, quảng là rộng lớn cộng lại chỉ cho cái gì được giải thích rộng rãi.
Trong kinh điển Pàli thì chữ phương quảng dùng cho một trong 9 loại kinh điển mang hình thức vấn đáp. Trong trường hợp nầy chỉ cho sự giảng giải rộng nghĩa qua hình thức coi hỏi và câu trả lời.
(Trong lịch sử Phật giáo từ thế kỷ 1 Tây lịch chữ Phương Quảng cũng được dùng để chỉ cho Phật giáo Đại Thừa)
Bài kinh nầy gọi là đại kinh vì tiếp theo có bài kinh khác cùng tên nhưng ngắn hơn.
         
500. Đại ý Ðại kinh Phương Quảng (Mahàvedalla sutta)là gì?
- Cái biết của trí
- Cái biết của thức
- Cái biết của thọ
- Cái biết của tưởng
- Cái biết của thắng tri
- Cái biết của chánh kiến
Đối tượng của cái biết gồm có:
- Cảnh giới của hữu
- Cảnh giới vượt ngoài dục giới
- Cảnh giới của năm giác quan
- Cảnh giới sanh tử
- Cảnh giới giải thoát



Tôn giả Maha Kotthita là một trong những đại đệ tử Phật được Đức Thế Tôn xác chứng là đệ nhất về tuệ phân tích (patisambhidappattānam). Ngài xuất thân từ một gia đình bà la môn giàu có danh giá tại Savatthi. Trước khi xuất gia theo Phật ngài được biết là người bác lãm kinh điển Veda.

Tôn giả Sàriputta là một trong hai vị thượng thủ thinh văn. Là bậc đệ nhất về trí tuệ trong các thánh đệ tử Phật. Chi tiết về Ngài đã được đề cập nhiều lần trong các bài kinh trước đây.
502. Hai bậc thượng trí đã vấn đáp thế nào về cái biết của trí?
Mở đầu pháp đàm Ngài Maha Kotthita nêu lên câu hỏi về tuệ tri (pajānāti) :
-- Này Hiền giả, liệt tuệ, liệt tuệ (Suppanna) được gọi là như vậy. Này Hiền giả, như thế nào được gọi là liệt tuệ?
-- Này Hiền giả, vì không tuệ tri, không tuệ tri (Nappajanati), này Hiền giả nên được gọi là liệt tuệ. Không tuệ tri gì? Không tuệ tri: đây là Khổ, không tuệ tri: đây là Khổ tập, không tuệ tri: đây là Khổ diệt, không tuệ tri: đây là Con đường đưa đến Khổ diệt. Vì không tuệ tri, không tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là liệt tuệ.
- -Lành thay, Hiền giả!
Tôn giả Maha Kotthita hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sariputta nói, rồi hỏi Tôn giả Sariputta một câu hỏi nữa:
-- Này Hiền giả, trí tuệ, trí tuệ được gọi là như vậy. Này Hiền giả, như thế nào là được gọi là trí tuệ?
-- Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri gì? Có tuệ tri: đây là Khổ, có tuệ tri: đây là Khổ tập, có tuệ tri: đây là Khổ diệt, có tuệ tri: đây là Con đường đưa đến Khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ.

Đây là sự hiểu biết gồm đủ cả bốn khía cạnh: Vấn đề đích thực (khổ đế), nguyên nhân của vấn đề (tập đế), giải pháp đích thực (diệt đế) và phương thức đạt đến giải pháp (đạo đế)

Theo Sớ giải thì tuệ tri ở trình độ trọn vẹn nhất là tuệ trong tâm đạo của của bốn đạo, bốn quả.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phương là vuông vức chỉ cho sự đơn cử rõ ràng hay câu hỏi; quảng là rộng lớn chỉ cho ý nghĩa sâu xa chỉ cho câu trả lời. Phải chăng câu trả lời hay hoặc không hay một phần do ở câu hỏi có xác đáng hay không? - ĐĐ Nguyên Thông 


Thảo luận 2. Trong cách tạo lập trí tuệ nhân tạo (AI hay artificial inteligence) người ta dùng lập trình với bốn chữ what (cái gì), why (nguyên nhân), which (phản ứng nào nên lựa chọn) và how (thực hiện bằng cách nào). Dựa trên thí dụ trên phải chăng nguyên lý suy luận qua tứ đế có thể áp dụng nhiều lãnh vực chứ không hẳn chỉ trong phạm vi tu tập? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Phải chăng Phật giáo Nguyên Thuỷ Theravàda thuộc truyền thống phân tích tông? (Vì chịu ảnh hưởng nặng A tỳ đàm và thiền vipassana) - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 4. Nếu chỉ hiểu vấn đề và nguyên nhân nhưng không biết giải pháp thì có được gọi là tuệ tri chăng? - TT Pháp Tân 

Thảo luận 5. Tại sao trí tuệ có vị trí quan trọng trong Phật Pháp nhưng câu kinh nói về tổng quan của Phật giáo: không làm bất cứ điều ác nào, huân tu những hạnh lành, thanh lọc tâm ý là lời dạy của chư Phật thì không thấy nhắc tới trí tuệ? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 6. Theo A Tỳ đàm đa phần trí tuệ trong thiện hạnh đến từ tâm đại thiện dục giới tịnh hảo vậy trí tuệ trong tâm quả có vai trò thế nào trong cuộc sống? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment