Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 4/1/2020
27. Tiểu kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta)
379. Tại sao gọi là Tiểu kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta)?
Gọi là Tiểu kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta) vì sau bài kinh nầy có bài kinh khác cũng mang ví dụ dấu chân voi nhưng dài hơn nên được gọi là Đại kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi. Mặc dù đều là dấu chân voi nhưng thí dụ trong hai bài kinh được dùng để minh hoạ hai ý niệm khác nhau. Trước kia bài kinh nầy còn có tên thuần Hán Việt là Tượng Tích Dụ Tiểu Kinh.
380. Đại ý Tiểu Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta) là gì?
Du sĩ Pilotika trong cuộc nói chuyện với Bà la môn Jāṇussoṇi đưa ra lời tán thán Tam Bảo “"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng chúng khéo hành trì". Khi được hỏi tại sao vị nầy tin tưởng như vậy thì Pilotika đưa ra thí dụ như một người thấy dấu chân voi có thể nhận ra đó là một con voi lớn. Sau đó Bà la môn Jāṇussoṇi đã thuật lại những gì đã nghe từ du sĩ Pilotika. Nghe xong Đức Phật đã dạy thật ra đó chỉ là sự ca ngợi từ suy luận ban đầu chưa phải là là một lời xưng tán dựa trên thực chứng của bản thân. Rồi Ngài dạy về hành trình tu tập của một thánh đệ tử mà ở sự thành tựu sau cùng mới đúng là nhận rõ giá trị cao cả của Tam Bảo.
381. Du sĩ Pilotika và Bà la môn Jāṇussoṇi là những nhân vật thế nào?
Có rất ít chi tiết được ghi lại trong kinh về du sĩ Pilotika. Đây là bài kinh duy nhất trong Tam Tạng ghi lại về vị nầy. Một du sĩ ngoại đạo có lần gặp Đức Phật và sanh lòng ngưỡng kính đặc biệt.
Bà la môn Jāṇussoṇi xuất thân từ một trong những dòng dõi bà la môn danh tiếng thời Đức Phật. Vị nầy là một trong những vị tư vấn về nghi lễ cho vua Pasenadi. Trong kinh ghi lại nhiều giai thoại về vị nầy. Cách ăn diện toàn màu trắng sang trọng như trang phục trắng, xe màu trắng, ngựa kéo màu trắng của vị nầy cũng là điểm nổi bật được nhắc đến.
Trong kinh không đề cập cả hai nhân vật trên có những sở chứng gì về đạo quả mà dù có lòng tịnh tín ở Phật.
382. Lời xưng tán cao tột đối với Tam Bảo ở đây là gì?
Nguyên văn Phạn ngữ: sammāsambuddho bhagavā, svākkhāto bhagavatā dhammo, suppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho - Đức Thế Tôn là bậc toàn giác, giáo pháp được khéo giảng dạy, tăng chúng là những bậc khéo hành trì (hay “Đức Thế Tôn là bậc chánh đẳng giác, Pháp được thiện thuyết, Tăng là bậc diệu hạnh”)
“Đức Thế Tôn” là đại từ thường được dùng để gọi Đức Phật bởi những người có lòng tịnh tín.
Đức Thế Tôn là bậc chánh đẳng giác hay chánh biến tri có nghĩa là bậc biết tất cả và biết một cách thấu triệt.
Pháp được thiện thuyết có nghĩa là giáo pháp được giảng dạy với văn nghĩa cụ túc có hiệu năng giúp chánh sanh thoát khổ.
Tăng là bậc diệu hạnh tức là bậc khéo hành trì một cách chân chánh lời Phật dạy với cả ba phương diện học pháp, hành pháp và chứng ngộ.
383. Tại sao đối với lời xưng tán chí thành chí kính của du sĩ Pilotika Đức Phật vẫn xem đó là lời ca tụng chưa có chiều sâu?
Bởi vì một người hiểu biết, tin tưởng, và xưng tán Tam Bảo một cách chân xác phải là người có học pháp, thực hành và thực chứng. Nếu chỉ xưng tán với ấn tượng ban đầu thì không thể nói là đầy đủ sự hiểu biết để đánh giá.
384. Thí dụ Đức Phật đưa ra khác biệt gì với thí dụ của Pilotika?
Pilotika đưa ra thí dụ một người thấy dấu chân voi có thể biết ngay là con voi đó cao lớn thế nào. Nhưng Đức Phật thì dạy rằng nhìn dấu chân voi chưa đủ mà cho phải đi theo một quảng đường dài quan sát sự cọ sát với cây cỏ, gẫy đứt của nhánh lá dọc đường mới có thể thật sự biết rõ ngà voi, chiều cao, sức nặng …thật sự của con voi.
385. Với thí dụ khác biệt Đức Phật đã dạy gì về “hành trình của một người thành tựu được niệm tin xác thực ở Tam Bảo”?
Đó là hành trình có năm công đoạn:
Phát khởi niềm tin ban đầu với ý thức giá trị về con đường tu tập nội tâm.
Thành tựu giới uẩn là chấp nhận và hành trì có học giới một cách nghiêm túc để nhiếp hoá thân, khẩu.
Thành tựu định uẩn là có huân tu định và niệm với các thiền chi và dần dà giảm thiểu thiền chi quan các tầng thiền.
Thành tựu tuệ uẩn là chứng được các tuệ minh
Thành tựu giải thoát “ khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa"
Có học hiểu, có thực hành, có tự thân chứng ngộ thì mới có thể nói là như vậy gọi là theo dấu chân của Khổng tượng, thấy được dấu cọ xát của Khổng tượng, nhận ra dấu cắt chém của Khổng tượng. Này Bà-la-môn, tới mức độ này, vị Thánh đệ tử đi đến kết luận: "Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, Chúng Tăng khéo hành trì". Tới mức độ này, ví dụ dấu chân con voi thật sự được đầy đủ một cách rộng rãi.
386. Bà la môn Jāṇussoṇi có thái độ gì sau khi nghe Đức Phật giảng dạy?
Vị bà la môn nghe xong rất hoan hỷ phát tâm quy ngưỡng Tam Bảo. Từ đó về sau trở thành một Phật tử ưa thích học hỏi giáo pháp.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Tại sao câu “svākkhāto bhagavatā dhammo – chánh pháp được Đức Thế Tôn khéo giảng dạy” có một ý nghĩa lớn khi nói về Pháp Bảo? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Cũng thời kính ngưỡng Phật nhưng sự xưng tán của phàm phu khác biệt với của các bậc thánh. Xin cho vài phân tích về điểm nầy. - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Phải chăng người Phật tử phát khởi đức tin nơi Tam Bảo thì nên hiểu rằng đó chỉ là bước khởi đầu mà cần một hành trình dài để có được niềm tin trọn vẹn? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 5. Nên làm gì để củng cố chánh tín và chánh kiến? - ĐĐ Nguyên Thông
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment