Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 3/1/2020
26. Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà sutta)
370. Tại sao gọi là Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà sutta)?
Thánh cầu có nghĩa là sự tìm kiếm thánh thiện hay sự truy cầu cao quý. Đó là nội dung mà Đức Phật dạy cho chư tỳ kheo qua dẫn chứng cụ thể về cuộc đời của Ngài.
371. Đại ý Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà sutta) là gì?
Lúc bấy giờ Đức Điều Ngự đang trú ở Sàvatthi. Một số chư tỳ kheo mong mỏi được diện kiến và nghe pháp từ Đức Phật. Những vị nầy gặp thị giả của Đức Phật là tôn giả Ananda để bày tỏ nguyện vọng. Qua sự thỉnh cầu của thị giả Đức Thế Tôn đã gặp chư tỳ kheo và trong lời huấn thị Ngài đã đề cập đến hai hướng đi của chúng sanh trong đời: Một là sự lẩn quẩn tự hiện trạng bị sanh, già, đau, chết chi phối lại đi tìm cái tương tự không khác hơn. Sự tầm cầu thứ hai là hướng đi à cao quý hay thánh cầu là tìm lối thoát chân thật cho hệ luỵ đang có. Đức Phật đã kể lại hành trình của Ngài từ ý thức chỗi dậy trong lòng khi sống ở cung vàng điện ngọc rồi từ bỏ đế nghiệp ra đi. Hành trình sau đó càng lúc càng chứng minh được tánh cách vĩ đại của sự vượt thoát.
372. Hai loại tầm cầu được đề cập mang ý nghĩa thế nào?
Thánh cầu được giải thích: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.”
Phi Thánh cầu được mô tả: “ Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm”.
373. Đức Thế Tôn đã khai triển ý nghĩa của con đường dẫn đến giải thoát đích thực như thế nào?
Đức Phật trong sự giảng dạy về thánh cầu đã dùng hành trình của bản thân để làm thí dụ cụ thể: Ngài từ bỏ ngai vàng vì nhận ra rằng làm vua, cho dù là một đại đế, vẫn không giải quyết được hệ luỵ trầm kha của kiếp nhân sinh. Ngài từng tìm đến học đạo với hai vị đạo sĩ nổi danh thời bấy giờ rồi sau đó lại bỏ đi. Đức Bồ tát tiếp tục hành trình với trắc nghiệm khổ tu hành xác để rồi chuyển sang trung đạo. Sau khi thành đạo vô thượng Đức Phật đã từng một lần tự hỏi liệu giáo pháp thâm sâu có thể lãnh hội bởi chúng sanh trong đời. Từ cội bồ đề đến vườn Lộc giả chuyển pháp luân Đức Phật cũng kể lại nhiều sự việc mà qua đó cái nhìn của phần đông với không phù hợp với hướng đi của bậc thánh đức.
374. Tại sao Đức Bồ Tát rời bỏ hai vị thầy đầu tiên?
Ngài lên đường, đầu tiên tìm đến hai vị chân sư để học đạo đó là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta ; hai vị nầy một chứng thiền vô sở hữu xứ, một chứng thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bồ tát nhanh chóng chứng đạt sở đắc của hai vị thầy và được mời ở lại cùng ngồi vào chiếc ghế của giáo chủ nhưng Ngài từ chối vì thấy đó không phải là cứu cánh đích thực.
375. Tại sao thánh cầu là ý hướng cao quý nhưng không nằm trong ý nghĩ của phần đông?
Chúng sanh đa phần hướng đến thủ đắc hơn là từ bỏ. Muốn đạt đến bờ kia phải từ bỏ bờ nầy. Ngay cả đối với phần lớn người tu cũng mang hội chứng sùng bái tự ngã. Đức Phật dạy một con đường hoàn toàn khác:
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và tri kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.
Đó cũng là một phần lý do mà Đức Phật đã có giây phút tự hỏi không biết chúng sanh có thể lãnh hội về áo nghĩa giác ngộ giải thoát hoàn toàn ngược với khuynh hướng cố hữu.
376. Tại sao Upaka đã dừng lại ở ngưỡng cửa giải thoát?
Upaka có duyên lành được nhìn thấy tướng hảo phi phàm của Đức Phật và nghĩ rằng đây phải là một hiện thân của thần linh hay một bậc có nhiều huyền thuật. Khi được hỏi Ngài là ai thì Đức Phật trả lời “Tự mình Chánh Ðẳng Giác/ Ta an tịnh, thanh thoát”. Upaka không thấy có giá trị gì ở một người giác ngộ, không phiền não bởi vì những điều đó không quan trọng đối với người nầy.
(Thật ra sau nầy Upaka từ bỏ đời sống của một đạo sĩ để lập gia đình có vợ con. Nhưng rồi cũng không tìm thấy ý nghĩa đáng quý của cuộc sống nên đến Vương Xá xuất gia với Đức Phật. Vị nầy cuối cùng đắc chứng đạo quả nhưng phải đi một con đường vòng thay vì trực tiếp từ ban đầu)
377. Định kiến đã ngăn ngại thế nào với nhóm Năm Tỳ Kheo? Đức Phật đã thay đổi họ bằng cách nào?
Nhóm năm thầy Kiều Trần Như từng là những người hâm mộ và nuôi kỳ vọng ở Đức Bồ Tát khi Ngài đang tu khổ hạnh. Khi Bồ Tát quyết tâm chọn con đường trung đạo khiến năm vị nầy thất vọng bỏ đi. Khi gặp lại ban đầu họ nói với nhau sẽ không đón tiếp Đức Phật bằng thái độ kính trọng nhưng phong thái của Đức Phật có phần thay đổi sự suy nghĩ ban đầu của họ. Tuy vậy những vị nầy vẫn chưa chấp nhận Đức Phật là bậc Đạo sư vì hoài nghi sự từ bỏ khổ hạnh mà họ tin là tuyệt đối cao cả. Cho đến khi Đức Phật nhắc cho họ nhớ Ngài chưa bao giờ nói là đã giác ngộ trong thời gian trước đây. Điều nầy khiến họ tin vào lời nói của Đức Phật là chân thật ngôn. Từ đó thay đổi thái độ và nghe Thế Tôn giảng pháp để trở thành những đệ tử xuất gia đầu tiên.
378. Hành trình được gọi sự tầm cầu của bậc thánh được mô tả ở đây thế nào?
Đó là hành trình tu chứng bao gồm chỉ và quán. Mỗi sự thành tựu đề là giai đoạn cần vượt qua chứ không phải để chấp thủ cho đến khi đạt cứu cánh viên mãn của cả hai tâm giải thoát và tuệ giải thoát: “Sau khi thấy bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là một vị đã làm Ác ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma. Vị ấy đã vượt khỏi mọi triền phược ở đời. An tâm vị ấy đi, an tâm vị ấy đứng, an tâm vị ấy ngồi, an tâm vị ấy nằm. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì vị ấy vượt khỏi tầm tay của Ác ma.”
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Phải chăng TOÀN BỘ CUỘC SỐNG đều bị sanh già đau chết chi phối? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Nếu con đường tu Phật là vượt thoát sự sanh già đau chết chi phối thì tại sao những người tu Phật không trường sanh bất tử? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Giới hạn tuổi thọ, những căn bệnh di truyền, sắc vóc vốn đã quyết định ngay từ lúc thụ thai. Đó là biểu hiện của sự chi phối nào sau đây?
A. Chi phối bởi sanh /
B. Chi phối bởi già/
C. Chi phối bởi bệnh /
D. Chi phối bởi chết
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 1: A
Trắc nghiệm 2. Nếu không bị lão hoá, thể lực không đi xuống, sức sống không suy tàn thì những định hướng cho cuộc đời như nghề nghiệp, hôn nhân đã khác hơn hoàn toàn. Đó là biểu hiện của sự chi phối nào sau đây?
A. Chi phối bởi sanh /
B. Chi phối bởi già/
C. Chi phối bởi bệnh /
D. Chi phối bởi chết
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2:
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 2: B
Trắc nghiệm 2. Nếu không bị lão hoá, thể lực không đi xuống, sức sống không suy tàn thì những định hướng cho cuộc đời như nghề nghiệp, hôn nhân đã khác hơn hoàn toàn. Đó là biểu hiện của sự chi phối nào sau đây?
A. Chi phối bởi sanh /
B. Chi phối bởi già/
C. Chi phối bởi bệnh /
D. Chi phối bởi chết
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2:
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 2: B
No comments:
Post a Comment