Sunday, January 12, 2020

Bài học. Chủ Nhật ngày 12 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  12/1/2020 
Giống như bài kinh trước, nội dung bài kinh nầy liên quan tới nhân vật
Saccaka - một người rất giỏi biện luận của ngoại giáo Nigantha. Bài kinh nầy dài hơn so với bài trước nên gọi là đại kinh. Saccaka có một cái tên thường gọi là Aggivessana nên trong đối thoại Đức Phật gọi bằng tên đó.
                  
444. Đại ý Ðại kinh Saccaka (Mahàsaccaka sutta)  là gì?
Sau khi thất bại trong ý định vấn nạn Đức Phật với hội chúng đông đảo, Saccaka đã trở lại  lần nữa nhưng chỉ một mình để hỏi Đức Phật những điều mà ông ấy tin rằng mình có cơ sở lý luận vững chắc. Điều Saccaka muốn đưa ra là luận đề là tu tập thân và tu tập tâm. Bên cạnh đó là thái độ trịch thượng, nhắm vào chỗ sơ hở của câu trả lời để chỉ trích. Đấng Thế Gian Giải đưa ra câu trả lời không nằm trong sự dự đoán của Saccaka. Ngài cũng cho Saccaka biết thái độ của người hỏi là thái độ thiếu thân thiện cầu học mà chỉ đặt nặng hơn thua. Dù vậy Đức Phật vẫn trả lời. Qua câu trả lời Đức Phật đã nêu lên ba điều:
a.   A     Vấn đề không phải đơn giản là có hay không tu tập thân, tu tập tâm mà là tu tập thân thế nào và tu tập tâm thế nào.
b.           Bản thân của Đức Thế Tôn đã kinh qua cả hai phương cách tu tập thân và tu tập tâm. Cả hai cách nầy đều có hai giai đoạn là khoảng thời gian trắc nghiệm không thành công và sau nầy với phương pháp trung đạo Ngài đã thành tựu đạo quả vô thượng
c.       C            Thế nào là đời sống với trí tuệ tỉnh thức không đơn giản như cái nhìn phàm tình.
445. Saccaka quan niệm thế nào về thân tu tập và tâm tu tập?
Vốn là người theo giáo phái Nigantha (ngày nay được gọi là đạo Jain), Saccaka tin vào pháp tu khổ hạnh. Theo quan điểm nầy đó là sự tu thân nhưng từ sự hành xác dẫn đến giải thoát tâm. Với cách lý luận của Saccaka thì người tu thân của có khuyết điểm về tâm và người tu tâm của có khuyết điểm về thân. Ông ấy tin rằng những đệ tử Phật chuyên về tu tâm nên có thể chỉ trích về sự thiếu tu tập thân. (giống như một số lập luận ngày nay cho rằng nếu chỉ tu thiền mà thiếu tập luận võ thuật hay yoga thì thân thể bạc nhược)
446. Đức Phật trả lời thế nào về thân tu tập và tâm tu tập?
Trước hết Đức Thế Tôn hỏi ngược lại Saccaka quan niệm thế nào về thân tu tập và tâm tu tập. Saccaka trình bày thân tu tập với những hình thức tu khổ hạnh. Nhưng câu hỏi về tâm tu tập thì là không trả lời được vì Saccaka vốn nghĩ rằng khổ hạnh tuy là sự tu thân với cách hành xác nhưng cũng được xem là nói chung của cả hai tu thân và tu tâm.
Sau đó Đức Phật đã đưa ra định nghĩa của Ngài về thân tu tập và tâm tu tập vốn hoàn toàn không nằm trong tiên liệu của Saccaka: Đối với lạc thọ mà  thiếu chánh niệm để tâm nhiễm đắm là thiếu tu tập về thân. Đối với khổ thọ mà thiếu kham nhẫn chịu đựng là thiếu tu tập về tâm.
Rồi Đức Phật kể lại hành trình tu tập bản thân của Ngài từ lúc rời khỏi hoàng cung đến với hai đạo sĩ Alara Kalama, Uddaka Ramaputta Ngài đã thành tựu thiền chứng ngang bằng với hai vị nầy. Sau đó tiếp tục hành trình tu tập bằng pháp khổ hạnh với những cực điểm của đại yểm ly, đại bất tịnh thực, đại khổ hành nhưng rồi cuối cùng nhận ra sự vô ích của những cực đoan nầy.
Đức Bồ Tát trong khi trắc nghiệm các pháp tu đã tự khởi lên một thí dụ: hai khúc cây khi cọ sát vào nhau tạo nên lửa phải tránh hai điều một là không bị đẫm ướt (thí dụ cho lợi dưỡng), hai là phải rắn chắc không bị mục nát từ bên trong (thí dụ cho khổ hạnh). Rồi Ngài chợt nhớ một kinh nghiệm thuở còn nhỏ đã từng một lần ngồi an tịnh dưới bóng cây Jambu thể nhập trạng thái tịnh lạc do ly dục sanh. Từ ký ức nầy Đức Bồ Tát chuyển sanh phương pháp trung đạo: không tạo khổ thọ cho thân mà cũng không đắm nhiễm lạc thọ để tiếp tục đi tới trong định và niệm. Cuối cùng Ngài đã chứng tam minh dưới cội bồ đề.
447. Sau câu trả lời về thân tu tập, tâm tu tập Đức Phật đã nói thêm điều gì?
Đức Phật đã nêu lên một điểm là khi Ngài thuyết pháp cho đại chúng nhiều người đặc biệt hoan hỷ quy hướng nhưng đó không phải là điều khiến ngài vui mừng. Đấng Như Lai thuyết pháp chỉ với mục đích đơn thuần là khai thị chúng sanh rồi sau đó Ngài thể nhập vào vô tướng tâm định. (Chỉ có phàm phu mới vui thích với hơn thua của đàm luận, thuyết giáo).

448. Saccaka đã tiếp tục chất vấn thế nào?
Saccaka nghĩ rằng có thể tìm ra khuyết điểm nơi Đức Phật khi hỏi rằng Ngài có nghỉ trưa và cho phép các đệ tử nghỉ trưa chăng. Khi Đức Phật trả lời vào những tháng thời tiết khắc nghiệt Ngài có cho phép nghỉ ngơi để nhẹ nhàng. Saccaka nắm ngay điểm nầy với lập luận “như vậy một số Sa-môn, Bà-la-môn gọi là an trú nơi si ám”. Đức Phật trả lời rằng nên hiểu thế nào si ám và không si ám. Rồi Ngài dạy về sự vô minh đối với thực trạng của đời sống và những hiểm nguy của lậu hoặc.
449. Saccaka đã có thái độ thế nào ở cuối cuộc đàm luận?
Saccaka trình bày rằng ông ấy từng đàm luận với hầu hết những giáo chủ danh tiếng. Khi bị chất vấn với những câu hỏi hóc búa, trịch thượng, vấn nạn thì tất cả đều có thái độ bực tức, phẫn nộ nhưng riêng với Đức Phật thì vẫn an nhiên với nét mặt tự tại. (Theo sớ giải thì mặc dù lúc đó Saccaka chỉ là một người tín phục Đức Phật nhưng sau nầy sanh lại ở Tích Lan xuất gia trở thành một vị A la hán có tên  Kàla Buddharakkhita)



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Khi Đức Thế Tôn dạy: Thân tu tập là đối với lạc thọ không đắm nhiễm và tâm tu tập là đối với khổ thọ có khả năng kham nhẫn. Chúng ta nên hiểu sao về lời dạy nầy? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 2. Tại sao Đức Bồ Tát đã từng chứng đắc các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới nhưng chuyển qua pháp khổ hạnh tuy vậy sao khi thành đạo Đức Phật vẫn dạy các đệ tử thực hành  thiền sắc giới và vô sác giới? - TT Tuệ Quyền

 Thảo luận 3. Tại sao hồi ức về trạng thái chứng nhập sơ thiền khi còn nhỏ trong lễ hạ điền lại là một gợi ý quan trọng cho Đức Bồ Tát? - TT Pháp Tân



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment