Monday, January 6, 2020

Bài học. Thứ Hai ngày 6 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  6/1/2020 
29. Ðại kinh Thí Dụ Lõi Cây
Mahasaropama-sutta & 30. Tiểu kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta)



393. Tại sao gọi Thí Dụ Lõi Cây (saropama sutta) ?
Cả hai bải kinh số 29 và 30 đều lấy thí dụ lõi cây là chủ đề. Bài kinh trước dài hơn nên gọi là đại kinh. Đây là trường hợp hai bài kinh có cùng nội dung nhưng đươc giảng trong hai duyên sự khác nhau. Đây là một đặc điểm của Tam Tạng Pàli trong tinh thần nguyên thủy là kết tập và gìn giữ những gì được Phật dạy chứ không phải là một sáng tác có gạn lọc và bố cục như những tác phẩm hậu tác.

394. Đại ý hai bài kinh là gì? 
Trong hai bài kinh nầy Đức Phật dạy có những phát sanh hay thành tựu trên đường tu tập mang tánh giai đoạn không nên lấy đó làm cứu cánh. Cung kính, cúng dường chỉ là những gì hoa lá cành chứ không phải là lõi cây của sa môn quả; thành tựu giới đức chỉ là vỏ ngoài của sa môn quả; thành tựu thiền định chỉ là vỏ trong của sa môn quả; thành tựu tri kiến chỉ là giác cây của sa môn quả;  bất thối giải thoát mới chính là lõi cây.
Bài kinh số 29 là pháp thoại hằng ngày Đức Phật giảng cho chư tỳ kheo Tăng. Bài kinh số 30 được Đức Phật giả cho Bà-la-môn Pingalakoccha (một nhân vật được đề cập một lần duy nhất ở bài kinh nầy trong Tam Tạng Pali) tại Sàvatthi khi vị nầy nêu những câu hỏi trong số các vị giáo chủ ngoại đạo đương thời ai là bậc thực tu, thực chứng.

395. Mục đích ban đầu với sơ phát tâm của một tu sĩ là gì?
Người xuất gia cần ý thức và nhớ rõ về sơ phát tâm: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được". Trong nghi thức thọ sa di thì lời tác bạch nầy được xác quyết rõ ràng khi thỉnh cầu được trao y ca sa.

396. Phải chăng sự tự mãn là một chướng ngại lớn đối với phần đông người tu tập?
Có lẽ đây là căn bệnh chung của tất cả chúng sanh. Có nỗ lực thì có tiến bộ, có thành tựu. Nhưng những gì thành tựu phần lớn chí là giai đoạn của hành trình - giống như ý nghĩa được đề cập trong kinh trạm xe – không nên lấy đó để tự mãn. Sự tự mãn khíến hành giả đứng lại, và sau đó, là thối thất.

397. Phải chăng qua hai bài kinh nầy Đức Phật dạy sự cung kính, cúng dường, giới đức, thiền định, tri kiến là những thứ tầm thường không đáng có?
Không nên quan niệm như vậy. Những thứ đó chỉ là giai đoạn trong hành trình không phải là điểm đến đích thực. Kinh Trạm Xe, Kinh Thánh Cầu là những pháp thoại chỉ rõ hành trình có những chặng đường phải đi qua. Chưa đạt đến cứu cánh thì không nên tự mãn.

398. Bất thối giải thoát trong bài kinh nầy chỉ cho điều gì?
Thuật ngữ asamayavimokkha trong bản Việt ngữ dịch là “phi thời giải thoát” có thể bị hiểu lầm là “giải thoát không đúng thời”. Theo Paṭisambhidāmagga (ii.40) từ vựng samayavimokkha là sự giải thoát nhất thời như các thiền chứng và asamayavimokkha là sự giải thoát vĩnh viễn không trở lui trạng thái cũ nên ở đây dịch là bất thối giải thoát chỉ cho sự đoạn tận kiết sử của đạo quả.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Nếu trong cuộc tu mà “đòi hỏi cao quá” có thể khiến nhiều người bỏ cuộc thay vì chấp nhận thành quả khiêm tốn? (có ít còn hơn không) - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Căn bệnh khen mình, chê người (tự tán hủy tha) có thể được giảm thiểu hay chữa trị bằng cách nào? - TT Tuệ  Quyền 


Thảo luận 3. Đối với nhiều người thì chánh tri kiến và sự giác ngộ đều là sự lãnh hội chân thực. Vậy hai điều đó khác biệt thế nào trong Phật học? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 4. Tự mãn và tri túc là hai pháp khác nhau thế nào? - ĐĐ Nguyên Thông


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment