Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 8/1/2020
32. Đại kinh Rừng Sừng Bò (Mahàgosinga sutta)
405. Tại sao gọi Đại kinh Rừng Sừng Bò (Mahàgosinga sutta)?
Cũng như bài kinh trước, kinh số 31, bài kinh nầy được đặt do liên hệ tới địa danh. Gosinga (Sừng Bò) là tên một công viên có nhiều cây sao hay cây sàla (gosiṅgasālavana).
Có hai khu vườn cùng tên một ở Nàdika, một ở Vesàli.
406. Đại ý Đại kinh Rừng Sừng Bò (Mahàgosinga sutta) là gì?
Trong một đêm rằmg trăng sáng tại rừng Gosinga có sự hiện diện đông đảo những đệ tử Phật trong đó có một số bậc thánh thinh văn ưu tú như Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Maha Kassapa (Ðại Ca-diếp), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa), Tôn giả Ananda (A-nan). Thoạt đầu Tôn giả Maha Moggallana rủ Tôn giả Maha Kassapa (Ðại Ca-diếp) đến chỗ Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) nghe pháp. Tiếp đến một những vị khác cũng cùng đi. Trong lần họp mặt đông đảo nầy Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) đã đưa ra một câu hỏi mang tánh cách suy nghĩ cá nhân: Khả ái thay khu rừng Gosinga! Ðêm rằm sáng trăng, cây Ta-la trổ hoa cùng khắp, hương trời như được tỏa rộng khắp nơi. hạng Tỷ-kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga?
Các bậc cao đệ của Đức Thế Tôn lần lượt bày tỏ ý nghĩ dựa trên sở trường, sở đắc bản thân. Sau đó câu chuyện được trình lên Đức Phật. Đấng Thiên Nhơn Sư khen tất cả câu trả lời và cũng có câu trả lời của riêng ngài.
407. Các tôn giả Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Maha Kassapa (Ðại Ca-diếp), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa), Tôn giả Ananda (A-nan)là những nhân vật thế nào?
Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) là một trong hai thượng thủ thinh văn được Đức Phật xác chứng là đệ nhất trí tuệ.
Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền-liên) là một trong hai thượng thủ thinh văn được Đức Phật xác chứng là đệ nhất trí thần thông.
Tôn giả Maha Kassapa (Ðại Ca-diếp) là đại đệ tử Phật được Đức Phật xác chứng là đệ nhất hạnh đầu đà.
Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà) là đại đệ tử Phật được Đức Phật xác chứng là đệ nhất thiên nhãn.
Tôn giả Revata (Ly-bà-đa) là đại đệ tử Phật được Đức Phật xác chứng là đệ nhất thiền định.
Tôn giả Ananda (A-nan) là đại đệ tử Phật được Đức Phật xác chứng là đệ nhất đa văn.
408. Chư vị cao đệ của Đức Phật đã có những câu trả lời thế nào?
Đây là câu trả lời từ Tôn giả Ananda: Tỷ-kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa cụ túc, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều và gìn giữ kỹ, được lập lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát; vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng với văn cú viên dung, lưu loát, với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Đây là câu trả lời từ Tôn giả Revata: Tỷ-kheo ưa thích đời sống tịnh cư, vui thú đời sống tịnh cư, nội tâm tu pháp, tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, luôn luôn lui tới các chỗ không tịch. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Đây là câu trả lời từ Tôn giả Anuruddha: Tỷ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, quán sát ngàn thế giới. Này Hiền giả Sariputta, ví như một người có mắt lên trên đỉnh một ngôi lầu tốt đẹp, quán sát một ngàn đường vòng xung quanh. Cũng vậy, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, quán sát ngàn thế giới. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Đây là câu trả lời từ Tôn giả Maha Kassapa: Tỷ-kheo, tự mình sống ở rừng núi và tán thán đời sống ở rừng núi, tự mình sống khất thực, và tán thán đời sống khất thực, tự mình mặc y phấn tảo và tán thán hạnh mặc y phấn tảo, tự mình sống với ba y và tán thán hạnh ba y, tự mình sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, tự mình sống biết đủ và tán thán hạnh biết đủ, tự mình sống độc cư và tán thán hạnh sống độc cư, tự mình sống không nhiễm thế tục và tán thán hạnh không nhiễm thế tục, tự mình tinh cần, tinh tấn và tán thán hạn tinh cần, tinh tấn, tự mình thành tựu giới hạnh và tán thán sự thành tựu giới hạnh, tự mình thành tựu Thiền định và tán thán sự thành tựu thiền định, tự mình thành tựu trí tuệ và tán thán sự thành tựu trí tuệ, tự mình thành tựu giải thoát và tán thán sự thành tựu giải thoát, tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và tán thán sự thành tựu giải thoát tri kiến. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Đây là câu trả lời từ Tôn giả Maha Moggallana: hai Tỷ-kheo đàm luận về Abhidhamma (A-tỳ-đàm). Các vị ấy hỏi nhau câu hỏi, và khi được hỏi, các vị trả lời được với nhau chớ không dừng lại vì không trả lời được, và cuộc đàm luận về pháp được tiếp tục. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Đây là câu trả lời từ Tôn giả Sariputta: Tỷ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỷ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy buổi trưa; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Hiền giả Moggallana, ví như một vị vua hay vị đại thần của vua có một tủ áo đựng đầy những áo có nhiều màu sắc khác nhau. Cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi sáng, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi sáng; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi trưa, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi trưa; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi chiều, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi chiều. Cũng vậy, này Hiền giả Moggallana, Tỷ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỷ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy vào buổi trưa; an trú quả nào vị Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Này Hiền giả Moggallana, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
409. Với tất cả câu trả lời đều khác biệt thì câu chuyện được kết thúc thế nào?
Tôn giả Sariputta đưa ra đề nghị:- Này chư Hiền, chúng ta đã trả lời theo sự giải thích của chúng ta. Chư Hiền, chúng ta hãy đi đến chỗ Thế Tôn ở và thuật lại vấn đề này cho Thế Tôn rõ. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.
410. Sau khi nghe thuật lại cuộc đàm đạo Đức Phật đã dạy thế nào?
Đức Phật lắng nghe từng câu trả lời của chư vị đệ tử từ tôn giả Sàriputta. Mỗi câu trả lời Ngài đều tán thán và cho thấy chư tôn giả đã trả lời một cách đúng đắn như sở trường và suy nghĩ của chính mình:
-- Lành thay, lành thay, Sariputta! Nếu trả lời cho được chơn chánh, Ananda phải trả lời như vậy. Này Sariputta, Ananda là bậc đa văn, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa cụ túc, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều và gìn giữ kỹ, được lập lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát. Vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng, với văn cú viên dung lưu loát, với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên.
-- Lành thay, lành thay, Sariputta! Nếu trả lời cho được chơn chánh, Revata phải trả lời như vậy. Này Sariputta, Revata ưa thích đời sống tịnh cư, vui thú đời sống tịnh cư, nội tâm tu tập tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, luôn luôn lui tới các chỗ không tịch.
-- Lành thay, lành thay, Sariputta! Nếu trả lời cho được chơn chánh, Anuruddha phải trả lời như vậy. Này Sariputta, chính Anuruddha với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên quán sát ngàn thế giới.
-- Lành thay Sariputta! Nếu trả lời cho được chân chánh, Kassapa phải trả lời như vậy. Này Sariputta, Kassapa tự mình sống ở rừng núi và tán thán đời sống ở rừng núi... tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và tán thán sự thành tựu giải thoát tri kiến.
-- Lành thay Sariputta! Nếu trả lời cho được chơn chánh, Moggallana phải trả lời như vậy. Này Sariputta, Moggallana là bậc thuyết về Vi Diệu Pháp.
-- Lành thay, lành thay, Moggallana! Nếu trả lời cho được chơn chánh, Sariputta phải trả lời như vậy. Này Moggallana, Sariputta điều phục được tâm, không phải Sariputta không điều phục được tâm. An trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy vào buổi trưa; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều.
Và đây là kết luận và câu trả lời của Đức Phật:
-- Này Sariputta, tất cả đều lần lượt khéo trả lời. Và này các Ông hãy nghe Ta nói hạng Tỷ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga? Ở đây, này Sariputta, Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: "Ta sẽ không bỏ ngồi kiết-già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ". Này Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
411. Có sự khác biệt gì giữa câu trả lời của Đức Phật với các vị đại đệ tử?
Cái bậc thánh thinh văn trả lời dựa trên sở trường, sở đắc, sở hành cá nhân. Bậc Đạo Sư đưa ra hình ảnh của một tỳ kheo trong giai đoạn tu tập sống với sự tinh cần nhiếp quán thân tâm.
412. Tại sao những câu trả lời đều khác biệt mặc dù tất cả đều là những vị sống với chánh pháp?
Không phải câu hỏi nào cũng cần một câu trả lời dứt khoát. Điểm thú vị ở đây là khi Đức Thế Tôn khen các câu trả lời Ngài dùng mệnh đề: “nói một cách chân chánh” có nghĩa là trãi lòng một cách chân thành từ sở chứng, sở trường, tánh hạnh cá nhân thì câu trả lời phải như vậy. Có thể tạm hiểu như trong thế giới của nghệ thuật một nghệ nhân khéo phô diễn tư tưởng của mình thì tác phẩm có giá trị nhưng không thể nói là có một bức tranh nào là đệ nhất. Đây là cái nhìn rộng và dung dị vượt khỏi tính cách cục bộ.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Ngày nay có một số người chỉ trích đời sống độc cư thiền định là nếp sống ích kỷ xa lánh chúng sanh. Từ Phật Pháp chúng ta nhìn điều nầy thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Thiên nhãn, như sở đắc của tôn giả Anuruddha, chỉ nhìn được thế giới đang hiện hữu hay có thể nhìn ra chiều kích của thời gian như quán xét về kiếp quá khứ? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment