Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 5/1/2020
28. Ðại kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi
(Mahàhatthipadopama sutta)
387. Tại sao gọi là Ðại kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi
(Mahàhatthipadopama sutta)?
Gọi là Đại kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta) vì lấy từ một thí dụ làm tiền đề cho pháp thoại. Bài kinh nầy có Đại kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi vì tương đối dài hơn so với bài kinh trước đây cũng lấy dấu chân voi làm thí dụ nhưng ngắn hơn mang tên Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi.
388. Đại ý Ðại kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi
(Mahàhatthipadopama sutta) là gì?
Trong một pháp thoại thường xuyên cho tỳ kheo ở chùa Kỳ Viên, Savatthi, Tôn giả Sàriputta mở đầu với ví dụ như dấu chân voi lớn hơn những dấu chân khác của các con vật trong rừng thì giáo lý tứ diệu đế cũng bao trùm những giáo nghĩa khác trong Phật Pháp. Điểm đặc biệt của bài pháp nầy là Tôn giả Sàriputta thay vì giảng rộng ý nghĩa của Tứ Đế thì Ngài hướng chư Tăng vào sự tu tập cụ thể dựa trên quán niệm về năm thủ uẩn, bốn đại chủng, và hiện tượng duyên khởi.
389. Tại sao giáo lý tứ đế được ví dụ với dấu chân voi?
Tứ diệu đế - hay bốn sự thật vi diệu – là:
Sự thật về khổ đau hay nhu cầu cấp thiết cần giải quyết của đời sống.
Sự thật về nhân sanh khổ chính là khát ái hay sự khao khát không bao giờ thoả mãn.
Sự thật về diệt khổ chính là niết bàn tịch tịnh chấm dứt mọi khát ái.
Sự thật về con đường đưa đến diệt khổ là hành trình tu tập với thánh đạo tám chi phần.
Tất cả lời Phật dạy đều nằm trong hai trọng điểm là dạy về sự khổ và sự diệt khổ do vậy những gì được Đức Thế Tôn truyền dạy từ bài pháp đầu tiên cho đến giây phút trước giờ viên tịch đều nằm trong tứ đế.
390. Những gì Tôn giả Sàriputta đề cập đến mới nghe không phải là tứ diệu đế nhưng lại nằm trong tứ diệu đế?
Với sự dẫn nhập ngắn gọn, Tôn giả Sàriputta đi tổng quan giáo lý đến chi tiết về cách quán sát tứ đại:
-- Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loại động vật đều thâu nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này được xem là lớn nhất trong tất cả dấu chân về phương diện to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các Thiện pháp đều tập trung trong Bốn Thánh đế. Thế nào là trong Bốn Thánh đế? Trong Khổ Thánh đế, trong Khổ tập Thánh đế, trong Khổ diệt Thánh đế, trong Khổ diệt đạo Thánh đế.
Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, điều gì cầu không được là khổ, tóm lại Năm thủ uẩn là khổ.
Chư Hiền, thế nào là Năm thủ uẩn? Chính là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
Chư Hiền, thế nào là sắc thủ uẩn? Bốn đại và sắc khởi lên từ bốn đại. Chư Hiền, thế nào là bốn đại? Chính là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới.
391. Bốn đại chủng có vị trí thế nào trong Phật học? Bốn đại chủng ở đây được quán chiếu thế nào?
Bốn đại chủng là bốn nguyên tố của vật chất theo Phật học (và cũng được phổ cập trong văn hoá Ấn). Tứ đại trong Tam Tạng được đề cập với nhiều phạm trù từ bản thể cho đến thường thức. Trong bài kinh nầy tứ đại được định nghĩa theo pháp hành cho những hành giả tu tập quán chiếu.
Địa giới được định nghĩa ở đây là: Cái gì thô phù, kiên cứng. Đối với nội thân thì những gì thuộc địa giới có thể kể là: óc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân.. Đối với ngoại thân có thể kể là: đất, đá, cây cỏ, núi non…
Thủy giới được định nghĩa ở đây là: Cái gì thuộc nước, thuộc chất lỏng. Đối với nội thân có thể kể là: mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu.. Đối với ngoại thân có thể kể là nước của sông, hồ, biển cả…
Hoả giới giới được định nghĩa ở đây là: Cái gì thuộc lửa, thuộc chất nóng. Đối với nội thân có thể kể là: chất nóng giúp tiêu hóa, chất ấm của cơ thể. Đối với ngoại thân có thể kể là lửa nấu nướng, lửa cháy rừng…
Phong giới được định nghĩa ở đây là: Cái gì thuộc gió, thuộc động tánh. Đối với nội thân được kể là: hơn thở, khí vận hành… Đối với ngoại thân có thể kể là gió, giông bão, áp suất thời tiết…
392. Quán sát tứ đại ở đây được thực hành thế nào?
Một hiện tượng rất thường xảy ra trong cuộc sống là phải đối diện với những sự trạng bất bình, chướng nghịch, bất như ý. Đây là hoàn cảnh mà mà người tu tập có thể trắc nghiệm và tôi luyện khả năng giữ tâm an tịnh. Bốn phương cách sau đây được hướng dẫn trong bài kinh:
QUÁN TƯỞNG VÔ THƯỜNG
Người tu tập suy xét về sự đổi thay khổ vui, vui khổ do tác động của xúc, thọ, tưởng … vốn đương nhiên trong cuộc sống:
“Chư Hiền, nếu có những người khác mắng nhiếc, chỉ trích, chọc tức, nhiễu não Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ như sau: "Khổ thọ khởi lên nơi tôi này thuộc tai xúc chạm; thọ này do nhân duyên, không phải không do nhân duyên. Do nhân duyên gì? Do nhân duyên xúc vậy". Vị ấy thấy xúc là vô thường; vị ấy thấy thọ là vô thường; vị ấy thấy tưởng là vô thường; vị ấy thấy hành là vô thường; vị ấy thấy thức là vô thường; tâm của vị này hoan hỷ, thích thú, tịnh chỉ, quyết định, tùy thuộc giới đối tượng.”
NGHĨ TƯỞNG ĐẾN TAM BẢO
Người tu tập nhớ nghĩ về Bậc Đạo Sư, lời dạy chí thiết của Ngài, và những đệ tử Phật đã cương quyết hành trì lời Phật dạy:
“Chư Hiền, nếu những người khác xử sự với Tỷ-kheo, không có hoàn hảo, không có tốt đẹp, không có khả ái, hoặc dùng tay xúc chạm, hoặc dùng đá xúc chạm, hoặc dùng gậy xúc chạm, hoặc dùng gươm xúc chạm, vị ấy biết như sau: "Sự thể của thân này là như vậy nên tay có thể xúc chạm, đá có thể xúc chạm, gậy có thể xúc chạm, gươm có thể xúc chạm". Thế Tôn đã dạy như sau trong ví dụ cái cưa: "Chư Tỷ-kheo, nếu có kẻ trộm cướp hạ tiện lấy cái cưa hai lưỡi cắt từng phần tay và chân, nếu ai ở đây sanh ý phẫn nộ thì người ấy không làm đúng lời Ta dạy". Ta sẽ tinh cần, tinh tấn, không giải đãi, niệm được an trú, không có loạn niệm, thân thể được khinh an, không dao động, tâm được định tĩnh nhất tâm. Nay mặc cho tay xúc chạm thân này, mặc cho đá xúc chạm, mặc cho gậy xúc chạm, mặc cho gươm xúc chạm thân này. Lời dạy chư Phật cần phải được thực hành".
Chư Hiền, Tỷ-kheo ấy, niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú. Do vậy, vị ấy bị dao động, bị dao động mạnh: "Thật bất hạnh cho ta, thật không may cho ta, thật rủi ro cho ta, thật không tốt đẹp cho ta. Dầu ta có niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú". Chư Hiền, ví như một người dâu, khi thấy ông nhạc, bị dao động, bị dao động mạnh. Cũng vậy, chư Hiền, nếu Tỷ-kheo ấy niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú. Do vậy, vị ấy bị dao động, bị dao động mạnh: "Thật bất hạnh cho ta, thật không may cho ta, thật rủi ro cho ta, thật không tốt đẹp cho ta. Dầu ta có niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, nhưng xả tương ưng với thiện không được an trú". Chư Hiền, nếu Tỷ- Kheo ấy niệm Phật như vậy, niệm Pháp như vậy, niệm Tăng như vậy, và xả tương ưng với thiện được an trú. Do vậy, Tỷ-kheo ấy được hoan hỷ. Chư Hiền, cho đến mức độ này, Tỷ-kheo đã làm thật nhiều.”
QUÁN TƯỞNG LÝ VÔ NGÃ QUA GIẢ HỢP CỦA CĂN, CẢNH VÀ THỨC
Chư Hiền, như một khoảng trống được bao vây bởi cây gậy, bởi dây leo, bởi cỏ, bởi bùn, được biết là một nhà ở. Cũng vậy, Chư Hiền, một khoảng trống được bao vây bởi xương, bởi dây gân, bởi thịt, bởi da, được biết là một sắc pháp.
Chư Hiền, nếu nội mắt không bị hư hại, nhưng ngoại sắc không vào trong tầm mắt, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, nếu nội mắt không bị hư hại, ngoại sắc vào trong tầm mắt, nhưng không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, chỉ khi nào nội mắt không bị hư hại, ngoại sắc vào trong tầm mắt, có sự quy tục xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp có hiện khởi.
Bất cứ sắc pháp gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong sắc thủ uẩn; bất cứ cảm thọ gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thọ thủ uẩn; bất cứ tưởng gì được hiện khởi như vậy đều được quy tụ trong tưởng thủ uẩn; bất cứ hành gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong hành thủ uẩn; bất cứ thức gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thức thủ uẩn. Vị ấy tuệ tri như sau: "Như vậy, như người ta nói, có sự quy tụ, sự tập hợp, sự hòa hợp của năm thủ uẩn này. Thế Tôn đã nói như sau: "Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi". Những pháp này do duyên khởi lên chính là năm thủ uẩn. Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức là khổ tập; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là sự khổ diệt". Cho đến mức độ này, Chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Chư Hiền, nếu nội tai không bị hư hại, nhưng ngoại thanh không vào trong tầm tai, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. ... Cho đến mức độ này, Chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Chư Hiền, nếu nội lỗ mũi không bị hư hại, nhưng ngoại hương không vào trong tầm mũi, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. ... Cho đến mức độ này, Chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Chư Hiền, nếu nội lưỡi không bị hư hại, nhưng ngoại vị không vào trong tầm lưỡi, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. ... Cho đến mức độ này, Chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Chư Hiền, nếu nội thân không bị hư hại, nhưng ngoại xúc không vào trong tầm của thân, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. ... Cho đến mức độ này, Chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
Chư Hiền, nếu nội ý căn không bị hư hại, ngoại pháp vào trong tầm của ý căn, nhưng không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, chỉ khi nào nội ý căn không bị hư hại, ngoại pháp vào trong tầm của ý căn, có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp có hiện khởi.
QUÁN CHIẾU TẤT CẢ CHỈ LÀ HIỆN TƯỢNG CỦA THỦ UẨN TỪ ĐÓ SỐNG VỚI GIÁO LÝ DUYÊN SINH.
Đây là cách nhìn “chuyện nào ra chuyện đó” để tâm không đi quá xa trong sự thêm thắt, khuếch tán những sự việc xẩy ra bằng cách nhận thức cuộc sống là sự tồn tại của năm uẩn và sắc uẩn chỉ sắc uẩn, thọ uẩn chỉ là thọ uẩn …
Bất cứ sắc gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong sắc thủ uẩn; bất cứ cảm thọ gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thọ thủ uẩn; bất cứ tưởng gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong tưởng thủ uẩn; bất cứ hành gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong hành thủ uẩn; bất cứ thức gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thức thủ uẩn. Vị ấy tuệ tri như sau: "Như vậy, như người ta nói, có sự quy tụ, sự tập họp, sự hòa hợp của năm thủ uẩn này. Thế Tôn đã nói như sau: "Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi". Những pháp này do duyên khởi lên chính là năm thủ uẩn. Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức là khổ tập; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là sự khổ diệt". Cho đến mức độ này, chư Hiền, Tỷ-kheo đã làm rất nhiều.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1: TT Giác Đẳng đúc kết phần trắc nghiệm
Thảo luận 1: TT Giác Đẳng đúc kết phần trắc nghiệm
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Khi nghịch cảnh xẩy ra, người tu tập quán chiếu vô thường thấy rằng sự xáo trộn, thay đổi vốn dĩ tự nhiên. Cái nhìn đó giúp giảm thiểu phản ứng phiền não. Lý do nào sau đây khiến sự quán chiếu vô thường có tác dụng an tịnh tâm ý trước nghịch cảnh?
A. Vì sự quán chiếu đó giúp hành giả nhìn sự việc từ góc cạnh khác (thay vì trách móc, oán hận hay than thở) /
B. Chấp nhận sự vô thường là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống /
C. Nhận được hệ quả của tác động dây chuyền của xúc,
D. Cả ba câu trên đều đúng !
TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 1: D
Trắc nghiệm 2. Sự phân tích và nhận rõ năm thủ uẩn giúp hành giả điều nào sau đây?
A. Không để sự việc lây lan khiến cho tình trạng tệ hơn (thí dụ gặp chuyện không vui tạo nên mặc cảm là mình xui xẻo so với người khác) /
B. Hiểu được phương cách trị liệu bằng cách “chia ngăn” của cuộc sống (Chuyện nào ra chuyện đó. Thí dụ: ký ức là ký ức không nên để quá khứ ám ảnh hiện tại) /
C. Thấy được đời sống là sự đấp đổi của dòng sanh diệt (hết vui tới khổ, hết khổ rồi vui. Không thể luôn đứng yên một trạng thái) /
D. Ba câu A, B, C đều đúng.
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 2:D
Trắc nghiệm 3. Nghĩ tưởng đến Tam Bảo (Đức Phật dạy những đứa con của Ngài nên học hạnh kham nhẫn, giáo pháp là con đường thanh tịnh nội tâm, chư tăng là những đệ tử kiên trì hành theo lời Phật dạy) cho hành giả điều nào sau đây?
A. Năng lực phù hộ tai qua nạn khỏi /
B. Nghị lực chịu đựng đối với nghịch cảnh /
C. Uy lực khiến kẻ thù khiếp sợ /
D. Được quới nhân phù hộ
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3: B
Trắc nghiệm 3. Nghĩ tưởng đến Tam Bảo (Đức Phật dạy những đứa con của Ngài nên học hạnh kham nhẫn, giáo pháp là con đường thanh tịnh nội tâm, chư tăng là những đệ tử kiên trì hành theo lời Phật dạy) cho hành giả điều nào sau đây?
A. Năng lực phù hộ tai qua nạn khỏi /
B. Nghị lực chịu đựng đối với nghịch cảnh /
C. Uy lực khiến kẻ thù khiếp sợ /
D. Được quới nhân phù hộ
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3: B
No comments:
Post a Comment