Wednesday, January 29, 2020

Bài học. Thứ Tư, ngày 29 tháng 1, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  29/1/2020 
44. Tiểu kinh Phương Quảng 

(Cùlavedalla sutta) (Tiếp theo)

520. Trạng thái diệt thọ tưởng định được mô tả thế nào?

Những vấn đáp sau đây tương đối là một mô tả khúc chiết về diệt thọ tưởng định:
-- Thưa Ni sư, như thế nào là chứng nhập Diệt thọ tưởng định?
-- Hiền giả Visakha, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, vị ấy không nghĩ rằng: "Tôi sẽ chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định" hay "Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định". Vì rằng, tâm của vị này trước đã được tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.
Theo A Tỳ Đàm và Sớ giải thì diệt thọ tưởng định là trình độ thiền cao nhất chỉ có thể nhập được bởi vị thánh tam quả (A na hàm) hay tứ quả (A la hán) với sự thuần thục cả tám tầng thiền sắc giới và vô sắc giới. Sau khi nhập xuất mỗi tầng thiền vị ấy chú tâm vào không tánh bằng sự quán chiếu về chân tướng vô thường, trống rỗng, vô ngã. Ngay sau đó vị ấy tác ý không khởi sanh tâm trong một thời gian nhất định rồi nhập vào thiền phi tưởng phi phi tưởng trong khoảnh khắc ngắn sau đó toàn bộ bốn danh uẩn ngưng sanh diệt. Chính do sanh khởi theo trình tự mà không có ý tưởng về một chủ thể (chỉ có thể nhập chứ không có người thể nhập) nên ni sư Dhammadinnà mô tả là: , vị ấy không nghĩ rằng: "Tôi sẽ chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định" hay "Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định". Vì rằng, tâm của vị này trước đã được tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy. Như trường hợp một nghệ nhân làm nên một tuyệt tác trong lúc ấy chỉ nghĩ đến nghệ thuật mà không bận tâm sự khen chê, thành bại..


-- Thưa Ni sư, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, những pháp gì diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay tâm hành?
-- Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, khẩu hành diệt trước, rồi đến thân hành, rồi đến tâm hành.

Khẩu hành (tầm, tứ) diệt ở nhị thiền (hay tam thiền theo A Tỳ Đàm); thân hành (hơi thở) không còn ở trạng thái tứ thiền (hay ngũ thiền theo A Tỳ Đàm); tâm hành (tho, tưởng) ngưng ở diệt thọ tưởng định.

-- Thưa Ni sư, làm thế nào xuất khởi Diệt thọ tưởng định?
-- Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, không có nghĩ rằng: “Tôi sẽ xuất khởi Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đang xuất khởi Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đã xuất khởi Diệt thọ tưởng định”. Vì rằng tâm của vị này trước đã tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.

-- Thưa Ni sư, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, những pháp nào khởi lên trước, thân hành, hay khẩu hành hay tâm hành?
-- Hiền giả Visakha, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm hành khởi lên trước nhất, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành.
-- Thưa Ni sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, vị ấy cảm giác những xúc nào?
-- Hiền giả Visakha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, vị ấy cảm giác ba loại xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.

Theo Sớ giải thì trạng thái tâm đầu tiên sanh khởi sau khi xuất khỏi diệt thọ tưởng định là tâm quả siêu thế: tâm tam quả trong trường hợp vị thánh A na hàm và tâm tứ quả trong trường hợp vị thánh A la hán. Cảnh của tâm quả là Niết Bàn. Ba trạng thái Không, Vô Tướng, Vô Nguyện đều là nói về Niết Bàn.
-- Thưa Ni sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về gì, hướng về gì, khuynh hướng về gì?
-- Hiền giả Visakha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về độc cư, hướng về độc cư, khuynh hướng về độc cư.
Chữ viveka ở đây chuyển ngữ trong bản dịch là độc cư có thể hiểu lầm muốn sống một mình kỳ thật ở đây mang ý nghĩa tịch tịnh đối với các hành, một cách nói khác chỉ cho niết bàn

521. Cảm thọ được đề cập ở đây như thế nào?

Câu hỏi của thiện nam Visàkha mới nghe như “lạ tai”: đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Nhưng kỳ thật là một câu hỏi đào sâu về cảm thọ: Dù khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ đều có mặt tích cực, mặt tiêu cực; có cái được cái không được. Như một người lớn lên trong gia đình nghèo khó có cái khổ là thiếu thốn nhưng cũng có cái hay là chịu khó phấn đấu. Chính cái nhìn nầy tạo nên sự khác biệt giữa người có tu và không tu đối với các cảm thọ.

-- Thưa Ni sư, có bao nhiêu thọ?
-- Hiền giả Visakha, có ba thọ này, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
-- Thưa Ni sư, thế nào là lạc thọ, thế nào là khổ thọ, thế nào là bất khổ bất lạc thọ?
-- Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm, một cách khoái lạc, khoái cảm, như vậy là lạc thọ. Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm, một cách đau khổ, không khoái cảm, như vậy là khổ thọ. Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm không khoái cảm, không khoái cảm như vậy là bất khổ bất lạc thọ.
-- Thưa Ni sư, đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?
-- Hiền giả Visakha, đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là khổ. Ðối với khổ thọ, cái gì trú là khổ, cái gì biến hoại là lạc. Ðối với bất khổ bất lạc thọ, có trí là lạc, vô trí là khổ.
Đối với lạc thọ thì sự đổi thay là khổ trong khi đối với khổ thọ thì đổi thay là hạnh phúc. Cảm thọ bất thọ bất lạc thường tạo nên tâm muội lược (vô trí)

522. Cảm thọ liên hệ tới phiền não thế nào?

Chữ tùy miên ở đây có nghĩa là khả năng khiến sanh khởi. Đối với hành giả tu tập thì lạc thọ có thể tạo nên tham tuỳ miên, khổ thọ có thể tạo nên sân tùy miên, bất khổ bất lạc thọ có thể tạo nên vô minh tuỳ miên. Gọi là có thể có nghĩa là không nhất thiết luôn là vậy.
-- Thưa Ni sư, trong lạc thọ, có tùy miên gì tồn tại; trong khổ thọ, có tùy miên gì tồn tại; trong bất khổ bất lạc thọ, có tùy miên gì tồn tại?
-- Hiền giả Visakha, trong lạc thọ, tham tùy miên tồn tại; trong khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại.
-- Thưa Ni sư, có phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên tồn tại; trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại?
-- Hiền giả Visakha, không phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên tồn tại; không phải trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; không phải trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại.
-- Thưa Ni sư, trong lạc thọ, cái gì phải từ bỏ. Trong khổ thọ, cái gì phải từ bỏ. Trong bất khổ bất lạc thọ, cái gì phải từ bỏ?
-- Hiền giả Visakha, trong lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ. Trong khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ. Trong bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ.
-- Thưa Ni sư, có phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ. Trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ. Trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ?
-- Hiền giả Visakha, không phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ; trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ.

Tham, sân và si đối với các cảm thọ được trừ diệt bởi hành giả tu thiền ở đây được mô tả khác với cách nói thông thường vì y cứ trên pháp hành chỉ, quán.  Tham được diệt bởi sự chứng đạt sơ thiền một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Sân được trừ diệt bởi hướng tâm đến sự giải thoát hoàn toàn giống như một người làm công bị la rầy nặng nề nhưng giữ được sự điềm đạm thanh thản với ý nghĩ chỉ cần kiên nhẫn khi có đủ tiền sẽ không còn bị cảnh nầy nữa. (chữ tadàyatana - xứ ấy- theo sớ giải chỉ cho quả vị viên giác A la hán). Vô minh được đoạn ở tứ thiền với “xả niệm thanh tịnh” không còn lạc thọ. Sớ giải cũng nói thêm là trạng thái xã niệm thanh tịnh được dùng làm đối tượng quán chiếu để ly tham, xả ly, giải thoát để thành tựu quả vị A la hán (chứ không có nghĩa là chỉ có chứng đạt tứ thiền là đoạn tận vô minh)

 Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ. Do vậy tham đã được từ bỏ, không còn tham tùy miên tồn tại ở đây.
Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo suy tư như sau: "Chắc chắn ta sẽ chứng và an trú trong trú xứ mà nay các vị Thánh đang an trú". Vì muốn phát nguyện hướng đến các cảnh giải thoát vô thượng, do ước nguyện ấy, khởi lên ưu tư. Do vậy, sân được từ bỏ, không còn sân tùy miên tồn tại ở đây.
Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Do vậy vô minh đã được từ bỏ, không còn vô minh tùy miên tồn tại ở đây.

523. Đối đãi và bất nhị được nói tới thế nào?
Tất cả nhận thức các pháp hữu vi đều mang tánh đối đãi (paṭibhāga) thí dụ hiểu được vui là do thấy được khổ, thấy bất thiện nên hiểu cái thiện. Niết bàn vượt ngoài đối đãi nên được gọi là bất nhị nên không thể hiểu bằng cách dựa trên tương phản.  Đây là điểm rất tế nhị trong Phật pháp khi nói về Niết Bàn.
-- Thưa Ni sư, lạc thọ lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, lạc thọ lấy khổ thọ làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, khổ thọ lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, khổ thọ lấy lạc thọ làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, bất khổ bất lạc thọ lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, bất khổ bất lạc thọ lấy vô minh làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, vô minh lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, vô minh lấy minh làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, minh lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, minh lấy giải thoát làm tương đương.
-- Thưa Ni sư, giải thoát lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, giải thoát lấy Niết-bàn làm tương đương?
-- Thưa Ni sư, Niết-bàn lấy gì làm tương đương?
-- Hiền giả Visakha, câu hỏi đi quá xa, vượt ra ngoài giới hạn câu trả lời. Hiền giả Visakha, phạm hạnh là để thể nhập vào Niết-bàn, để vượt qua đến Niết-bàn, để đạt cứu cánh Niết-bàn. Hiền giả Visakha, nếu Hiền giả muốn, hãy đến chỗ Thế Tôn ở, và hỏi ý nghĩa này. Và Thế Tôn trả lời cho Hiền giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

524. Cuộc vấn đáp về giáo pháp được thuật lại cho Đức Phật nghe. Bậc Đạo Sư có thái độ thế nào?
Đức Phật xác nhận hai điểm: Thánh ni Dhammadinnà là bậc đại tuệ và những gì đã trả lời hoàn toàn chính xác, nếu hỏi Đức Phật thì Ngài cũng trả lời không khác. Đây là lời khen cao nhất của Bậc Đại Giác đối với một thanh văn thánh đệ tử.

Rồi nam cư sĩ Visakha hoan hỷ, tín thọ lời Tỷ-kheo-ni Dhammadinna giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo ni Dhammadinna, thân bên phải hướng về phía Tỷ-kheo-ni rồi từ biệt, đi đến chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, nam cư sĩ Visakha thuật lại cho Thế Tôn tất cả câu chuyện đàm đạo với Tỷ-kheo-ni Dhammadinna. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với nam cư sĩ Visakha:
-- Này Visakha, Tỷ-kheo-ni Dhammadinna là bậc Hiền trí! Này Visakha, Tỷ-kheo-ni Dhammadinna là bậc Ðại tuệ. Này Visakha, nếu Ông hỏi Ta ý nghĩa ấy, Ta cũng trả lời như Tỷ-kheo-ni Dhammadinna đã trả lời. Ông đối với nghĩa này, hãy như vậy thọ trì. 



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Xin chia sẻ vài cảm nhận về nội dung bài học hôm nay - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2.  Xin chia sẻ cảm nhận về hình ảnh hai người một nam, một nữ trước kia là vợ chồng bây giờ là một bậc xuất gia, một cư sĩ; một vấn một đáp; cả hai đều là bậc thánh đàm luận về trạng thái nhập thiền cao nhất? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 3. Xin chia sẻ cảm nhận về câu hỏi: "đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?" và câu trả lời "đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là khổ. Ðối với khổ thọ, cái gì trú là khổ, cái gì biến hoại là lạc. Ðối với bất khổ bất lạc thọ, có trí là lạc, vô trí là khổ." - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Xin chia sẻ cảm nhận về câu hỏi: “Niết-bàn lấy gì làm pháp đối đãi” và câu trả lời: “câu hỏi đi quá xa, vượt ra ngoài giới hạn câu trả lời”. - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment