Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 27/1/2020
44. Tiểu kinh Phương Quảng
(Cùlavedalla
sutta)
512. Tại sao gọi Tiểu kinh
Phương Quảng (Cùlavedalla sutta)?
Cũng như bài kinh trước Phương Quảng (Vedalla) ở đây chỉ cho
sự trình bày giáo nghĩa qua hình thức vấn đáp. Kinh nầy ngắn hơn bài kinh trước
nên gọi là tiểu kinh.
513. Đại ý Tiểu kinh Phương Quảng (Cùlavedalla sutta)là gì?
Ni sư Dhammadinnā là một bậc thánh
ni được Đức Thế Tôn tuyên bố là đệ nhất về thuyết pháp trong số các đại đệ tử bên
Ni giới. Nam cư sĩ Visākha là một phú thương có tiếng tại Vương Xá. Là chồng cũ
của Ni sư Dhammadinnā khi chưa xuất gia. Vị nam cư sĩ nầy cũng là một bậc thánh
a na hàm.
515. Cuộc đàm luận mở đầu với câu hỏi về nhận thức tự thân
được hỏi đáp thế nào?
Tự thân, hay sự hiện hữu của mỗi chúng sanh, là sự cấu thành
của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Năm uẩn tập khởi từ ái (dục ái, hữu ái
và phi hữu ái). Chấm dứt khát ái là tên gọi của Niết bàn. Bát thánh đạo là hành
trình dẫn đến giải thoát:
-- Thưa Ni sư, tự thân, tự thân, (Sakkaya), được gọi là như
vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, Thế Tôn gọi năm thủ uẩn là tự thân, tức
là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. Hiền
giả Visakha, năm thủ uẩn này, Thế Tôn gọi là tự thân.
-- Lành thay, thưa Ni sư.
Nam cư sĩ Visakha hoan hỷ, tín thọ lời Tỷ-kheo-ni
Dhammadinna nói, rồi hỏi Tỷ-kheo-ni Dhammadinna thêm một câu hỏi nữa:
-- Tự thân tập khởi, tự thân tập khởi, thưa Ni sư, được gọi
là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân tập khởi (Sakkaya samudaya) là như
thế nào?
-- Hiền giả Visakha, khát ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với
hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu
ái. Hiền giả Visakha, khát ái này, Thế Tôn gọi là tự thân tập khởi.
-- Tự thân diệt, tự thân diệt, thưa Ni sư, được gọi là như vậy.
Thế Tôn gọi tự thân diệt là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt, không tham đắm, không có
dư tàn của khát ái ấy, sự xả ly, sự vất bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp. Hiền giả
Visakha, sự đoạn diệt này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt.
-- Thưa Ni sư, tự thân diệt đạo, tự thân diệt đạo, được gọi
là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân diệt đạo là như thế nào?
-- Hiền giả Visakha, Con đường Thánh tám ngành này, Thế Tôn
gọi là tự thân diệt đạo, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
-- Thưa Ni sư, thủ này tức là năm thủ uẩn kia hay thủ này
khác với năm thủ uẩn?
-- Không phải, Hiền giả Visakha. Thủ này tức là năm thủ uẩn
kia, thủ này không khác với năm thủ uẩn kia, Hiền giả Visakha, phàm có dục tham
đối với năm thủ uẩn, tức là (chấp) thủ đối với chúng ở đây vậy.
516. Nhận thức sai lạc về tự thân, hay thân kiến, được đề
cập thế nào?
Thân kiến không đơn thuần là một quan niệm mang tánh lý luận
suông mà đó là sự chấp thú sai lầm tạo nên bao hệ lụy. Đo là một kiết sử sợi dây trói buộc. Ngay cả một người hiểu được
Phật Pháp nhưng chưa chứng thánh quả vẫn chấp thủ thân kiến. Đó là một kiếp chấp
vốn sâu đậm trong tâm khảm của mỗi chúng sanh:
-- Thưa Ni sư, thế nào là thân kiến?
-- Ở đây, Hiền giả Visakha, kẻ vô văn phàm phu không đến yết
kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các
bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc
Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc là tự ngã hay xem tự
ngã là có sắc, hay xem sắc là trong tự ngã hay xem tự ngã là trong sắc; xem thọ
là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự
ngã là trong thọ; xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng, hay xem tưởng
là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng; xem hành là tự ngã, xem tự ngã
là có hành, hay xem hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành; xem thức
là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay xem thức là trong tự ngã, hay xem tự
ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là thân kiến.
-- Thưa Ni sư, thế nào là không phải thân kiến?
-- Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Ða văn Thánh đệ tử đến yết kiến
các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết
kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc
Chân nhân, không xem sắc là tự ngã, không xem tự ngã là có sắc, không xem sắc
là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong sắc; không xem thọ là tự ngã, không
xem tự ngã là có thọ, không xem thọ là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong
thọ; không xem tưởng là tự ngã, không xem tự ngã là có tưởng, không xem tưởng
là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong tưởng; không xem các hành là tự ngã,
không xem tự ngã là có các hành, không xem các hành là trong tự ngã, không xem
tự ngã là trong các hành; không xem thức là tự ngã, không xem tự ngã là có thức,
không xem thức là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền
giả Visakha, là không có thân kiến.
Sớ giải chú thích về
4 thân kiến đối với 5 uẩn bằng thí dụ:
chấp thủ các uẩn là bản ngã như nói ánh sáng chính là ngọn đèn;
chấp thủ bản ngã chính là các uẩn như thấy cái cây chính là bóng cây; chấp thủ các uẩn trong bản ngã như chấp mùi hương là
hoa; chấp có bản ngã trong các uẩn như là viên ngọc trong hộp đựng châu báu.
[còn tiếp]
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Thân kiến liên hệ thế nào với khổ đau? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Tu tập thế nào để giảm thiểu ngã chấp? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment