Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 29/3/2020
87. Kinh Ái sanh (Piyajàtika
sutta)
Ái sanh – piyajàtika – nghĩa là sanh khởi từ sự thân thương. Bài
kinh bắt đầu từ một gia chủ đau khổ vì mất con. Người nầy tìm đến Đức Phật. Đức
Phật dạy rõ ái luyến sanh sầu muộn. Người đó không hài lòng đem câu chuyện kể lại
cho những người chơi bài bạc. Những người ấy lại đồng tình với người gia chủ. Và
từ đó câu chuyện được truyền xa cuối cùng đến tai vua Pasenadi. Lúc đó nhà vua,
chưa quy y Tam Bảo, tỏ ý nghi ngờ về lời Phật dạy. Hoàng phi Mallika đã tìm cách
giải thích cho nhà vua hiểu được Phật pháp.
929. Một người khổ nhưng không thấy được nhân sanh khổ
Lúc bấy giờ con một của một gia chủ, khả ái, đáng thương, bị mệnh
chung. Sau khi nó chết, người cha không còn muốn làm việc, không còn muốn ăn
uống, luôn luôn đi đến nghĩa địa, người ấy than khóc: "Con ở đâu, đứa con
một của ta? Con ở đâu, đứa con một của ta?" Rồi người gia chủ ấy, đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với
người gia chủ đang ngồi một bên:
-- Này Gia chủ, có phải Ông có các căn để an trú tự tâm ông, có
phải các căn của Ông đổi khác? (Câu nầy nên dịch là “nầy gia chủ các căn của
ông không được thuận theo tâm ý. Thần sắc
xáo trộn”)
-- Bạch Thế Tôn, sao các căn của con có thể không đổi khác được?
Bạch Thế Tôn, đứa con một khả ái, đáng thương của con đã mệnh chung. Sau khi nó
chết, con không còn muốn làm việc, con không còn muốn ăn uống, con luôn luôn đi
đến nghĩa địa và than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta? Con ở đâu, đứa
con một của ta?"
-- Sự thật là như vậy, này Gia chủ, vì rằng, này Gia chủ, sầu, bi,
khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
Cho dù đang đau khổ nhưng người gia chủ vẫn không đồng ý với lời
Phật dạy:
-- Nhưng đối với ai, bạch Thế Tôn, sự tình sẽ như vậy: "Sầu,
bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái?" Vì rằng, bạch Thế
Tôn, hỷ lạc (anandasomanassa) do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
Rồi người gia chủ, không hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, chống báng lại,
từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Rồi người ấy đem câu chuyện kể lại cho những người đang chơi ở chỗ
đánh bạc. Vài người ở đó khi nghe câu chuyên đã nói:
-- Sự thật là như vậy, này Gia Chủ! Sự thật là như vậy, này Gia
chủ! Này Gia chủ, hỷ lạc do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái.
Rồi người gia chủ suy nghĩ: "Có sự đồng ý giữa ta và những
người đánh bạc", rồi bỏ đi.
930. Từ câu chuyện trong dân gian lại tạo nên giai thoại chốn cung
đình
Câu chuyện lan dần đến tai vị vua của quốc độ. Vị vua bàn chuyện
nầy với hoàng hậu:
Và cuộc đối thoại ấy dần dần được truyền đi và truyền đến trong
nội cung. Rồi vua Pasenadi xứ Kosala cho gọi hoàng hậu Mallika:
-- Này Mallika, đây là lời Sa-môn Gotama nói với các người ấy:
"Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".
-- Tâu Ðại vương, nếu Thế Tôn đã dạy như vậy, thì sự việc là như
vậy.
-- Ðiều gì Sa-môn Gotama nói, Mallika này cũng nói theo. Vì
Mallika quá hoan hỷ với Sa-môn Gotama. Vì vị Ðạo sư nói gì cho đệ tử, và đệ tử
quá hoan hỷ với vị Ðạo sư nên nói: "Sự thật là vậy, thưa Ðạo sư! Sự thật
là như vậy, thưa Ðạo sư". Cũng vậy, này Mallika, điều gì Sa-môn Gotama
nói, Hoàng hậu quá hoan hỷ với Sa-môn Gotama nên đã nói: "Nếu Thế Tôn đã
nói như vậy thời sự việc là vậy". Hãy đi đi, Mallika, hãy đi đi!
Rồi hoàng hậu Mallika cho gọi Bà-la-môn Nalijangha và nói:
-- Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh ta
cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung
mãn, lạc trú, và thưa: "Bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallika cúi đầu đảnh lễ
chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn,
lạc trú không, và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn đã nói như
sau: Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Và nếu Thế
Tôn trả lời Ông như thế nào, hãy khéo nắm giữ và nói lại với ta. Vì các Như Lai
không nói phản lại sự thật.
-- Thưa vâng, tâu Hoàng hậu.
Bà-la-môn Nalijangha vâng đáp hoàng hậu Mallika, đi đến Thế Tôn,
sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, Và sau khi nói lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một
bên, Bà-la-môn Nalijangha Bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, hoàng hậu Mallika cúi đầu đảnh lễ chân
Sa-môn Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú
và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn đã nói như sau: "Sầu,
bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái"?
-- Thật sự là như vậy, này Bà-la-môn. Thật sự là như vậy, này
Bà-la-môn. Này Bà-la-môn, sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi
ái.
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này, cần phải được
hiểu là sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn,
thuở xưa, ở tại Savatthi này, bà mẹ của một người đàn bà mệnh chung. Từ khi bà
ta mệnh chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường
này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói:
"Người có thấy mẹ tôi đâu không? Người có thấy mẹ tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này, cần phải được
hiểu là sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn,
thuở xưa, ở tại Savatthi này, người cha của một người đàn bà mệnh chung...,
người anh mệnh chung..., người chị mệnh chung..., người con trai mệnh chung...,
người con gái mệnh chung..., người chồng mệnh chung. Từ khi người chồng mệnh
chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua
đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có
thấy chồng tôi đâu không? Người có thấy chồng tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được
hiểu là sầu, bi, khổ, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn,
thuở xưa, ở tại Savatthi này, người mẹ của một người đàn ông mệnh chung. Từ khi
bà ta mệnh chung, người đàn ông này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ
đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói:
"Người có thấy mẹ tôi đâu không? Người có thấy mẹ tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được
hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn,
thuở xưa, ở tại Savatthi này, người cha của một người đàn ông mệnh chung...,
người anh mệnh chung..., người chị mệnh chung..., người con trai mệnh chung...,
người con gái mệnh chung..., người vợ mệnh chung. Từ khi người vợ mệnh chung,
người đàn ông này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường
khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, và nói: "Người có thấy
vợ tôi đâu không? Người có thấy vợ tôi đâu không?"
Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được
hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn,
thuở xưa chính tại thành Savatthi này, một người đàn bà đi về thăm gia đình bà
con. Những người bà con ấy của người đàn bà muốn dùng sức mạnh bắt người đàn bà
ấy phải xa chồng và muốn gả cho một người đàn ông khác. Người đàn bà ấy không
chịu. Rồi người đàn bà ấy nói với chồng mình: "Này Hiền phu, những người
bà con này muốn dùng sức mạnh bắt tôi phải xa anh và muốn gả cho một người đàn
ông khác. Nhưng tôi không muốn như vậy". Rồi người ấy chặt người đàn bà ấy
làm hai, rồi tự vận, nghĩ rằng: "Hai chúng ta sẽ gặp nhau trong đời sau".
Này Bà-la-môn, do pháp môn này cần phải được hiểu rằng sầu, bi, khổ, ưu, não do
ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.
Rồi Bà-la-môn Nalijangha hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ
ngồi đứng dậy, đi đến hoàng hậu Mallika, sau khi đến, kể lại cho hoàng hậu
Mallika toàn thể cuộc đàm thoại với Thế Tôn.
931. Tằm ăn dâu lại nhả ra tơ
Hoàng hậu Mallika nghe được pháp từ Đức Phật đã khéo chuyển thành
những lời khuyên thiết thực cho nhà vua:
Rồi hoàng hậu Mallika đi đến vua Pasenadi nước Kosala, và thưa:
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có thương công
chúa Vajiri của thiếp không?
-- Phải, này Mallika, ta thương công chúa Vajiri.
-- Tâu đại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch,
đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của Ðại vương. Ðại vương có khởi lên sầu,
bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công
chúa Vajiri của ta, thì sẽ có một sự thay đổi đến đời sống của ta, làm sao
không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương mà Thế Tôn, bậc
Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ,
ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ
thế nào? Nữ Sát-đế-lị Vasabha, Ðại vương có thương yêu không?
-- Này Mallika, ta có thương yêu nữ Sát-đế-lị Vasabha.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch,
đổi khác xảy đến cho nữ Sát-đế-lị Vasabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ,
ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ
Sát-đế-lị Vasabha, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho đời sống của ta, làm
sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc
Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ,
ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại
vương nghĩ thế nào? Tướng quân Vidudabha, Ðại vương có thương quý không?
-- Này Mallika, ta có thương quý tướng quân Vidudabha.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch,
đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ,
ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho
tướng quân Vidudabha thì sẽ có sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm
sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc
Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ,
ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại
vương nghĩ thế nào? Ðại vương có yêu thương thiếp không?
-- Phải, này Mallika, ta có thương yêu Hoàng hậu.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch,
đổi khác xảy đến cho thiếp, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho
Hoàng hậu, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao
không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc
Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ,
ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại
vương nghĩ thế nào? Ðại vương có yêu thương dân chúng Kasi và Kosala không?
-- Phải, này Mallika, ta thương yêu dân chúng Kasi và Kosala. Này
Mallika, nhờ sức mạnh của họ, chúng ta mới có được gỗ chiên-đàn từ nước Kasi và
dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch,
đổi khác xảy đến cho dân chúng Kasi và Kosala, Ðại vương có khởi lên sầu, bi,
khổ, ưu não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch đổi khác xảy đến cho dân
chúng nước Kasi và Kosala, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của
ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc
Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu
não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".
932. Dù không nghe pháp trực tiếp từ Đức Phật nhưng vẫn hiểu Phật
Vua Pasenadi là một người có trí. Nghe pháp lãnh hội được pháp. Và
với tất cả sự trân trọng với cung cách người trước khi làm lễ tế tự là rữa mặt,
súc miệng sạch rồi chấp tay hướng về Đức Phật thành tâm đãnh lễ:
-- Thật vi diệu thay, này Mallika! Thật hy hữu thay, này Mallika!
Thế Tôn đã thể nhập nhờ trí tuệ, đã thấy nhờ trí tuệ. Ðến đây, Mallika, hãy sửa
soạn tẩy trần.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala từ chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y vào
một bên vai, chắp tay vái Thế Tôn và nói lên ba lần lời cảm hứng sau đây:
"Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác!
".
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Làm người không thể sống không có tình người. Có thể nào vẫn yêu thương mà ít khổ luỵ chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Qua bài kinh nầy phải chăng Phật pháp dạy chúng ta nên sống không có sự yêu thương? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. Sống không ái chấp khác gì với đời sống vô cảm? - TT Pháp Tân
Thảo luận 4. Giữa hai bên thương và không thương có trạng thái “trung đạo” nào có thể chấp nhận trong kiếp nhân sinh nầy? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 2. Làm người không thể sống không có tình người. Có thể nào vẫn yêu thương mà ít khổ luỵ chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Qua bài kinh nầy phải chăng Phật pháp dạy chúng ta nên sống không có sự yêu thương? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. Sống không ái chấp khác gì với đời sống vô cảm? - TT Pháp Tân
Thảo luận 4. Giữa hai bên thương và không thương có trạng thái “trung đạo” nào có thể chấp nhận trong kiếp nhân sinh nầy? - ĐĐ Pháp Tín
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment