Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 2/3/2020
66. Kinh Ví dụ Con Chim Cút (Latukikopama sutta)
777. Tại sao gọi là Kinh Ví dụ Con Chim Cút ?
Tên bài kinh lấy từ một thí dụ Đức Phật đề cập trong bài
kinh. Bản tiếng Việt có tên là Kinh Ví dụ Con Chim Cáy. Đây là một tên gọi khác
của chim cút nhưng ít phổ thông hơn nên đổi là Kinh Ví dụ Con Chim Cút.
778. Đại ý Kinh Ví dụ Con Chim Cút là gì?
Một thời Đức Thế Tôn trú ở Apana là một thị tứ của Anguttarapa. Tôn
giả Udàyi đến bạch với Đức Phật về một nhận thức của chính mình dựa trên kinh
nghiệm quá khứ khi không tuân hành học giới không ăn phi thời mà Đức Phật đã
ban hành. Sau khi trãi qua vài phiền phức về việc nầy đã thấy được sự lợi lạc mà
Đức Phật mang lại cho hàng đệ tử.
Sau khi nghe lời trình thuật của tôn giả Udàyi, Đức Phật đã dùng
hai thí dụ để tạo nên ý nghĩa tương phản:
Với con chim cút dù bị cột bằng dây leo mỏng manh cũng khó thoát
trong khi với con voi thì dù bị cột bằng dây da cũng bứt phá dễ dàng. Điều nầy
có nghĩa là có những người xem thường những học giới nhỏ nghĩ rằng không đáng gì
để hành trì nhưng không thấy được thực tế là bản thân vẫn còn bị những ràng buột
thoạt nhìn thì không đáng kể. Đó lý do Đức Phật ban hành giới luật. Tiếp theo bậc
Đạo sư nêu một những công đoạn của hành trình tu tập từ thấp lên cao mà tất cả
các bậc giải thoát đều phải từ bỏ.
779. Tôn giả Udàyi đã trình bạch về kinh nghiệm bản thân thế nào?
Lúc đầu không muốn tuân thủ học giới Đức Phật ban hành nhưng bản
thân gặp phiền luỵ mới thấm thía giá trị của những gì Đức Thế Tôn ban hành:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang độc cư Thiền tịnh, sự
suy tư sau đây đã khởi lên trong tâm trí con: "Như Lai thật sự là vị đã
đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta... Như Lai thật sự là vị đã mang lại nhiều
thiện pháp cho chúng ta". Bạch Thế Tôn, thuở trước chúng con thường ăn
buổi chiều, buổi sáng, ban ngày và phi thời. Bạch Thế Tôn, thời ấy, Thế Tôn gọi
các Tỷ-kheo và bảo: "Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ ăn ban ngày phi
thời". Bạch Thế Tôn, do vậy con cảm thấy thất vọng, con cảm thấy sầu muộn,
nghĩ rằng: "Những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, các tín chủ cúng
dường cho chúng ta ban ngày và phi thời. Nay Thế Tôn dạy chúng ta phải đoạn
trừ, bậc Thiện Thệ dạy chúng ta phải từ bỏ". Bạch Thế Tôn, giữa chúng con,
những ai nhìn Thế Tôn với lòng ái mộ, với lòng tôn kính và với lòng tàm quý,
liền từ bỏ ăn ban ngày phi thời.
Rồi bạch Thế Tôn, chúng con thường ăn buổi chiều và buổi sáng.
Bạch Thế Tôn, thời ấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo: "Này các Tỷ-kheo,
hãy từ bỏ ăn ban đêm phi thời". Bạch Thế Tôn, do vậy con cảm thấy thất
vọng, con cảm thấy sầu muộn, nghĩ rằng: "Buổi ăn này gọi là có thượng vị
hơn trong hai buổi ăn này của chúng ta. Thế Tôn dạy chúng ta phải đoạn trừ, bậc
Thiện Thệ dạy chúng ta phải từ bỏ". Bạch Thế Tôn, thuở xưa có người được
một món ăn cúng ban ngày bèn nói: "Hãy để món ăn này một bên, và ban đêm
tất cả chúng ta cùng ăn với nhau". Bạch Thế Tôn, phàm mọi sự nấu nướng,
tất cả đều làm ban đêm, rất ít làm ban ngày. Bạch Thế Tôn, giữa chúng con,
những ai nhìn Thế Tôn với lòng ái mộ, với lòng tôn kính và với lòng tàm quý,
liền từ bỏ ăn ban đêm phi thời.
(Theo Sớ giải thì thời gian đầu Đức Thế Tôn cho phép ăn một buổi
vào ban ngày, một buổi vào ban đêm. Sau nầy thì Ngài ban hành học giới không ăn
sau giờ ngọ cho tới sáng hôm sau)
Thuở trước, bạch Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo thường đi khất thực trong
đêm đen tối tăm, họ bước lầm vào vũng nước nhớp, rơi vào vũng nước nhớp, đi lầm
vào hàng rào gai, đi lầm vào chỗ con bò cái đang ngủ, gặp các loại đạo tặc đã
hành sự hay chưa hành sự, gặp các người đàn bà mời mọc một cách bất chánh. Thuở
trước, bạch Thế Tôn, con đi khất thực trong đêm đen tối tăm. Một người đàn bà
đang rửa chén bát, thấy con trong khi trời chớp nhoáng, liền hoảng sợ và hét
lớn: "Ôi kinh khủng thay cho tôi, có con quỷ (chạy) theo tôi!" Bạch
Thế Tôn, khi nghe nói vậy, con nói với người đàn bà ấy: "Này chị, không
phải quỷ đâu. Ðây là Tỷ-kheo đang đứng khất thực". "Cha Tỷ-kheo hãy
chết đi! Mẹ Tỷ-kheo hãy chết đi! Này Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho Ông nếu Ông lấy
con dao sắc bén của người đồ tể cắt bụng của Ông, còn hơn là vì lỗ bụng đi khất
thực trong ban đêm tối tăm". Bạch Thế Tôn, khi con nhớ như vậy, con suy
nghĩ như sau: "Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng
ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật
sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị
đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta".
780. Đức Phật đã dạy gì
sự khinh và trọng của các học giới?
Có những người vì sự khinh thường các học giới nhỏ mà tạo nên ảnh
hưởng tiêu cực lớn trong sự tu tập:
-- Tuy vậy, này Udayi, ở đây có một số người ngu si; khi Ta nói:
"Hãy từ bỏ việc này", liền nói như sau: "Có sá gì sự việc tiểu
tiết, nhỏ mọn này. Sa-môn này đặt quá nặng về cấm đoán đoạn giảm". Họ không
chịu từ bỏ và gây lên bất mãn chống Ta và chống những Tỷ-kheo muốn (thực hành)
học giới. Sự việc ấy, này Udayi, đối với họ, trở thành một trói buộc mạnh mẽ,
một trói buộc vững chắc, một trói buộc kiên cường, một trói buộc không mục nát,
một khúc gỗ to lớn.
Ví như, này Udayi, có con chim cáy mái nhỏ bị tấm lưới bằng dây
leo trói chặt, ở đây con chim có thể bị hại, hay bị bắt nhốt, hay bị chết. Này
Udayi, nếu có ai nói như sau: "Con chim cáy mái nhỏ ấy bị tấm lưới làm
bằng dây leo trói chặt, ở đây, con chim có thể bị sát hại, hay bị bắt nhốt, hay
bị chết. Tuy vậy đối với con chim kia, lưới ấy không có chắc mạnh, lưới ấy yếu
ớt, lưới ấy bị mục nát, lưới ấy không có cứng chắc"
Thái độ thoải mái tuân thủ các học giới dù nhỏ cho thấy sức mạnh
nội tại của một tỳ kheo:
Nhưng này Udayi, một số Thiện gia nam tử, khi được Ta nói:
"Hãy từ bỏ sự việc này", liền nói như sau: "Có sá gì sự từ bỏ
việc tiểu tiết, nhỏ mọn này mà Thế Tôn dạy chúng con phải đoạn trừ, bậc Thiện
Thệ dạy chúng con phải từ bỏ!". Họ từ bỏ sự việc ấy, và không gây lên bất
mãn chống Ta và chống các Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sau khi từ bỏ việc
ấy, họ sống ít lăng xăng, lắng dịu, tùy thuộc những người khác (bố thí), sống
với một tâm như con thú rừng. Này Udayi, như vậy đối với các vị kia, sự trói
buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát,
sự trói buộc ấy không có vững chắc.
Ví như, này Udayi, một con voi của vua, có ngà dài như cán cày, to
lớn, thuộc loại giống tốt, lấy bãi chiến trường làm nhà, nếu bị trói buộc bởi
sự trói buộc bằng da nịt vững chắc, chỉ cần chuyển thân một cách dễ dàng, sau
khi cắt đứt, bứt đứt những trói buộc ấy, có thể muốn đi chỗ nào nó muốn. Này
Udayi, nếu có ai nói như sau: "Con voi của vua có ngà dài như một cán cày
ấy, to lớn, thuộc loại giống tốt, lấy bãi chiến trường làm nhà, nếu bị trói
buộc bởi sự trói buộc bằng da nịt vững chắc, chỉ cần chuyển thân một cách dễ
dàng, sau khi cắt đứt, bứt đứt những trói buộc ấy, có thể muốn đi chỗ nào nó
muốn.
Rồi Đức Thế Tôn dùng hai thí dụ khác cho thấy vấn đề khó khăn hành
trì không phải là ở học giới mà chính ở thái độ từ bản thân:
[Có khi cái cái tầm thường vẫn cột trói]
Ví như, này Udayi, một người nghèo khổ, không có vật sở hữu, khốn
cùng, có một chòi ở hư nát, mở toang cho quạ, không đẹp mắt chút nào, có một
giường nằm hư nát, không đẹp mắt chút nào, các loại gạo lúa cất chứa trong một
cái chum không đẹp mắt chút nào, và một bà vợ không đẹp mắt chút nào. Người ấy
thấy một Tỷ-kheo trong tịnh xá, tay chân lau rửa sạch sẽ, sau khi ăn buổi cơm
ngon lành, đang ngồi trong bóng mát, hướng về tăng thượng tâm. Người ấy suy
nghĩ: "An lạc thay, Sa-môn hạnh! Vô bệnh thay, Sa-môn hạnh! Vậy sau khi
cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, ta hãy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình". Nhưng người ấy không có thể từ bỏ cái chòi ở hư nát, mở toang cho
quạ, không đẹp mắt chút nào, không có thể từ bỏ cái giường nằm hư nát, không
đẹp mắt chút nào, không có thể từ bỏ các loại gạo lúa cất chứa trong một cái
chum không đẹp mắt chút nào, không có thể từ bỏ bà vợ không đẹp mắt chút nào,
để có thể sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình. Này Udayi, nếu có ai nói như sau: "Người kia, bị trói buộc
bởi những trói buộc ấy không có thể từ bỏ cái chòi ở hư nát... không có thể từ
bỏ bà vợ không đẹp mắt chút nào để có thể sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa,
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðối với người kia, sự trói buộc
ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự
trói buộc ấy không có vững chắc"
[Có khi cái cao sang phú quý cũng chẳng bận lòng]
Ví như, này Udayi, một gia chủ hay con người gia chủ, giàu có, tài
sản lớn, tiền của lớn, vô số vàng bạc, vô số gạo thóc, vô số ruộng nương, vô số
đất đai, vô số thê thiếp, vô số đầy tớ nam, vô số nữ tỳ. Vị này thấy một
Tỷ-kheo trong một tinh xá, tay chân lau rửa sạch sẽ, sau khi ăn bữa cơm ngon
lành, đang ngồi trong bóng mát, hướng về tăng thượng tâm. Vị này suy nghĩ:
"An lạc thay, Sa-môn hạnh! Vô bệnh thay, Sa-môn hạnh! Vậy sau khi cạo bỏ
râu tóc, đắp áo cà-sa, ta hãy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình". Vị này có thể từ bỏ vô số vàng bạc, có thể từ bỏ vô số gạo thóc, có
thể từ bỏ vô số ruộng nương, có thể từ bỏ vô số đất đai, có thể từ bỏ vô số thê
thiếp, có thể từ bỏ vô số đầy tớ nam, có thể từ bỏ vô số nữ tỳ. Này Udayi, nếu
có ai nói như sau: "Người gia chủ hay con người gia chủ kia, bị trói buộc
bởi những trói buộc ấy, có thể từ bỏ vô số vàng bạc... có thể từ bỏ vô số nữ tỳ
để có thể sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình.
781. Đức Phật đã dạy gì về bốn hạng người ở đời?
Có một từ vựng Phật học chỉ cho môi trường hay cơ sở tạo nên tất
cả hệ luỵ trong đời đó là upadhi được
dịch là sanh y. Có bốn sanh y: Uẩn sanh y (khandh’upadhi); phiền não sanh y
(kiles’ upadhi); hạnh nghiệp sanh y (abhisankhàr’upadhi), và dục sanh y
(kàmagun’upadhi). Có bốn hạng người tu tập muốn đoạn trừ sanh y nhưng có người
thất bại có người thành công:
Này Udayi, có bốn hạng người có mặt trên đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự
từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ
bỏ sanh y, những tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y hiện hành khởi lên. Vị
này chấp nhận chúng, không đoạn trừ chúng, không từ bỏ chúng, không chấm
dứt chúng, không tiêu diệt chúng. Này Udayi, Ta nói: "Người này bị trói
buộc, không phải không bị trói buộc". Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt
về căn tánh trong người này đã được Ta biết rõ.
Nhưng ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh
y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y,
sự từ bỏ sanh y, những tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y hiện hành khởi lên.
Nhưng vị này không chấp nhận chúng, đoạn trừ chúng, từ bỏ chúng, chấm
dứt chúng, tiêu diệt chúng, Này Udayi, Ta nói: "Người này bị trói buộc, không
phải không bị trói buộc". Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn
tánh trong người này đã được Ta biết rõ.
Nhưng ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh
y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y,
sự từ bỏ sanh y, các tư niệm điên đảo, các tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y,
tùy lúc tùy thời hiện hành khởi lên. Này Udayi, niệm khởi lên chậm chạp
và vị này đoạn trừ niệm ấy một cách mau chóng, từ bỏ, chấm dứt, tiêu diệt (niệm
ấy). Này Udayi, ví như một người nhỏ hai hay ba giọt nước vào một ấm nước đun
sôi cả ngày. Này Udayi giọt nước rơi một cách chậm chạp như bị tiêu diệt, tiêu
mất một cách mau chóng. Cũng vậy, này Udayi, có người sống hướng đến sự đoạn
trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ
sanh y, sự từ bỏ sanh y, các tư niệm điên đảo, các tư niệm, tư duy liên hệ đến
sanh y tùy lúc, tùy thời, hiện hành khởi lên. Này Udayi, niệm khởi lên chậm
chạp và vị này đoạn trừ niệm ấy một cách mau chóng, từ bỏ, chấm dứt, tiêu diệt
(niệm ấy). Này Udayi, Ta nói: "Người này cũng bị trói buộc, không phải
không bị trói buộc". Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn tánh trong
người này đã được Ta biết rõ.
Nhưng ở đây, này Udayi, có người nghĩ rằng: "Sanh y là nguồn
gốc của đau khổ", sau khi biết như vậy, vị ấy thành vô sanh y, giải thoát
với sự đoạn diệt sanh y. Này Udayi, Ta nói: "Người này không bị trói buộc,
không phải bị trói buộc". Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn tánh
trong người này đã được Ta biết rõ.
782. Phải chăng nói đến từ bỏ không phải chỉ có bất thiện pháp?
Những công đoạn của hành trình giác ngộ giải thoát là những bước
từ bỏ:
Này Udayi, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Sắc do mắt
nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Tiếng
do tai nhận thức,... hương do mũi nhận thức,... vị do lưỡi nhận thức,... xúc do
thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn.
Những pháp này, này Udayi, là năm dục trưởng dưỡng.
Này Udayi, phàm có lạc gì, hỷ gì khởi lên, do duyên năm dục trưởng
dưỡng này, lạc hỷ ấy được gọi là dục lạc, ô uế lạc, phàm phu lạc, phi Thánh
lạc, không nên thực hiện, không nên tu tập, không nên làm cho sung mãn. Ta nói
rằng lạc ấy đáng phải sợ hãi.
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú
Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm
và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh,
không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh
giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú
Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú
Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Như vậy được gọi là
yếm ly lạc, độc trú lạc, tịch tịnh lạc, chánh giác lạc, cần phải thực hiện, cần
phải tu tập, cần làm cho sung mãn. Ta nói rằng lạc ấy không đáng sợ hãi.
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú
Thiền thứ nhất. Thiền này, này Udayi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động.
Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây, chính là tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ
này ở trong tình trạng dao động.
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ
hai. Các Thiền này, này Udayi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động. Và ở
đây, cái gì dao động? Ở đây chính là hỷ lạc chưa được đoạn diệt, chính hỷ lạc
này ở trong tình trạng dao động.
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả... chứng và trú Thiền thứ
ba. Thiền này, này Udayi, Ta nói ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì
dao động? Ở đây, chính là xả lạc chưa được đoạn diệt, chính xả lạc này ở trong
tình trạng dao động.
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ... chứng và trú Thiền thứ
tư. Thiền này, này Udayi, Ta nói là không ở trong tình trạng dao động.
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú
Thiền thứ nhất. Thiền này, này Udayi, Ta nói: "Chưa được hoàn toàn",
Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói: "Hãy vượt qua đi" và này
Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ
hai, đây là điều vị ấy cần vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: "Chưa
được hoàn toàn", Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói: "Hãy vượt
qua đi". Và này, Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả... chứng và trú Thiền thứ
ba, đây là điều vị ấy cần vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: "Chưa
được hoàn toàn, Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói: "Hãy vượt qua
đi". Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ... chứng và trú Thiền thứ
tư. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói:
"Chưa được hoàn toàn", Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói:
"Hãy vượt qua đi" Và này Udayi, vị ấy cần phải vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi
chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư
không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Ðây là điều vị ấy cần
phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: "Chưa được hoàn toàn",
Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói: "Hãy vượt qua đi". Và này
Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ
rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Ðây là điều vị
ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: "Chưa được hoàn
toàn", Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói: "Hãy vượt qua
đi". Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng:
"Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Ðây là điều vị ấy cần
phải vượt qua, Thiền này, này Udayi, Ta nói: "Chưa được hoàn toàn",
Ta nói: "Hãy từ bỏ đi", Ta nói: "Hãy vượt qua đi". Và này
Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú
Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này
Udayi, Ta nói: "Chưa được hoàn toàn", Ta nói: "Hãy từ bỏ
đi", Ta nói: "Hãy vượt qua đi". Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua
cái gì?
Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ,
chứng và trú Diệt thọ tưởng. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Chính vì định
này, này Udayi, mà Ta nói sự đoạn diệt của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
783. Đức Phật kết luận bằng sự nhấn mạnh điểm nào?
Nếu là trói buộc thì dù lớn nhỏ Đức Phật đều dạy cần phải từ bỏ:
Này Udayi, Ông có thấy chăng, có kiết sử gì, nhỏ hay lớn mà Ta
chưa nói đến sự đoạn diệt?
-- Bạch Thế Tôn, không.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Udayi hoan hỷ tín thọ lời
Thế Tôn giảng.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Theo bài kinh hôm nay, sự lượng định nặng nhẹ, trọng khinh đối với tất cả những hành trì trong đời sống tu tập nên được nhận thức với điều nào sau đây?
A. Không nên xem thường những cái mà thường tình xem là nhỏ nhặt vì rất có thể là trói buộc lớn /
B. Phải có cái nhìn toàn diện hơn là chỉ đánh giá dựa trên một điểm đơn lẻ /
C. Nói cho cùng thì theo lời Phật dạy tất cả trói buộc dù lớn hay nhỏ đều nên từ bỏ /
D. Cả ba câu trên đều hợp lý
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1 :.D
Trắc nghiệm 2. Bốn thí dụ: chim cút với dây leo, chiến tượng với dây da, căn nhà tồi tàn với người nghèo, lâu đài tráng lệ với người giàu có chung ý nghĩa nào sau đây?
A. Nặng hay nhẹ không hẳn chỉ ở giá trị đơn thuần (face value) mà còn tuỳ ở nhiều yếu tố liên hệ /
B. Đối với người tu không có cái gì nên xem nhẹ /
C. Chẳng có quan trọng trong đời nầy /
D. Cái gì là của mình mới quan trọng.
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 2:B
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 2 : A
Trắc nghiệm 3. Điều nào sau đây có thể là yếu tố tốt giúp một đệ tử Phật phát tâm hành trì lời Phật dạy?
A. Lòng kính tin ở bậc Đạo sư /
B. Lòng cảm kích tâm bi mẫn của Đức Phật /
C. Sự hiểu biết sâu rộng lời Phật dạy /
D. Cả ba điều trên
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 3 : D
No comments:
Post a Comment