Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng và ĐĐ Nguyên Thông
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 20/3/2020
80. Kinh Vekhanassa (Vekhanassa sutta)
878. Tại sao gọi là Kinh Vekhanassa ?
Tên bài kinh lấy du sĩ ngoại đạo Vekhanassa người đến gặp Đức Phật
để nói lên quan điểm của mình.
879. Đại ý Kinh Vekhanassa là gì?
Du sĩ ngoại đạo Vekhanassa đến gặp Đức Phật nói lên quan điểm của
mình với đầy cảm hứng về sắc. Đức Phật, qua những câu hỏi, cho thấy tánh tương đối
khi nói về sự tối thượng trong nhận định thường tình. Rồi Đức Điều Ngự nói về sự
tương đối của năm dục trưởng dưỡng do Ngài thấy căn tính ưa hưởng thụ dục lạc của
Vekhanassa. Chẳng những vậy mà Đức Phật dùng những phương cách cho vị du sĩ nầy
tự cảm nhận sự tánh tương đối trong sự hoan hỷ và bất mãn của mình để rồi trong
lời khai thị cuối cùng vị nầy sanh khởi lòng tịnh tín quy ngưỡng Tam Bảo.
880. Du sĩ Vekhanassa nhân vật thế nào?
Du sĩ Vekhanassa là thầy của Sakuludāyi, đã đề cập trong hai bài
kinh trước. Vekhanassa là một du sĩ ngoại giáo có nhiều học trò với giáo thuyết
hưởng thụ dục lạc các giác quan là hạnh phúc. Trong kinh nầy Vekhanasa được gọi
với tên Kaccāna, một điểm quen thuộc đối với những người có danh vọng trong văn
hoá Ấn có tên gọi riêng khi trực tiếp đối thoại.
881. Du sĩ Vekhanassa có quan điểm thế nào?
Vị nầy có quan niệm cảnh thù thắng là nhân tố hạnh phúc, trong đó
cảnh sắc là tối thượng:
-- Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng (ayaṁ paramo
vaṇṇo, ayaṁ paramo vaṇṇo).
882. Đức Phật đã nói gì về quan điểm của Vekhanassa ?
Đức Phật nêu lên những câu hỏi để cho thấy Vekhanassa thật sự không
hiểu rõ điều mình nói:
- Nhưng này Kaccana, sao Ông lại nói như sau: "Sắc này là tối
thượng, sắc này là tối thượng"?
-- Tôn giả Gotama, sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn,
hay thù thắng hơn, sắc này là tối thượng.
-- Nhưng này Kaccana, sắc ấy là sắc gì mà không có sắc khác cao
thượng hơn hay thù thắng hơn?
-- Tôn giả Gotama, sắc nào không có sắc khác cao thượng hơn hay
thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng.
-- Này Kaccana, lời giải thích của Ông chỉ dài như vậy, Ông phải
giải thích rộng rãi thêm. Nếu Ông nói: "Tôn giả Gotama, sắc nào không có
sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng", thời Ông
không chỉ rõ sắc ấy. Này Kaccana, ví như có người nói: "Tôi yêu và luyến
ái một cô gái đẹp trong nước này". Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp
mà bạn yêu và luyến ái ấy, Bạn có biết là người giai cấp nào; là Sát-đế-lị, hay
Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?" Khi được hỏi, người ấy trả lời không
biết. Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có
biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người hay bậc trung? Da đen sẫm, da ngăm
ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, thị trấn nào hay thành phố nào?"
Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như
vậy có phải bạn yêu và luyến ái một người bạn không biết, không thấy?"
Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Sự tình là như
vậy, thời lời nói của người có phải là không có hiệu năng không?
-- Bạch Tôn giả Gotama, sự tình là như vậy, thời lời nói của người
ấy thật sự là không có hiệu năng.
-- Cũng vậy, này Kaccana, khi Ông nói: "Tôn giả Gotama, khi
sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối
thượng", thời Ông không chỉ rõ sắc ấy.
883. Đức Phật đã dùng những thí dụ gì để nói về sự tương đối trong
nhận thức?
Trong sự thưởng thức các cảnh đôi khi người ta nghĩ đến điểm “tuyệt
vời nhất” nhưng kỳ thật không có cái “nhất” mà chỉ là sự đối đãi nhất thời:
-- Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ,
trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài được đặt trên một tấm màn màu nhạt,
tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên. Với sắc như vây, tự ngã là không có
bệnh, sau khi chết.
-- Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Một hòn lưu ly bảo châu đẹp đẽ,
trong suốt, có tám mặt, khéo dũa khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt,
tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên, hay con sâu đom đóm trong đêm tối mịt
mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, con sâu đom đóm trong đêm đen tối mịt mù
này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
-- Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Con sâu đom đóm trong đêm đen
tối mù hay ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc
nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, quang
sắc ngọn đèn dầu này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
-- Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Ngọn đèn dầu trong đêm đen tối
mù, hay là một đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang
sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, quang
sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
-- Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Ðống lửa lớn trong đêm đen tối
mù hay ngôi sao mai trong sáng không mây vào lúc bình minh, giữa hai quang sắc
này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, ngôi sao trong sáng không mây vào lúc bình
minh, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
-- Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Ngôi (sao Thái Bạch) sao mai
trong bầu trời trong sáng, không mây, trong lúc bình minh hay là mặt trăng
trong khi đứng bóng, trong một bầu trời trong sáng, không mây vào lúc nửa đêm,
trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm. Giữa hai quang sắc này, quang sắc
nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một
bầu trời quang đãng, không mây, vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố-tát)
vào ngày Rằm, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.
-- Này Kaccana, Ông nghĩ thế nào? Mặt trăng trong khi đứng bóng,
trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha
(Bố-tát) vào ngày Rằm, hay là mặt trời trong lúc đứng bóng, trong một bầu trời
quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa, trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu,
giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, mặt trời trong lúc đứng bóng, trong một
bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa, trong tháng cuối mùa mưa về
mùa thu, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn.
-- Này Kaccana, hơn tất cả quang sắc ấy có rất nhiều, rất nhiều
chư Thiên, mà ánh sáng của những mặt trăng, mặt trời này không thể chiếu sáng.
Ta biết những chư Thiên ấy và Ta không nói: "Không có một quang sắc nào vi
diệu hơn và thù thắng hơn quang sắc ấy". Còn Ông, này Kaccana, Ông lại
nói: "Quang sắc này thấp kém hơn, yếu đuối hơn quang sắc con sâu đom đóm,
quang sắc ấy là tối thắng", và Ông không chỉ rõ quang sắc ấy.
Có cảnh dục thì sanh dục lạc nhưng lạc thú thì cũng có cái nầy hơn
cái kia theo tánh tương đối:
Này Kaccana, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc
có mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các
tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận
thức... các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến
dục, hấp dẫn. Này Kaccana, những pháp này là năm dục trưởng dưỡng. Này Kaccana,
lạc và hỷ nào khởi lên, duyên với năm dục trưởng dưỡng này, được gọi là dục
lạc. Như vậy, bởi vì có dục, nên có dục lạc; từ nơi dục lạc, dục tối thượng lạc
được gọi ở đây là tối thượng.
Theo Sớ giải thì từ vựng kāmaggasukha - bản tiếng Việt dịch là dục
lạc tối thượng - chỉ cho niết bàn (Nibbāna) là một cách dùng rất hiếm hoi
trong kinh điển. Ở đây hàm ý là thứ hạnh phúc (sukha) vượt lên trên tất cả hạnh
phúc khác. Tất nhiên chỉ là sự biểu đạt bằng ngôn ngữ hữu hạn.
885. Vekhanassa đã nghĩ thế nào về Phật ngôn đề cập tới dục lạc ?
Ban đầu vị nầy đặc biệt hoan hỷ khi nghe Đức Phật có vẻ như đồng tình
về hạnh phúc trong dục lạc:
Ðược nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế
Tôn! Tôn giả Gotama đã khéo nói như sau: "Bởi vì có dục, nên có dục lạc;
từ nơi dục lạc, dục tối thượng lạc được gọi ở đây là tối thượng".
Nhưng Đức Thế Tôn đã nói thêm về sự nhận hiểu rất cục bộ trong cái
nhìn của Vekhanassa khiến vị nầy nổi nóng:
Ðược nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế
Tôn! Tôn giả Gotama đã khéo nói như sau: "Bởi vì có dục, nên có dục lạc;
từ nơi dục lạc, dục tối thượng lạc được gọi ở đây là tối thượng".
-- Cái này thật khó cho Ông có thể hiểu được, này Kaccana, về dục,
hay dục lạc, hay dục tối thượng lạc. Ông là người thuộc chấp kiến khác, thuộc
kham nhẫn khác, thuộc mục đích khác, thuộc tu tập khác, thuộc Ðạo sư khác. Này
Kaccana, nhưng đối với Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành
thành mãn, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục
đích, đã đoạn trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí, những vị ấy biết:
"Dục, dục lạc, hay dục tối thượng lạc".
Khi được nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa, phẫn nộ và bất mãn, mắng
nhiếc cả Thế Tôn, miệt thị cả Thế Tôn và nói:
-- Sa-môn Gotama sẽ bị đọa lạc.
Và du sĩ Vekhanassa thưa Thế Tôn:
-- Nhưng như vậy, ở đây, có một số Sa-môn, Bà-la-môn không biết về
quá khứ, không thấy về tương lai, nhưng các vị ấy tự cho: "Sanh đã diệt,
Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, từ nay không trở lại đời sống
này nữa". Lời nói như vậy của họ tự chứng tỏ là đáng cười, tự chứng tỏ là
nói suông, tự chứng tỏ là trống không, tự chứng tỏ là hư vọng.
Trong lời nói trên, Vekhanassa đã gián tiếp muốn bôi bác Đức Phật.
Theo Sớ giải thì Vekhanassa vốn là người sống nặng về thị hiếu nên Bậc Đạo Sư đã
đưa vị nầy quan nhiều cảm xúc vui buồn trước lời khai thị sau cùng.
886. Đức Phật đã nói gì trước những lời mỉa mai
của Vekhanassa ?
Trước hết Ngài nói như sự đồng tình:
-- Này Kaccana, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết về quá khứ,
không thấy được tương lai, nhưng tự cho là ta biết: "Sanh đã tận, Phạm
hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui đời này nữa",
lời phủ nhận chỉ trích như vậy về họ là hợp pháp. Nhưng này Kaccana, hãy bỏ qua
quá khứ, hãy bỏ qua tương lai. Hãy đến, người có trí không gian trá, không xảo
quyệt, chơn trực và nói như sau: "Ta giảng dạy, ta thuyết pháp". Nếu
thực hành theo điều đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết mình, tự thấy
mình: "Như vậy thật sự là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc chánh, tức là sự
ràng buộc của vô minh".
Và Đức Thế Tôn cũng nói thêm không phải tất cả sa môn đều như vậy:
Ví như, này Kaccana, một đứa trẻ, bé nhỏ, yếu ớt, nằm ngửa, bị
trói buộc nơi cổ với năm trói buộc, rất có thể làm bằng dây. Sau khi nó lớn
lên, sau khi các căn nó thuần thục, nó được giải thoát khỏi các trói buộc ấy,
khi không còn trói buộc nữa, nó biết: "Ta được giải thoát". Cũng vậy,
này Kaccana, hãy đến người có trí không gian trá, không xảo quyệt, chơn trực và
nói như sau: "Ta giảng dạy, ta thuyết pháp". Nếu thực hành theo điều
đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết mình, tự thấy mình: "Như vậy
thật sự là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc chánh, tức là sự ràng buộc của vô
minh".
887. Vekhanassa đã nhận định thế nào với lời dạy trên ?
Vị nầy đã nhận ra những khiếm khuyết căn bản trong quan niệm và cuộc
sống của mình nên phát tâm quy ngưỡng Tam Bảo trở thành cư sĩ đệ tử Phật:
Khi được nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả
Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những
gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong
bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn
giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Thế Tôn,
quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Xin Thế Tôn nhận con làm đệ tử. Từ nay cho
đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment