Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 19/3/2020
78. Kinh Samanạmanḍịkāputta
(Samanạmanḍịkāputta sutta)
857. Tại sao gọi là Kinh Samanạmanḍịkāputta ?
Tên bài kinh lấy du sĩ ngoại đạo Samanạmanḍịkāputta. Điều thú
vị là mặc dù tên kinh lấy từ tên của vị ấy nhưng tương đối khá mờ nhạt trong toàn
bộ bài kinh.
858. Đại ý Kinh Samanạmanḍịkāputta là
gì?
Du sĩ ngoại đạo Samanạmanḍịkāputta nói cư sĩ Pañcakanga, một đệ
tử Phật, về 4 pháp tác thành tối thượng sa môn quả là không thân ác, không khẩu ác, không ý ác, không tà
mạng. Cư sĩ Pañcakanga nghe xong đi diện kiến Đức Phật và thuật lại quan điểm của
vị du sĩ ngoại đạo. Đức Phật dạy rằng nói như vậy rất phiến diện về đời sống phạm
hạnh vì một đứa trẻ hồn nhiên vô tội có thể có đủ bốn điều đó nhưng không thể nói
thành tựu sa môn hạnh. Rồi bậc Đạo sư dạy thế nào là sa môn hạnh thật sự.
859. Du sĩ Samanạmanḍịkāputta, Pañcakanga là những nhân vật thế nào?
Samanạmanḍịkāputta có
nghĩa là con của Samanạmanḍịkā có tên thật là Uggāhamāna. Không có nhiều
chi tiết trong kinh về người nầy. Pañcakanga là thợ mộc làm việc cho vua
Pasenadi đã đề cập trong một bài kinh trước.
860. Du sĩ Samanạmanḍịkāputta
có quan điểm thế nào?
Vị nầy quan niệm đơn giản về sa môn hạnh là không làm ba nghiệp ác
và không sinh kế tà vạy:
--- Này Thợ mộc, ta chủ trương rằng một người thành tựu bốn pháp,
người ấy sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối
thượng, vô năng thắng. Thế nào là bốn? Ở đây, này Thợ mộc, không làm ác nghiệp
về thân, không nói lời ác, không tư duy ác tư duy, không sinh sống (bằng) nếp
sống ác.
861. Đức Phật đã nói gì về quan điểm của Samanạmanḍịkāputta?
Khi thợ mộc Pañcakanga thuật lại với Đức Phật về quan điểm của vị
du sĩ ngoại đạo, Bậc Đạo Sư đã dạy rằng đó là cái nhìn rất phiến diện:
--- Nếu sự tình là như vậy thời một đứa con nít còn bé nhỏ, vô
trí, nằm ngửa sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn, thành đạt
tối thượng, là bậc vô năng thắng đúng như lời du sĩ Uggahamana, con của
Samanamandika. Này Thợ mộc, đối với đứa con nít nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không
có nghĩ: "Ðây là thân", từ đâu nó có thể làm ác nghiệp về thân, trừ
ra chỉ biết quơ tay quơ chân? Này Thợ mộc, đối với đứa con nít, nhỏ bé, vô trí,
nằm ngửa, không có nghĩ: "Ðây là lời nói", từ đâu nó có thể làm ác
nghiệp về lời nói, trừ ra chỉ biết khóc? Này Thợ mộc, đối với đứa con nít, nhỏ
bé, vô trí, nằm ngửa, không có nghĩ: "Ðây là tư duy", từ đâu nó có
thể tư duy ác tư duy, trừ ra chỉ biết bập bẹ? Này Thợ mộc, đối với đứa con nít,
nhỏ bé, vô trí, nằm ngửa, không có nghĩ: "Ðây là nghề sinh sống", từ
đâu nó có thể sinh sống bằng nếp sống ác, trừ ra chỉ biết bú sữa mẹ? Nếu sự
tình là vậy này Thợ mộc, thời một đứa con nít còn bé nhỏ, vô trí, nằm ngửa, sẽ
được thiện cụ thúc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng, vô
năng thắng, đúng như lời du sĩ Uggahamana, con của Samanamandika.
862. Đức Phật đã dạy gì về pháp tác thành sa môn hạnh?
Trước hết cần ý thức rõ ràng thế nào là bất thiện giới, thế nào là
thiện giới, những pháp ấy sanh từ đâu, thế nào là sự đoạn tận không dư tàn các
pháp ấy, và sau cùng, phương cách đoạn trừ:
Này thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp,
người ấy sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối
thượng, vô năng thắng. Ta nói rằng, những pháp này, này Thợ mộc, cần phải được
người ấy hiểu là những bất thiện giới, Ta nói rằng, này Thợ mộc, những bất
thiện giới cần phải được người ấy hiểu là từ đây sanh (Itosamutthana). Ta nói
rằng, này Thợ mộc, ở đây cần phải được người ấy hiểu là những bất thiện giới
được diệt trừ không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy
hiểu là thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới.
Ta nói rằng, này Thợ mộc, những pháp này cần phải được người ấy hiểu là những
thiện giới. Ta nói rằng, này Thợ mộc, những thiện giới cần phải được người ấy
hiểu là từ đây sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở đây, cần phải được người ấy
hiểu là những thiện giới được diệt trừ không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ
mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến
diệt trừ các thiện giới. Ta nói rằng, này Thợ mộc, những (pháp) này cần phải
được người ấy hiểu là những bất thiện tư duy. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần
phải được người ấy hiểu là những bất thiện tư duy từ nơi đây sanh. Ta nói rằng,
này Thợ mộc, ở đây, cần phải được người ấy hiểu các bất thiện tư duy được diệt
trừ không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy hiểu là
thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư duy. Ta nói
rằng, này Thợ mộc, những pháp này cần phải được người ấy hiểu là những thiện tư
duy. Ta nói rằng, này Thợ mộc, cần phải được người ấy hiểu là những thiện tư
duy từ nơi đây sanh. Ta nói rằng, này Thợ mộc, ở đây, cần phải được người ấy
hiểu là các thiện tư duy được trừ diệt không có dư tàn. Ta nói rằng, này Thợ
mộc, cần phải được người ấy hiểu là thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến
diệt trừ các thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, thế nào là bất thiện giới? Thân nghiệp bất thiện,
khẩu nghiệp bất thiện, nếp sống ác. Những pháp này, này Thợ mộc, được gọi là
bất thiện giới.
Và này Thợ mộc, những bất thiện giới này sanh khởi như thế nào? Sự
sanh khởi của chúng cũng được nói đến, cần phải trả lời từ tâm sanh khởi. Thế
nào là tâm? Tâm có nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm có tham, có sân, có si,
từ đây những bất thiện giới sanh khởi.
Và này Thợ mộc, những bất thiện giới này từ đâu được trừ diệt,
không có dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc,
một Tỷ-kheo, sau khi đoạn trừ thân ác hạnh, tu tập thân thiện hạnh; sau khi
đoạn trừ khẩu ác hạnh, tu tập khẩu thiện hạnh; sau khi đoạn trừ ý ác hạnh, tu
tập ý thiện hạnh; sau khi đoạn trừ nếp sống ác sinh sống với nếp sống chánh. Ở
đây, những bất thiện giới ấy được trừ diệt không có tàn dư.
Thực hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến diệt
trừ các bất thiện giới? Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực,
tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm; khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước
chưa sanh không được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm,
sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt; khởi lên ý
muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các thiện pháp chưa
sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn
tâm khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì, không có mơ hồ, được tăng
trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn. Sự thực hành như vậy, này
Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện giới.
863. Nên hiểu thế nào về thiện giới ?
Và này Thợ mộc, thế nào là thiện giới? Thân nghiệp thiện, khẩu
nghiệp thiện, nếp sống thanh tịnh mạng; những pháp này, này Thợ mộc, được gọi
là thiện giới.
Và này Thợ mộc, những thiện giới này sanh khởi như thế nào? Sự
sanh khởi của chúng cũng được nói đến, cần phải trả lời là tự tâm sinh khởi.
Thế nào là tâm? Tâm có nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm không tham, không
sân, không si, từ đây những thiện giới sanh khởi.
Và này Thợ mộc, những thiện giới này từ đâu được trừ diệt, không
có dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, vị Tỷ-kheo có giới
hạnh, và không chấp trước giới (silamayo), và vị này như thật tuệ tri tâm giải
thoát, tuệ giải thoát. Ở đây, những thiện giới ấy được trừ diệt, không có dư
tàn.
Thực hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến trừ
diệt các thiện giới? Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực,
tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm, khiến cho các ác, bất thiện pháp, chưa sanh
không được sanh khởi; khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt;
khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực,
tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm, khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy
trì, không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên
mãn. Sự thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các thiện giới.
864. Nên hiểu thế nào về bất thiện tư duy ?
Và này Thợ mộc, thế nào là bất thiện tư duy? Dục tư duy, sân tư
duy, hại tư duy. Pháp này, này Thợ mộc, được gọi là bất thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, những bất thiện tư duy này sanh khởi như thế nào?
Sự sanh khởi của chúng cũng được nói đến. Cần phải trả lời là từ tưởng sanh
khởi. Thế nào là tưởng? Tưởng có nhiều loại, đa chủng, sai biệt: dục tưởng, sân
tưởng, hại tưởng, từ đấy những bất thiện tư duy sanh khởi.
Và này Thợ mộc, những bất thiện tư duy này từ đâu được trừ diệt,
không có dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc,
vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Ở đây, những bất thiện tư duy được
trừ diệt, không có dư tàn.
Và sự thực hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến
diệt trừ các bất thiện tư duy? Ở đây, vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh
tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp chưa sanh không
được sanh khởi... khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt; khiến
cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh
tấn, quyết tâm, sách tấn tâm; khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì,
không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn.
Sự thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các bất thiện tư duy.
865. Nên hiểu thế nào về bất thiện tư duy ?
Này Thợ mộc, thế nào là thiện tư duy? Ly dục tư duy, vô sân tư
duy, bất hại tư duy; những pháp này, này Thợ mộc, được gọi là thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, những thiện tư duy này sanh khởi như thế nào? Sự
sanh khởi của chúng cũng được nói đến. Cần phải trả lời là từ tưởng sanh khởi.
Thế nào là tưởng? Tưởng có nhiều loại, đa chủng, sai biệt: ly dục tưởng, vô sân
tưởng, bất hại tưởng, từ đấy sanh khởi là những thiện tư duy.
Và này Thợ mộc, những thiện tư duy này từ đâu được diệt, không có
dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo
diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh,
không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ở đây, những thiện tư duy ấy được trừ
diệt không có dư tàn.
Và sự thực hành như thế nào, này Thợ mộc, là sự thực hành đưa đến
diệt trừ các thiện tư duy? Ở đây, Tỷ-kheo khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn,
quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp chưa sanh không có
sanh khởi... ; khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt... ;
khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực,
tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm, khiến cho các thiện pháp đã sanh, có thể duy
trì, không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên
mãn. Sự thực hành như vậy là sự thực hành đưa đến diệt trừ các thiện tư duy.
866. Đức Phật đã kết luận
thế nào?
Và này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp
này, người ấy được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối
thượng, vô năng thắng. Ở đây, này Thợ mộc, vị Tỷ-kheo thành tựu vô học chánh
tri kiến, thành tựu vô học chánh tư duy, thành tựu vô học chánh ngữ, thành tựu
vô học chánh mạng, thành tựu vô học chánh tinh tấn, thành tựu vô học chánh
niệm, thành tựu vô học chánh định, thành tựu vô học chánh trí, thành tựu vô học
chánh giải thoát. Này Thợ mộc, Ta chủ trương rằng một người thành tựu mười pháp
này sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc Sa-môn thành đạt tối thượng,
vô năng thắng.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thợ mộc Pancakanga hoan hỷ tín thọ
lời Thế Tôn dạy.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Đoạn kinh sau đây được lập lại nhiều lần trong bài kinh: “vị Tỷ-kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm; khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các thiện pháp chưa sanh nay được sanh khởi; khởi lên ý muốn nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, sách tấn tâm khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì, không có mơ hồ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn”. Ý muốn mạnh mẽ đó có phải là chánh tinh tấn? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. Có người lập luận rằng nếu mình làm điều tốt mà “làm một cách vô tư” thì tốt hơn là có sự suy nghĩ, thẩm định. Quan niệm đó chính xác chăng? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 4. Trong bài kinh nầy khi nói về nguyên nhân sanh khởi các pháp, Đức Phật dạy: Nguyên nhân sanh khởi của bất thiện pháp là tà tư duy, nguyên nhân sanh khởi của thiện pháp là chánh tư duy. Tại sao tư duy đóng vai trò quan trọng như vậy? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment