Wednesday, March 11, 2020

Bài học. Thứ Tư, ngày 11 tháng 3, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  11/3/2020 

74. Kinh Trường Trảo (Dìghanakha sutta)

826. Tại sao gọi là Kinh Trường Trảo ?

Tên bài kinh lấy theo nhân vật chính, du sĩ ngoại đạo Dìghanakha (Trường Trảo), người đến đối thoại với Đức Phật.

827. Đại ý Kinh Trường Trảo là gì?

Thuở ấy Đức Thế Tôn trú tại Rajagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakuta (Linh Thứu), trong hang Sukarakhata. Bấy giờ du sĩ ngoại đạo Dìghanakha tìm đến diện kiến. Vị nầy nói lên triết lý sống của mình một cách hãnh diện là “không có gì khiến bản thân thích thú”.  Đức Phật đã dạy rằng nếu chỉ là quan điểm thì dù quan điểm thế nào cũng phiền não khi nghe hay biết đối với quan điểm khác biệt. Rồi Bậc Đạo Sư dạy về con đường đích thực đưa đến sự ly tham đối với với năm uẩn. Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất), lúc đó mới xuất gia được hai tuần lễ còn là một bậc sơ quả tu đà huờn, đang đứng quạt hầu Đức Phật nhờ nghe bài kinh nầy thành tựu quả vị vô sanh tứ quả.

828. Dìghanakha là nhân vật thế nào?

Dìghanakha (Trường Trảo) là cháu ruột gọi Tôn giả Sàriputta bằng cậu. Có thể vì để móng tay dài, một hình thức của sự lập hạnh của một số tu sĩ ngoại đạo thời đó, nên có biệt danh là trường trảo. Trong bài kinh nầy Đức Phật gọi Dìghanakha là Aggivessana như vậy  Dìghanakha là một biệt danh được đặt sau nầy chứ không phải là tên thật. Sau khi nghe pháp từ Đức Phật vị nầy chứng quả tu đà huờn, từ đó trở thành một cư sĩ đệ tử Phật.

829. Dìghanakha có quan điểm thế nào?

Dìghanakha đến gặp Đức Thế Tôn nói lên quan điểm cá nhân một cách hãnh diện:

- Tôn giả Gotama, tôi có lý thuyết như sau, tôi có tri kiến như sau: "Tất cả đều không làm cho tôi thích thú".

Quan điểm nầy mới nghe dường như là một ý tưởng cao siêu vì đã không ái chấp bất cứ điều gì ở đời


830. Đức Phật nói gì về quan điểm đó?

Đức Phật đã nêu lên ba quan điểm của các tu sĩ:


Này Aggivessana, một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Tất cả đều làm cho tôi thích thú".
Này Aggivessana, một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Tất cả đều làm cho tôi không thích thú".
Này Aggivessana, một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Một phần làm tôi thích thú, một phần làm tôi không thích thú".

Những quan điểm nầy có thể ảnh hưởng cách sống của họ:

Ở đây, này Aggivessana, một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Tất cả đều làm cho tôi thích thú," tri kiến này của họ là gần với tham dục, gần với triền phược, gần với hoan lạc, gần với đắm trước, gần với chấp thủ. Ở đây, này Aggivessana, một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Tất cả đều làm cho tôi không thích thú", tri kiến này của họ là gần với không tham dục, gần với không phiền trược, gần với không hoan lạc, gần với không chấp thủ.

Nghe tới đây Dighanakha tỏ ra mừng rở vì nghĩ rằng Đức Phật ca ngợi luận điểm của mình. Nhưng Đức Phật đã tiếp tục nói rằng luận điểm là luận điểm nếu vì chấp thủ quan niệm nào khi nghe những quan điểm khác biệt khởi sanh tranh luận, phiền não thì tự mình phá hỏng quan niệm đang có:

Ở đây, này Aggivessana, những Sa-môn, Ba la môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Tất cả đều làm tôi thích thú". Ở đây, người có trí suy nghĩ như sau: "Nếu ta nói tri kiến này của ta: "Tất cả đều làm tôi thích thú", và nếu ta cố chấp, kiên chấp tri kiến này và nói: "Ðây là sự thật, ngoài ra là hư vọng", như vậy là đối nghịch với hai hạng người: Sa-môn hay Bà-la-môn nào có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Tất cả đều làm cho tôi không thích thú", và Sa-môn hay Bà-la-môn nào có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Một phần làm tôi thích thú, một phần làm tôi không thích thú". Ta sẽ đối nghịch với hai hạng người này. Khi nào có đối nghịch thời có tranh luận; khi nào có tranh luận thời có chống đối; khi nào có chống đối thời có bực mình". Như vậy, vị này vì thấy sự đối nghịch, tranh luận, chống đối và bực mình nên từ bỏ tri kiến này, không chấp thủ tri kiến khác. Như vậy là sự đoạn trừ những tri kiến này, như vậy là sự hủy bỏ những tri kiến này.

Trường hợp nầy xẩy ra đối với tất cả quan điểm nếu chỉ thuần là tư kiến mà không có thực thấy biết thật sự.

831. Đức Thế Tôn đã đạy gì về phương cách đưa đến sự đoạn tận ái chấp?

Đó là hành trình với khởi điểm là quán sát tự thân để nhận ra bản chất chân thực:


Nhưng này Aggivessana, thân này có sắc, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phân toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, cần phải được quán sát là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Khi vị ấy quán sát thân này là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã, thời thân, thân dục, thân ái, thân phục tòng được đoạn diệt.

Phải thấy được cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ bất khổ bất lạc đều không phải là điều nêu chấp thủ:

Này Aggivessana, có ba thọ này; lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Aggivessana, trong khi cảm giác lạc thọ, chính khi ấy không cảm giác khổ thọ, không cảm giác bất khổ bất lạc thọ chỉ cảm giác lạc thọ. Này Aggivessana, trong khi cảm giác khổ thọ, chính khi ấy không cảm giác lạc thọ, không cảm giác bất khổ bất lạc thọ, chỉ cảm giác khổ thọ. Này Aggivessana, trong khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, chính khi ấy không cảm giác lạc thọ, không cảm giác khổ thọ, chỉ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.

Này Aggivessana, lạc thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana, khổ thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, bị đoạn diệt, bị hủy hại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana, bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt.

Từ sự hiểu biết do quán sát tự thân vị ấy thắp sáng tuệ giác:

Thấy vậy, này Aggivessana, vị Ða văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ, yểm ly bất khổ bất lạc thọ. Do yểm ly, vị ấy không có tham dục. Do không tham dục, vị ấy được giải thoát. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa".

Điều khác biệt lớn là sự tịch tịnh nội tại dẫn đến vô tranh:

Với tâm giải thoát như vậy, này Aggivessana, Tỷ-kheo không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời, không có chấp thủ (từ ngữ ấy).

832. Kết luận bài kinh có gì đặc biệt?

Một người đến đến nói lên quan điểm mà mình hãnh diện và một người tình cờ được nghe chánh pháp cả hai đều có thành tựu lớn :

Lúc bấy giờ Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) đứng sau lưng Thế Tôn và đang quạt Thế Tôn. Rồi Tôn giả Sariputta suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã thuyết cho chúng ta sự đoạn trừ các pháp ấy nhờ thắng trí. Thiện Thệ đã thuyết cho chúng ta sự tự bỏ các pháp ấy nhờ thắng trí". Khi Tôn giả Sariputta suy nghĩ như vậy, tâm (của Tôn giả) được giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ.
Còn đối với du sĩ ngoại đạo Dighanakha, pháp nhãn ly trần, vô cấu được khởi lên: "Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy được đoạn diệt". Rồi du sĩ ngoại đạo Dighanakha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với đạo pháp của đức Bổn sư, liền bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phải chăng đa số tu sĩ Phật giáo nếu chỉ tự thoả mãn với lý luận về Phật pháp cũng rơi vào trường hợp giống Dighanakha? - ĐĐ Nguyên Thông 



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Ý nghĩa nào sau đây có thể được tìm thấy trong bài kinh hôm nay? 
A. Một lời nói hay, dù là triết lý về sự không chấp thủ, nếu chỉ dựa trên lý luận thì chỉ là lời nói suông / B. Sự chấp thủ đối với cảm giác thanh thản (bất khổ bất lạc thọ) cũng là sự chấp thủ / 
C. Tu huệ rất khác với văn huệ /
 D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1: D

Trắc nghiệm 2. Từ ý nghĩa của bài kinh nầy câu nào sau đây được xem là hợp lý? 
A. Không nên có bất cứ sự hoan hỷ nào dù là pháp hỷ hay sự hoan hỷ đối với chánh pháp /
 B. Chỉ có quan điểm: cuộc sống những cái đáng thích thú, có cái không đáng thích thú là đúng nhất /
 C. Cảm thọ là cảm thọ. Dù lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc đều vô thường (có sanh thì có diệt) /
 D. Mặc dù bài kinh nhấn mạnh sự tu tập để đoạn tận ái chấp nhưng tôn giả Sàriputta không cần tu mà chỉ cần nghe cũng đủ giác ngộ


TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 2: C

Trắc nghiệm 3. Tại sao Dighanakha tự mâu thuẩn với chính mình? 
A. Vì mặc dầu chủ trương “không có gì làm tôi thích thú” nhưng khi nghe Đức Phật dạy chủ trương đó cũng có cái tốt “gần với không tham dục, gần với không phiền trược, gần với không hoan lạc, gần với không chấp thủ” thi vui mừng thấy Đức Phật ca ngợi mình/
 B. Vì đã là lập luận dù quan điềm thế nào nếu thiếu sự tu tập thì cũng phiền não khi nghe quan điểm trái ngược /
 C. Vì Dìghanakha không thật sự chứng nghiệm những gì mình tuyên bố /
 D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3: D 

No comments:

Post a Comment