Thursday, March 5, 2020

Bài học. Thứ Năm, ngày 5 tháng 3, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  5/3/2020 

69. Kinh Gulisàni (Gulisàni sutta)


794. Tại sao gọi là Kinh Gulisàni?

Tên bài kinh lấy từ tên của một tỳ kheo, thầy Gulisàni. Do vị nầy mà bài kinh được Tôn giả Sàriputta giảng dạy.

795. Đại ý Kinh Gulisàni là gì?

Thầy Gulisàni, một vị đầu đà sống trong rừng nhưng khi đến với Tăng chúng thì có sự cư xử thiếu hoà nhã.  Nhân sự kiện nầy Tôn giả Sàriputta đã giảng cho chư tỳ kheo nghe rằng một vị sống ở rừng núi cần có tư cách, thực tu, thực chứng để người khác không lấy đó phủ nhận giá trị của đời sống tịnh cư trong rừng núi.


796. Thế nào là những pháp cần có của một vị ẩn lâm?

Sống trong rừng không nghĩa là đời sống phóng túng không quy củ, mà trái lại, cần thể hiện sự tự chế bản thân qua tư cách, kiến văn và sự tu chứng. Ngài nêu lên cụ thể có 17 pháp ( các dấu chấm sau mỗi câu từ câu số 2 đến câu 16 chỉ cho sự lập lại cách nói nếu thiếu những pháp ấy sẽ làm đề tài cho người khác chỉ trích hạnh ẩn lâm):

1.     Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng không biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả ấy lại không tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh!" Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh.

2.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, phải biết khéo léo về chỗ ngồi, nghĩ rằng: "Ta sẽ ngồi, không có chiếm lấy chỗ ngồi các Thượng tọa Tỷ-kheo, không có trục xuất chỗ ngồi của các niên thiếu Tỷ-kheo. …….

3.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo, sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên vào làng quá sớm và trở về ban ngày. …….

4.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo, sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng, không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn. …….

5.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi, đến trú giữa chúng Tăng không nên trạo cử, dao động. …….

6.    Này Chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, không nên nói nhiều lời và nói tạp nhạp. …….

7.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, phải là người dễ nói và là người thiện hữu. …….

8.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thủ hộ các căn. …….

9.    Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tiết độ trong sự ăn uống. …….

10.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chú tâm cảnh giác. …….

11.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tinh cần tinh tấn. …….

12.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chánh niệm tỉnh giác. …….

13.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có Thiền định. …….

14.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có trí tuệ. …….

15.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập thắng pháp (abhidhamma), thắng luật (abhivinaya). …….

16.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp tịch tịnh giải thoát (santavimokha), vượt khỏi các sắc pháp, và các vô sắc pháp. …….

17.                       Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp thượng nhân. Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo về những pháp thượng nhân. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về các pháp thượng nhân mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: "Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này được hỏi về những pháp thượng nhân lại không có thể trả lời được!". Như vậy sẽ có người nói về vị ấy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp thượng nhân.


797. Tôn giả Mahàmoggalàna đã nêu lên câu hỏi gì để làm sáng một điểm quan trọng?

Tôn giả Màhamoggalàna nhân bài pháp cùa Tôn giả Sàriputta muốn xác định một điểm quan trọng nên đã nêu lên câu hỏi:

Khi được nói vậy, Tôn giả Mahamoggallana nói với Tôn giả Sariputta như sau:
-- Hiền giả Sariputta, các pháp này cần phải được chấp trì và thực tập chỉ bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi hay bởi Tỷ-kheo sống ở gần thôn làng?
-- Hiền giả Moggallana, các pháp này cần được phải chấp trì và thực tập bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi, huống chi Tỷ-kheo sống gần thôn làng!



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Người xuất gia có nên bận tâm sự dị nghị của quần chúng? - TT Tuệ Quyền


Thảo luận 2. Tôn giả Mahamoggallàna hỏi Tôn giả Sàriputta một điều về bài pháp có phải vì sự thắc mắc của riêng mình? - TT Tuệ Quyền


Thảo luận 3. Thế nào là sự khác biệt giữa một tỳ kheo sống trong rừng so với vị sống trong làng? Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggallàna có sống trong rừng chăng? - ĐĐ Nguyên Thông & TT Giác Đẳng


Thảo luận 4. Chữ thắng pháp và thắng luật (Abhidhamma abhivinaya) ở đây chỉ cho điều gì? - TT Giác Đẳng
 Thảo luận 5. Có quy định nào trong giới luật nêu rõ là vị tỳ kheo nên sống trong rừng hay giữa làng mạc? - TT Tuệ Quyền

 Thảo luận 6. Một vị sống trong rừng làm thế nào để trao giồi kiến văn Phật Pháp? - TT Tuệ Siêu 



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment