Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 25/3/2020
84. Kinh Madhurā (Madhurā
sutta)
906. Tại sao gọi là kinh Madhurā
Tên kinh lấy theo tên một quốc độ miền nam Ấn Độ thời Đức Phật là
nước Madhurà. Đây là nơi mà tôn giả Mahā Kaccāna có
buổi gặp mặt và toạ đàm với vị vua trong xứ.
907. Đại ý Kinh Madhurā là gì?
Vua Avantiputta đến gặp tôn giả Mahā Kaccāna tại rừng Gunda và hỏi
về quan niệm rất phổ biến thời bấy giờ là sự cao trọng tuyệt đối của giai cấp
bà la môn. Tôn giả đã trả lời là đó chỉ
là cách nói thường tình nếu xé kỹ thì không đúng như vậy rồi Ngài dạy lý do tại
sao. Nội dung của bài kinh là thoạt nghe như lý lẽ hợp lý thông thường nhưng
thực tế là “những lời dạy sấm sét” trong xã hội nặng tính phân biệt giai cấp Ấn
Độ xưa cũng như nay.
908. Tôn giả Mahā Kaccāna
là nhân vật thế nào?
Tôn giả là một trong những đại đệ tử Phật. Được biết qua âm Hán
tạng là Ma ha Ca chiên diên. Ngài sanh ở
Nam Ấn xuất thân từ một gia đình bà la môn danh giá. Thân phụ là quốc sư của vua
Ujjeni. Trong sứ mệnh được giao phó đi cùng bảy vị ba la môn khác đến
Candappajjota mời thỉnh Đức Phật đên thăm quốc độ Madhurà Ngài được nghe pháp
chứng quả A La Hán và xuất gia. Được biết là một đại đệ tử Phật đệ nhất về khả
năng quảng diễn những gì được Bậc Đạo Sư nói ngắn gọn (sankhittena bhāsitassa
vitthārena attham vibhajantānam). Có rất nhiều bài kinh trong Kinh Tạng và Luật
Tạng liên hệ tới Tôn giả.
909. Vua Avantiputta đã hỏi
điều gì?
Nhà vua đã hỏi về một quan niệm rất phổ biến tại Ấn độ là quan
niệm về giai cấp, mà qua đó, giai cấp bà la môn là tối thượng:
-- Thưa Tôn giả Kaccana, các vị Bà-la-môn đã nói như sau:
"Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ
liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có
Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không như vậy; các
Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên,
sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, tạo tác bởi Phạm thiên, thừa tự Phạm
thiên. Ở đây, Tôn giả Kaccana đã nói gì?
910. Tôn giả Mahā Kaccāna trã lời thế nào?
Tôn giả đã dạy rằng đó chỉ là cách nói mà không có cơ sở vững vàng
(dù bản thân Ngài là một bà la môn trí thức):
-- Thưa Ðại vương, đây chỉ là một âm thanh ở đời (câu nói):
"Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, chủng tánh khác là hạ liệt;
chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có
Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không như vậy. Các
Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên
sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, tạo tác bởi Phạm thiên, thừa tự Phạm
thiên". Ðây chỉ là một pháp môn, với pháp môn này cần được hiểu như là một
âm thanh ở đời. (Câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các
chủng tánh khác là hạ liệt... thừa tự Phạm thiên".
Trước hết, một sát đế lỵ được xem là giai cấp thấp hơn bà la môn
nếu sung túc tài sản vẫn có thể mướn người thuộc các giai cấp khác, kể cả bà la
môn, phục dịch cho mình và điều nầy cũng xẩy ra đối với những giai cấp khác:
Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người Khattiya
(Sát-đế-lị) sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể
có một người Khattiya khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya,
thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay
người ấy có thể có một vị Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một vị Vessa (Tỳ-xá,
Phệ-xá) hay người ấy có thể có một Sudda (Thủ-đà) là người hầu hạ trung thành,
dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người,
lời nói kính ái?
Nhà vua nhìn nhận:
-- Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccana, nếu sự tình là như vậy thời bốn
chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.
Tôn giả tiếp theo với sự khẳng định rằng người dù giai cấp nào nếu
làm ác nghiệp thì vẫn thọ quả khổ:
-- Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu
như âm thanh ở trên đời (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối
thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... thừa tự Phạm thiên. Thưa Ðại vương,
Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, có người Khattiya sát sanh, lấy của không cho,
tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù
phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có
sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không, hay không phải thác sanh? Hay
ở đây Ðại vương nghĩ thế nào?
-- Người Khattiya, thưa Tôn giả Kaccana, sát sanh, lấy của không
cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù
phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có
thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, đối với tôi là vậy, và
như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.
Tôn giả cũng nói rõ trường hợp ngược lại nếu tạo nghiệp thiện thì
dù ở giai cấp nào cũng hưởng quả lành:
-- Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu
như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối
thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... thừa tự Phạm thiên. Thưa Ðại vương,
Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, có người Khattiya từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của
không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ
bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, có
chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh lên thiện thú,
Thiên giới, cõi đời này không, hay không thể thác sanh? Hay ở đây, Ðại vương
nghĩ thế nào?
-- Người Khattiya, thưa Tôn giả Kaccana, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy
của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi,
từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận,
theo chánh kiến, sau khi thân hoại mang chung, người ấy có thể sanh lên thiện
thú, Thiên giới, cõi đời này. Ở đây, đối với tôi là vậy và như vậy là điều tôi
đã nghe từ các vị A-la-hán.
Ngay cả đối với luật pháp của quốc độ thì người vi phạm cũng đều
bị tội dù thuộc giai cấp nào:
-- Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu
như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối
thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... là thừa tự Phạm thiên. Thưa Ðại
vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, vị Khattiya đột nhập nhà cửa, cướp giật
đồ đạc, hành động như kẻ cướp, phục kích các đường lớn hay tư thông vợ người.
Và nếu có người bắt người ấy và dẫn người ấy đến trước mặt Ðại vương và thưa:
"Tâu Ðại vương, đây là kẻ ăn trộm đã làm hại đến Ðại vương. Nếu Ðại vương
muốn, hãy hình phạt nó". Hay Ðại vương đối xử người ấy như thế nào?
-- Thưa Tôn giả Kaccana, chúng tôi sẽ chém giết người ấy, hay
chúng tôi sẽ tra tấn người ấy, chúng tôi sẽ tẩn xuất người ấy hay chúng tôi sẽ
áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Kaccana, danh
xưng Khattiya mà xưa kia người ấy được gọi đã biến mất. Nay người ấy chỉ được
gọi là tên ăn trộm.
Và quan trọng hơn hết là dù xuất thân giai cấp nào nếu tu tập đúng
cách vẫn đạt thành quả vị cao quý:
-- Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu
như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối
thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... là thừa tự Phạm thiên". Thưa Ðại
vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, vị Khattiya, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp
áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ
lấy của không cho, từ bỏ nói láo, chỉ ăn một bữa, sống Phạm hạnh, trì giới
luật, trì thiện pháp; Ðại vương đối xử với vị ấy như thế nào?
-- Thưa Tôn giả Kaccana, tôi sẽ đảnh lễ hay đứng dậy, hay mời chỗ
ngồi, hay cúng dường vị ấy bốn loại đồ dùng như y phục, ẩm thực, sàng tọa, y
dược trị bệnh, hay chúng tôi sắp đặt sự bảo vệ hộ trì, che chở đúng pháp. Vì
sao vậy? Thưa Tôn giả Kaccana, danh xưng Sudda mà xưa kia vị ấy được gọi đã
biến mất. Nay vị ấy chỉ được gọi là một vị Sa-môn.
Và Tôn giả kết luận:
-- Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải hiểu như
âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối
thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các
chủng tánh khác là hắc chủng, chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh
phi Bà-la-môn không phải như vậy. Các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các
Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm
thiên, thừa tự Phạm thiên".
911. Câu chuyện được kết thúc ra sao?
Nhà vua nghe xong rất hoan
hỷ khởi lòng tịnh tín xin quy y với Ngài Mahā Kaccāna. Nhưng Tôn giả dạy rằng
nên quy y Tam bảo theo đúng nghĩa:
Khi được nói vậy, vua Madhura Avantiputta thưa với Tôn giả
Mahakaccana:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccana! Thật vi diệu thay, Tôn giả
Kaccana! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những
gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong
bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn
giả Kaccana dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn giả
Kaccana, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccana nhận con làm cư
sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương chớ có quy y tôi, Ðại vương hãy quy y
Thế Tôn, chính tôi đã quy y Thế Tôn.
-- Thưa Tôn giả Kaccana, nay bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác ấy trú ở đâu?
-- Bậc Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nay đã nhập
Niết-bàn rồi, thưa Ðại vương.
-- Thưa Tôn giả Kaccana, nếu chúng tôi được nghe Thế Tôn ở xa mười
yojana (do tuần), chúng tôi sẽ đi mười yojana để yết kiến Thế Tôn, bậc
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Kaccana, nếu chúng tôi được nghe Thế
Tôn ở xa hai mươi yojana, ba mươi yojana, bốn mươi yojana, năm mươi yojana,
chúng tôi sẽ đi năm mươi yojana, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác. Thưa Tôn giả Kaccana, vì rằng Thế Tôn đã nhập Niết-bàn rồi, chúng tôi xin
quy y Thế Tôn đã nhập Niết-bàn ấy, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả
Kaccana nhận con làm Cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment