TU TẬP THỜI ĐẠI DỊCH
Pháp thoại
Thực
Hành Thiền Tập
Thực tập an trụ tâm là pháp hành làm cho tâm trở nên vững
chắc, không chao động. Pháp hành nầy đưa tâm đến trạng thái an tĩnh, vắng lặng.
Thông thường, cái tâm không được rèn luyện của chúng ta luôn luôn di động, khó
kiểm soát, khó điều khiển. Tâm bay nhảy điên cuồng hoang dại theo những mê loạn
của giác quan giống như nước chảy tán loạn đầu nầy đầu kia, tìm đến nơi thấp nhất.
Mặc dầu vậy, các chuyên viên nông nghiệp và các kỹ sư hiểu biết phải làm thế
nào để kiểm soát và dùng nước vào những việc có lợi ích nhất cho nhân loại. Con
người thông minh, biết cách giữ chứa nước lại, biết xây đắp những hồ chứa thật
rộng lớn, và đào kinh -- tất cả những công trình nầy chỉ nhắm vào mục đích duy
nhất là dẫn nước và làm cho nước trở nên hữu dụng. Hơn nữa, nước được tích trữ
trong hồ chứa lại được xử dụng để tạo điện lực, ánh sáng và các công dụng khác
cũng do nhờ ta biết kiểm soát lưu lượng, không để nó tự nhiên trôi chảy một
cách hoang phí và ứ đọng trong các vũng đầm nhỏ.
Tâm ta cũng vậy. Ðược chứa giữ và kiểm soát, được cần mẫn
và kiên trì rèn luyện, tâm sẽ đem lại những lợi ích to tát không thể lường. Ðức
Phật dạy, "Tâm được kiểm soát đem lại chân hạnh phúc. Vì lẽ ấy các con hãy
gia công tu tập, rèn luyện tâm mình để thành đạt lợi ích cao thượng nhất".
Các con thú mà ta thấy quanh đây cũng thế, như voi, ngựa, bò, trâu v.v.. đều phải
được tập luyện mới có thể dùng được. Chỉ khi nào được rèn luyện đầy đủ, sức mạnh
của con vật mới thật sự hữu dụng cho ta.
Một cái tâm được rèn luyện thuần thục sẽ đem lại phước
lành không biết bao nhiêu lần nhiều hơn là tâm buông lung hoang dại. Ðức Phật
và chư vị Thánh đệ tử của Ngài đều khởi đầu y như chúng ta -- với cái tâm không
được rèn luyện. Vậy mà về sau, hãy xem các Ngài đã trở nên đối tượng kỉnh mộ
tôn sùng của tất cả chúng ta như thế nào, và hãy nhìn xem bao nhiêu lợi ích mà
chúng ta đã thọ nhận từ những lời dạy của các Ngài. Quả thật vậy, hãy nhìn xem
những lợi ích mà toàn thể thế gian đang thọ hưởng do những vị đã trải qua suốt
công trình luyện tâm và thành đạt tự do cùng tột. Một cái tâm được cẩn trọng kiểm
soát và rèn luyện ắt cũng được trang bị hoàn hảo để hỗ trợ chúng ta trong mọi
nghề nghiệp, ở mọi hoàn cảnh. Một cái tâm được uốn nắn và khép vào khuôn khổ kỷ
cương sẽ giữ cho cuộc sống quân bình, công ăn việc làm dễ dàng hơn và phát triển
dưỡng nuôi lý trí để điều hành các sinh hoạt của ta. Cuối cùng, hạnh phúc của
chúng ta sẽ tăng trưởng cùng nhịp, tương xứng với pháp luyện tâm thích nghi.
Công trình luyện tâm có thể được thực hiện theo nhiều đường
lối, với nhiều phương thức khác nhau. Phương pháp hữu ích nhất và có thể được tất
cả mọi người -- với những tâm tánh khác nhau -- áp dụng thực hành là pháp
"niệm hơi thở". Ðó là trau giồi và phát triển tâm, chú niệm hơi-thở-ra,
thở-vào. ở tu viện nầy chúng tôi tập trung sự chú ý vào chót mũi và gom tâm hay
biết nơi hơi-thở-vào và hơi-thở-ra bằng cách niệm thầm hai chữ
"BUD-DHO" như câu chú. Nếu hành giả muốn dùng chữ nào khác để niệm,
hoặc không niệm chữ nào mà chỉ chú tâm vào hơi gió di chuyển ra vào cũng được.
Hành giả thay đổi, tự điều chỉnh, tìm lối thực hành nào thích hợp nhất với
mình. Yếu tố chánh yếu trong pháp hành là luôn luôn giữ chánh niệm, luôn luôn
ghi nhận, hay biết hơi thở trong khoảnh khắc hiện tại, để theo dõi gom tâm vào
mỗi hơi-thở-vào và mỗi hơi-thở-ra, ngay lúc nó xảy diễn. Trong khi đi kinh
hành, hãy cố gắng luôn luôn giữ tâm niệm ở cảm giác của bàn chân chạm xuống đất.
Pháp hành thiền nầy phải được kiên trì thực hành, càng
liên tục càng tốt, để mang lại kết quả tốt đẹp. Không nên chỉ hành một thời
gian ngắn trong ngày rồi ngưng luôn một hai tuần hay cả tháng mới hành trở lại.
Hành gián đoạn như thế sẽ không gặt hái thành quả. Ðức Phật dạy nên siêng năng
hành thiền, và chuyên cần hành thiền, có nghĩa là ta phải tận lực cố gắng, giữ
cho pháp hành luôn luôn liên tục, không gián đoạn. Khi hành thiền chúng ta nên
tìm một nơi yên tĩnh, thanh vắng, để có thể hành mà không bị ngoại cảnh làm xao
lãng. Trong vườn hoặc dưới một cội cây có tàng bóng mát mẻ, kín đáo, phía sau
nhà hoặc nơi nào khác mà ta có thể ở một mình không bị khuấy động, là những nơi
thích hợp. Nếu là tỳ khưu hay nữ tu sĩ thì ta nên tìm một cái cốc (tịnh thất nhỏ)
thích nghi, một khu rừng yên tĩnh hoặc một hang đá hoang vu vắng vẻ. Cảnh núi non
có nhiều nơi đặc biệt thích nghi với pháp hành.
Trong bất luận trường hợp nào, dù ở đâu, chúng ta phải nỗ
lực gia công chú tâm niệm hơi-thở-ra, thở-vào một cách liên tục. Nếu sự chú tâm
xao lãng, hướng đến điều gì khác, hãy cố gắng kéo nó trở về đề mục. Cố gắng dẹp
qua một bên tất cả những suy tư hay những lo âu khác. Không nghĩ đến bất cứ gì.
Chỉ theo dõi bám sát vào hơi thở. Nếu ta giữ chánh niệm, ghi nhận và hay biết
những ý nghĩ ngay lúc nó vừa khởi sanh và chuyên cần quay về đề mục hành thiền,
tâm sẽ càng lúc càng trở nên vắng lặng.
Khi tâm thư thái tự tại và an trụ vững vàng, hãy buông
rơi hơi thở, không dùng hơi thở làm đề mục hành thiền nữa. Bây giờ hãy quán chiếu
thân và tâm (danh và sắc), vốn bao gồm năm uẩn; sắc, thọ, tưởng, hành, và thức.
Hãy theo dõi và quán sát năm uẩn ấy ngay lúc nó đến rồi đi. Ta sẽ thấy rõ ràng
rằng ngũ uẩn là vô thường, rằng trạng thái vô thường làm cho nó là bất toại
nguyện và không đáng được ưa thích, rằng tự nó đến rồi đi -- không có một cái
"ngã" điều khiển sự vật. Chỉ có thiên nhiên, di chuyển theo định luật
nhân quả. Tất cả mọi sự vật trên thế gian đều nằm trong những đặc tính bất ổn định,
bất toại nguyện, và không có một tự ngã thường còn, hay một linh hồn trường cửu.
Khi nhìn toàn thể kiếp sinh tồn dưới ánh sáng nầy mọi luyến
ái và bám níu vào ngũ uẩn sẽ dần dần suy giảm. Ðó là do chúng ta thấy được những
đặc tính thật sự của thế gian, bản chất thật sự của vạn hữu. Ta gọi đó là sự
phát sanh trí tuệ.
Kinh tụng
Kinh Châu
Báu
Ratanasutta
[phân đoạn 2]
Yaṅkiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi tathāgatena
Idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.
Những vật quí trong đời
Chốn nầy hay nơi khác
Cả châu báu cõi trời
Không gì sánh bằng được
Với Như Lai Thiện Thệ
Do vậy chính đức Phật
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc
Yaṁ kiñci, bất điều gì, bất cứ cái nào
vittaṁ, sự giàu có, cao sang, quý giá
idha, ở đây
vā, hoặc, hay
huraṁ, nơi khác
vā, hoặc, hay
saggesu, trên thiên giới, cõi trời
vā, hoặc
yaṁ, cái đó, cái ấy
ratanaṁ, châu báu
paṇītaṁ, tối thượng, thù thắng
na no, không
samaṁ, sánh bằng, đồng đẳng
atthi, là, có
Tathāgatena, với Như Lai
Idaṁ pi, nầy
Buddhe, Đức Phật
ratanaṁ, châu báu
paṇītaṁ, tối thượng, thù thắng
etena, bởi (điều) nầy
saccena, lời chân thành, chân ngôn
suvatthi, sự tốt lành, bình an, cát tường
hotu, hãy có, hãy thành tựu
No comments:
Post a Comment