TU TẬP THỜI ĐẠI DỊCH
Pháp thoại
HỌC PHÁP TỪ ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Trích từ Mặt Hồ Tĩnh Lặng
Thiền sư Ajahn Chah
Tỳ kheo Khánh-Hỷ chuyển dịch
Những người mới bắt đầu hành
thiền thường phân vân không biết hành thiền là gì. Hành thiền là cố gắng đối
diện với phiền não, không nuôi dưỡng thói quen cũ. Nơi nào bất hòa và khó khăn,
nơi đó là chỗ để hành thiền.
Khi hái nấm về ăn, không phải
đụng thứ nấm nào bạn cũng hái. Phải hiểu loại nào ăn được, loại nào là nấm độc.
Việc hành thiền cũng vậy, chúng ta phải biết mối nguy hiểm phải đương đầu khi
hành thiền là phiền não. Phiền não chẳng khác nào rắn độc, phải biết nó để
tránh nó.
Phiền não -- tham, sân, si -- nằm
ở gốc rễ của sự đau khổ và tâm ích kỷ. Chúng ta phải học cách chế ngự chúng,
chiến thắng và thoát khỏi sự kiểm soát và điều khiển của chúng, để làm chủ tâm
mình. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu này thật khó khăn. Khó khăn như phải xa rời người
bạn thân đã sống với nhau từ thời thơ ấu.
Phiền não chẳng khác nào một con
mèo. Nếu cho nó ăn, nó sẽ quanh quẩn bên ta. Đừng cho nó ăn, nó sẽ không quấy
rầy nữa.
Lúc mới bắt đầu hành thiền không
thể nào tránh khỏi nóng nực và buồn chán. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ có phiền não
nóng. Nhiều người nghĩ: "Tôi chưa bao giờ gặp phải sự khó khăn như vầy
trước đây. Chắc có cái gì xẩy ra đây?" Chuyện này chẳng có gì lạ, vì trước
đây khi nuôi dưỡng phiền não, bạn đã đối xử nhẹ nhàng với chúng, vuốt ve, nuông
chiều chúng. Như người bị thương bên trong mà chỉ đắp thuốc bên ngoài nên chẳng
có cảm giác gì. Bây giờ mổ ra để trị tận gốc thì chắc chắn không tránh khỏi đau
đớn.
Muốn đề kháng lại phiền não thì
bạn đừng cho chúng ăn, ngủ theo ý muốn của chúng. Nhiều người cho làm như thế
là tự hành hạ mình thái quá. Nhưng đó là điều cần thiết để có sức mạnh bên
trong. Bạn phải tự mình ý thức về mình. Luôn luôn theo dõi tâm, bạn có thể nghĩ
rằng bạn chỉ nhìn vào kết quả mà không biết đến nguyên nhân. Giả sử cha mẹ có
một đứa con, lớn lên nó không biết kính trọng cha mẹ. Cha mẹ rất đau buồn và tự
hỏi, "Không biết thằng này từ đâu đến đây?" Thực ra, đau khổ của
chúng ta đến từ sự hiểu biết sai lầm, từ sự dính mắc vào những hoạt động của
tâm. Chúng ta phải huấn luyện tâm như huấn luyện một con trâu. Trâu là tư tưởng
của chúng ta, và người chăn trâu là thiền sinh. Nuôi trâu và huấn luyện trâu là
hành thiền. Với một con trâu được huấn luyện thuần thục, chúng ta có thể thấy
chân lý, chúng ta có thể hiểu nguyên nhân của "tự ngã" của chúng ta
và chỗ chấm dứt của nó, chỗ chấm dứt mọi sầu muộn. Nó không phức tạp đâu!
Mọi người đều có phiền não trong
lúc hành thiền. Chúng ta phải hiểu chúng. Chiến đấu với chúng khi chúng hiện
khởi. Đây không phải là chuyện suy nghĩ mà là chuyện thực hành. Cần phải có
nhiều kiên nhẫn. Dần dần chúng ta sẽ thay đổi lối suy nghĩ và cảm giác theo
thói quen của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy biết bao đau khổ sinh ra khi chúng ta
nghĩ đến danh từ Ta và Của Ta. Lúc ấy chúng ta sẽ không còn chấp nữa.
Một thanh niên Tây phương vừa mới
đến một trong những tu viện trong rừng của Ngài Ajahn Chah xin ở lại hành thiền.
Câu trả lời đầu tiên của Ngài là:
-- Tôi hy vọng anh không sợ đau
khổ.
Hơi bất ngờ và sửng sốt một chút
trước câu nói, chàng thanh niên giải thích rằng anh ta không phải đến đây để
đau khổ mà muốn đến đây để học thiền và sống trong yên tĩnh trong rừng.
Ajahn Chah giải thích:
-- Có hai loại đau khổ: đau khổ
dẫn đến đau khổ hơn, và đau khổ dẫn đến chấm dứt đau khổ. Nếu anh không muốn
gặp loại đau khổ thứ hai thì anh chắc chắn sẽ gặp loại đau khổ đầu tiên.
Lối dạy của Ajahn Chah thường
thẳng thắn và trực tiếp. Khi gặp các vị sư học trò của Ngài trong khuôn viên
thiền viện, Ngài thường hỏi, "Hôm nay sư có đau khổ nhiều không?" Nếu
có vị sư nào trả lời "Có," Ngài sẽ nói, "Tốt lắm, sư phải mừng
và mong muốn được như ngày hôm nay" và Ngài cười với nhà sư về chuyện này.
Bạn đã từng có hạnh phúc chưa?
Bạn đã từng gặp đau khổ chưa? Bạn có từng xét xem hai loại trên, loại nào thực
sự có giá trị hơn chưa? Nếu đúng là hạnh phúc thì nó sẽ không bao giờ mất. Có
thể như vậy được không? Bạn phải nghiên cứu điểm này để thấy sự chân xác và
thực tế. Sự nghiên cứu này, sự hành thiền này dẫn đến Chánh Kiến.
Nghĩa rốt ráo của Chánh Kiến là
không phân biệt. Thấy mọi người như nhau, không tốt cũng không xấu, không thông
minh cũng không ngu dốt. Đừng nghĩ rằng mật ong ngọt và tốt, còn một số thực
phẩm khác thì đắng và xấu. Mặc dầu bạn có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác
nhau, nhưng khi cơ thể hấp thụ và bài tiết ra ngoài chúng đều giống nhau. Một
cái ly được xem là lớn khi so sánh với một cái chén nhỏ. Nhưng khi đặt cạnh cái
bình thì ly không còn lớn nữa.
Tâm phân biệt phát xuất từ tham
muốn và si mê, nó nhuộm màu mọi vật bằng lối này. Đó là thế giới do chính chúng
ta tạo ra. Như vậy cái ly vốn không lớn không nhỏ. Cảm thấy lớn hay nhỏ do tâm
phân biệt của chúng ta. Chúng ta dùng tham ái và si mê để so sánh với cái khác
nên có sự phân biệt lớn nhỏ.
Luôn luôn có sự bất đồng trên thế
giới này. Xem xét sự bất đồng của chúng, đồng thời tìm hiểu luôn sự tương đồng
nữa. Những người đến đây khác biệt nhau về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng đừng nghĩ
rằng: "Đây là người Thái, đây là người Lào, đây là người Tây phương."
Hãy có sự hiểu biết hỗ tương và tôn trọng lối sống của nhau. Học thấy những
điểm tương đồng bên trong mọi vật, tất cả đều thật sự tương đồng, đều trống rỗng.
Khi đã học được, biết được sự tương đồng bên trong mọi vật, lúc bấy giờ bạn sẽ
biết cách cư xử và đối diện với những bất đồng bên ngoài một cách khôn ngoan và
hiểu biết. Nhưng cũng đừng dính mắc với sự tương đồng nữa.
Tại sao đường thì ngọt mà nước lã
thì chẳng có vị gì cả? Bởi vì bản chất của chúng là vậy. Suy nghĩ hay tĩnh
lặng, đau khổ hay khoái lạc cũng thế -- muốn đừng suy nghĩ nữa là một chuyện
sai lầm. Đôi lúc suy nghĩ, đôi lúc yên tịnh. Chúng ta phải thấy cả hai đều có
cùng bản chất vô thường, bất toại nguyện và đều không đem lại hạnh phúc vĩnh
cửu. Nhưng nếu chúng ta băn khoăn lo lắng và suy nghĩ xa hơn: "Tôi đau
khổ, tôi muốn không suy nghĩ," thì chúng ta đã làm mọi chuyện trở nên phức
tạp bởi quan kiến sai lầm của mình.
Vào lúc chúng ta cảm thấy suy
nghĩ là đau khổ, chẳng khác nào chúng ta đang bị cướp. Chúng ta phải làm thế
nào để chấm dứt sự suy nghĩ đây? Ban ngày, trời sáng. Ban đêm, trời tối. Phải
chăng đau khổ nằm trong sự sáng hay tối này? Chỉ khi chúng ta so sánh sự vật
hiện tại với những gì mà ta đã gặp trước đây, hoặc chúng ta mong mỏi chúng xẩy
ra trong chiều hướng mà chúng ta mong đợi, chúng ta mới đau khổ. Một cách rốt
ráo thì sự vật là như vậy, như vậy -- chỉ vì chúng ta so sánh nên mới nhận lấy
đau khổ.
Khi thấy Tâm làm việc, bạn có xem
nó là chính bạn hay là cái của bạn không? Bạn sẽ trả lời: "Tôi không biết
nó có phải là tôi hay của tôi không, nhưng chắc chắn là tôi không kiểm soát
được nó." Nó như một con khỉ nhẩy nhót vô ý thức. Nó chạy lên lầu, thấy
chán nó lại chạy xuống lầu; mệt mỏi, đi xem chớp bóng, lại chán nữa; đi ăn,
cũng chán nữa. Những hành động này được điều khiển bởi những hình thức khác
nhau của chán ghét và sợ hãi.
Bạn phải học cách kiểm soát. Đừng
lo cho con khỉ nữa mà hãy lo cho chân lý của cuộc sống. Hãy nhìn bản chất thật sự
của tâm: vô thường, bất toại nguyện và trống rỗng. Phải học cách làm chủ nó.
Nếu cần thì xích nó lại. Hãy để nó tự làm mệt nhoài rồi chết. Thế rồi, bạn có
con khỉ chết. Hãy để cho xác khỉ chết thối rữa ra, bạn sẽ có xương khỉ.
Giác ngộ không có nghĩa là chết
và bất động như một pho tượng Phật. Người giác ngộ cũng suy nghĩ, nhưng biết
tiến trình suy nghĩ đó là vô thường, bất toại nguyện, và không có tự ngã. Người
hành thiền sẽ thấy những điều này một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải truy tầm
đau khổ và chận đứng nguyên nhân gây ra khổ đau. Nếu không thấy được điều đó
thì trí tuệ sẽ không bao giờ nẩy sinh. Không nên đoán mò mà phải thấy sự vật
một cách rõ ràng và chính xác, đúng theo thực tướng của nó -- cảm giác chỉ là
cảm giác; suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Đó là cách thức chấm dứt mọi vấn đề của
chúng ta.
Chúng ta có thể xem tâm như một
đóa sen. Một số sen vẫn còn nằm trong bùn; một số vượt ra khỏi bùn nhưng vẫn
còn ở dưới mặt nước; một số khác đã vươn đến mặt nước; và một số khác nữa đã nở
rộ và toả hương thơm dưới ánh nắng mặt trời. Bạn muốn mình là loại hoa nào đây?
Nếu bạn thấy mình còn nằm dưới mặt nước thì phải coi chừng lũ cá và bày rùa!
Muốn hành thiền tiến bộ, bạn phải
có một vị thầy để dạy dỗ và hướng dẫn bạn. Có nhiều hiểu biết sai lầm về sự tập
trung tâm ý, nhiều hiện tượng bất thường sẽ xẩy ra trong lúc bạn hành thiền.
Lúc chúng xẩy ra, vị thầy sẽ kịp thời hướng dẫn và đặc biệt điều chỉnh những
sai lầm của bạn. Những điểm thầy sửa chữa thường là những điểm mà bạn đinh ninh
là mình đúng. Trong những tư tưởng phức tạp của bạn, một quan điểm phát sinh có
thể đối nghịch với những quan điểm khác làm bạn bối rối. Kính trọng thầy và
tuân theo những qui định và hệ thống mà thầy đã đưa ra. Thầy dạy làm gì phải
làm theo. Thầy khuyên không nên làm điều gì phải nghe theo lời thầy. Những lời
thầy dạy thường giúp bạn tinh tấn khiến tri kiến phát khởi trong tâm bạn. Nếu
bạn làm đúng theo lời khuyên của tôi, bạn sẽ thấy và hiểu rõ.
Vị chân sư thường chỉ dạy những
cách hành thiền khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực của bạn để loại bỏ tự ngã. Dầu có
gì xẩy ra cũng đừng bỏ thầy. Hãy để thầy hướng dẫn vì bạn rất dễ quên đường
thực hành.
Than ôi, rất ít người nghiên cứu
Phật giáo thật sự muốn hành thiền. Tôi khẩn khoản khuyên họ hành thiền, nhưng
họ chỉ có thể học hỏi nghiên cứu theo lối thuần lý mà thôi.
Ngài Ajahn Chah đến thăm một
trung tâm thiền ở Hoa kỳ. Các thiền sinh ở đây rất hân hoan thích thú trước
những lời dạy của Ngài.
Ngài dùng lời lẽ rõ ràng, trực
tiếp, dí dỏm và đầy tình thương khi đề cập đến sự luyến ái và nỗi sợ hãi của
con người.
Còn gì sung sướng và thích thú
hơn khi được một vị thiền sư tài ba và nổi tiếng như Ngài Ajahn Chah đến thăm.
Được thưởng thức những câu chuyện
ý nhị, được nhìn những nhà sư với chiếc y vàng khiêm nhường, được nghe giáo
pháp qua lối diễn đạt mới mẻ nên các thiền sinh rất thích thú yêu cầu Ngài:
-- Xin Ngài hãy ở lại đây thêm
một thời gian, đừng về sớm như chương trình đã định. Chúng tôi rất sung sướng
được học hỏi với Ngài.
Ngài cười nói:
-- Cái gì mới thì đều tốt đẹp.
Nhưng nếu tôi ở đây dạy các bạn và bắt các bạn thực hành, các bạn sẽ mệt mỏi vì
chán tôi. Phải vậy không? Việc thực hành của các bạn sẽ ra sao khi niềm hân
hoan phấn khởi tan biến? Chẳng bao lâu các bạn sẽ ngấy tôi thôi. Làm thế nào để
tâm bất an và tâm mong mỏi này chấm dứt? Ai có thể dạy bạn điều này? Bạn chỉ có
thể học từ nơi Chân Pháp mà thôi.
Đức Phật dạy rằng sự vật diễn
biến theo đường lối riêng của nó. Một khi bạn đã làm điều gì, bạn chẳng cần
phải nhọc công theo dõi kết quả của nó, hãy phó mặc cho thiên nhiên, để cho
nghiệp lực tự vận hành và tích lũy. Nỗ lực tinh tấn không ngừng, đó là việc của
bạn. Còn chuyện trí tuệ đến nhanh hay chậm chẳng cần để ý làm gì. Bạn không thể
thúc ép nó được. Chẳng khác nào khi trồng cây bạn không thể thúc ép cây mọc
nhanh hơn. Cây có bước tiến của nó. Nhiệm vụ của bạn là đào lỗ, trồng cây, tưới
nước, bón phân, trừ sâu, v. v. Nhưng cây mọc thế nào là chuyện của cây. Việc
hành thiền của bạn cũng vậy. Bạn hãy vững tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp: cây của
bạn sẽ mọc tốt.
Thế nên bạn phải biết việc làm
của bạn khác với việc làm của cây. Hãy để cho cây lo cho cây và bạn làm bổn
phận của bạn. Nếu tâm không biết làm việc gì nó cần phải làm thì nó sẽ thúc ép
cây mọc nhanh, đơm hoa kết trái trong vòng một ngày. Đó là quan kiến sai lầm,
nguyên nhân của đau khổ. Cứ hành thiền đúng và để phần còn lại cho nghiệp lực
của bạn. Và, dầu cho nó có trải qua một đời, trăm đời hay ngàn đời đi nữa cũng
chẳng ăn nhằm gì, việc hành thiền của bạn sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp.
Một nhóm người hành hương đến
thăm Ngài Ajahn Chah, hỏi Ngài ba câu hỏi lớn:
1. Tại sao Ngài hành thiền?
2. Ngài hành thiền như thế nào?
3. Kết quả việc hành thiền của
Ngài ra sao?
Nhóm người hành hương này là
những vị đại diện cho một tổ chức tôn giáo Âu Châu đã đến gặp nhiều thiền sư ở
Á Châu để hỏi những câu hỏi trên.
Nghe ba câu hỏi này, Ngài Ajahn
Chah nhắm mắt, trầm ngâm một lát, rồi trả lời bằng cách hỏi lại ba câu hỏi
khác:
1. Tại sao quí vị ăn?
2. Quí vị ăn như thế nào?
3. Sau khi ăn xong quí vị cảm
thấy ra sao?
Nói xong Ngài cười.
Về sau Ngài giải thích rằng:
Những lời dạy của Đức Phật nhằm mục đích hướng dẫn mọi người hãy trở về với Trí
Tuệ nội tại của mình, trở về với Giáo Pháp tự nhiên của mình. Bởi thế nên Ngài
muốn nhắc nhở những vị hành hương này không cần phải đi khắp Á Châu tìm kiếm
lời giải đáp mà hãy trở về tìm hiểu phần bên trong của mình.
Chánh tinh tấn không phải là cố
gắng làm cho một điều gì đặc biệt phát sinh. Đó là cố gắng ý thức và tỉnh thức
trong mọi lúc, cố gắng chế ngự sự lười biếng và phiền não, cố gắng thực hiện
trong tỉnh thức mọi tác động hàng ngày của chúng ta.
Ngài Ajahn Chah nói với một nhà
sư mới:
-- Việc hành thiền ở đây là không
nắm giữ một thứ gì.
Nhà sư mới phát biểu:
-- Nhưng có vài thứ đôi khi cần
nắm giữ chứ!
Ngài trả lời:
-- Đúng thế, nhưng bằng tay chứ
không phải bằng tâm. Khi tâm nắm giữ sự đau khổ thì chẳng khác nào bị rắn cắn.
Và thích thú nắm giữ cái gì với tâm tham ái chẳng khác nào nắm lấy đuôi rắn: ta
chỉ nắm được một thời gian ngắn thôi, vì sau đó không lâu, rắn sẽ quay đầu lại
cắn ta.
Lấy chánh niệm và không luyến ái
làm người canh giữ tâm mình, như cha mẹ giữ con cái. Rồi thì yêu và ghét sẽ đến
gọi tâm bạn như con cái đến gọi cha mẹ: "Má ơi! Con không thích cái
này!" "Ba ơi! Con muốn nhiều hơn," "Được!" "Nhưng
má ơi! Con thích có một con voi!" "Được!" "Con muốn ăn kẹo!
Con muốn đi máy bay!" Tất cả đều chẳng có gì quan trọng nếu bạn để cho mọi
sự vật đến và đi, một cách tự nhiên mà không nắm giữ.
Khi giác quan tiếp xúc với sự vật
thì yêu và ghét phát sinh, và si mê đi liền theo đó. Nhưng với chánh niệm thì
cũng với sự tiếp xúc đó, nhưng trí tuệ phát sinh.
Khi bạn bị bắt buộc phải có mặt
tại một nơi có nhiều chuyện quấy rầy giác quan bạn, bạn đừng ngại, hãy tự
nhiên, vì Giác Ngộ không có nghĩa là điếc và mù. Chỉ cần chú tâm chánh niệm là
đủ. Đừng khờ dại nghe theo kẻ khác một cách mù quáng. Khi nghe ai nói "Cái
này đẹp," hãy tự nhủ "Không phải thế." Khi nghe ai nói "Cái
này tuyệt diệu," hãy tự nhủ "Không phải thế." Đừng để dính mắc
vào tham ái của thế gian. Đừng để dính mắc vào những phán đoán của thiên hạ.
Hãy để mọi chuyện trôi qua một cách tự nhiên.
Một số người sợ sự bố thí. Họ cảm
thấy sẽ bị bóc lột hay bị áp chế khi phải cho ai một cái gì. Họ nghĩ họ cần
phải lo cho chính họ. Muốn phát triển tâm bố thí, chúng ta cần phải đè nén tính
tham ái và dính mắc. Nhờ thế bản chất thực sự của chúng ta sẽ tự hiển lộ, trở
nên nhẹ nhàng hơn và giải thoát hơn.
Kinh tụng
Kinh Châu
Báu
Ratanasutta
Yānīdha
bhūtāni samāgatāni
Bhummāni vā yāniva antalikkhe
Sabbe va bhūtā sumanā bhavantu
Athopi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ
Tasmā hi bhūtāni sāmetha sabbe
Mettaṃ karotha mānusiyā pajāya
Divā ca ratto ca haranti ye baliṃ
Tasmā hi ne rakkhatha appamattā
Chúng thiên nhân các cõi
Dù thiên tiên địa tiên
Ðã vân tập nơi đây
Mong khởi lòng hoan hỷ
Thành kính nghe lời nầy
Rồi với tâm bi mẫn
Năng hộ trì nhơn loại
Vốn đêm ngày hồi hướng
Phước lành đến chư thiên
Yaṅkiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi tathāgatena
Idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.
Những vật quí trong đời
Chốn nầy hay nơi khác
Cả châu báu cõi trời
Không gì sánh bằng được
Với Như Lai Thiện Thệ
Do vậy chính đức Phật
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc
Khayaṃ virāgaṃ amataṃ paṇītaṃ
yadajjhagā sakyamunī samāhito
Na tena dhammena samatthi kiñci
idaṃ pi dhamme ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu
Pháp bất tử tối thượng
Ly dục diệt phiền não
Phật Thích Ca Mâu Ni
Chứng pháp ấy trong thiền
Không gì sánh bằng được
Pháp thiền vi diệu ấy
Do vậy chính Chánh Pháp
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc
Yaṃ
buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ
samādhimānantarikaññamāhu
samādhinā tena samo na vijjati
idaṃ pi dhamme ratanaṃ paṇītam
etena saccena suvatthi hotu
Con đường thanh lọc tâm
Là tu tập thiền định
Chứng hiện tại lạc trú
Ðức Phật hằng ngợi khen
Không gì so sánh được
Do vậy chính Chánh Pháp
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc
[phân đoạn 5]
Ye puggalā
aṭṭhasataṃ pasaṭṭhā
cattāri etāni yugāni honti
te dakkhiṇeyyā sugatassa sāvakā
etesu dinnāni mahapphalāni
idaṃ pi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu
Thánh tám vị bốn đôi
Là những bậc ứng cúng
Ðệ tử đấng Thiện Thệ
Ðược trí giả tán thán
Cúng dường đến các ngài
Hưởng vô lượng công đức
Do vậy chính Tăng Chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc
Ye, những vị
puggalā, hạng người
aṭṭha, tám
sataṁ, bởi người thiện trí
pasatthā, Ngợi khen
cattāri, bốn
etāni, Những vị nầy
yugāni, đôi, cặp
honti, gồm có
Te, Những vị ấy
dakkhiṇeyyā, Xứng đáng được cúng dường, ứng cúng
Sugatassa, của đấng Thiện Thệ
sāvakā, thinh văn, đệ tử Phật
etesu, các vị đó
dinnāni, Những cúng dường
mahapphalāni, quả báo to lớn
Idaṁ pi, nầy
Saṅghe, Đức Tăng
ratanaṁ, châu báu
paṇītaṁ, tối thượng, thù thắng
etena, bởi (điều) nầy
saccena, lời chân thành, chân ngôn
suvatthi, sự tốt lành, bình an, cát tường
hotu, hãy có, hãy thành tựu
No comments:
Post a Comment