Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 3/3/2020
67. Kinh Cātuma (Cātuma sutta)
784. Tại sao gọi là Kinh Cātuma?
Tên bài kinh lấy từ địa danh Càtuma một làng của dòng họ Thích
Ca nơi Đức Phật giảng kinh nầy.
785. Đại ý Kinh Cātuma là gì?
Thuở ấy Đức Thế Tôn trú ở rừng cây A ma lặc (cây lý gai) gần làng
Càtuma. Lúc bấy giờ một số đông các tỳ kheo (nguyên văn năm trăm vị) do hai tôn
giả Sàriputta và Moggallàna hướng dẫn đến bái kiến Đức Phật. Những tỳ kheo mới
tu nầy vốn chưa thụ huấn đầy đủ nên tạo ra nhiều tiếng ồn ào huyên náo. Đức Phật
đã ra lệnh đuổi các vị ấy đi nơi khác (chư Phật không cộng trú với những tỳ
kheo không biết gìn giữ sự thanh tịnh, một đặc tính của người tu Phật). Sau nầy
nhờ sự can thiệp của những người dòng Thích Ca và Phạm Thiên Sahampatti, Đức Phật
cho phép những tỳ kheo ấy trở lại nơi Ngài đang ngự và giảng giải về những nguy
hiểm trong đời sống xuất gia.
Bài kinh nầy chứa đựng đặc tính của kinh điển của Phật giáo Nguyên
Thuỷ là ghi lại trung thực những gì đã xẩy ra với văn phong không trau chuốt. Một
số người không quen sẽ cảm thấy ngạc nhiên với vài chi tiết của bài kinh nầy.
786. Các tỳ kheo bị Đức Thế Tôn đuổi đi sau đó được trở lại bằng
cách nào?
Lúc bấy giờ những người dòng Thích Ca (bản dịch là Thích tử có thể
bị hiểu lầm chỉ cho những tỳ kheo đệ tử Phật) thấy các tỳ kheo bị Đức Thế Tôn đuổi
đi đã tìm cách can thiệp:
Lúc bấy giờ, các Thích tử trú ở Catuma đang hội họp tại giảng
đường vì một vài công cụ. Các Thích tử trú ở Catuma thấy các Tỷ-kheo ấy từ xa
đi đến, sau khi thấy liền đến gặp các Tỷ-kheo, sau khi đến bèn nói như sau:
-- Nay chư Tôn giả đi đâu?
-- Chư Huynh, chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi đi.
-- Chư Tôn giả hãy ngồi lại một lát. Chúng tôi có thể làm cho Thế
Tôn vui lòng.
-- Thưa vâng, chư Huynh.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp các Thích tử (bộ tộc Thích ca) trú ở
Catuma. Rồi các Thích tử trú ở Catuma đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các Thích tử trú ở
Catuma bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế
Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng
Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ
chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ở đây, có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được
bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có
thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, các hạt giống cây nếu
không được nước, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch
Thế Tôn, ở đây có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến
trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có
thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, con bê nếu không được thấy con bò mẹ,
chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây có
những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và
Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy
tiếp đón chúng Tỷ-kheo.
Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp
đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo.
Phạm thiên Sahampati cũng góp lời:
Rồi Phạm thiên Sahampati (Ta bà Chủ) với tâm của mình biết được
tâm Thế Tôn. Như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay
đang duỗi ra; cũng như vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra
trước mặt Thế Tôn. Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chấp
tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế
Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia chúng
Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ
chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ở đây, có những tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được
bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có
thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, các hạt giống cây nếu
không được nước, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch
Thế Tôn, ở đây, có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới
đến trong Pháp và Luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ
có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, con bê, nếu không được thấy con bò mẹ,
nó có thể đổi khác, nó có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây, có
những tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong Pháp và Luật
này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Bạch
Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp
đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế
Tôn giúp đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo.
Các Thích tử ở Catuma và Phạm thiên Sahampati đã có thể làm Thế
Tôn vui lòng với ví dụ hột giống và ví dụ con bê con. Rồi Tôn giả
Mahamoggallana bảo các Tỷ-kheo:
-- Chư Hiền, hãy đứng dậy! Hãy cầm lấy y và bình bát! Thế Tôn đã
được các Thích tử trú ở Catuma và Phạm thiên Sahampati làm cho vui lòng với ví
dụ hột giống và ví dụ con bê con.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
787. Đức Thế Tôn đã nói gì với hai bậc thượng thủ thinh văn?
Đức Thế Tôn đã hỏi nhị vị thượng thủ thinh văn có biết lý do tại
sao Ngài đuổi chư tỳ kheo. Tôn giả Sàriputta trả lời vì như vậy sẽ khiến cho
Đức Phật và chư tỳ kheo khác có được sự an tịnh. Nhưng đây là câu trả lời sai
vì theo Sớ giải, Đức Phật muốn nhị vị thượng thủ thinh văn nhận lấy trách nhiệm
huấn thị chư tỳ kheo:
Thế Tôn nói với Tôn giả Sariputta đang ngồi một bên:
-- Này Sariputta, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi?
-- Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như
sau: "Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc.
Chúng con nay cũng được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc.
-- Này Sariputta, hãy chờ đợi! Này Sariputta, hãy chờ đợi! Này
Sariputta, chớ có để tư tưởng như vậy khởi lên Ông nữa.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahamoggallana:
-- Này Moggallana, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi?
-- Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như
sau: "Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc.
Và từ nay con và Tôn giả Sariputta sẽ lãnh đạo chúng Tỷ-kheo.
-- Lành thay, lành thay, Moggallana. Này Moggallana, chỉ có Ta hay
Sariputta và Moggallana mới có thể lãnh đạo chúng Tỷ-kheo được.
788. Bậc Đạo Sư dạy gì về những hiểm hoạ của đời sống xuất gia?
Ngài đã dạy về bốn hiểm hoạ đối với hàng xuất gia:
-- Này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những ai lội
xuống nước. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước
xoáy, sợ hãi về cá dữ. Này các Tỷ-kheo, bốn điều đáng sợ hãi này chờ đợi những
ai lội xuống nước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi này, ở
đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong
Pháp và Luật này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về
nước xoáy, sợ hãi về cá dữ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ,
ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy
được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này
được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyến giáo: "Ông cần phải đi ra như
vậy, Ông cần phải đi về như vậy; Ông cần phải ngó tới như vậy, Ông cần phải ngó
quanh như vậy; Ông cần phải co tay như vậy, Ông cần phải duỗi tay như vậy; Ông
cần phải mang y sanghati (tăng-già-lê), mang y bát như vậy". Vị ấy suy
nghĩ như sau: "Trước kia, chúng ta chưa xuất gia, chính chúng ta giảng
dạy, khuyến giáo người khác. Những người này giống như con chúng ta, giống như
cháu chúng ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy chúng ta, cần phải khuyến giáo
chúng ta". Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các
Tỷ-kheo, người này từ bỏ sự học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ
hãi bởi sự sợ hãi về sóng. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về sóng là đồng nghĩa với
phẫn não.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ,
ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy
được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này
được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyến giáo: "Ông nên nhai cái này,
Ông không nên nhai cái này; Ông nên ăn cái này, Ông không nên ăn cái này; Ông
nên nếm cái này, Ông không nên nếm cái này; Ông nên uống cái này, Ông không nên
uống cái này. Cái gì được phép, Ông nên nhai; cái gì không được phép, Ông không
nên nhai. Cái gì được phép, Ông nên ăn; cái gì không được phép, Ông không nên
ăn. Cái gì được phép, Ông nên nếm; cái gì không được phép, Ông không nên nếm.
Cái gì được phép, Ông nên uống; cái gì không được phép, Ông không nên uống.
Ðúng thời, Ông nên nhai, không đúng thời, Ông không nên nhai. Ðúng thời, Ông
nên ăn; không đúng thời, Ông không nên ăn. Ðúng thời, ông nên nếm; không đúng
thời, Ông không nên nếm. Ðúng thời, Ông nên uống; không đúng thời, Ông không
nên uống".
Vị ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia chúng ta chưa xuất gia,
cái gì chúng ta muốn, chúng ta nhai, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không
nhai; cái gì chúng ta muốn, chúng ta ăn; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta
không ăn; cái gì chúng ta muốn, chúng ta nếm, cái gì chúng ta không muốn, chúng
ta không nếm; cái gì chúng ta muốn, chúng ta uống; cái gì chúng ta không muốn,
chúng ta không uống. Cái gì được phép, chúng ta nhai; cái gì không được phép,
chúng ta cũng nhai. Cái gì được phép, chúng ta ăn; cái gì không được phép,
chúng ta cũng ăn. Cái gì được phép, chúng ta nếm; cái gì không được phép, chúng
ta cũng nếm. Cái gì được phép, chúng ta uống; cái gì không được phép, chúng ta
cũng uống. Cái gì đúng thời, chúng ta nhai; cái gì phi thời, chúng ta cũng
nhai. Cái gì đúng thời, chúng ta ăn; cái gì phi thời chúng ta cũng ăn. Cái gì
đúng thời, chúng ta nếm; cái gì phi thời chúng ta cũng nếm. Cái gì đúng thời,
chúng ta uống; cái gì phi thời chúng ta cũng uống. Khi các gia chủ có tín tâm
cúng dường chúng ta những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như các
món ăn ấy đang bị chận đứng lại trên miệng". Vị ấy từ bỏ học tập, và trở
về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập, và trở về hoàn
tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá sấu. Sợ hãi về cá sấu, này
các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ,
ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy
được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này
buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng
hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Ở
đây, vị này thấy gia chủ hay con người gia chủ hưởng thụ một cách đầy đủ, năm
dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị ấy suy nghĩ như sau:
"Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ một cách đầy đủ năm dục
trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa
hưởng thọ tài sản, vừa làm công đức", vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn
tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được
gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về
nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ,
ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy
được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này
buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng
hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị
này thấy ở đây các phụ nữ y phục không đoan chánh, hay y phục mặc lộ liễu. Khi
thấy các phụ nữ y phục không đoan chính hay y phục lộ liễu, dục tình phá hoại
tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị dục tình phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn
tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được
gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá dữ. Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi về cá
dữ là đồng nghĩa với phụ nữ.
Này các Tỷ-kheo, những điều này là bốn điều đáng sợ hãi ở đây, chờ
đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và
Luật này.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Tại sao tôn giả Sàrìputta , một Bậc Đại trí tuệ , mà lại không trả lời đúng câu hỏi của Đức Thế Tôn ? - ĐĐ Nguyên Thông & TT Pháp Đăng
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment