Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 6/3/2020
70. Kinh Kìtàgiri (Kìtàgiri
sutta)
798. Tại sao gọi là Kinh Kìtàgiri ?
Tên bài kinh lấy từ địa danh Kìtàgiri, một làng nằm trên trục
lộ từ Baranasi đến Savatthi, là nơi Đức Thế Tôn giảng kinh nầy.
799. Đại ý Kinh Kìtàgiri là gì?
Thuở ấy khi Đức Thế Tôn trú ở Kìtàgiri Ngài dạy chư tăng nên từ bỏ
ăn phi thời. Lúc bấy giờ có hai tỳ kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka từ chối
không chấp trì lời dạy của Bậc Đạo Sư. Đức Phậc cho gọi hai vị nầy tới và dạy về
bốn điểm:
-
Sự thọ dụng các nhu yếu liên hệ thế nào đối với thiện pháp và bất
thiện pháp.
-
Bảy hạng người có thành tựu trong giáo pháp
-
Trí tuệ vốn thành tựu qua nhiều giai đoạn
800. Hai tỳ kheo Assaji và Tỷ-kheo Punabbasuka là những nhân vật
thế nào?
Đó là hai trong số sáu tỳ kheo được gọi là “nhóm lục sư – chabbaggiyā”
thường có những sai phạm về hạnh kiểm. Do nhóm nầy mà nhiều điều luật được Đức
Phật ban hành. Có một vị trong nhóm nầy tên Assaji không phải là Tôn giả Assaji
trong nhóm “năm thầy Kiều Trần Như”
801. Đức Phật đã dạy gì về sự thọ dụng các nhu yếu liên hệ thế nào
đối với thiện pháp và bất thiện pháp?
Trước hết Đức Phật nhấn mạnh là Ngài từng dạy về ảnh hưởng của cảm
thọ đối với thiện pháp và bất thiện pháp. Do vậy sự thọ dụng các nhu yếu cần được
cẩn thận với chánh niệm:
-- Này các Tỷ-kheo , các Ông có hiểu pháp Ta dạy như sau:
"Một cá nhân cảm thọ bất cứ cảm giác nào, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc;
đối với người ấy, các pháp bất thiện được đoạn diệt, các thiện pháp được tăng
trưởng"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có hiểu pháp Ta dạy như sau: "Ở
đây đối với một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp được
tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt; ở đây, đối với một người, khi cảm thọ
lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp bị đoạn diệt, các thiện pháp được tăng
trưởng. Ở đây, đối với một người khi cảm thọ khổ thọ như vậy, các bất thiện
pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt; ở đây, đối với một người,
khi cảm thọ khổ thọ như vậy, các bất thiện pháp bị đoạn diệt, các thiện pháp
được tăng trưởng. Ở đây, đối với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ như
vậy, các bất thiện pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt; ở đây,
đối với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp
bị đoạn diệt, các thiện pháp được tăng trưởng"?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này các Tỷ-kheo ! Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này
Ta không biết, không thấy, không giác, không chứng, không liễu giải với trí tuệ
rằng: "Ở đây, đối với một người, khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất
thiện pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt", có thể chăng,
này các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói: "Hãy từ bỏ lạc thọ như
vậy"? Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là xứng đáng đối với Ta chăng?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Nhưng này các Tỷ-kheo, vì rằng sự việc này Ta biết, Ta thấy, Ta
giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một người,
khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp được tăng trưởng, các thiện
pháp bị đoạn diệt", do vậy Ta nói: "Hãy từ bỏ lạc thọ như vậy".
Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này Ta không biết, không thấy, không giác, không
chứng, không liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một người, khi
cảm thọ lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp bị đoạn diệt, các thiện pháp được
tăng trưởng", có thể chăng, này các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại
nói: "Hãy chứng và trú lạc thọ như vậy"? Và như vậy, này các Tỷ-kheo,
là xứng đáng đối với Ta chăng?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Nhưng này các Tỷ-kheo, vì sự việc này Ta biết, Ta thấy, Ta
giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một người,
khi cảm thọ lạc thọ như vậy, các thiện pháp được tăng trưởng, các bất thiện
pháp bị đoạn diệt", do vậy Ta nói: "Hãy chứng và trú lạc thọ như
vậy".
Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này Ta không biết, không thấy, không
giác, không chứng, không liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một
người khi cảm giác khổ thọ... khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ như vậy, các bất
thiện pháp được tăng trưởng, các thiện pháp bị đoạn diệt", có thể chăng,
này các Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói: "Hãy từ bỏ bất khổ bất
lạc thọ như vậy"? Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là xứng đáng đối với Ta
chăng?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Nhưng này các Tỷ-kheo, vì rằng sự việc này Ta biết, Ta thấy, Ta
giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một người,
khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp được tăng trưởng,
các thiện pháp bị đoạn diệt", do vậy Ta nói: "Hãy từ bỏ bất khổ bất
lạc thọ như vậy". Này các Tỷ-kheo, nếu sự việc này Ta không biết, không
thấy, không giác, không chứng, không liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây,
đối với một người, khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ như vậy, các bất thiện pháp bị
đoạn diệt, các thiện pháp được tăng trưởng", có thể chăng, này các
Tỷ-kheo, không biết như vậy, Ta lại nói: "Hãy chứng và trú bất khổ bất lạc
thọ như vậy"? Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là xứng đáng đối với Ta chăng?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Nhưng này các Tỷ-kheo, vì rằng sự việc này Ta biết, Ta thấy, Ta
giác, Ta chứng, Ta liễu giải với trí tuệ rằng: "Ở đây, đối với một người,
khi cảm thọ bất khổ bất lạc thọ như vậy, các thiện pháp được tăng trưởng, các
bất thiện pháp bị đoạn diệt", do vậy Ta nói: "Hãy chứng và trú bất
khổ bất lạc thọ như vậy".
Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng đối với tất cả Tỷ-kheo, có sự
việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng đối
với tất cả Tỷ-kheo không có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Này các
Tỷ-kheo, đối với những Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, tu
hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt
được lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát; này các Tỷ-kheo,
đối với những Tỷ-kheo như vậy, Ta nói rằng không có sự việc cần phải làm, nhờ
không phóng dật. Vì sao vậy? Vì sự việc ấy đã được các vị này làm, nhờ không
phóng dật. Các vị này không thể trở thành phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo còn là các bậc hữu học, tâm
chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an ổn khỏi các triền ách; này
các Tỷ-kheo, đối với những Tỷ-kheo như vậy, Ta nói rằng có sự việc cần phải
làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy? Dầu cho trong khi các bậc Tôn giả này thọ
dụng các sàng tọa đúng pháp, thân cận các thiện hữu, chế ngự các căn, các vị ấy
(cần phải) tự mình nhờ thượng trí chứng ngộ chứng đạt, và an trú ngay trong
hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này, các Thiện gia nam
tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Do vậy, này các
Tỷ-kheo, đối với những Tỷ-kheo này, vì thấy quả này của không phóng dật nên Ta
nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật.
802. Thế nào là bảy hạng người có thành tựu trong giáo pháp?
Do căn tánh sai biệt nên sự chứng đắc sai biệt:
Này các Tỷ-kheo có bảy hạng người sống trong đời này. Thế nào là
bảy? Bậc câu phần giải thoát, bậc tuệ giải thoát, bậc thân chứng, bậc kiến đáo,
bậc tín giải thoát, bậc tùy pháp hành, bậc tùy tín hành.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc câu phần giải thoát? Ở đây, này
các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân đã chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt
khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc
của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng
người câu phần giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói rằng
không có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy? Vì sự việc ấy
đã được vị này làm, nhờ không phóng dật, vị ấy không có thể trở thành phóng
dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc tuệ giải thoát? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người, sau khi thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt
khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc
của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc tuệ giải
thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói không có sự việc cần phải
làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy? Vì sự việc ấy đã được vị này làm, nhờ
không phóng dật; vị ấy không có thể trở thành phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc thân chứng? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người sau khi thân chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi
các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc
của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc thân chứng.
Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không
phóng dật. Vì sao vậy? Dầu cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng
pháp, thân cận các thiện hữu, chế ngự các căn, vị này (cần phải) tự mình với
thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích vô
thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này các Thiện gia nam tử đã chơn chánh xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả
này của không phóng dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải
làm, nhờ không phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc kiến đáo? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người sau khi tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt
khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu
hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn; và các pháp do Như Lai tuyên thuyết
được vị này thấy một cách hoàn toàn với trí tuệ và thực hành một cách hoàn
toàn. Này các Tỷ-kheo, vị này được gọi là kiến đáo. Này các Tỷ-kheo, đối với
Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy?
Dầu cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp, thân cận các
thiện hữu, chế ngự các căn, vị này (cần phải) tự mình với thượng trí, chứng
ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh,
vì mục đích này các Thiện gia nam tử đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của không phóng
dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng
dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc tín giải thoát? Ở đây, này các
Tỷ-kheo có người, sau khi tự thân chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi
các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc
của vị này được đoạn trừ một cách hoàn toàn; và lòng tin của vị này đối với Như
Lai đã được xác định, phát sanh từ căn để an trú. Này các Tỷ kheo, vị này được
gọi là bậc tín giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự
việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy? Dầu cho trong khi Tôn giả
này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp, thân cận các thiện hữu, chế ngự các căn,
vị này (cần phải) tự mình với thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay
trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này các Thiện gia
nam tử đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Do vậy, này
các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của không phóng dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta
nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tùy pháp hành? Ở đây,
này các Tỷ-kheo có người sau khi tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải
thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ,
nhưng các lậu hoặc không được đoạn trừ một cách hoàn toàn; và các pháp do Như
Lai tuyên thuyết (chỉ) được vị này chấp nhận một cách vừa phải với trí tuệ, dầu
cho vị này có những pháp như là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Này các Tỷ-kheo, vị này được gọi là người tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, đối
với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao
vậy? Dầu cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng pháp, thân cận
các thiện hữu, chế ngự các căn, vị này (cần phải) tự mình với thượng trí, chứng
ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh,
vì mục đích này các Thiện gia nam tử đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này của không phóng
dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng
dật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người tùy tín hành? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người sau khi tự thân không chứng đắc có tịch tịnh giải thoát, vượt
khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, nhưng các lậu
hoặc không được đoạn trừ. Nhưng nếu vị này có đủ lòng tin và lòng thương đối
với Như Lai, thời vị này sẽ có những pháp như là tín căn, tấn căn, niệm căn,
định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, vị này được gọi là người tùy tín hành. Này
các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không
phóng dật. Vì sao vậy? Dầu cho trong khi Tôn giả này thọ dụng các sàng tọa đúng
pháp, thân cận các thiện hữu, chế ngự các căn, nhưng vị này (cần phải) tự mình
với thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích vô
thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này các Thiện gia nam tử chơn chánh xuất gia,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Do vậy, này các Tỷ-kheo, vì thấy quả này
của không phóng dật, nên đối với Tỷ-kheo này, Ta nói có sự việc cần phải làm,
nhờ không phóng dật.
803. Trí tuệ vốn thành tựu qua nhiều giai đoạn mang ý nghĩa thế
nào?
Điều nầy có nghĩa là trí tuệ thành tựu do những tố chất thích hợp
và trãi qua những giai đoạn chứ không phải “tự nhiên từ trên trời rớt xuống”:
Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập
tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ,
thực tập từ từ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ
từ, hành từ từ, thực tập từ từ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một vị có lòng tin đi
đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy
lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì
pháp; sau khi thọ trì, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy
tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước
muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy
cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng
được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy.
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu không có lòng tin ấy, thời này các
Tỷ-kheo, không có sự đến gần ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có tỏ sự kính lễ
ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự lóng tai ấy, thời này các Tỷ-kheo, không
có sự nghe pháp ấy, thời này Tỷ-kheo, không có sự thọ trì pháp ấy, thời này các
Tỷ-kheo, không có sự suy tư ý nghĩa ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự chấp
thuận pháp ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự ước muốn ấy, thời này các
Tỷ-kheo, không có sự nỗ lực ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự cân nhắc ấy,
thời này các Tỷ-kheo không có sự tinh cần ấy. Này các Tỷ kheo, ở đây, các Ông
đã đi vào phi đạo. Này các Tỷ-kheo, ở đây, các Ông đã đi vào tà đạo. Thật là
quá xa, này các Tỷ-kheo, các kẻ ngu này đã đi ra ngoài Pháp và Luật này.
804. Những đệ tử Phật cần nhìn vào tấm gương của Bậc Đạo Sư ở điểm
nào?
Cuối cùng Đức Phật nhấn mạnh về sự tương quan giữa Bậc Đạo Sư và
hàng đệ tử:
-- Này các Tỷ-kheo, cho đến một bậc Ðạo sư sống quá trọng vọng tài
vật, là vị thừa tự tài vật, và sống liên hệ với tài vật, thời sự mua may bán
đắt này không xảy ra: "Chúng tôi sẽ làm việc này như vậy, và như vậy chúng
tôi sẽ không làm việc này như vậy", huống nữa là Như Lai, này các Tỷ-kheo,
là vị sống hoàn toàn không liên hệ với các tài vật. Này các Tỷ-kheo, đối với
một đệ tử có lòng tin giáo pháp bậc Ðạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời
tùy pháp (anudhamma) được khởi lên: "Bậc Ðạo sư là Thế Tôn, đệ tử là tôi.
Thế Tôn biết, tôi không biết". Này các Tỷ-kheo, đến với một đệ tử, có lòng
tin giáo pháp bậc Ðạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời giáo pháp bậc Ðạo
sư được hưng thịnh, được nhiều sinh lực. Này các Tỷ-kheo, đối với đệ tử có lòng
tin giáo pháp bậc Ðạo Sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời tùy pháp này được
khởi lên: "Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô
héo, mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ
trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng".
Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử có lòng tin giáo pháp bậc Ðạo sư và sống thể
nhập giáo pháp ấy, vị ấy sẽ chứng được một trong hai quả như sau: Chánh trí
ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Khi Đức Phật dạy "Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ." Câu Phật ngôn nầy nên được hiểu thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment