Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 12/3/2020
833. Tại sao gọi là Kinh Māgaṇḍiya ?
Tên bài kinh lấy theo nhân vật chính, du sĩ ngoại đạo Màgandiya,
người đến đối thoại với Đức Phật.
834. Đại ý Kinh Māgaṇḍiya là gì?
Thuở ấy Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại thị trấn của dân
chúng Kuru tên là Kammasadhamma. Bấy giờ du sĩ ngoại đạo Māgaṇḍiya chỉ trích Đức
Phật là người phá hoại sự sống. Đức Điều Ngự
đã trả lời bằng một trình bày khúc chiết về sự sống, sự khổ, sự giải thoát.
Ngài cũng dạy thêm sự hiểu biết hạn hẹp của chúng sanh đối với đạo lý của các bậc
thánh giải thoát.
835. Māgaṇḍiya là nhân vật thế nào?
Māgaṇḍiya là anh em bạn dì với hoàng phi Māgaṇḍiyā. Vị nầy là một
du sĩ ngoại đạo có quan niệm giống như “chủ nghĩa hiện sinh” của ngày nay. Trong
bài kinh nầy sau khi nghe pháp từ Bậc Đạo Sư đã xuất gia trở thành bậc A la hán.
836. Câu chuyện được bắt đầu thế nào?
Du sĩ Māgaṇḍiya ghé thăm một gia đình bà la môn được biết Đức Phật
đang trú ở đấy liền đưa ra lời chỉ trích:
Rồi du sĩ Magandiya, trong khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại
ngôi nhà lửa của Bà-la-môn thuộc họ Bharadvaja. Du sĩ Magandiya thấy thảm cỏ đã
soạn sẵn trong nhà lửa của vị Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja, khi thấy vậy
liền nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja:
-- Tấm thảm cỏ này trong nhà lửa của Tôn giả Bharadvaja đã được
sửa soạn cho ai, hình như là chỗ nằm ngủ của một Sa-môn?
-- Thưa Tôn giả Magandiya, có Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia
từ dòng họ Sakya (Thích-ca). Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn
giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật,
Thế Tôn". Chỗ nằm này được sửa soạn cho Tôn giả Gotama ấy.
-- Thật sự, này Tôn giả Bharadvaja, chúng tôi thấy một sự bất hạnh
khi chúng tôi thấy chỗ ngủ của Tôn giả Gotama, một vị phá hoại sự sống
(bhunahuno).
-- Này Magandiya, hãy thận trọng lời Ông nói. Này Magandiya, hãy
thận trọng lời Ông nói. Nhiều vương tộc trí giả, nhiều Bà-la-môn trí giả, nhiều
Cư sĩ trí giả, nhiều Sa-môn trí giả có lòng tin nơi Tôn giả Gotama ấy, và đã tu
tập theo Thánh đạo, theo Pháp và theo (chí) Thiện.
-- Này Tôn giả Bharadvaja, nếu chúng tôi thấy mặt Tôn giả Gotama,
chúng tôi sẽ nói như sau trước mặt vị ấy: "Sa-môn Gotama là người phá hoại
sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.
-- Nếu Tôn giả Magandiya hoan hỷ, tôi sẽ tin lại sự tình này cho
Sa-môn Gotama biết.
-- Tôn giả Bharadvaja hãy yên lòng, và hãy nói lên những điều gì
đã được nói.
Câu chuyện được tiếp tục với chi tiết thú vị:
Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe được câu chuyện
giữa Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja và du sĩ Magandiya. Và Thế Tôn vào buổi
chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng
họ Bharadvaja, sau khi đến liền ngồi trên thảm cỏ đã soạn sẵn. Rồi Bà-la-môn
thuộc dòng họ Bharadvaja đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời
chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân
hữu liền ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ
Bharadvaja đang ngồi một bên:
-- Này Bharadvaja, có phải có cuộc nói chuyện giữa du sĩ Magandiya
với Ông về vấn đề thảm cỏ này?
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Bharadvaja hoảng hốt, lông tóc dựng
ngược, bạch Thế Tôn:
-- Chính là điều chúng con muốn thưa với Tôn giả Gotama và Tôn giả
Gotama đã đoán trước chúng con.
Nhưng cuộc nói chuyện này giữa Thế Tôn và Bà-la-môn thuộc dòng họ
Bharadvaja nói chưa xong, du sĩ Magandiya, khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại
ngôi nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja, đến tại chỗ Thế Tôn, sau
khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, và sau khi nói lên
những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
837. Quan điểm Du sĩ Māgaṇḍiya có ý nghĩa gì?
Danh từ
bhūnahuno không thể dịch đơn thuần bằng chuyển ngữ. Theo Sớ giải thì điều nầy
có nghĩa “người huỷ hoại sự lớn mạnh của cuộc sống”. Điều nầy liên hệ tới một
giáo thuyết được ưa chuộng là sự tu hành đích thực là cảm nhận các cảnh của giác
quan bằng tâm thái tinh khôi (không qua sự giải thích, chế ngự, né tránh hay
kinh nghiệm quá khứ) (hatavaḍḍhino mariyā dakā rakassa) . Điều nầy giống như
quan điểm của một số người “tu là làm mới cuộc sống trong từng khoảnh khắc”.
838. Đức Thế Tôn đã nói gì về quan điểm của du sĩ Māgaṇḍiya ?
Trước hết Đức Phật muốn Magandiya xác định lý do tại sao đưa ra
quan điểm của mình:
Rồi Thế Tôn nói với du sĩ
Magandiya đang ngồi một bên:
-- Này Magandiya, con mắt ưa thích sắc, ái lạc sắc, hoan hỷ sắc,
và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì con mắt và thuyết pháp để phòng hộ con
mắt. Này Magandiya, có phải vì vậy mà Ông nói: "Sa-môn Gotama là người phá
hoại sự sống?"
-- Chính vì vậy, Tôn giả Gotama, mà tôi nói: "Sa-môn Gotama
phá hoại sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền lại như
vậy.
-- Này Magandiya, tai ưa thích tiếng... Này Magandiya, mũi ưa
thích hương... Này Magandiya, lưỡi ưa thích vị... Này Magandiya, thân ưa thích
xúc... Này Magandiya, ý ưa thích pháp, ái lạc pháp, hoan hỷ pháp và Như Lai
nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì ý và thuyết pháp để phòng hộ ý. Này Magandiya, có
phải vì vậy mà ông nói: "Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống?
-- Chính vì vậy, Tôn giả Gotama, mà tôi nói: "Sa-môn Gotama
là người phá hoại sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền
lại như vậy.
Rồi Đức Phật nêu lên hình ảnh của một người “đã quá biết” những hệ
luỵ của dục lạc nên từ bỏ dục lạc và hỏi Magandiya nghĩ thế nào:
-- Ông nghĩ thế nào, này Magandiya? Ở đây, có người trước kia đam
mê các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc,
khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Người ấy sau một thời gian, sau khi như chơn
biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
các sắc pháp, sau khi đoạn tận sắc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với sắc
pháp, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Này
Magandiya, Ông có nói gì về người này?
-- Không có gì, Tôn giả Gotama.
-- Ông nghĩ thế nào? Này Magandiya, ở đây, có người trước kia đam
mê các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi
nhận thức... các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc,
khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Người ấy sau một thời gian, sau khi như chơn
biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của
các xúc, sau khi đoạn tận xúc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với các xúc,
người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Này Magandiya,
Ông có nói gì về người này?
-- Không có gì, Tôn giả Gotama.
Rồi Đức Phật thuật lại kinh nghiệm bản thân Ngài:
-- Này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta sống hưởng
thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do
mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến
dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các
vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả
hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Magandiya, Ta có ba tòa lâu đài, một
cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ. Này Magandiya, trong bốn tháng
mùa mưa, Ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp
vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy.
Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi,
sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi
đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái
được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly
tham ái đối với các dục đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não
thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta
không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly
bất thiện pháp, sau khi chứng đạt Thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc
ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích.
Ngài lại đưa ra một thí dụ về người bám víu vào dục lạc vốn nghèo
nàn phiến diện trong sự nhận thức:
Ví như, này Magandiya, một gia chủ hay con một người gia chủ, giàu
sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách
sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ,
khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các
hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận
thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi
làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi
thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, đời này, cọng trú
với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Vị ấy ở đây, trong rừng Nandana, được
chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ,
một cách sung mãn. Vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ
hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Này Magandiya,
Ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm
thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng
được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy; hay năm dục trưởng dưỡng
thuộc loài Người, hay trở lui về với các dục thuộc loài Người?
-- Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục,
thưa Tôn giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục.
Lại một thí dụ khác tiếp theo:
Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi; với thân (đầy) những
lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách
miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn
bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ
khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc, được khỏi bệnh cùi,
không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Người ấy
thấy một người bị bệnh cùi khác, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối,
nứt chảy, bị cái loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với
móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào?
Người ấy có ước vọng được như người cùi kia, hố than hừng, hay sự thọ dụng dược
liệu không?
-- Không, thưa Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama,
khi có bệnh thời cần thuốc trị bệnh, khi không bệnh, thời không cần thuốc trị
bệnh.
Rồi Bậc Thiện Thệ dùng thí dụ của một người bị bệnh cùi:
Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi, với thân (đầy) những
lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách
miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn
bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ
khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc được khỏi bệnh cùi,
không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Rồi có hai
lực sĩ, nắm chặt (hai) cánh tay người ấy và lôi kéo người ấy đến hố than hừng.
Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rút thân, vật qua vật lại phía
này phía kia không?
-- Thưa Tôn giả Gotama, có. Vì sao vậy? Vì sự xúc phạm với lửa, là
đau khổ, thưa Tôn giả Gotama, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não.
-- Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ hiện tại sự xúc
chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, hay là trước
đây, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não?
-- Thưa Tôn giả Gotama, hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau
khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và xưa kia, sự xúc chạm với lửa ấy đã
là đau khổ, rất là nồng cháy và rất là nhiệt não. Tuy vậy, thưa Tôn giả Gotama,
kẻ bị bệnh cùi này, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối nứt chảy, bị
các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, với
các căn bị hư hoại do sự xúc chạm đau khổ với ngọn lửa, lại có phản tưởng là
được lạc thọ.
Sau cùng Đức Phật đưa hình ảnh một người thành công trong chốn lợi
danh:
Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Ông có thấy hay nghe một vị vua
hay vị đại thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục
trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã
trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh không?
-- Thưa không, Tôn giả Gotama.
-- Lành thay, này Magandiya! Này Magandiya, Ta cũng không thấy,
cũng không nghe một vị vua hay vị đại thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ,
một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt
não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ,
với nội tâm an tịnh. Nhưng này Magandiya, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã
sống, đang sống hay sẽ sống với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh, tất
cả những vị này, sau khi như chơn biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự
nguy hiểm và sự xuất ly của các dục ấy, với dục ái được đoạn tận, với dục nhiệt
não được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với
nội tâm được an tịnh.
[còn tiếp]
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Theo tinh thần của bài kinh hôm nay chúng ta có nên hướng về thế giới khác để từ bỏ ái chấp với thế giới nầy? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. “Sống trong hiện tại” có hàm nghĩa là tận hưởng những giây phút đang có? - TT Pháp Tân
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment