Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 7/3/2020
71. Kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh
(Tevijjavacchagotta
sutta)
805. Tại sao gọi là Kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh?
Tên bài kinh lấy từ hai điểm của của nội dung. Vacchagotta là
tên của một du sĩ ngoại đạo, người thỉnh giáo Đức Phật. Tevijja – ba minh- là điểm
chính mà Đứa Phật giảng dạy. Rất ít trường hợp mà tên người và chi pháp được ghép
lại thành tên của bài kinh. Sau bài kinh nầy có một bài kinh khác, cũng với
Vaccagotta, Đức Phật dùng thí dụ ngọn lửa nên gọi là Kinh Dạy Vacchagotta về Lửa.
Và sau đó nữa có một bài kinh dài, cũng với nhân vật nầy, tên Đại Kinh
Vacchagotta.
806. Đại ý Kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh là gì?
Thuở ấy khi Đức Thế Tôn ở Vesali (Tỳ-xá-ly) rừng Ðại Lâm, tại
Kutagarasala (Giảng đường Trùng Các), bấy giờ trong một nhân duyên gặp gỡ với Đức
Phật, du sĩ ngoại đạo đã nêu lên câu hỏi phải chăng Đ6ưc Phật là bậc nhất thiết
trí và khi đi, đứng, ngủ và thức, tri kiến nơi Ngài tồn tại liên tục. Đức Phật
trả lời là nói như vậy không chính xác mà nên nói rằng Ngài là bậc chứng ba
minh: những gì Ngài muốn biết đều có thể biết nhưng không phải trí kiến ấy luôn
hiện hữu trong mọi lúc.
807. Du sĩ ngoại đạo Vajjagotta là nhân vật thế nào?
Đây là một tu sĩ ngoại đạo xuất thân từ dòng tộc bà la môn Vajja.
Có nhiều bài kinh trong Tam tạng ghi lại về vị nầy thậm chí có cả một phẩm
trong Kinh Tương Ưng mang tên Phẩm Vajjagotta. Về sau vị nầy xuất gia theo Đức
Phật trở thành một vị A la hán với tam minh.
808. Vajjagotta nêu lên câu hỏi gì?
Có một quan điểm mà cá giáo chủ ngoại đạo, đặc biệt là Nigantha
Nataputta của đạo Jain, tuyên bố là mình có trí tuệ siêu việt và trí tuệ ấy luôn
hiện hữu cả ngày lẫn đêm trong mọi tư thế đi, đứng, ngồi, nằm:
-- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: 'Sa-môn Gotama là bậc nhứt
thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn:
"Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn
tại, liên tục"'. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama
là bậc nhứt thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn
toàn: "Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn
luôn tồn tại liên tục". Bạch Thế Tôn, những vị ấy nói về Thế Tôn có đúng
với điều đã được nói, những vị ấy không vu khống Thế Tôn với điều không thực,
nhưng đã giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và không một đồng pháp
hành nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách?
809. Đức Thế Tôn dạy gì về Phật trí?
Trí tuệ khi sự dụng thì hiện khởi nhưng không phải luôn luôn có mặt
hiện hữu trong mọi thời khắc nên nói như vậy là không thích đáng:
-- Này Vaccha, những ai nói như sau: 'Sa-môn Gotama là bậc nhứt
thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn:
"Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn
tại, liên tục"'. Thì đấy là họ nói về Ta không đúng với điều đã được nói,
họ đã vu khống Ta với điều không thực, hư ngụy.
Vacchagotta hỏi thêm như vậy thì nên nói thế nào về Phật trí. Đức
Phật dạy rằng:
-- Ông phải giải thích: "Sa-môn Gotama là bậc có ba minh
(tevijja)", thì này Vaccha, Ông mới là người nói về Thế Tôn đúng với điều
đã được nói, mới không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về
Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và mới không có một đồng pháp hành nào nói lời
đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách.
Này Vaccha, khi nào Ta muốn, Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ,
như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm
mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều
thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như
thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này,
tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ.
Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn
uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau
khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy Ta sẽ nhớ đến những
đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Này Vaccha, nếu Ta muốn, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta
thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ
thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Ta nghĩ rằng:
"Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành
tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc
Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân
hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị
chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh
về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo
chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại
mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này". Như
vậy, Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh.
Ta tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô
xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Vaccha, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta ngay trong hiện tại,
tự mình với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát,
tuệ giải thoát.
Và với sự giải thích: "Sa-môn Gotama là bậc có ba minh",
này Vaccha, người ấy mới là người nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói, mới
không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp
và tùy pháp, và mới không có một vị đồng hành pháp nào nói lời đúng pháp có thể
lấy cớ để quở trách.
810. Vajjagotta đã hỏi thêm những gì?
Nhân Đức Phật đề cập tới tam minh với túc mạng minh và thiên nhãn
minh Vajjagotta đã hỏi thêm về sự tái sanh:
-- Tôn giả Gotama, có thể có vị tại gia nào không đoạn trừ kiết sử
tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau?
-- Này Vaccha, không có người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử
tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau.
-- Tôn giả Gotama, có thể có người tại gia nào không đoạn trừ kiết
sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể sanh Thiên?
-- Không phải chỉ một trăm, này Vaccha, không phải hai trăm, không
phải ba trăm, không phải bốn trăm, không phải năm trăm, nhưng nhiều hơn như vậy
là những người tại gia không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại lại có
thể sanh Thiên.
Vajjagotta cũng hỏi thêm về cảnh giới tương lai của những ngoại
đạo:
-- Tôn giả Gotama, có hạng tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân
hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau?
-- Này Vaccha, không có một tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân
hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau.
-- Tôn giả Gotama, có hạng tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân
hoại mạng chung có thể sanh Thiên?
-- Này Vaccha, dầu cho ta có nhớ đến 91 kiếp, Ta không biết một tà
mạng ngoại đạo nào đã sanh Thiên, trừ một vị, và vị này thuyết về nghiệp và
thuyết về tác dụng của nghiệp.
-- Sự việc là như vậy, Tôn giả Gotama, thời ngoại đạo giới này
(titthayatanan) là trống không cho đến vấn đề sanh Thiên.
-- Sự việc là như vậy, này Vaccha, thời ngoại đạo giới này là
trống không cho đến vấn đề sanh Thiên.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Y cứ trên bài kinh nầy thì nếu một người ngoại đạo mà làm chuyện thiện thì có sanh thiên chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Nếu trong những lúc Đức Phật không sử dụng tam minh thì có thể có những vụng về chăng? Nếu không xin cho một thí dụ - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Tại sao có khi chúng ta không vận dụng được tri kiến mặc dù đã có? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 4. Tại sao có khi chúng ta không vận dụng được tri kiến mặc dù đã có? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. Làm thiện với tà kiến có phước chăng? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 5. Làm thiện với tà kiến có phước chăng? - TT Giác Đẳng
Thảo luận 5. Làm thiện với tà kiến có phước chăng? - TT Giác Đẳng
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment