Thursday, March 26, 2020

TU TẬP THỜI ĐẠI DỊCH - Ngày 26 tháng 3, 2020


TU TẬP THỜI ĐẠI DỊCH


Pháp thoại


ÐỨC PHẬT, BẬC TỐI THƯỢNG Y VƯƠNG
Bs. Ananda Nimalasuria
Phạm Kim Khánh dịch (1967)
Nguyên tác: "Buddha The Healer", Dr. Ananda Nimalasuria,

Ðức Phật là vị Y Vương vô tiền khoáng hậu đã khám phá được chứng bịnh chung kiếp của toàn thể chúng sanh, một chứng bịnh dính liền với đời sống, không ai tránh khỏi. Ngài gọi là bịnh Dukkha (khổ bịnh). Khổ là chân lý cao thượng đầu tiên trong bốn chân lý "Tứ Diệu Ðế.
Thực ra khám bịnh và tìm ra chứng bệnh không phải là công việc khó làm, đối với một danh y. Làm cho bịnh nhân nhận thức rằng mình thật sự có bịnh mới thật là khó.
Vô minh và Ái dục là nguyên nhân của chứng bịnh. Ðó là chân lý cao thượng thứ nhì trong Tứ Diệu Ðế.
Diệt khổ, phương thức trị liệu, là chân lý thứ ba. Phương thức trị liệu rất là công hiệu nhưng cần phải có sự gia công cố gắng của bịnh nhân, từng ly từng tý và liên tục, phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Chính bịnh nhân phải tự mình trị lấy mình với tinh thần tích cực, luôn luôn chuyên cần ghi chú và với trí tuệ. Khi bịnh đã lành, sức khỏe đã được hồi phục, mục tiêu được thành tựu thì không thể có biến chứng nữa và bịnh không còn tái phát.
Bát Chánh Ðạo, chân lý thứ tư trong Tứ Diệu Ðế là liều tiên dược.
Triệu chứng và phép chẩn đoán
Ðức Phật đã điềm chỉ cho ta cái bí quyết chẩn mạch và đoán bịnh để khám phá chứng bịnh chung của thế gian khi Ngài dạy:
"Này hỡi các tỳ khưu, có bốn điều mà không ai có thể đem lại được, đầu là tu sĩ khổ hạnh, tăng sĩ, dầu là chúng sanh ở cõi trời. Không có ma quỷ, người hay vị trời nào trên thế gian này có thể làm được. Bốn điều ấy là gì?
- Cái gì phải già cỗi, làm cho nó có thể không già cỗi,
- Cái gì phải bịnh hoạn làm cho nó có thể không bịnh hoạn,
- Cái gì phải chết làm cho nó có thể không chết,
- Những hành động tạo sự đau khổ cho người khác và dẫn chứng sanh đi mãi mãi trong vòng luân hồi, sanh, lão, bịnh, tử, làm cho những hành động ấy có thể không trổ quả".
-- ("Path To Deliverance", Nyanatiloka)

Trong bài pháp đầu tiên (kinh Chuyển Pháp Luân) và trong nhiều đoạn kinh khác Ðức Phật dạy:
"Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm tắt thân ngũ uẩn là khổ".
Tất cả những pháp hữu lậu đều là vô thường vì luôn luôn sanh, trụ rồi diệt. Cái gì vô thường tất phải đau khổ. Sự vô thường khổ não của tất cả những pháp hữu lậu là nền tảng vững chắc cho cái cơ sở đồ sộ mà chúng ta gọi là Phật Giáo. Tất cả giáo lý của Ðức Phật đều gôm vào sự sưu tầm thấu đáo ba đặc tính cố hữu của các pháp hữu lậu: vô thường, khổ não, vô nã và sự thoát ra ngoài các pháp ấy để đạt đến nơi tuyệt đối thường tồn, hạnh phúc vĩnh cửu.
Căn bịnh
Nguồn gốc chứng bịnh là Vô Minh (Avijjà) và Ái Dục (Tanhà).
Vô Minh là nơi bắt nguồn của tất cả hành động tội lỗi, tất cả nghiệp xấu. Chính do nơi Vô Minh mà chúng sanh phải chịu cảnh trầm luân, từ kiếp này đến kiếp khác, mãi mãi không ngừng.
Ái Dục là nguyên nhân khác của chứng bịnh đau khổ.

"Người mà chỉ biết sống để hưởng khoái lạc vật chất,
Chỉ biết thích thú trong nhục dục ngũ trần
Sẽ đau khổ không khác nào bị một mũi tên bắn vào mình khi những thú vui ấy chấm dứt".

Ngoài ra, Ái Dục đeo níu trong Sắc Giới và Vô Sắc Giới sẽ đưa ta tái sanh vào nhàn cảnh.
Phương thức trị liệu
Một quan niệm về đời sống như đã trình bày có thể làm cho người không thích suy gẫm vội vã kết luận rằng Phật Giáo là một tôn giáo bi quan, gợi cho tín đồ một nỗi buồn man mác và như vậy, Phật Giáo là một trở ngại cho sự nỗ lực, cố gắng, là một loại nha phiến. Thực ra, nhận định như vậy là nông nổi, là chỉ thấy bề ngoài. Sự thật khác hẳn vì Ðức Phật không những khám phá căn nguyên chứng bịnh mà lại còn chỉ cho bịnh nhân một phương thức trị liệu rất là linh nghiệm.
Một người kia được biết rằng mình đang lâm bịnh, một bệnh ung thư hay bịnh lao phổi chẳng hạn. Sau đó người áy cũng đặng biết rằng chứng bịnh của mình, tuy trầm trọng, nhưng có thể chữa khỏi. Như vậy, vừa bị xúc động vì cái tin bất hạnh thì bịnh nhân đã nhận ra lối thoát. Chưa kịp quá thất vọng vì chứng bịnh ngặt nghèo đã có người mách cho thầy giỏi thuốc hay. Chừng ấy bịnh nhân mới tự nghĩ: "Thật là may mắn. Ta đã kịp thời nhận ra chứng bịnh trầm kha này và đã gặp thầy gặp thuốc". Nghĩ như vậy bịnh nhân yên lòng cố gắng tự mình chữa bịnh cho mình với niềm tin mãnh liệt ở tương lai. Thầy tuy giỏi, thuốc tuy công hiệu đến đâu mà bịnh nhân không gia công điều trị lấy thì cũng không ích gì.
Chính nhờ lòng tin tưởng vững chắc ở thầy, ở thuốc, và sự bình tĩnh yên tâm tín nhiệm nơi tương lai mà người Phật tử luôn luôn thản nhiên và an vui, mặc dầu phải ở trong hoàn cảnh nào. Nhờ niềm tin vững chắc ở tương lai ấy mà người Phật tử có thể đạt được trạng thái phỉ lạc (Piti), một trong thất giác chi, tức là bảy yếu tố giúp ta được giác ngộ, có trí tuệ.
Khi đề cập đến định luật Nhân Quả Tương Quan Ðức Phật dạy:
"Sự đau khổ (hiểu là vô thường) dẫn đến Ðức Tin, niềm tin tưởng nơi Tam Bảo (Saddhà), Ðức Tin dẫn đến Phỉ (Pamojja), phỉ đến Lạc (Piti), Lạc đến sự yên tĩnh, Trụ (Passadhi), Trụ đến Hạnh Phúc (Sukha), Hạnh Phúc đến Ðịnh (Samàdhi), Ðịnh đến Tuệ (Yathà bhuta nànadassana) tức là sự giác ngộ, thấy được chân tướng sự vật và do đó phát sanh sự chán ghét, nhờm gớm (Nibbida). Do sự nhờm gớm chán ghét phát sanh ý muốn dứt bỏ, không luyến ái bám bíu (Viràga), sự dứt bỏ dẫn đến sự giải thoát (Vimutti), giải thoát dẫn đến sự hiểu biết thế nào là dập tắt mọi dục vọng (Khaye nàna)".
Phật ngôn trên chứng tỏ rằng, nếu ta nhận định đúng, một giọt nước mắt là một trợ lực để cho ta tiến bộ, một cây gậy mà ta có thể nương theo đó để đi một đoạn đường. Hiểu biết và hành động chánh đáng dẫn ta dần dần đến mức cùng tột là thánh đạo và thánh quả, sự giải thoát hoàn toàn, hạnh phúc tuyệt đối.
Câu chuyện bà Kosi Gotami là một thí dụ. Thái độ của bà Gotami thật là trái hẳn với thi hào Tennyson, người Anh Quốc, trước cái chết của một người bạn:
"Có người viết rằng những người bạn khác vẫn còn sống,
Rằng: chết là số phận chung của nhân loại.
Hiểu rằng chết là số phận chung của nhân loại
Không làm giảm bớt sự đau khổ của tôi,
Trái lại tôi cảm thấy còn thống thiết thảm đau hơn nhiều".

Trước sự đau khổ, thái độ của bà Kosi Gotami và của thi hào Tennyson làm cho ta nhận định rằng kết quả của sự đau khổ như thế nào là tùy thuộc nơi trình độ nhận thức của ta trước sự đau đớn và khổ não mà thôi. Thật ra, nếu nhìn một cách khách quan, phiền não và đau khổ chỉ là những cảm giác đau đớn (về vật chất) hay khổ não (về tinh thần). Bằng suy luận đúng lý và hiểu biết chánh đáng, nhờ sự quan sát, quán tưởng đến tánh cách vô thường của vạn vật dẫn đến sự nhờm gớm, chán ghét, sự không bám bíu, luyến ái, sự từ bỏ cuối cùng, tức nhiên ta đi đến sự giải thoát toàn vẹn.
Ðó là sự khác biệt căn bản giữa người chỉ trích hấp tấp, nông nổi, cho rằng Phật Giáo là bi quan yếm thế và người cố gắng chân chánh (Chánh Tin Tấn) để am hiểu thấu đáo sự đau khổ.
Ðức Phật không bao giờ phủ nhận những lạc thú vật chất trong đời, nhưng Ngài lưu ý chúng sanh rằng những du khoái ấy là tạm bợ, không đáng cho ta bám bíu, chỉ tồn tại nhất thời giữa bao nhiêu nguy hiểm rất là tai hại nếu ta dễ duôi để chìm đắm trong nhục dục ngũ trần.
Ngoài ra, trong kinh Atthanàgara Sutta, để trả lời một câu hỏi mà hai nhà cư sĩ Dasama và Atthaka đã nhiều lần lập đi lập lại, ngỏ ý muốn biết Ðức Thế Tôn có nêu ra hay không trạng thái hạnh phúc mà một nhà sư chuyên cần tu niệm được hưởng sau khi cương quyết cố gắng gội rửa tâm cho được hoàn toàn trong sạch, không còn chút bợn nhơ, dập tắt mọi dục vọng, phá tan mọi trói buộc, luyến ái, Ðức Ananda trả lời rằng có và dạy thêm:
"Một vị tỳ khưu đã dứt bỏ mọi luyến ái, bám bíu, đeo níu theo nhục dục ngũ trần, đã dập tắt mọi dục vọng, bước vào trạng thái an vui, hạnh phúc và tế nhị của sơ thiền, rồi nhị thiền, tam thiền và tứ thiền Sắc Giới hay là có thể bước vào trạng thái an vui hơn, hạnh phúc và tế nhị hơn của những bậc thiền Vô Sắc hay là bao trùm thế gian, khắp nơi trong càn khôn vũ trụ với tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ, tama Xả và đạt đến một tâm trạng hoàn toàn trong sạch, đồng thể hóa với tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả".
Khi đạt đến trạng thái rất cao thượng ấy vị tỳ khưu tiếp tục tu niệm, suy tưởng và nhận định rằng những trạng thái tâm tuy là cao thượng, rất an vui và tế nhị vẫn còn bị định luật vô thường chi phối và một ngày nào cũng phải chấm dứt.
Tin tưởng và cương quyết, vị tỳ khưu cố gắng thêm, vượt qua mọi trở ngại và thành tựu đạo quả tuyệt đối châu toàn. Nói một cách, người Phật tử thuần thành, có trí tuệ, mặc dầu đã hưởng được hương vị cao thượng của các bậc thiền trong kiếp hiện tại, biết nhận định chân giá trị của phước báu ấy và không ước mong được tái sanh trong một cõi trời, tuy đầy lạc thú nhưng vẫn bị định luật vô thường chi phối. Một ngày nào rồi cũng phải cất bước ra đi, mãi mãi lang thang trong vòng luân hồi, nghĩa là đã tách rời khỏi con đường chân chánh dẫn đến mục tiêu tối hậu, Niết Bàn.
Về phương diện này, Phật Giáo là tôn giáo duy nhất chủ trương rằng mục tiêu tối thượng có thể đạt được trong kiếp sống hiện tại nếu ta cố gắng đứng mức và nếu ta thành tựu đầy đủ những điều kiện cần thiết để đạt đạo quả.
"Ðây là đạo quả mà bậc thiện trí thức có thể cố gắng tu niệm để thành tựu,
Ðạo quả ấy, gọi là Niết Bàn, có thể đạt được ngay nơi đây và trong hiện tại".

Phương thuốc
Mặc dầu các nhà phê bình đã định nghĩa danh từ tôn giáo và triết học như thế nào Phật Giáo chắc chắn là một lối sống, một con trường, một đạo pháp dạy tín đồ của mình sống một cách tích cực và tinh tấn từng giây, từng phút, từng giờ, từ ngày này qua ngày khác, chớ không phải là một đề tài để học hỏi, nghiên cứu và tranh luận suông. Ðức Phật là vị Y Vương đại từ, đại bi. Chúng ta là bịnh nhân. Chú tâm của Ngài là chữa bịnh, chớ không phải để thỏa mãn tánh tò mò của bịnh nhân hay để giải quyết giùm cho bịnh nhân những bí ẩn của vũ trụ. Mối quan tâm chánh yếu của Ngài là thuyết phục bịnh nhân rằng thật sự họ đang lâm bịnh và thật sự chứng bịnh ấy trầm kha, vô cùng nguy hiểm. Công việc ấy không phải là dễ dàng và càng khó khăn hơn nếu bịnh nhân là một thanh niên tráng kiện, có sức khỏe dồi dào và một đời sống vật chất đầy đủ. Trong trường hợp này, dầu vi lương y có tài giỏi đến đâu cũng khó làm cho bịnh nhân nhận định rằng mình thật sự bịnh vì triệu chứng cơn bịnh tiềm tàng chớ không phải là nổi bật lên để lộ ra ngoài cho ta có thể trông thấy dễ dàng. Vả lại, giữa hai cơn khủng hoảng trầm trọng cũng có những giai đoạn xem chừng như dễ chịu.
"Phiền não trá hình, ẩn náu dưới bộ mặt hạnh phúc,
Thù hận dưới hình thức tình thương,
Tội khổ dưới lớp phước báu,
Người dễ duôi lười biếng vị tha tràn ngập". -- Udàna (ch. II-VIII, tr.18)

Trong những trường hợp tương tợ rất có thể bịnh nhân không nghĩ đến việc đi tìm bác sĩ cho đến ngyà nào cơn bịnh trở nên trầm trọng. Chú tâm thứ nhì của Ðức Phật là tạo cho bịnh nhân một niềm tin, những tia hy vọng, lòng hăng hái tự chữa phát sanh do sự hiểu biết căn nguyên chứng bịnh và chí nhất quyết tin tưởng vững chắc trong sự thành công diệt trừ căn bịnh mặc dầu phải trải qua nhiều giai đoạn lâu dài, khó khăn, phiền phức và có thể đau khổ. Ðức Phật bắt đầu giải thích cho bịnh nhân sự cần thiết phải có một ý niệm rõ rệt về chứng bịnh của mình và miêu tả đại cương phương thức trị liệu tùy theo trình độ hiểu biết và hoàn cảnh của từng người. Ðức Phật cũng phác họa cho bệnh nhân đại khái những giai đoạn tiến triển lần đến sự dứt tuyệt chứng bịnh, nhờ đó ngươi bịnh có thể liên tục theo dõi phương thức trị liệu khó khăn ấy một cách hăng hái, có ý thức và hiểu biết.
Nhiều lần và trong nhiều trường hợp khác nhau, tùy căn cơ của người nghe, Ðức Phật giảng đi nhắc lại rằng nền tảng của Giáo Lý Ngài gồm bốn Chân Lý Cao Siêu thâm diệu: chân lý về sự đau khổ, về nguồn gốc sự khổ, về sự dập tắt cái khổ và con đường đi đến sự diệt khổ. Nhiều lần Ðức Phật lập lại rằng:
"Này hỡi các con, chính vì không hiểu biết, không thấu đáo bốn Chân Lý Cao Thượng (Tứ Diệu Ðế) ấy mà đã bao nhiêu lâu chúng ta, các con và Như Lai, mãi lang thang lê bước trong vòng luân hồi triền miên này, và vì không nhận thấy thực tướng của bốn Chân Lý ấy nên con đường mà chúng ta đã phải trải qua xuyên nhiều kiếp sống thật là dài. Ngày nào nhận thức được nó, là chấm dứt tái sanh, tận diệt phiền não và thoát khỏi vòng luân hồi". -- (Digha Nikaya XVI, ch.II. 23; ch. IV.2)
Chính vào thời Ðức Phật còn tại tiền Ngài cũng thấy cần thiết phải chứng minh rõ ràng và rộng rãi điểm chính yấu. Nhiều lần Ngài phải gởi người đi gọi về để giảng lại, một môn đệ đã hiểu lầm và truyền bá sai lạc giáo lý. Ðến nay vẫn có người tự coi là Phật tử thuần túy mà còn nhận định sai lầm rằng lý Tứ Diệu Ðế không nằm trong kinh điển nguyên thủy mà do các nhà sư hậu thế thêm vào.
Ðức Phật dạy:
"Như Lai chỉ dạy một điều duy nhất là khổ và thoát khổ". -- (Majjhima Nikàya, II, ch.IX, trang cuối cùng)
Và một lần khác Ngài lập lại:
"Cũng như biển cả tuy mênh mông nhưng đâu đâu nước biển chỉ có một vị, vị mặn của muối. Này hỡi các tỳ khưu, Giáo Pháp của Như Lai chỉ có một vị, đó là vị giải thoát" -- (Udàna, ch. V, Kinh số 5)
Thật là rõ ràng, minh bạch, không còn chỗ nào mơ hồ, khả nghi, không có lý do nào để lầm lẫn. Ở nhiều đoạn khác, Ðức Phật thường nhấn mạnh rằng ta chỉ có thể gặt hái những gì đã gieo và mặt khác, ta không bị bắt buộc phải gặt hái tất cả gì ta đã gieo, bởi vì, Ngài dạy trong kinh Anguttara Nikàya:
"Nếu nói rằng ta phải gặt hái tất cả những gì đã gieo thì không thể có đời sống đạo đức, cũng không thể có cơ hội để hoàn toàn chấm dứt phiền não".
Như vậy, Ðức Phật đã phân minh vạch rõ rằng sự hy sinh của một người không khi nào có thể cứu rỗi được một người khác và không thể có một hình thức tiền định hay định mạng trong Phật Giáo. Những khoa học gia và nshững bác sĩ đã được huấn luyện về phương pháp quan sát và suy luận diễn giải sẽ không tặp một trở ngại hay bất mãn nào trong giáo lý của Ðức Phật. Bởi vì theo Phật Giáo người bịnh không cần phải tin tưởng một giáo điều hay một siêu nhân huyền bí để được săn sóc và bịnh có được chữa khỏi hay không cũng không cần có sự quyết định của một vị thần linh. Ðức Phật đoan chắc rằng bịnh nhân nào cố gắng liên tục theo dõi phương pháp trị liệu của Ngài sẽ khỏi bịnh một cách chắc chắn và lâu dài. Không phải nhờ ân huệ của Ngài vì Ngài chỉ là người vạch cho lối đi. Cũng không phải nhờ một thần linh nào khác. Ðó là hậu quả dĩ nhiên phải có, khi bịnh nhân áp dụng đầy đủ và đúng mức phương pháp trị liệu.


Kinh tụng

Kinh Châu Báu
Ratanasutta
Yānīdha bhūtāni samāgatāni
Bhummāni vā yāniva antalikkhe
Sabbe va bhūtā sumanā bhavantu
Athopi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ
Tasmā hi bhūtāni sāmetha sabbe
Mettaṃ karotha mānusiyā pajāya
Divā ca ratto ca haranti ye baliṃ
Tasmā hi ne rakkhatha appamattā

Chúng thiên nhân các cõi
Dù thiên tiên địa tiên
Ðã vân tập nơi đây
Mong khởi lòng hoan hỷ
Thành kính nghe lời nầy
Rồi với tâm bi mẫn
Năng hộ trì nhơn loại
Vốn đêm ngày hồi hướng
Phước lành đến chư thiên

Yaṅkiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi tathāgatena
Idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.

Những vật quí trong đời
Chốn nầy hay nơi khác
Cả châu báu cõi trời
Không gì sánh bằng được
Với Như Lai Thiện Thệ
Do vậy chính đức Phật
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc

Khayaṃ virāgaṃ amataṃ paṇītaṃ
yadajjhagā sakyamunī samāhito
Na tena dhammena samatthi kiñci
idaṃ pi dhamme ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu

Pháp bất tử tối thượng
Ly dục diệt phiền não
Phật Thích Ca Mâu Ni
Chứng pháp ấy trong thiền
Không gì sánh bằng được
Pháp thiền vi diệu ấy
Do vậy chính Chánh Pháp
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc

Yaṃ buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ
samādhimānantarikaññamāhu
samādhinā tena samo na vijjati
idaṃ pi dhamme ratanaṃ paṇītam
etena saccena suvatthi hotu

Con đường thanh lọc tâm
Là tu tập thiền định
Chứng hiện tại lạc trú
Ðức Phật hằng ngợi khen
Không gì so sánh được
Do vậy chính Chánh Pháp
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc



Ye puggalā aṭṭhasataṃ pasaṭṭhā
cattāri etāni yugāni honti
te dakkhiṇeyyā sugatassa sāvakā
etesu dinnāni mahapphalāni
idaṃ pi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu

Thánh tám vị bốn đôi
Là những bậc ứng cúng
Ðệ tử đấng Thiện Thệ
Ðược trí giả tán thán
Cúng dường đến các ngài
Hưởng vô lượng công đức
Do vậy chính Tăng Chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc



Ye suppayuttā manasā daḷhena
nikkāmino gotamasāsanamhi
te pattipattā amataṃ vigayha
laddhā mudhā nibbutiṃ bhuñjamānā
idaṃ pi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu

Bậc tu hành thiểu dục
Với ý chí kiên trì
Khéo chơn chánh phụng hành
Lời dạy đức Ðiều Ngự
Chứng đạt quả giải thoát
Thể nhập đạo bất tử
Lạc trú quả tịch tịnh
Do vậy chính Tăng Chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc


Yathindakhīlo paṭhaviṃ sito siyā
catubbhi vātebhi asampakampiyo
tathūpamaṃ suppurisaṃ vadāmi
yo ariyasaccāni aveccapassati
idaṃ pi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu

Ví như cột trụ đá
Khéo chôn chặt xuống đất
Dầu bốn hướng cuồng phong
Cũng không thể lay động
Ta nói bậc chân nhân
Liễu ngộ tứ thánh đế
Cũng tự tại bất động
Do vậy chính Tăng Chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc


[phân đoạn 8]

Ye ariyasaccāni vibhāvayanti
gambhīrapaññena sudesitāni
kiñcāpi te honti bhusappamattā
na te bhavaṃ aṭṭhamamādiyanti
idaṃ pi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ
etena saccena suvatthi hotu

Bậc thánh tu đà huờn
Chứng tri lý thánh đế
Ðược đức Gô Ta Ma
Khéo thuyết giảng tường tận
Các ngài dù phóng dật
Thì cũng không bao giờ
Tái sanh kiếp thứ tám
Do vậy chính Tăng Chúng
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn nầy
Tựu thành muôn hạnh phúc

Ye, Những bậc, những vị
ariya + saccāni, diệu đế, thánh đế
vibhāvayanti, phân biệt rõ, liễu tri
gambhīra + paññena, bởi bậc đại trí
sudesitāni, khéo giảng, khéo thuyết

Kiñci + api, cho dù
te, họ, các vị ấy”
honti, là, có là
bhusa + appamattā, giãi đãi đến mức nào, dễ duôi tới đâu
na, không
te, những vị ấy, họ
bhavaṁ, sanh hữu
aṭṭhamaṁ, thứ tám
ādiyanti, đi đến, sanh ra

Idaṁ pi, nầy
Saṅghe, Đức Tăng
ratanaṁ, châu báu
paṇītaṁ, tối thượng, thù thắng
etena, bởi (điều) nầy
saccena, lời chân thành, chân ngôn
suvatthi, sự tốt lành, bình an, cát tường
hotu, hãy có, hãy thành tựu


No comments:

Post a Comment