Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 12/4/2020
101. Kinh Devadaha (Devadaha
sutta)
Devadaha là tên một thị trấn lớn trong vương quốc của giòng tộc
Sakka (Thích Ca). Bài kinh nầy là một pháp thoại của Đức Phật dạy cho chư tỳ
kheo mà trong đó Ngài dạy về những khiếm khuyết khi nếp tín ngưỡng hay sự hành
trì dựa trên giáo thuyết định mệnh. Thật ra ngày nay có rất nhiều Phật tử thuộc
cả hai giới xuất gia và tại gia hiểu giáo lý nghiệp báo như định mệnh. Điều đó
sai lầm từ trong căn bản. Phải đọc bài kinh nầy thật kỷ để hiểu rõ tại sao.
995. Quan điểm dựa trên chủ thuyết tiền định
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở giữa các Sakka (Thích ca). Devadaha là một
thị trấn các Sakka. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các
Tỷ-kheo".
"--Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế
Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như
sau, có tri kiến như sau: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc
thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ;
với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp
mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai,
nghiệp đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt,
cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ diệt
tận".
Nầy các Tỷ-kheo, lý thuyết các Nigantha (Ni kiền tử) là vậy. Nầy
các Tỷ-kheo, Ta nói như vậy, Ta đi đến các Nigantha và nói như sau:
"-- Chư Hiền Nigantha, có đúng sự thật chăng, các Ông có lý
thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh
thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp
quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác
các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến
tương lai, nghiệp được đoạn diệt, do nghiệp đoạn diệt khổ được đoạn diệt; do
khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ
được diệt tận?"
996. Cho dù nói tất cả do quá khứ nhưng không biết gì về quá khứ
Này các Tỷ-kheo, nếu các Nigantha ấy, khi được Ta hỏi, tự nhận có
nói như vậy, Ta liền nói như sau:
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông có biết: "Trong quá khứ,
chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu?"
"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông có biết: "Trong quá khứ,
chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp?"
"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.
"-- Chư Hiền Nigantha, các ông có biết: "Chúng tôi có
tạo ác nghiệp như thế này hay như thế kia?"
"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.
997. Ngay cả hiện tại vẫn mù mờ
"-- Chư Hiền Nigantha, các ông có biết: "Khổ mức độ như
thế này đã được diệt tận hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay
với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận?"
"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông có biết: "Sự đoạn tận các
bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp?"
"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.
"-- Chư Hiền Nigantha, như các Ông đã nói, các Ông không
biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện
hữu"; các Ông không biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp,
chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông không biết: "Chúng tôi có tạo
ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông không biết: "Khổ mức
độ như thế này đã được diệt tận, khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận,
hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận";
các Ông không biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại
hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời có hợp lý
chăng, khi các Tôn giả Nigantha lại trả lời: "Phàm cảm giác gì con người
này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các
nghiệp quá khứ, với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo
các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến
tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt;
do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt tất cả khổ
thọ sẽ được diệt tận?".
"-- Chư Hiền Nigantha, nếu các Ông được biết: "Trong quá
khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông được biết:
"Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác
nghiệp"; các Ông được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này,
hay như thế kia"; các Ông được biết: "Khổ mức độ như thế này đã được
diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt
tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông được
biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu
các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả
Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ
thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ với sự đốt
cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ; với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không
có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được
đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ
được đoạn diệt, do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".
998. Nếu quá khứ không biết, hiện tại thì mù mờ mà nói chuyện
tương lai là điều phi thực tế
"-- Chư Hiền Nigantha, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi
tên được tẩm thuốc độc rất dày. Người ấy do nhân cảm xúc mũi tên, thọ lãnh các
cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Bạn bè, bà con huyết thống của người ấy
mời một y sĩ giải phẫu đến. Vị y sĩ giải phẫu lấy dao cắt rộng miệng vết
thương. Người ấy do nhân dao cắt miệng vết thương, thọ lãnh các cảm giác đau
đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy dò tìm mũi tên với vật dụng dò
tìm. Người ấy do nhân bị dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm, thọ lãnh các cảm
giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu rút mũi tên ra khỏi người
ấy. Người ấy do nhân được rút mũi tên, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ,
thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy cho đốt miệng vết thương với than đỏ (hay đắp
miệng vết thương với vải nóng như than đỏ). Người ấy do nhân miệng vết thương
bị than đỏ đốt, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Sau một thời
gian, khi da đã bắt đầu lành trên miệng vết thương, người ấy không bệnh, an
lạc, tự do, tự tại, và đi vào chỗ nào người ấy muốn. Người ấy suy nghĩ như sau:
"Trước kia ta bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Do nhân
cảm xúc mũi tên, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Bạn bè,
bà con huyết thống của ta có mời một y sĩ giải phẫu đến. Vị y sĩ giải phẫu ấy
lấy dao cắt rộng miệng vết thương. Ta do nhân dao cắt rộng miệng vết thương thọ
lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy dò tìm mũi
tên với vật dụng dò tìm. Do nhân bị dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm ta thọ
lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy rút mũi tên
ra khỏi ta. Do nhân được rút mũi tên, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực
khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy cho đốt miệng vết thương với than đỏ (hay
đắp miệng vết thương với vải nóng như than đỏ). Do nhân miệng vết thương bị
than đỏ đốt, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Nay da đã
bắt đầu lành trên miệng vết thương, ta không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, và đi
chỗ nào ta muốn".
"Như vậy, này chư Hiền Nigantha, nếu các Ông được biết:
"Trong quá khứ, chúng tôi hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các
Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không
tạo ác nghiệp", các Ông được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp, như
thế này hay như thế kia", các Ông được biết: "Khổ mức độ như thế này
đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận; hay với sự
diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông
được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự
thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các
Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc
thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ;
với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp
mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai,
nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn
diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được
diệt tận".
"Chư Hiền Nigantha, và vì rằng các Ông không được biết:
"Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các
Ông không được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác
nghiệp"; các Ông không được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế
này, hay như thế kia"; các Ông không được biết: "Khổ mức độ như thế
này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay
với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các
Ông không được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại
hay sự thành tựu các thiện pháp"; thời thật là không hợp lý khi các Tôn
giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người lãnh thọ, lạc thọ, khổ
thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt
cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ; với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không
có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được
đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ
được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".
999. Năm cơ sở của tri kiến
Này các Tỷ-kheo, khi được nói vậy, các Nigantha ấy nói với Ta:
"-- Thưa Hiền giả, Nigantha Nataputta là bậc toàn tri, toàn
kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện như sau: "Dầu ta có đi, có đứng, có
ngủ và có thức, tri kiến luôn luôn được tồn tại liên tục ở nơi ta". Vị ấy
nói như sau: "Này các Nigantha, nếu xưa kia các Ông có làm ác nghiệp, hãy
làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh thống khổ này. Chính do hộ trì thân,
hộ trì lời nói, hộ trì ý ở đây, ngay trong hiện tại nên không làm các nghiệp
trong tương lai. Với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không
tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến
đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt;
do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ
sẽ được diệt tận". Và vì chúng tôi chấp nhận và chúng tôi kham nhẫn điều
ấy, nên chúng tôi được hoan hỷ".
Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigantha ấy:
"-- Chư Hiền Nigantha, có năm pháp này, ngay trong hiện tại
có hai quả báo. Thế nào là năm? Tín, hỷ, tùy văn, thẩm định lý do
(akaraparivitakka), kham nhẫn chấp thọ (tà) kiến. Này chư Hiền Nigantha, năm
pháp này ngay trong hiện tại có hai quả báo. Ở đây, thế nào là lòng tin các Tôn
giả Nigantha ấy đối với bậc Ðạo sư trong quá khứ? Thế nào là sự hoan hỷ, thế
nào là sự tùy văn, thế nào là thẩm định lý do, thế nào là kham nhẫn chấp thọ
(tà) kiến các vị ấy?"
Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp
pháp nào giữa các vị Nigantha. Và lại nữa này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị
Nigantha ấy như sau:
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Khi các Ông tha
thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy có phải các Ông thọ lãnh những cảm
giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ? Còn trong khi các Ông
không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy có phải các Ông
không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ?
"-- Thưa Hiền giả Gotama, khi chúng tôi tha thiết tinh tấn,
tha thiết tinh cần, khi ấy chúng tôi thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột
khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Còn trong khi chúng tôi không tha thiết tinh
tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy chúng tôi không thọ lãnh những cảm giác
thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ.
"-- Như vậy, này chư Hiền Nigantha, khi các Ông tha thiết
tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông thọ lãnh những cảm giác thống khổ,
đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Còn trong khi các Ông không tha thiết
tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông không thọ lãnh những cảm
giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Sự tình là như vậy, thời
thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con
người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do
nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự
không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn
tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được
đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt,
tất cả khổ sẽ được diệt tận".
"Này chư Hiền Nigantha, nếu trong khi các Ông tha thiết tinh
tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy các cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực
khổ, thống khổ được tồn tại. Còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn,
không tha thiết tinh cần, khi ấy các cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực
khổ, thống khổ cũng được tồn tại. Sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi
các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ,
lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá
khứ, với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ... (như trên)... tất cả khổ
được diệt tận".
"Và vì rằng, chư Hiền Nigantha, trong khi các Ông tha thiết
tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông lãnh thọ những cảm giác thống khổ,
đột khởi, đau đớn, cực khổ thống khổ, còn trong khi các Ông không tha thiết
tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông không lãnh thọ những cảm
giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Như vậy, thật chính các
Ông trong khi lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ,
thống khổ, tự bị lừa dối bởi vô minh, vô trí, ngu muội, khi các Ông nói:
"Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ
bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt
các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến
đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do
nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ được đoạn diệt; cảm thọ được
đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".
1000. Không thể quan niệm giáo thuyết tiền định quá tổng quát
Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp lý
nào giữa các vị Nigantha. Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị
Nigantha ấy như sau:
"-- Chư Hiền Nigantha, các ông nghĩ thế nào? Có thể được
chăng: "Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn, hay do
tinh cần có thể khiến được thọ quả tương lai?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp được thọ quả
tương lai này do tinh tấn hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả hiện
tại?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được
chăng: "Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần
có thể được lãnh khổ thọ?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp được lãnh khổ
thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh lạc thọ?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng:
"Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thuần thục này do tinh tấn hay
tinh cần, có thể trở thành không thuần thục?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ
chưa được thuần thục này, do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành thuần
thục?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được
chăng: "Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành
thiểu sở thọ?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Có thể nói được chăng: "Mong rằng nghiệp thiểu sở
thọ này do tinh tấn hay do tinh cần trở thành đã sở thọ?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được
chăng: "Mong rằng nghiệp có sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành
nghiệp không có sở thọ?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp không có sở thọ
này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp có sở thọ?"
"-- Thưa không vậy, Hiền giả.
"-- Như vậy, này chư Hiền Nigantha, không thể được:
"Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn hay tinh cần trở
thành nghiệp được thọ quả tương lai". Không thể được: "Mong rằng
nghiệp được thọ quả tương lai này, do tinh tấn hay do tinh cần, trở thành
nghiệp được thọ quả hiện tại". Không thể được: "Mong rằng nghiệp được
lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh khổ
thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do
tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh lạc thọ". Không thể được:
"Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thành thục này, do tinh tấn hay
tinh cần có thể trở thành không thành thục". Không thể được: "Mong
rằng nghiệp mà quả lãnh thọ không thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có
trở thành thành thục". Không thể được: "Mong rằng nghiệp đa sở thọ
này do tinh tấn hay tinh cần, trở thành thiểu sở thọ". Không thể được:
"Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành đa
sở thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do
tinh tấn hay tinh cần trở thành có sở thọ". Không thể được: "Mong
rằng nghiệp có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành không có sở
thọ". Sự tình là như vậy, thời sự tinh tấn của các Tôn giả Nigantha là
không có kết quả, sự tinh cần của họ là không có kết quả".
[còn tiếp]
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
TT Giác Đẳng chia sẻ về đại dịch corona
TT Giác Đẳng chia sẻ về đại dịch corona
III Trắc Nghiệm
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 3: D
Trắc nghiệm 4. Tự mình làm khổ mình thì có gọi là cố gắng “trả nghiệp”?
A. Không thể. Vì không ai biết rõ mình đã tạo nghiệp gì đời trước, nặng nhẹ ra sao./
B. Nghiệp quá khứ không phải chỉ có ác nghiệp /
C. Nếu gọi là để trả hết nghiệp thì dù chúng ta “có một ngàn cái mạng” cũng không trả đủ /
D. Cả ba câu trên đều hợp lý
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 4: D
Trắc nghiệm 1. Nếu tin vào định mệnh nhưng không biết rõ số mạng đã định thế nào thì sẽ tạo nên vấn đề nào sau đây?
A. Phó thác cuộc sống cho may rủi /
B. Không có động lực để cố gắng /
C. Sống trong sự mơ hồ /
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 1 : D
Trắc nghiệm 2. Điều nào sau đây thường xẩy ra trong cách nhận thức của người Phật tử?
A. Giáo thuyết tiền định tương đương với giáo lý nghiệp báo /
B. Truyện Kiều với quan điểm “tài mệnh tương đố” thường được hiểu “người tài hoa thường bạc mệnh” /
C. Phải chấp nhận trả hết nghiệp thì mới hoạ chăng được thanh thản /
D. Ba quan niệm trên đều rất phổ thông giữa những người tự nhận mình là Phật tử
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 2: D
Trắc nghiệm 3. Câu nào sau đây được xem là sai nếu hiểu theo Phật Pháp?
A. Tất cả những gì xẩy ra trong hiện tại đều do nghiệp quá khứ /
B. Ý chí hành động trong hiện tại quyết định tất cả /
C. Không thể có sự kiện cái gì đó ở tương lai lại có ảnh hưởng tới hiện tại /
D. Cả ba câu trên đều sai với Phật PhápĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 3: D
Trắc nghiệm 4. Tự mình làm khổ mình thì có gọi là cố gắng “trả nghiệp”?
A. Không thể. Vì không ai biết rõ mình đã tạo nghiệp gì đời trước, nặng nhẹ ra sao./
B. Nghiệp quá khứ không phải chỉ có ác nghiệp /
C. Nếu gọi là để trả hết nghiệp thì dù chúng ta “có một ngàn cái mạng” cũng không trả đủ /
D. Cả ba câu trên đều hợp lý
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 4: D
No comments:
Post a Comment