Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 16/4/2020
103. Kinh Nghĩ Như Thế
Nào (Kinti sutta)
Tên bài kinh được đặt một cách hiếm hoi thú vị là lấy theo dấu hỏi
trong một câu mà Đức Phật mở đầu pháp thoại: Hởi chư tỳ kheo, các thầy nghĩ sao
về Như Lai? ( kinti vo, bhikkhave, mayi hoti). Từ câu hỏi nầy Đức Phật đã dẫn
thính chúng đến mục đích cao cả mà giáo pháp được truyền dạy, và từ đó, nên được
lãnh hội, thọ trì như thế nào để không rơi vào tranh chấp, đối đầu.
1009. Phật tâm vô xứ bất từ bi (Tâm Phật không đâu không từ bi)
Đức Thế Tôn thuyết pháp chỉ vì tâm từ bi. Điều đó cần được ghi nhớ
bởi những người con Phật:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinara, tại khu rừng Baliharana. Ở đây,
Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo", --"Thưa vâng, bạch
Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào? Có phải
vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất thực,
Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết
pháp? Hay có phải vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp?
-- Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con không nghĩ rằng:
"Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân đồ ăn khất thực,
Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay
vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp".
-- Và như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như
sau: "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp... vì nhân thành bại, Sa-môn
Gotama thuyết pháp". Vậy này các Tỷ-kheo, đối với ta, các Ông nghĩ như thế
nào?"
-- Như thế này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như
sau: "Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp".
-- Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như sau:
"Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp".
1010. Hoá giải bất đồng về giáo pháp
Nếu trong sự học hỏi, hành trì giáo pháp có sự bất đồng nên giải
quyết theo bốn trường hợp:
Do vậy, này các Tỷ-kheo, những pháp Ta giảng cho các Ông với
thượng trí, như là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực,
Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập tất cả, trong
tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau. Và này các Tỷ-kheo, khi
các Ông học tập trong các pháp ấy, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi
lộn với nhau, có thể có hai vị Tỷ-kheo nói khác nhau về Thắng pháp
(Abhidhamma).
Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các vị Tôn giả này, có
sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn"; ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy nói như sau: "Giữa các Tôn giả
có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này các Tôn giả phải
biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả
chớ có cãi lộn với nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phái bên kia mà các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn
giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả
phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn
giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ
trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì
thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.
Ở đây, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Giữa các bậc Tôn giả
này, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn". Ở đây, Tỷ-kheo nào
các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau. "Giữa
các Tôn giả, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này,
các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế
này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên
kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau:
"Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn
đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn
như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm
giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm
giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, sau khi thọ trì là dễ
nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được
nói lên.
Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các Tôn giả này, có sự
đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn". Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn
giả, có sự đồng nhất nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả
phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng
đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt tức là văn: Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau
vì một vấn đề nhỏ nhặt". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy nghĩ đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các
Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các
Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này.
Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là văn. Các Tôn giả chớ có cãi lộn
với nhau, vì một vấn đề nhỏ nhặt" Như vậy, cái gì dễ nắm giữ, phải thọ trì
là dễ nắm giữ, cái gì khó nắm giữ, phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì
là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm
giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.
Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các Tôn giả này có sự
đồng nhất về nghĩa có sự đồng nhất về văn"; ở đây, vị Tỷ-kheo nào các Ông
nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn
giả có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các
Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như
thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên
kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau:
"Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa và có sự đồng nhất về văn. Về
vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng
nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy,
cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái
gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật hãy được nói
lên".
1011. Tinh thần xây dựng trong sự hành trì giới luật
Răn phạt một tỳ kheo phạm luật là vấn đề hết sức tế nhị:
Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh
thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có một Tỷ-kheo khác phạm
giới, phạm luật.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, chớ có khiển trách hấp tấp, cá nhân người
kia cần phải giác sát. Các Ông phải suy nghĩ: "Sẽ không có hại gì cho ta,
và sẽ không có tổn hại gì cho người kia. Nếu người kia không phẫn nộ, không uất
hận, có ý kiến lanh lợi, và dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt
khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như
vậy, thời các Ông nên nói là phải.
Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ như sau: "Sẽ không
có hại gì cho ta, và sẽ có tổn hại cho người kia. Người kia phẫn nộ, uất hận,
có ý kiến chậm chạp, nhưng dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt
khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là
sự tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến
người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các
Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Sẽ có
hại cho ta và không có tổn hại cho người kia. Người kia không có phẫn nộ, uất
hận, có ý kiến lanh lợi, nhưng khó thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy
vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt,
tức là sự tổn hại cho ta. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến
người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các
Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Sẽ có
hại cho ta và sẽ có tổn hại cho người kia. Người khác phẫn nộ, uất hận, có ý
kiến chậm chạp, khó thuyết phục và ta có thể khiến người này vượt khỏi bất
thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là hại cho
ta và tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến
người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các
Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Ta sẽ
bị hại và người kia cũng bị tổn hại. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm
chạp, khó thuyết phục, và ta không có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện,
an trú vào thiện". Ðối với một người như vậy, này các Tỷ-kheo, hãy xã, chớ
có nên khinh miệt.
1012. Không nên chạy theo điểm bất đồng mà quên đi cứu cánh của
đời sống phạm hạnh
Đừng để những tranh chấp, hơn thua khiến Tăng chúng đánh mất giá
trị cao cả của đời sống tu tập:
Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh
thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể khởi lên giữa các Ông,
một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Ở đây,
một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy
đến vị ấy và nói như sau: "Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy
trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau, có khởi lên một khẩu
hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Nếu biết được như
thế, vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, dầu cho, chúng tôi
học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau... ,
vị Sa-môn sẽ quở trách."
Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể
chứng được chăng?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy,
Niết-bàn không có thể chứng được".
Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận
dễ nói hơn hãy đến vị ấy và nói như sau: "Này Hiền giả, dầu chúng tôi học
tập các pháp ấy... ,vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, dầu cho
chúng tôi ... , vị Sa-môn sẽ quở trách."
Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể
chứng được chăng?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy,
Niết-bàn không có thể chứng được".
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông khác hỏi Tỷ-kheo ấy, nói rằng:
"Các Tỷ-kheo ấy có được Tôn giả khiến cho vượt khỏi bất thiện, an trú vào
thiện chăng?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
phải trả lời như sau: "Ở đây, này Hiền giả, tôi đi đến Thế Tôn và Thế Tôn
thuyết pháp của Ngài cho tôi. Sau khi nghe pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ-kheo
ấy. Khi các Tỷ-kheo ấy nghe pháp ấy xong, các vị ấy tự vượt khỏi bất thiện và
an trú vào thiện". Trả lời như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự khen
mình chê người. Vị ấy giải thích tùy pháp đúng với pháp, và không một ai trong
các Pháp hữu nói lời tùy thuyết, có thể đưa đến phỉ báng.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế
Tôn dạy.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Xin giải rõ hai thuật ngữ “Nghĩa (attha) và văn (byañjana) thường đề cập trong kinh điển khi nói về Phật Pháp? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận và chia sẻ về tình hình đại dịch
Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận và chia sẻ về tình hình đại dịch
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment