Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 18/4/2020
104. Kinh Sāmagāma (Sāmagāma Sutta)(Tiếp Theo)
1018. Sáu pháp hoà kính
Không phải chỉ đề cập tới sự giải quyết các tranh chấp, Đức Phật còn
dạy về sáu pháp tạo nên sự thân thiện, hoà ái trong sinh hoạt hằng ngày giữa những
tỳ kheo. Sáu pháp nầy, thường được gọi là lục hoà, trở nên phổ thông đặc biệt
trong Phật giáo Việt Nam mặc dù sự ứng dụng không ứng dụng được như lợi hoà, giới
hoà và kiến hoà:
Này Ananda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn
kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Thế nào là sáu?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp, đối với các vị
đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành
khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng
nhất.
Và lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ khẩu nghiệp, đối với các
vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác
thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp,
đồng nhất.
Và lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ ý nghiệp đối với các vị
đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành
khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng
nhất.
Và lại nữa, này Ananda, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng
đúng pháp cho đến những thọ lãnh trong bình bát, Tỷ-kheo là vị san sẻ các lợi
dưỡng như vậy, là vị thọ hưởng chúng cùng với các vị đồng Phạm hạnh có giới
đức. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn
tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
Và lại nữa, này Ananda, đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ,
không tỳ, không vết, không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không
chấp thủ, đưa đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu những giới luật như vậy
cùng với các vị đồng Phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả
niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không
tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
Và lại nữa, này Ananda, đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến
xuất ly, dẫn đến sự chơn chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo,
Tỷ-kheo sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh
trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành
khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng
nhất.
Này Ananda, sáu pháp khả niệm này tác thành khả ái, tác thành tôn
kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng nhất. Này Ananda, nếu
Ông thọ trì và thực hành sáu pháp khả niệm này, thời này Ananda, Ông thấy có
những cách nói nào, hoặc tế hoặc thô, khiến Ông không có thể kham nhẫn?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Do vậy, này Ananda, hãy thọ trì và thực hành sáu pháp khả niệm
này, như vậy sẽ đưa đến cho Ông an lạc và hạnh phúc lâu dài.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời
Thế Tôn dạy.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Xin so sánh sáu pháp hoà kính trong kinh điển Pali
( 1. Thân nghiệp từ (Mettākāyakamma),
2. Khẩu nghiệp từ (Mettāvacīkamma),
3 3. Ý nghiệp từ (Mettāmanokamma)
4 4. Cộng hưởng lợi lộc (Sādhāraṇabhogī),
5 5. Có giới Sa-môn (Sīlasāmaññatā),
6 6. Có tri kiến Sa-môn (Diṭṭhisāmaññatā) )
Với lục hoà trong Hán Tạng (Thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân) - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Giữa các tăng sĩ sống trong một ngôi chùa nếu sự cúng dường của đàn tín phát sanh không đồng đều thì có phải chia đều hay không hay? Sự cộng hưởng lợi lộc phát sanh nên được áp dụng thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Một số các ngôi chùa ở Miến điện và Thái lan áp dụng triệt để một số các quy luật đòi hỏi “sự đồng bộ” như chư tăng trong chùa mặc y phải cùng màu, cạo tóc phải cùng ngày, đi dép phải cùng kiểu…thậm chí một kiểu dù thì những quy định đó có gọi là giới hoà? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Kinh điển Phật Pháp mênh mông nhưng có thể chăng để người Phật tử nói chung hay hàng xuất gia nói riêng cùng chia sẻ một số kiến thức căn bản? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment