Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 3/4/2020
92. Kinh Sela (Sela
sutta)
Bà la môn Sela làm một người uyên bác kinh điển Veda. Trong một lần
viếng thăm trú xứ của một tu sĩ Bà La Môn tên Keniya có ấn tượng mạnh mẽ về sự
trang trọng to lớn trong cách vị nầy chuẩn bị đón tiếp cúng dường Đức Phật và
chư Tăng. Được biết vậy Bà la môn Sela mang theo 300 đệ tử đồ chúng đến diện kiến
Đức Phật. Lần thứ hai Bà la môn Sela lại có ấn tượng sâu sắc về đại trượng phu
tướng nơi Đức Phật. Sela là một bậc thông tuệ và đầy đủ duyên lành do vậy chỉ
sau vài câu vấn đáp ngắn gọn đã cùng đồ chúng xuất gia theo Đức Phật.
951. Một cuộc cúng dường vô cùng trọng thể
Keniya là một tu sĩ Bà la môn có gia đình và hưởng thụ dục lạc trong
sự giàu có sang trọng (những tu sĩ nầy thường được gọi là Jatila vì bện tóc hay
để tóc đanh). Khi vị nầy gặp được Đức Phật và chư tăng cảm nhận ngay sự cao quý
của những bậc thật sự thoát tục. Keniya ba lần cầu thỉnh Đức Phật và chư tăng
về trú xứ của mình để thọ trai. Với sự chuẩn bị vô cùng trọng thể của vị nầy đã
gây ấn tượng mạnh mẽ cho một tu sĩ bà la môn khác tên Sela:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo
một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đi đến một thị trấn của Anguttarapa tên là
Apana.
Bện tóc Keniya được nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất
gia từ dòng họ Sakya, du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn
hai trăm năm mươi vị, và đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả
Gotama được khởi lên: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh
Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên
Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng
với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài
Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng
ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện văn nghĩa đầy đủ. Ngài
truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng
một vị A-la-hán như vậy!".
Rồi bện tóc Keniya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời
chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân
hữu, liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại khai thị cho bện tóc
Keniya đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Bện tóc
Keniya sau khi được Thế Tôn với pháp thoại khai thị, khích lệ, làm cho phấn
khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
-- Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con ngày mai dùng cơm với
chúng Tỷ-kheo.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với bện tóc Keniya:
-- Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm
mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với các Bà-la-môn.
Lần thứ hai, bện tóc Keniya bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn
hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con có lòng tín thành với các Bà-la-môn, mong
Tôn giả Gotama nhận lời mời của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo!
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với bện tóc Keniya:
-- Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm
mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với các Bà-la-môn.
Lần thứ ba, bện tóc Keniya bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai
trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con có lòng tín thành với các vị Bà-la-môn, mong
Tôn giả Gotama nhận lời mời của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời. Bện tóc Keniya, sau khi được biết Thế
Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến tịnh xá của mình, sau khi đến
liền bảo các thân hữu, bà con huyết thống:
-- Quý vị Thân hữu, bà con huyết thống hãy nghe tôi. Sa-môn Gotama
đã được tôi mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo. Vậy Quý vị hãy tự thân
giúp việc cho tôi.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Các thân hữu, bà con huyết thống của bện tóc Keniya vâng đáp bện
tóc Keniya. Có người thời đào hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa
chén bát; có người sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc
Keniya tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn (Mandalamala).
Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sela trú tại Apana, vị này tinh thông ba tập
Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu
từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Vị này dạy chú
thuật (manta) cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn.
Lúc bấy giờ bện tóc Keniya có lòng tín thành với Bà-la-môn Sela.
Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên Bà-la-môn vây quanh, tản bộ du hành
đi đến tinh xá của bện tóc Keniya. Bà-la-môn Sela thấy tại tinh xá của bện tóc
Keniya, có người thời đào hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén
bát; có người sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya
tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn. Thấy vậy, Bà-la-môn Sela bèn nói với
bện tóc Keniya:
-- Có phải bện tóc Keniya sẽ rước dâu hay sẽ đưa dâu, hay một đại
tế đàn được chuẩn bị, hay vua Seniya Bimbisara nước Magadha được mời ngày mai
với cả binh lực?
-- Thưa Tôn giả Sela, tôi không có rước dâu, cũng không đưa dâu,
vua Seniya Bimbisara nước Magadha không có được mời ngày mai với cả binh lực,
nhưng tôi chuẩn bị một đại tế đàn. Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng
họ Sakya, du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm
năm mươi vị, và đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả Gotama được
khởi lên: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư,
Phật, Thế Tôn." Vị ấy được con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng
Tỷ-kheo.
952. Từ âm thanh huyền diệu đến tôn nhan của bậc đại trượng phu
Vốn có căn lành đầy đủ, khi tu sĩ bà la môn Sela nghe đến từ
“Buddha - Đức Phật” trong lòng dâng lên cảm giác quý kính khôn cùng. Đến khi được
diện kiến thấy được đại trượng phu tướng của Phật thì bội phần hoan hỷ:
-- Tôn giả Keniya, có phải Ông nói đức Phật?
-- Tôn giả Sela, vâng, tôi nói đức Phật.
-- Tôn giả Keniya, có phải Ông nói đức Phật?
-- Tôn giả Sela, vâng, tôi nói đức Phật.
Rồi Tôn giả Bà-la-môn Sela suy nghĩ: "Chỉ một âm thanh đức
Phật này cũng khó tìm được trong đời. Theo Thánh điển của chúng ta được truyền
lại về ba mươi hai Ðại nhân tướng, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn một
trong hai con đường, không có con đường nào khác: nếu là tại gia, sẽ thành vị
Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu
này là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy
là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai là những vị anh hùng, oai
phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận
cho đến đại dương, và trị vì với Chánh pháp, không dùng gậy, không dùng đao.
Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quét sạch mê lầm ở đời." và ông ta nói:
-- Này Tôn giả Keniya, nay Tôn giả Gotama ấy, bậc A-la-hán, Chánh
Ðẳng Giác ấy trú ở đâu?
Khi nghe nói vậy, bện tóc Keniya, duỗi cánh tay mặt, nói với
Bà-la-môn Sela:
-- Tôn giả Sela, tại ngôi rừng xanh kia.
Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên đi đến Thế Tôn.
Bà-la-môn bảo những thanh niên ấy:
-- Quý vị hãy đến một cách im lặng, đặt chân xuống từng bước một,
các bậc Thế Tôn ấy như con sư tử sống một mình, rất khó đến gần (hay ưa thích
an tịnh -- Durasada). Nếu ta có thảo luận với Sa-môn Gotama, chư Tôn giả chớ
ngắt lời ta. Chư Tôn giả hãy chờ ta nói xong.
Rồi Bà-la-môn Sela đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn
những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân
hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sela tìm xem ba mươi
hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, Bà-la-môn Sela thấy phần lớn ba mươi hai
Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy,
nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là
tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Bà-la-môn Sela này thấy trên thân Ta
phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng, đối với hai Ðại nhân tướng
ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là
tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài".
Thế Tôn liền dùng thần thông khiến Bà-la-môn Sela thấy được tướng
mã âm tàng của Thế Tôn, và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ
đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi le khắp cả vùng trán.
953. Sự vĩ đại và cao quý của một bậc chánh đẳng chánh giác
Là một người bác lãm kinh điển Veda và có văn tài Sela đã cũng
những kệ ngôn để tán thán và hỏi pháp. Đức Phật của đáp lại với bằng những
gatha:
Rồi Bà-la-môn Sela suy nghĩ: "Sa-môn Gotama thành tựu ba mươi
hai Ðại nhân tướng một cách đầy đủ, không phải không đầy đủ, nhưng ta chưa biết
vị ấy là Phật hay không phải Phật. Tuy vậy, ta có nghe các vị Bà-la-môn niên
cao, lạp lớn, các bậc Tôn sư, Ðại Tôn sư, nói như sau: "Các Thế Tôn ấy,
những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khi những lời tán thán của những bậc ấy
được nói đến, các bậc ấy tự hiện hình ra". Vậy ta hãy trước mặt Thế Tôn
tán thán những bài kệ xứng đáng". Rồi Bà-la-môn Sela, tán thán trước mặt
Sa-môn Gotama những bài kệ xứng đáng như sau:
Thân trọn đủ chói sáng,
Khéo sanh và đẹp đẽ,
Thế Tôn sắc vàng chói,
Răng trơn, láng, tinh cần.
Ðối với người khéo sanh,
Những tướng tốt trang trọng,
Ðều có trên thân Ngài,
Tất cả Ðại nhân tướng.
Mắt sáng, mặt tròn đầy,
Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,
Giữa chúng Sa-môn Tăng,
Ngài chói như mặt trời.
Ðẹp mắt vị Tỷ-kheo,
Da sáng như vàng chói,
Với hạnh Sa-môn, Ngài
Cần gì sắc tối thượng.
Ngài xứng bậc Ðại vương,
Chuyển Luân, bậc Ðiều Ngự,
Chiến thắng khắp thiên hạ,
Bậc tối thượng Diêm-phù.
Vương tộc, hào phú vương,
Là chư hầu của Ngài,
Là vua giữa các vua,
Là Giáo chủ loài Người.
Hãy trị vì quốc độ,
Tôn giả Gotama!
Thế Tôn liền trả lời:
Sela, Ta là vua,
Bậc Pháp vương vô thượng,
Ta chuyển bánh xe pháp,
Bánh xe chưa từng chuyển.
(Sela):
Ngài tự nhận Giác giả
Sela lại hỏi thêm,
"Bậc Pháp vương vô thượng,
Ta chuyển bánh xe Pháp",
Ngài trả lời như vậy.
Tôn giả Gotama,
Ai sẽ là tướng quân ?
Là Tôn giả đệ tử ?
Vị đệ tử tín thành ?
Xứng đáng bậc Ðạo sư ?
Sau Ngài, ai sẽ chuyển,
Pháp luân Ngài đã chuyển ?
(Thế Tôn):
Này Sela,
Ta chuyển bánh xe Pháp,
Bánh xe Pháp vô thượng.
Chính Sariputta,
Chuyển bánh xe Chánh Pháp,
Thừa tự Như Lai vị.
Cần biết, Ta đã biết,
Cần tu, Ta đã tu,
Cần bỏ, Ta đã bỏ.
Do vậy Ta là Phật,
Ôi, Tôn giả Phạm chí!
Còn gì nghi ở Ta,
Hãy gác bỏ một bên,
Hãy giải thoát khỏi chúng,
Ôi, Tôn giả Phạm chí!
Thấy được bậc Chánh Giác,
Thật thiên nan vạn nan,
Bậc Chánh Giác ra đời,
Thật thiên nan vạn nan!
Ta là bậc Chánh Giác,
Bậc Y vương vô thượng,
Ôi, Tôn giả Phạm chí!
Là Phạm thiên khó sánh,
Nhiếp phục các ma quân.
Hàng phục mọi đối nghịch,
Ta sống tâm hoan hỷ,
Không sợ hãi một ai,
Không từ đâu run sợ.
(Sela):
Chư Tôn giả, hãy nghe!
Như bậc có mắt giảng,
Bậc Y vương, Anh hùng,
Sư tử rống rừng sâu.
Thấy Phạm thiên vô tỷ,
Nhiếp phục các ma quân,
Ai lại không tín thành,
Cho đến kẻ hạ tiện.
Ai muốn, hãy theo Ta,
Không muốn, hãy ra đi,
Ở đây, Ta xuất gia,
Bậc Trí Tuệ tối thượng!
(Các Bà-la-môn):
Nếu Tôn giả tín thành,
Giáo pháp bậc Chánh Giác,
Chúng con cũng xuất gia,
Bậc Trí Tuệ tối thượng!
(Sela):
Ba trăm Phạm chí ấy,
Chắp tay xin được phép:
Chúng con sống Phạm hạnh,
Do Thế Tôn lãnh đạo!
Thế Tôn đáp:
Nầy Sela,
Phạm hạnh được khéo giảng,
Thiết thực ngay hiện tại,
Vượt khỏi thời gian tính.
Ở đây sự xuất gia,
Không uổng công hoang phí,
Với ai không phóng dật,
Tinh tấn chuyên tu học.
954. Đã gặp được Phật thì một lòng theo Phật
Dù rằng pháp thoại của Đức Phật không dài nhưng đủ để Sela cùng đồ
chúng xuất gia theo Phật để rồi sau nầy trở thành một thánh đệ tử:
Bà-la-môn Sela cùng với hội chúng được xuất gia dưới sự lãnh đạo
Thế Tôn, được thọ đại giới.
Rồi Bà-la-môn Keniya, sau đêm ấy, tại tinh xá của mình, sau khi
cho sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm xong, liền báo thời
giờ lên Thế Tôn: "Tôn giả Gotama, đã đến giờ! Cơm đã sửa soạn xong".
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến tinh xá của bện tóc Keniya,
sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Rồi bện tóc
Keniya sau khi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho
thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi bện tóc Keniya,
sau khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp khác
và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với bện tóc Keniya lời tùy hỷ công đức với
những bài kệ sau đây:
Tế đàn là tối thượng,
Trong các lễ tế lửa,
Savitti là tối thượng,
Giữa bài thơ Veda.
Vua là bậc tối thượng,
Giữa thế giới loài Người,
Ðại dương là tối thượng,
Giữa các loại sông ngòi.
Mặt trăng là tối thượng,
Giữa các vì sao sáng,
Chúng Tăng thật tối thượng,
Với những ai bố thí,
Tâm mong ước nguyện cầu,
Gặt hái nhiều công đức.
Thế Tôn sau khi dùng bài kệ này nói những lời tùy hỷ công đức với
bện tóc Keniya, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Rồi Tôn giả Sela với hội chúng sống một mình an tịnh, không phóng
dật, nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, Tôn giả chứng được mục đích tối cao
mà các Thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến.
Ðó là vô thượng Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự chứng đạt và an trú. Sanh đã
tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời
sống khác nữa. Vị này biết như vậy và Tôn giả Sela với hội chúng trở thành các
vị A-la-hán.
Rồi Tôn giả Sela với hội chúng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đắp y
vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và đọc lên Thế Tôn bài kệ sau đây:
Kính bạch bậc Pháp Nhãn,
Cách đây trước tám ngày,
Chúng con đã đến Ngài,
Xin phát nguyện quy y.
Thế Tôn trong bảy đêm,
Ðã nhiếp phục chúng con,
Ðã chế ngự chúng con,
Trong giáo lý của Ngài.
Ngài là bậc Giác Giả,
Ngài là bậc Ðạo Sư,
Ngài là bậc Mâu-ni,
Ðã chiến thắng quần ma.
Sau khi Ngài đoạn trừ,
Vượt qua biển sanh tử,
Ngài giúp quần sanh này,
Cùng vượt qua bể khổ.
Sanh y Ngài vượt qua,
Lậu hoặc Ngài nghiền nát,
Ngài là Sư tử chúa,
Không chấp, không sợ hãi.
Ba trăm Tỷ-kheo này,
Ðồng chắp tay đứng thẳng,
Ôi anh hùng chiến thắng,
Hãy duỗi chân bước tới.
Hãy để các Ðại nhân
Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Xin giải thích ý nghĩa của câu: Cần biết, Ta đã biết,Cần tu, Ta đã tu,Cần bỏ, Ta đã bỏ.Do vậy Ta là Phật. - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Phải chăng trong ngôn ngữ, tín ngưỡng, văn hoá có nhiều điểm tương đồng giữa bà la môn giáo và Phật giáo? Đây có phải là lợi điểm trong sự hoằng hoá Phật Pháp hay là trở ngại? TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment