Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 22/4/2020
107. Kinh Gaṇaka
Moggallānasutta (Gaṇaka Moggallāna sutta)
Gaṇaka Moggallānasutta là một bà la môn ở Sàvatthi được biết là một
nhà toán học. Vị nầy đến diện kiến Đức Phật và hỏi về sự tu tập trong Phật giáo.
Những gì được đề cập trong bài kinh nầy cho thấy một khía cạnh quan trọng của
Phật Pháp đó là chuyển hoá con người bằng sự giáo dục.
1030. Giáo dục là con đường chuyển hoá mang tính tuần tự thứ lớp
Phương pháp chuyển hóa tuần tự là căn bản của sự giáo dục :
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Pubbarama, nơi lâu đài của
Migaramatu (Ðông Viên Lộc Mẫu Giảng đường). Rồi Bà-la-môn Ganaka Moggallana đi
đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống
một bên, Bà-la-môn Ganaka Moggallana bạch Thế Tôn:
-- Ví như, thưa Tôn giả Gotama, tại lâu đài Migaramatu này, có thể
thấy được một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức
là những tầng cấp của lầu thượng cuối cùng; thưa Tôn giả Gotama, cũng vậy, đối
với những vị Bà-la-môn này, được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần
tự, một đạo lộ tuần tự, tức là sự học hỏi (các tập Veda). Thưa Tôn giả Gotama,
cũng vậy, đối với những vị bắn cung này, được thấy một học tập tuần tự, một
công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là nghệ thuật bắn cung. Cũng vậy,
thưa Tôn giả Gotama, đối với chúng con là những người toán số, sống nhờ nghề
toán số, cũng được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ
tuần tự, tức là toán số. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng khi có được người đệ tử,
trước hết chúng con bắt người ấy đếm như sau: "Một, một lần, hai, hai lần,
ba, ba lần, bốn, bốn lần, năm, năm lần, sáu, sáu lần, bảy, bảy lần, tám, tám
lần, chín, chín lần, mười, mười lần". Và thưa Tôn giả Gotama, chúng con
bắt đếm tới một trăm. Có thể trình bày chăng, thưa Tôn giả Gotama, trong Pháp
và Luật này, cũng có một tuần tự học tập, một tuần tự công trình, một tuần tự
đạo lộ như vậy?
-- Có thể trình bày, này Bà-la-môn, trong Pháp và Luật này, có một
tuần tự học tập, có một tuần tự công trình, có một tuần tự đạo lộ. Ví như, này
Bà-la-môn, một người huấn luyện ngựa thiện xảo, sau khi được một con ngựa hiền
thiện, trước tiên luyện tập cho nó quen mang dây cương, rồi tập luyện cho nó
quen các hạnh khác; cũng vậy, này Bà-la-môn, Như Lai khi được một người đáng
được điều phục, trước tiên huấn luyện người ấy như sau: "Hãy đến Tỷ-kheo,
hãy giữ giới hạnh, hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai
nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập
các học giới".
Này Bà-la-môn, khi vị Tỷ-kheo giữ giới hạnh, chế ngự với sự chế
ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi
nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm
như sau: "Hãy đến Tỷ-kheo, hãy hộ trì các căn, khi mắt thấy sắc chớ có nắm
giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn
không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị
Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.
Khi tai nghe tiếng.... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị.. thân cảm xúc... ý nhận
thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.
Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các pháp
ác bất thiện khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành
sự hộ trì ý căn".
Này Bà-la-môn, sau khi Tỷ-kheo hộ trì các căn rồi, Như Lai mới
huấn luyện vị ấy thêm như sau: "Hãy đến Tỷ-kheo, hãy tiết độ trong ăn
uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để
đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này
được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì Phạm hạnh, nghĩ
rằng: "Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm
thọ mới; và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn".
Này Bà-la-môn, sau khi Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống rồi, Như Lai
mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: "Hãy đến Tỷ-kheo, hãy chú tâm cảnh
giác! Ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí
khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh đầu, trong khi đi kinh hành và
trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong
canh giữa, hãy nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác
trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại. Ban
đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang
ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp".
Này, Bà-la-môn, sau khi vị Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác, Như Lai mới
huấn luyện vị ấy thêm nữa như sau: "Hãy đến Tỷ-kheo, hãy thành tựu chánh
niệm tỉnh giác, khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn
quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép,
bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi
đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên
lặng đều tỉnh giác".
Này Bà-la-môn, sau khi chánh niệm tỉnh giác rồi, Như Lai mới huấn
luyện vị ấy thêm như sau: "Hãy đến Tỷ-kheo, hãy lựa một chỗ thanh vắng,
tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời,
đống rơm".
Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe
núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực
về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh
niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột
rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ
mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm
thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh
sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên; từ bỏ trạo cử
hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử
hối tiếc; từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng
lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp.
Khi đoạn trừ năm triền cái ấy, những pháp làm ô nhiễm tâm, làm trí
tuệ yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng
và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ,
nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc
thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc,
xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ,
không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này Bà-la-môn, đối với những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa
thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách, đó là sự giảng
dạy của Ta như vậy đối với những vị ấy. Còn đối với những vị Tỷ-kheo là bậc
A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt
gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải
thoát, những pháp ấy đưa đến sự hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.
1031. Tại sao cũng tu theo Phật nhưng có vị đắc chứng, có vị
không?
Không phải ai tu cũng đắc chứng. Đây là sự tự nhiên về căn tánh
của chúng sanh. Cũng là sự khác biệt trong cách nói giữa Đạo Phật và các tôn
giáo. (Các tôn giáo khác, ngay cả một số tông pháp Phật giáo ngày nay, tuyên bố
sự vạn năng của niềm tin: hễ tin là được):
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggallana bạch Thế Tôn:
-- Các đệ tử của Sa-môn Gotama, khi được Sa-môn Gotama khuyến giáo
như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả đều chứng được cứu cánh đích
Niết-bàn hay chỉ có một số chứng được?
-- Này Bà-la-môn, một số đệ tử của Ta, khi được khuyến giáo như
vậy, giảng dạy như vậy, chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng
được.
-- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì trong khi có mặt
Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đưa đến Niết-bàn, trong khi có mặt Tôn giả
Gotama là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama, được Tôn giả Gotama
khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích
Niết-bàn, một số không chứng được?
-- Này Bà-la-môn, ở đây Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn, hãy trả
lời cho Ta. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có giỏi về con đường đi đến
Rajagaha (Vương Xá)?
-- Thưa Tôn giả, con có giỏi về con đường đi đến Rajagaha.
-- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có một người, muốn đi
đến Rajagaha, người này đến Ông và nói như sau: "Thưa Tôn giả, tôi muốn đi
đến Rajagaha. Hãy chỉ cho tôi con đường đi đến Rajagaha". Ông nói với
người ấy như sau: "Ðược, này Bạn, đây là con đường đưa đến Rajagaha. Hãy
đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn
sẽ thấy một làng tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi
trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn tên như thế này. Hãy đi theo
trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Rajagaha với
những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu,
với những hồ ao mỹ diệu". Dầu cho người ấy được khuyến giáo như vậy, được
giảng dạy như vậy, nhưng lại lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây. Rồi một
người thứ hai đến, muốn đi đến Rajagaha. Người này đến Ông và hỏi như sau:
"Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha, mong Tôn giả chỉ con đường ấy cho
tôi". Rồi Ông nói với người ấy như sau: "Ðược, này Bạn, đây là đường
đi đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một
thời gian, Bạn sẽ thấy một làng có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy
trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn có tên
như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con
đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu,
với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những ao hồ mỹ
diệu". Người ấy được Ông khuyến giáo như vậy, giảng như vậy, đi đến
Rajagaha một cách an toàn.
Này Bà-la-môn, do nhân gì, do duyên gì, trong khi có mặt Rajagaha,
trong khi có mặt con đường đưa đến Rajagaha, trong khi có mặt Ông là người chỉ
đường, dầu cho Ông có khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một người lấy con
đường sai lạc, đi về hướng Tây, còn một người có thể đi đến Rajagaha một cách
an toàn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, ở đây, con làm gì được? Con chỉ là người
chỉ đường, thưa Tôn giả Gotama.
-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi
có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường.
Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số
chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này
Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường.
1032. Tán thán và quy y
Là một người trí thức, vị bà la môn đã nói lên suy nghĩ của mình
trước khi quy y Tam Bảo:
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggalana bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, đối với những người không phải vì lòng
tin, chỉ vì sinh kế, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, những người
xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, nói phô tạp
nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ
ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu
trong thối thất, từ bỏ gánh nặng viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất
niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; Tôn
giả Gotama không thể sống với những người như vậy.
Còn những Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình, không xảo trá, không lường gạt, không hư ngụy, không mất
thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không nói phô tạp nhạp, hộ trì các
căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm tỉnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn
kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ thối thất, đi đầu
trong viễn ly, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, an trú, tỉnh giác, định tĩnh,
nhứt tâm, có trí tuệ, không câm ngọng; Tôn giả Gotama sống hòa hợp với những vị
ấy.
Ví như Tôn giả Gotama, trong các loại căn hương, hắc chiên đàn
hương được gọi là tối thượng; trong các loại lõi cây hương, xích chiên đàn
hương được gọi là tối thượng; trong các loại hoa hương, vũ quý hương (jasmine) được
gọi là tối thượng. Cũng vậy là lời khuyến giáo của Tôn giả Gotama được xem là
cao nhất trong những lời khuyến giáo hiện nay.
Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa
Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày
những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào
trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được
Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả
Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ
tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Trong sự giáo dục thì thái độ của người thụ huấn có quan trọng thế nào? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. Chúng ta nên làm gì đối với hiện tượng những người "nổi loạn" vì không có khả năng hấp thụ hay tiến bộ trong sự đào tạo? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. TT Pháp Đăng
Thảo luận 5. TT Giác Đẳng chia sẻ về tình hình đại dịch
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment