Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 7/4/2020
Một trong những tín lý quan trọng của kinh điển Veda là nói về sự
thượng đẳng của giới bà la môn. Nhiều vị bà la môn đã đến hỏi Đức Phật về vấn đề
nầy vì Đức Thế Tôn là vị Đạo sư duy nhất không dạy con người cao quý hay thấp hèn
do giai cấp xã hội. Esukārı̄ là một bà la môn có địa
vị ở thành Savatthi đến hỏi Phật về sự phục vụ và tài sản theo quan niệm giai cấp.
Câu trả lời của Đức Phật khiến vị nầy phát tâm quy y Tam Bảo. Bài kinh nầy chứa
đựng những nét chính về quan điểm của Phật giáo trong đối với sự phân biệt giai
cấp.
974. Người phân biệt giai cấp hỏi về phân biệt giai cấp
Bà la môn Esukārı̄ đến gặp Đức Thế Tôn. Trong câu hỏi đầu tiên vị
nầy nói lên quan điểm về phụng sự theo chủ trương của bà la môn là chỉ có sự
phụng sự người thuộc giai cấp ngang bằng hay cao hơn (mới có công đức):
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá Vệ), rừng Jetavana (Kỳ-đà-lâm),
tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi Bà-la-môn Esukari đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế
Tôn những lời chào đón hỏi thăm, và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm
thân hữu, liền ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Esukari bạch
Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng
sự: chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn, chủ trương phụng sự cho Sát-đế-lỵ
(Khattiya), chủ trương phụng sự cho Phệ-xá (Vessa: người buôn bán), chủ trương
phụng sự cho Thủ-đà (Sudda: lao công). Ở đây, thưa Tổn giả Gotama, các
Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn như sau: Bà-la-môn phụng sự cho
Bà-la-môn; hay Khattiya phụng sự cho Bà-la-môn; hay Vessa phụng sự cho
Bà-la-môn, hay Sudda phụng sự cho Bà-la-môn. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các
Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Bà-la-môn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các
Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Khattiya như sau: Khattiya phụng sự cho
Khattiya; hay Vessa phụng sự cho Khattiya; hay Sudda phụng sự cho Khattiya. Như
vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Khattiya. Ở
đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Vessa như sau:
Vessa phụng sự cho Vessa; hay Sudda phụng sự cho Vessa. Như vậy, thưa Tôn giả
Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Vessa. Ở đây, thưa Tôn giả
Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Sudda như sau: Sudda phụng sự cho
Sudda. Vì rằng không còn ai khác có thể phụng sự cho Sudda. Như vậy, thưa Tôn
giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương phụng sự cho Sudda. Thưa Tôn giả Gotama,
các Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng sự này. Ở đây, Tôn giả Gotama có nói gì
về vấn đề này?
975. Những quan điểm áp đặt không nên nghĩ là chân lý
Đức Phật đã dạy rằng quan niệm phục vụ theo giai cấp của Bà la môn
chỉ là quan niệm cưỡng cầu:
-- Nhưng này các Bà-la-môn, có phải tất cả mọi người ở đời đồng ý
với các Bà-la-môn khi họ chủ trương bốn loại phụng sự này?
-- Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama.
-- Này Bà-la-môn, ví như một người nghèo nàn, không có sở hữu,
khốn khổ, dầu cho người đó không muốn, vẫn bị bắt nuốt miếng thịt: "Này
người kia, Ông phải ăn miếng thịt này và Ông phải trả một số tiền". Cũng
vậy, này Bà-la-môn, dầu không được các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chấp nhận, các
Bà-la-môn chủ trương bốn loại phụng sự này.
976. Sự phụng sự nào khiến con người tốt hơn thì nên làm
Đức Phật dạy rằng trọng điểm không phải là giai cấp mà là sự phụng
sự nào khiến bản thân tốt hơn thì nên làm, ngược lại thì không nên:
Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng, tất cả cần phải phụng sự. Nhưng
này Bà-la-môn, Ta cũng không nói rằng, tất cả không cần phải phụng sự. Vì rằng,
này Bà-la-môn, nếu có ai trong khi phụng sự, trở thành xấu hơn, không trở thành
tốt hơn, Ta không nói rằng, người đó cần phải phụng sự. Nhưng này Bà-la-môn ,
nếu có ai trong khi phụng sự, trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn. Ta
nói rằng, người đó cần phải phụng sự.
Và nếu này Bà-la-môn, có người hỏi vị Khattiya như sau:
"Người phụng sự cho Ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn,
không trở thành tốt hơn; hay người phụng sự cho Ông, do nguyên nhân phụng sự
này trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn? Và như vậy, Ông ở đây cần phải
được phụng sự bởi người nào?" Vị Khattiya, này Bà-la-môn, nếu trả lời chân
chánh cần phải đáp như sau: "Người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng
sự này trở thành xấu hơn, không tốt hơn, thì tôi không cần người ấy phụng sự
tôi. Nhưng nếu người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành
tốt hơn, không xấu hơn, thì tôi cần người ấy phụng sự tôi".
Và này Bà-la-môn , nếu có người hỏi Bà-la-môn ... Này Bà-la-môn ,
nếu có người hỏi Vessa... và này Bà-la-môn, nếu có người hỏi Sudda như sau:
"Người phụng sự cho ông, do nguyên nhân phụng sự này trở thành xấu hơn,
không trở thành tốt hơn; hay người phụng sự cho ông, do nguyên nhân phụng sự
này trở thành tốt hơn, không trở thành xấu hơn? Và như vậy, ông ở đây cần phải
được phụng sự bởi người nào?" Người Sudda, này Bà-la-môn, nếu trả lời chơn
chánh cần phải đáp như sau: "Người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng
sự này trở thành xấu hơn, không tốt hơn, thì tôi không cần người ấy phụng sự
tôi. Nhưng nếu người nào phụng sự tôi, do nguyên nhân phụng sự này trở thành
tốt hơn, không xấu hơn, thì tôi cần người ấy phụng sự tôi".
Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì sanh trong một gia đình cao
quý. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì sanh trong một gia đình cao quý.
Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì nhan sắc thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta
không nói xấu hơn vì nhan sắc thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói tốt hơn vì
tài sản thù thắng. Này Bà-la-môn, Ta không nói xấu hơn vì tài sản thù thắng.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người sanh trong một gia đình cao quý,
sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi,
nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến. Do vậy,
Ta không nói tốt hơn vì sanh trong một gia đình cao quý. Ở đây, này Bà-la-môn
có người sanh trong một gia đình cao quý từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không
cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ
nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm,
có chánh kiến. Do vậy, Ta không nói trở thành xấu hơn vì sanh trong gia đình
cao quý.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người với nhan sắc thù thắng... Ở đây,
này Bà-la-môn, có người với tài sản thù thắng, sát sanh, lấy của không cho...
có tà kiến. Do vậy, Ta không nói trở thành tốt hơn vì có tài sản thù thắng. Ở
đây, này Bà-la-môn, có người với tài sản thù thắng từ bỏ sát sanh... có chánh
kiến. Do vậy, Ta không nói trở thành xấu hơn vì có tài sản thù thắng.
Này Bà-la-môn, Ta không nói tất cả cần phải phụng sự. Nhưng này
Bà-la-môn, Ta cũng không nói tất cả không cần phải phụng sự. Này Bà-la-môn,
người nào phụng sự, do nguyên nhân phụng sự này, lòng tin được tăng trưởng,
giới được tăng trưởng, sự nghe được tăng trưởng, bố thí được tăng trưởng, trí
tuệ được tăng trưởng, Ta nói người ấy cần phải phụng sự.
977. Tài sản thật sự của con người
Bà la môn Esukārı̄ lại hỏi về quan điểm của bà la môn giáo về tài
sản y cứ trên quan niệm giai cấp. Câu trả lời của Bậc Đạo Sư khiến ông bất ngờ:
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương bốn loại tài sản,
chủ trương tài sản của người Bà-la-môn, chủ trương tài sản của người Khattiya,
chủ trương tài sản của người Vessa, chủ trương tài sản của người Sudda.
Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Bà-la-môn là khất thực. Nhưng khi người Bà-la-môn khinh thường tài sản khất
thực, người ấy không làm bổn phận của mình và giống như người chăn bò lấy của
không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Bà-la-môn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Khattiya là cung và tên. Nhưng khi người Khattiya khinh thường tài sản cung và
tên, người ấy không làm bổn phận của mình, và giống như người chăn bò lấy của
không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Khattiya. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản của
Vessa là canh nông và nuôi bò. Nhưng khi người Vessa khinh thường tài sản canh
nông và nuôi bò, người ấy không làm bổn phận của mình, và giống như người chăn
bò lấy của không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương
tài sản của Vessa. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn chủ trương tài sản
của Sudda là lưỡi liềm và đòn gánh. Nhưng khi người Sudda khinh thường tài sản
lưỡi liềm và đòn gánh, người ấy không làm bổn phận của mình và giống như người
chăn bò lấy của không cho. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn, chủ
trương tài sản của người Sudda. Các Bà-la-môn, thưa Tôn giả Gotama, chủ trương
bốn loại tài sản này. Ở đây, Tôn giả Gotama nói gì về vấn đề này?
Này Bà-la-môn, Ta chủ trương tài sản cho con người là Thánh pháp
vô thượng. Trong khi nhớ đến gia hệ thuở xưa của mình về phía cha và mẹ, chỗ
nào một tự thể sanh ra, thời sẽ được chấp nhận tùy thuộc chỗ ấy. Nếu tự thể
được sanh ra trong một gia đình Khattiya, thời được chấp nhận là Khattiya. Nếu
tự thể được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn , thời được chấp nhận là
Bà-la-môn. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Vessa, thời được chấp
nhận là Vessa. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Sudda, thời được chấp
nhận là Sudda. Này Bà-la-môn, như tùy thuộc duyên gì một ngọn lửa được đốt lên,
thời ngọn lửa được chấp nhận theo duyên ấy. Nếu do duyên củi, một ngọn lửa được
đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa củi. Nếu do duyên dăm bào, một
ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa dăm bào. Nếu do
duyên cỏ, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp nhận là lửa cỏ.
Nếu do duyên phân bò, một ngọn lửa được đốt lên, thời ngọn lửa ấy được chấp
nhận là lửa phân bò. Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta chủ trương tài sản cho con
người là Thánh pháp vô thượng. Trong khi nhớ đến gia hệ thuở xưa của mình về
phía cha và mẹ, chỗ nào một tự thể sanh ra, thời sẽ được chấp nhận tùy thuộc
chỗ ấy. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Khattiya, thời được chấp
nhận là Khattiya. Nếu tự thể được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn... trong
một gia đình Vessa... trong một gia đình Sudda, thời được chấp nhận là Sudda.
Nhưng này Bà-la-môn, nếu một người từ một gia đình Khattiya xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình nhờ Pháp và Luật được Như Lai tuyên
thuyết, người ấy từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong
các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời
phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, người ấy thành
tựu chánh đạo, thiện pháp.
Này Bà-la-môn, nếu một người từ một gia đình Bà-la-môn... từ một
gia đình Vessa... từ một gia đình Sudda xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình, nhờ Pháp và Luật được Như Lai tuyên thuyết, người ấy từ bỏ sát sanh,
từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, người ấy thành tựu chánh đạo, thiện
pháp.
978. Hành thiện, tu tập không phải là đặc quyền của một giai cấp
nào
Này Bà-la-môn, ông nghĩ thế nào? Trong lập trường này, chỉ có
người Bà-la-môn mới có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân; người Khattiya
không có thể được, người Vessa không có thể được, người Sudda không có thể
được?
-- Thưa không phải vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya, thưa Tôn
giả Gotama, cũng có thể trong lập trường này, tu tập từ tâm, không hận, không
sân. Người Bà-la-môn cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Vessa cũng vậy, thưa
Tôn giả Gotama; người Sudda cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp,
thưa Tôn giả Gotama, trong lập trường này đều có thể tu tập từ tâm, không hận,
không sân.
-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Khattiya,
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy nhờ Pháp và Luật do Như
Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy thành tựu chánh
đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có người Bà-la-môn mới có
thể lấy cào lưng và bột tắm, đi đến sông, và tắm rửa cho sạch đất và bụi; người
Khattiya không thể được; người Vessa không thể được; người Sudda không thể
được?
-- Thưa không phải vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya, thưa Tôn
giả Gotama, cũng có thể lấy cào lưng và bột tắm, đi đến sông và tắm rửa cho
sạch đất và bụi, người Bà-la-môn cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Vessa
cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama; người Sudda cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama. Tất
cả bốn giai cấp, thưa Tôn giả Gotama, đều có thể lấy cào lưng và bột tắm đi đến
sông và tắm rửa cho sạch đất và bụi.
-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu từ một gia đình Khattiya, có người
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người này nhờ Pháp và Luật do
Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là
thành tựu chánh đạo, thiện pháp. Này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình
Bà-la-môn; này Bà-la-môn, nếu một người từ gia đình Vessa; này Bà-la-môn, nếu
một người từ gia đình Sudda, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,
người ấy nhờ Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, từ bỏ sát sanh... có chánh
kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện pháp.
Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có vị vua Khattiya đã
làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau
và nói: "Quý vị hãy đến đây, quý vị nào thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia
đình Bà-la-môn, sanh ra từ hoàng tộc, hãy đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa,
bằng cây saka, hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen,
quay cho bật lửa và sức nóng hiện ra. Còn những người thuộc gia đình
Chiên-đà-la (hạ tiện), thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc
gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, hãy đến đây, đem đến bộ phận trên
của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay
củi khô từ cây y-la (elanda: cây thu đủ thầu dầu), và quay cho bật lửa và sức
nóng hiện ra". Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ có ngọn lửa
được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc
gia đình Bà-la-môn, sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận của đồ quay lửa,
làm bằng cây saka, hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây
sen, chỉ có lửa ấy mới có ngọn, mới có màu sắc, mới có ánh sáng, và chỉ có ngọn
lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem lại; còn ngọn lửa được nhen
lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn
bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ
phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay
máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy không có ngọn,
không có màu sắc, không có ánh sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các
công việc do lửa đem lại?
-- Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được nhen lên,
sức nóng được tạo ra, thưa Tôn giả Gotama, từ người thuộc gia đình Khattiya,
thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của
đồ quay lửa, làm bằng cây saka hay cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn,
hay cây sen, ngọn lửa ấy có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, ngọn lửa ấy dùng
được vào các công việc do lửa đem lại; còn ngọn lửa được nhen lên, và sức nóng
tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình
làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, sau khi đem đến
bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay
máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy cũng có ngọn, cũng có màu sắc,
cũng có ánh sáng, và ngọn lửa ấy có thể dùng được vào các công việc do lửa đem
lại. Thưa Tôn giả Gotama, tất cả ngọn lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có
ánh sáng, tất cả loại lửa đều có thể dùng được vào các công việc do lửa đem
lại.
-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu có người từ gia đình Khattiya xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhờ Pháp và Luật do Như Lai tuyên
thuyết, người ấy từ bỏ sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành
tựu chánh đạo, thiện pháp. Nếu có người từ gia đình Bà-la-môn... Nếu có người
từ gia đình Vessa... Nếu có người từ gia đình Sudda, xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình, nhờ Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, người ấy từ bỏ
sát sanh... có chánh kiến, người ấy được xem là thành tựu chánh đạo, thiện
pháp.
979. Quy y Tam Bảo
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Esukari bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, tôn
giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những
gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị
lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc;
cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải
thích. Thưa Tôn giả Gotama, nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy
y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến
mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Xin giảng rõ ý nghĩa câu Phật ngôn: Này bà la môn, ta chủ trương tài sản dành cho con người là thánh pháp tối thượng (Ariyam kho aham bràhmana lokuttaram dhammam pruisassa sandhanam pannàpemi) - TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Người thuộc giai cấp cao có thể từ bỏ ý niệm phân biệt nhưng đối với người trong giới bần hàn cùng khổ thì từ bỏ quan niệm phân biệt giai cấp thế nào? Có cần tranh đấu để bình đẳng? - TT Pháp Tân
Thảo luận 2. Tại sao có những bậc thánh trong kiếp sau cùng dù ba la mật đã đầy đủ nhưng vẫn có nhiều khiếm khuyết như sanh trong giai cấp nghèo khổ, ngoại hình thô xấu…?. - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. TT Giác Đẳng chia sẻ về bệnh đại dịch
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment